Trong bài chia sẻ Lời Chúa, ĐHY Turkson nhắc đến mục đích của thủ tục phong Chân phước và Hiển thánh là tuyên xưng vào sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Các vị Tôi tớ Chúa trong thủ tục phong Chân phước và Hiển thánh là những người đã tuyên xưng trong cuộc đời của họ về niềm tin vào Đức Kitô đã chịu chết và đã phục sinh. Trong thư thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô, ngài nhắc đến việc Đức Ki-tô đã thực sự từ cõi chết trỗi dậy vì “nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng”. Chúa Kitô đã chết cho mọi người và đem lại sự sống lại cho mọi người. Chúa Giêsu đã với các môn đệ: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: Vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con… Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: Vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Giáo hội cử hành thánh lễ để tưởng niệm Chúa đã chết và sống lại.
ĐHY nhắc đến hai biến cố quan trọng trong Kinh Thánh: sáng tạo và cứu chuộc. Thân xác con người là bụi tro nên phải trở về tro bụi. Tuy nhiên, linh hồn của người là hình ảnh Thiên Chúa nên linh hồn không bị hủy diệt, mong chờ hường vinh quang với Thiên Chúa. Sự sống lại của Chúa Kitô thay đổi số phận con người và đem lại cho con người niềm hy vọng được sống lại. Trọng tâm của thánh lễ là loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến. Các tín hữu hiệp nhất với Chúa Kiô trong sự chết thì cũng trông mong sự sống lại với Người. Trước khi kết thúc thánh lễ, Cha Paul Vũ, đại diện cộng đoàn Việt Nam tại Roma cám ơn các Đức Hồng Y, các Linh mục, các Tu sĩ và tất cả Giáo dân đã tham dự lễ giỗ lần thứ 18 của ĐHY Nguyễn Văn Thuận. Sau phép lành cuối lễ, cộng đoàn cùng đọc kinh xin ơn với Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Nhiều người ở lại uống nước và ăn bánh tại Palazzo San Calisto để chia sẻ tình liên đới huynh đệ với nhau qua ĐHY Nguyễn Văn Thuận, chứng nhân của hy vọng.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP