1. Án tuyên thánh cho vị thẩm phán bị mafia giết 30 năm trước

Ba mươi năm trước, Thẩm phán Rosario Livatino đã bị mafia giết hại dã man trên đường đến làm việc tại một tòa án ở Sicily. Ngày nay, trong Giáo Hội Công Giáo, ngài được công nhận là một vị Tôi tớ Chúa và án tuyên thánh cho ngài đang được xúc tiến.

Trước khi bị giết vào ngày 21 tháng 9 năm 1990, ở tuổi 37, Livatino đã nói với tư cách là một luật sư trẻ về sự giao thoa giữa luật pháp và đức tin như sau:

“Nhiệm vụ của thẩm phán là quyết định; tuy nhiên, quyết định cũng là lựa chọn... Và chính trong việc lựa chọn để quyết định này, trong việc quyết định sao cho mọi thứ được sắp xếp theo trật tự, mà thẩm phán tin tưởng có thể tìm thấy mối quan hệ với Thiên Chúa. Đó là một mối quan hệ trực tiếp, bởi vì cầm cân nảy mực công lý là nhận thức chính mình, cầu nguyện, và hiến mình cho Thiên Chúa. Đó là một mối quan hệ gián tiếp, được trung gian bởi tình yêu đối với người bị phán xét,” Livatino nói tại một hội nghị năm 1986.

“Tuy nhiên, người tin và người không tin, trong giờ phút phán xét, phải gạt bỏ mọi sự phù phiếm và trên hết là sự kiêu ngạo; họ phải cảm thấy toàn bộ sức nặng của quyền lực được giao phó vào tay họ, một sức nặng lớn hơn tất cả vì quyền lực này đang được thực hiện trong quyền tự do và tự chủ. Và nhiệm vụ này sẽ nhẹ hơn khi thẩm phán khiêm tốn nhận ra điểm yếu của chính mình,” ông nói.

Niềm tin của Livatino về thiên chức của mình trong nghề luật sư và sự dấn thân cho công lý đã được thử thách vào thời điểm mafia tìm cách làm suy yếu nền tư pháp yếu kém ở Sicily.

Trong suốt một thập kỷ, ông làm công tố viên giải quyết hoạt động tội phạm của mafia trong những năm 1980 và đối mặt với cái mà người Ý sau này gọi là “Tangentopoli”, hay hệ thống hối lộ và thảm sát nếu không nhận hối lộ của Mafia.

Livatino đã làm thẩm phán tại Tòa án Agrigento trong suốt thập niên 1989. Ngày 21 tháng 9 năm 1990, anh ta đang lái xe về phía tòa án Agrigento thì bị một chiếc xe khác tông vào, khiến xe anh ta văng vào lề đường. Anh mở cửa xe tháo chạy vào một cánh đồng, nhưng bị các tay sát thủ bắn vào lưng và sau đó bị bắn thêm nhiều nhát nữa khi đã ngã quỵ.

Sau khi anh qua đời, người ta tìm thấy một cuốn Kinh thánh với đầy ký hiệu trên bàn làm việc của anh, nơi anh luôn giữ một cây thánh giá.

Trong chuyến thăm mục vụ đến Sicily vào năm 1993, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gọi Livatino là “vị tử đạo vì công lý và gián tiếp vì đức tin”.

Đức Hồng Y Francesco Montenegro, Tổng Giám Mục đương nhiệm của Agrigento, nói với truyền thông Ý nhân kỷ niệm 30 năm ngày Livatino qua đời rằng vị thẩm phán đã cống hiến “không chỉ cho sự nghiệp công lý của con người, mà còn cho đức tin Kitô giáo.”

“Sức mạnh của đức tin này là nền tảng của cuộc đời ngài với tư cách là một người cầm cân nảy mực công lý,” vị Hồng Y nói với hãng tin SIR của Ý vào ngày 21 tháng 9.

“Livatino bị giết bởi vì anh ta đang truy tố các băng đảng mafia bằng cách ngăn chặn hoạt động tội phạm của chúng. Anh ấy đã thực hiện sứ vụ của mình với tinh thần công lý mạnh mẽ xuất phát từ đức tin.”


Source:Catholic News Agency

2. Ðức Thánh Cha và các giám mục Tây Ban Nha âu lo về dự luật hợp pháp hóa “cái chết êm dịu”.

Hôm 19 tháng 9, trong buổi gặp gỡ những vị đứng đầu Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha, Ðức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ quan ngại về một dự luật hợp pháp hóa “cái chết êm dịu”, an tử, sắp được Thượng viện Tây Ban Nha thảo luận.

