1. Đức Thánh Cha cầu nguyện cho linh mục người Ý bị giết và được nhớ đến như một ‘vị tử vì đạo’
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự đau buồn của mình sau vụ sát hại một linh mục người Ý, là người được nhớ đến vì sự quan tâm và chăm sóc của ngài đối với những người di cư và tị nạn.
Trước khi kết thúc buổi tiếp kiến chung hàng tuần của mình hôm 16 tháng 9, Đức Thánh Cha đã yêu cầu các tín hữu cầu nguyện trong im lặng cho Cha Roberto Malgesini, một linh mục thuộc Giáo phận Como, đã bị giết vào ngày 15 tháng 9.
Theo Avvenire, nhật báo của Hội Đồng Giám Mục Ý, Cha Malgesini, 51 tuổi, đã bị đâm chết bởi một người đàn ông vô gia cư bị bệnh tâm thần mà ngài đang giúp đỡ.
Ngay sau khi thi thể của linh mục được tìm thấy, Đức Cha Oscar Cantoni đã đến hiện trường và làm phép cho thi thể của vị linh mục quá cố trước khi được chính quyền đưa đi. Trong một tuyên bố được đưa ra vào cuối ngày hôm đó, Đức Cha Cantoni nói rằng Cha Malgesini là một “vị tử đạo của lòng bác ái.”
Nhắc lại tình cảm của Đức Cha Cantoni với Cha Malgesini, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài hiệp nhất “trong nỗi buồn và lời cầu nguyện với gia đình của Cha Malgesini và cộng đoàn giáo phận Como”.
“Tôi cảm ơn vì chứng tá tử đạo - về chứng từ bác ái đối với những người nghèo nhất này. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng cho Cha Roberto và tất cả các linh mục, các nữ tu, anh chị em giáo dân nam nữ, những người làm việc với những người nghèo khó, những người bị xã hội vứt bỏ,” Đức Thánh Cha nói.
Tờ Avvenire báo cáo rằng một số tình nguyện viên và những người di cư được Cha Malgesini giúp đỡ là những người đầu tiên tìm thấy thi thể của ngài trên đường phố. Thi thể của vị linh mục bị giết đã được đưa đi trong nước mắt và những tràng pháo tay từ những người mà ngài đã giúp đỡ, nhiều người trong số họ nhớ lại cách vị linh mục đã giúp họ trong lúc họ túng quẫn nhất.
“Ngài giống như một người cha đối với tôi; Khi tôi đến từ Romania, một mình, không có nhà hay nơi làm việc, ngài là người đầu tiên giúp đỡ tôi”, Gabriel Nastase nói với Avvenire ngày 15 tháng 9.
“Tôi đã tìm được một công việc sau đó, nhưng tôi luôn giữ liên lạc với ngài. Nếu tôi cần thuốc, nếu tôi cần người đi cùng khi đi khám bệnh, tôi sẽ gọi cho ngài. Ngài không đáng phải chết như vậy”.
Trong một tuyên bố được công bố ngày 15 tháng 9, Hội đồng Giám mục Ý đã gửi lời chia buồn tới giáo phận Como.
Hội Đồng Giám Mục Ý nói “Cha Malgesini là một 'vị thánh bên cạnh' chúng ta vì sự giản dị của ngài, tình yêu mà ngài dành cho mọi người, sự đánh giá cao mà ngài nhận được từ rất nhiều người - kể cả những người ngoại đạo hay không có niềm tin Kitô - và vì sự giúp đỡ trong tình huynh đệ và sự hỗ trợ mà ngài muốn dành cho mọi người.”
Source:UCANews
2. Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã được xuất viện vào hôm thứ Năm.
Các nguồn tin thân cận với thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng danh dự Benedict XVI nói với CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, rằng ngài đã “khoẻ hơn và đã xuất viện.”
Đức Tổng Giám Mục Gänswein, 64 tuổi, cảm ơn những người đã cầu nguyện cho sự bình phục của ngài, và nói: “Xin Chúa trả công bội hậu cho anh chị em vì đã cầu nguyện cho tôi”.
Đức Tổng Giám Mục Gänswein vừa là thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, vừa phụ trách phủ Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô đã phải nhập viện vì đau thận vào ngày 11 tháng 9. CNA Deutsch báo cáo rằng ngài đã rời bệnh viện vào ngày 17 tháng 9 và trở về Vatican.