Cuộc gặp gỡ giữa Ðức Thánh Cha Phanxicô và các Giám Mục Tây Ban Nha - trong đó có Ðức Hồng Y Juan Jose Omella, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục; Ðức Hồng Y Carlos Osoro, Tổng Giám Mục Madrid và Phó Chủ tịch, và Ðức Cha Luis Arguello, Giám Mục Phụ Tá của Valladolid, kéo dài hơn một giờ.

Sau buổi yết kiến Ðức Thánh Cha, Ðức Hồng Y Omella của Barcelona nói với các nhà báo: “Dự luật hợp pháp hóa trợ tử là một vấn đề khiến Ðức Giáo Hoàng lo lắng.Tôi tin rằng đó không chỉ là về việc chết hay không chết, mà còn là về nỗi đau và sự đồng hành. Khi một người được điều trị giảm đau và cảm thấy được gia đình và các chuyên gia đồng hành, người ta muốn sống.”

Ðức Hồng Y Omella cho biết Ðức Thánh Cha quan tâm về việc bảo vệ mọi sự sống: “Vấn đề sự sống không chỉ của những người tị nạn, nó là vấn đề của đứa trẻ từ khi ở trong bụng mẹ cho đến khi chết; nó là vấn đề rất đáng quan tâm.”

Thượng viện Tây Ban Nha đang chuẩn bị thảo luận về vấn đề an tử. Hồi đầu tháng này, các Giám Mục Tây Ban Nha đã đưa ra một tuyên bố gọi đây là “sự thất bại đối với phẩm giá con người” và cho rằng việc hợp pháp hóa trợ giúp tự tử sẽ khẳng định một quan điểm sống ích kỷ, xem cái chết là một giải pháp cho các vấn đề.

Nếu dự luật được thông qua, Tây Ban Nha sẽ trở thành quốc gia thứ tư ở Âu châu, sau Bỉ, Hà Lan và Luxembourg, hợp pháp hóa việc trợ tử. Nước Ý đã không hợp pháp hóa việc này, nhưng vào năm ngoái, tòa án cấp cao của nước này đã ra phán quyết rằng trong những trường hợp “đau khổ về thể chất và tâm lý không thể chịu đựng được” thì việc trợ tử không bị xem là vi phạm pháp luật.

Dự luật của Tây Ban Nha sẽ cho phép người lớn mắc bệnh nan y hoặc những người bị khuyết tật được yêu cầu trợ tử trong hệ thống y tế công cộng. Hiện nay, một người bị phát hiện có liên quan trực tiếp đến cái chết của ai đó thông qua việc trợ tử có thể phải đối mặt với cáo buộc giết người và bị kết án đến 10 năm tù.


Source:The Tablet

3. Thư của Bộ Giáo Lý Đức Tin về việc săn sóc người ở cuối đời.

Bộ Giáo Lý Đức Tin vừa công bố Thư tựa đề “Samaritanus bonus”, nghĩa là “Người Samaritano nhân lành”, về việc chăm sóc những người đang trong giai đoạn nguy kịch và cuối đời.

Văn kiện này được trình bày trong cuộc họp báo lúc 11 giờ 30 sáng, thứ Ba, 22 tháng 9, do Ðức Hồng Y Luis Francisco Ladaria, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, chủ tọa.

Hiện diện trong cuộc họp báo, còn có Ðức Tổng giám mục Giacomo Morandi, Tổng thư ký của Bộ, nữ giáo sư Gabriella Gambino, Phó Tổng thư ký Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, và giáo sư Adriano Pessina, thành viên Ban điều hành Hàn Lâm viện Tòa Thánh về sự sống.

Hiện nay nhiều nước đã và đang tiến hành việc ban hành luật cho phép trợ tử, cho kết liễu mạng sống người bệnh ở giai đoạn cuối đời, như tại Bỉ, Hòa Lan, Pháp, Ðức, Úc Đại Lợi và New Zealand hay còn gọi là Tân Tây Lan.


Source:Holy See Press Office

4. Một linh mục tại Trung Quốc bị công an bắt cóc được trả tự do nhưng một giám mục vẫn đang bị giam.

asia

Sau 17 ngày bị các nhân viên Ban Tôn giáo thuộc giáo phận Mân Ðông (Mindong - 闽东话), tỉnh Phúc Kiến (Fujian - 福建) bắt cóc để buộc phải gia nhập Hội Công Giáo yêu nước Trung Quốc, một linh mục thuộc Giáo Hội Công Giáo thầm lặng đã được trả tự do, lúc 6 giờ 30 chiều, ngày 17 tháng 9 năm 2020, và trở về giáo xứ.

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, truyền đi ngày 18 tháng 9 năm 2020 cho biết, đó là cha Lưu Mậu Xuân (Liu Maochun - 刘宝春), 46 tuổi. Cha thuộc vào số ít nhất 20 linh mục hầm trú tại giáo phận Mân Ðông, không chịu tham gia Giáo hội độc lập tùng phục đảng cộng sản Trung Quốc. Tất cả các linh mục này đều chịu những sức ép và các biện pháp chế tài để các vị phải ký tên gia nhập Hội Công Giáo yêu nước.

Cha Lưu Mậu Xuân đã từng bị cầm tù nhiều lần trước đây và chịu các biện pháp tẩy não của nhà nước để dụ gia nhập hội này.

Trong khi đó, Ðức Cha Giulio Giả Chí Quốc (Jia Zhiguo - 贾之国), giám mục hầm trú của giáo phận Chánh Ðịnh (Zhengding - 正鼎), tỉnh Hà Bắc (Hebei - 河北), bị Ban Tôn giáo tỉnh giam cầm từ hơn một tháng nay. Một số tin nói rằng Ðức Cha bị bắt đi ngày 15 tháng 8 năm 2020 tham gia khóa cải tạo để chấp nhận chính sách của Hội Công Giáo yêu nước. Hội này là một cơ quan của nhà nước nhắm kiểm soát đời sống Giáo hội tại Trung Quốc, với mục đích kiến tạo một Giáo hội nhà nước, độc lập với Tòa Thánh.

Ðức Cha Giulio Quốc đã cách chức một linh mục trong giáo phận thuộc quyền vì đăng ký nhập hội yêu nước, vì thế giới hữu trách hội này đòi Ðức Cha phải phục hồi chức vụ cho linh mục ấy.

Ðức Cha Giả Chí Quốc cũng được biết đến nhiều tại Trung Quốc vì những hoạt động của ngài bênh vực và giúp đỡ các trẻ em bị bỏ rơi. Ngài thành lập một cô nhi viện mà nhà nước liên tục đe dọa đóng cửa viện này.


Source:Asia News

5. Caritas Quốc tế kêu gọi chấm dứt chiến tranh trên toàn thế giới.

Nhân Ngày Quốc tế Hòa bình được cử hành vào ngày 21 tháng 9, tổ chức bác ái của Tòa Thánh kêu gọi “chấm dứt chiến tranh và bạo lực trên toàn thế giới” và “cổ võ đối thoại để tìm ra một giải pháp chính trị cho tất cả các cuộc xung đột”.

Ngày Quốc tế Hòa binh được Ðại Hội đồng Liên Hiệp quốc thành lập vào ngày 30 tháng 11 năm 1981.

Trong một tuyên bố, tổ chức Caritas Quốc tế kêu gọi bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Syria, vốn làm trầm trọng thêm cuộc xung đột, và khuyến khích các nhà lãnh đạo chính trị ngồi vào bàn đàm phán. Tổ chức cũng kêu gọi “thăng tiến hòa bình ở các khu vực xung đột và đảm bảo rằng các khoản viện trợ phát triển quốc tế” bắt đầu từ “các cộng đồng địa phương” bằng cách tạo ra các cơ hội giáo dục và việc làm, đặc biệt cho những người trẻ có nguy cơ bị các nhóm vũ trang và dân quân tuyển dụng. Cuối cùng, tổ chức kêu gọi “ủng hộ sự dấn thân của các nhà lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng tôn giáo trong việc thúc đẩy đối thoại liên tôn”.

Caritas Quốc tế nhấn mạnh rằng “ngày nay, do chiến tranh và bạo lực, vẫn còn hàng triệu người không thể sống xứng nhân phẩm”, “chết vì xung đột và bạo lực do sự ích kỷ, tham lam, tham nhũng, kỳ thị tôn giáo, sắc tộc và khai thác tài nguyên thiên nhiên bất hợp pháp.” Tổ chức khẳng định rằng hòa bình là “một nền văn hóa cần được vun đắp, chia sẻ và chung sống ở mọi tầng lớp trong xã hội”. Tổ chức cam kết thúc đẩy hòa bình thông qua việc xây dựng các cộng đồng địa phương, những cộng đồng sống tình huynh đệ thông qua đối thoại và chia sẻ” và “cũng tìm thấy nguồn cảm hứng sâu sắc trong thông điệp Phát triển các Dân tộc, trong đó Ðức Phaolô VI khẳng định rằng 'phát triển là tên gọi mới của hòa bình'“.

Tổ chức bác ái Công Giáo còn nhấn mạnh rằng trong thời gian đại dịch cho chúng ta thấy sự yếu đuối của sự sống con người và liên kết nhân loại để đối phó với virus, chúng ta phải chiến đấu chống mọi hình thức chia rẽ và thù hận, và hành động chống lại sự ngờ vực và sợ hãi làm suy yếu các mối quan hệ và tăng nguy cơ bạo lực.


Source:Vatican News