Đức Tổng Giám Mục Gänswein sinh tại Riedern am Wald, bên Đức vào năm 1956. Năm 1995, 11 năm sau khi được thụ phong, ngài được triệu sang Giáo triều Rôma, phục vụ đầu tiên tại Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích và sau đó tại Bộ Giáo lý Đức tin. Năm 2003, ngài trở thành thư ký riêng của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, sau này trở thành Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI.
Ngài được bổ nhiệm làm người đứng đầu phủ giáo hoàng vào năm 2012, và tiếp tục đảm nhiệm vai trò này sau khi Đức Bênêđíctô XVI từ chức và Đức Giáo Hoàng Phanxicô được bầu sau đó.
Đầu năm nay, ngài đã cho ra mắt một cuốn sách có tựa đề “Làm thế nào Giáo Hội Công Giáo có thể khôi phục nền văn hóa của chúng ta”, trong đó thu thập các cuộc phỏng vấn, các bài thuyết trình và các bài viết của mình. Cuốn sách được xuất bản bằng tiếng Anh vào ngày 15 tháng 4 bởi Nhà xuất bản EWTN.
“Tin Mừng được Chúa Kitô mạc khải không thay đổi theo thời gian, nhưng có tác dụng thanh tẩy xã hội chúng ta nếu chúng ta cố gắng loan báo và sống theo lời Ngài ‘lúc thịnh vượng cũng như lúc gian truân’ như lời của Thánh Phaolô,” Đức Tổng Giám Mục Ganswein nói trong một cuộc phỏng vấn với ACI Stampa, đối tác tin tức tiếng Ý của CNA.
Source:Catholic News Agency
3. Tòa Sứ thần Tòa Thánh tại Ðức chống lại yêu cầu đổi tên con đường mang tên Ðức Giáo Hoàng Piô XII.
Ðức Giáo Hoàng Piô XII (1939-1958), tục danh là Eugenio Pacelli, đã từng làm Sứ thần Tòa Thánh tại Ðức, từ năm 1920 đến 1929. Hôm 12 tháng 9 năm 2020, người ta được biết hai sử gia ở Berlin là Ralf Balke và Julian Reitzenstein đã yêu cầu chính quyền thành phố này đổi tên đường “Pacelliallee”, ở khu vực Dahlem thành tên của bà Golda-Meir-Allee, nữ thủ tướng duy nhất của Israel. Hai sử gia ấy cho rằng Ðức Giáo Hoàng Piô đã không phản đối gì về việc Ðức Quốc xã phát lưu những người Do Thái ở Italia. Ðề nghị của hai sử gia này được sự ủng hộ của ông Felix Klein, là người đặc trách của chính phủ Ðức về vấn đề bài Do Thái.
Trước tình trạng trên đây, Tòa Sứ thần Tòa Thánh tại Ðức đã ra thông cáo nói rằng: “Những lời cáo buộc chống Ðức Giáo Hoàng Piô XII là điều người ta đã biết từ lâu và chúng đã tạo nên một chiến dịch. Cần phải chống lại những điều đó. Thật là điều đáng nghi ngờ và không nghiêm túc, khi yêu cầu không một đường phố nào ở Berlin được mang tên Eugenio Pacelli”.
Tòa Sứ thần nhắc lại lời tuyên bố của chính bà thủ tướng Golda Meir, sau khi Ðức Giáo Hoàng Piô XII qua đời. Bà ca ngợi ngài là người “đã lên tiếng trong giờ phút đau thương và bách hại đối với dân tộc chúng tôi”.
Mặt khác, nhà giáo sử và là chuyên gia về Ðức Giáo Hoàng Piô XII, giáo sư Hubert Wolf tuyên bố trên đài phát thanh Domradio, ở thành phố Köln, chống lại yêu cầu đổi tên đường Pacelliallee trong thời điểm này. Lý do vì từ tháng Ba năm nay, các sử gia thế giới được tham khảo các tài liệu về triều đại Ðức Giáo Hoàng Piô XII trong Văn khố Vatican. “Nay người ta có thể đặt mọi câu hỏi về vị Giáo hoàng này. Lúc này cần kiên nhẫn và nói “Chúng ta hãy làm sáng tỏ một lần những vấn đề lịch sử bằng những nguồn mạch hẳn hoi. Nếu đã xảy ra những gì như người ta nói, khi ấy ta có thể tái đưa ra đề nghị”.
Source:Abendblatt