Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Quyết Định Của Giám Mục Có Nền Tảng Hợp Lý

HỎI: Huấn thị Bí Tích Cứu Độ (Redemptionis Sacramentum) rõ ràng nói rằng người rước Mình Thánh có quyền nhận Mình Thánh trên lưỡi hay trên tay. Linh mục hay ngay cả giám mục không thể từ chối quyền này. Trong cơn đại dịch, ở nhiều giáo xứ, các linh mục đã từ chối việc rước lễ trên lưỡi và bắt buộc người ra chỉ nhận Mình Thánh trên tay. Con đọc thấy nhiều thư luân lưu của các giám mục của các giáo phận khác nhau nói rằng Mình Thánh chỉ được phân phát trên tay. Con cũng xem các vi-đê-ô nói rằng giám mục không thể tạm treo quyền này [nhận Mình Thánh trên lưỡi] mà chỉ giáo hoàng mới có thể làm nhu thế. Đức Giáo Hoàng có tạm treo quyền này đối với người tín hữu trong cơn đại dịch không? - M.L., Bengaluru, Karnataka state, India


TRẢ LỜI: Văn bàn mà vị độc giả của chúng ta nói đến là như sau:

Số 92. Mặc dù mỗi người tín hữu luôn có quyền chọn lựa nhận Mình Thánh trên lưỡi, nếu người rước lễ muốn nhận Mình Thánh trên tay trong các khu vực mà Hội Đồng Giám Mục đã cho phép với sự công nhận của Tông Tòa, thì Mình Thánh phải được trao cho người ấy. Tuy nhiên phải chú ý đặc biệt để bảo đảm rằng Mình Thánh được người rước lễ tiêu thụ trước sự hiện diện của thừa tác viên. Nếu có nguy cơ phạm thánh thì Mình Thánh không nên được trao vào tay của người tín hữu.

Có thể hiểu được rằng một người Công Giáo cả đời thực hành việc nhận Mình Thánh trên lưỡi có thể thấy cực kỳ khó khăn khi đón nhận mệnh lệnh chỉ nhận Mình Thánh trên tay của vị giám mục.

Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là một mệnh lệnh như thế có vượt quá thẩm quyền của giám mục không và chúng ta phải giải đáp vấn đề này cách rõ ràng.

Trước tiên một nguyên tắc bao quát liên quan đến thẩm quyền của giám mục trên phụng vụ là giám mục không nên cấm cái gì được phép và không nên cho phép cái gỉ bị cấm. Có thể có một số ngoại lệ chính xác cho nguyên tắc này dựa trên thầm quyền chung của giám mục được miễn trừ các các luật chung và riêng về kỷ luật không dành riêng cho Tòa Thánh (Giáo luật số 87).

Về phụng vụ, Giáo luật cũng nói:

Giáo luật số 838. §1 — Việc giám sát phụng vụ thánh chỉ thuộc về thẩm quyền của Giáo hội, nằm ở Tông Tòa, và phù hợp với luật, ở giám mục giáo phận …

§ 4 Trong giới hạn thẩm quyền của mình, giám mục giáo phận có quyền đặt ra trong giáo hội được giao phó cho ngài chăm sóc các quy định phụng vụ bắt buộc với mọi người.

Nguyên tắc tổng quát này cũng tìm thấy trong Huấn Thị Bí Tích Cứu Độ, là chính tài liệu mà vị độc giả trưng dẫn:

Số 21. Vậy giám mục giáo phận trực tiếp có quyền, ‘trong giới hạn thẩm quyền của mình, đặt ra các quy tắc phụng vụ trong giáo phận của mình mà mọi người phải tuân giữ.’ Nhưng vị giám mục phải cẩn thận không được cho phép lấy đi sự tự do được các quy tắc trong các sách phụng vụ tiên liệu để việc cử hành có thể được thích nghi cách thông minh với ngôi nhà thờ, hay với nhóm tín hữu hiện diện, hay với các hoàn cảnh mục vụ đặc thù, theo cách để cho nghi lễ thánh phổ quát thực sự được thích nghi với sự hiểu biết con người.

Bây giờ các luật chung như huấn thị ở trên được công thức hóa cho hoàn cảnh bình thường, và rõ ràng là một giám mục không có quyền giới hạn quyền đón nhận Mình Thánh trên lưỡi của người tín hữu trong những hoàn cảnh mục vụ thông thường.

Tuy nhiên không rõ ràng lắm về việc giám mục không có quyền giới hạn việc chịu Mình Thánh trên lưỡi như một biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm tránh sự lan truyền dịch bệnh và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

Năm nay cho thấy các giám mục riêng lẻ và các hội đồng giám mục có hành động quyết liệt hơn. Trên khắp thế giới, chúng ta thấy việc hủy bỏ mọi thánh lễ công cộng trong nhiều tháng, và đây vẫn còn là một thực tại ở một số quốc gia. Trong các quốc gia khác, con số tín hữu có thể tham dự thánh lễ bị giới hạn và chỉ khi tuân thủ các quy định y tế nghiêm nhặt.

Việc tham dự Thánh lễ Chúa Nhật có luật buộc cao hơn là cách thức đón nhận Mình Thánh. Như thế, nếu không nghi ngờ gì rằng thẩm quyền giám mục có thể miễn trừ cho đoàn chiên khỏi nghĩa vụ long trọng này, thì tôi nghĩ chắc chắn là nằm trong phãm vi của ngài để tạm thời ngưng một luật chung như quyền đón nhận Mình Thánh trên lưỡi vì lợi ích chung trong trường hợp khẩn cấp.

Sẽ không cần có một miễn trừ đặc biệt của giáo hoàng, vì tình huống ấy nằm trong các nguyên tắc chung của giáo luật và thực hành trong các trường hợp tương tự như năm 2009.

Tôi cũng tin rằng cần phải tuân theo phán đoán thận trọng của vị giám mục khi đi đến một quyết định. Bởi vì đa số các giám mục không phải là bác sĩ ý khoa, các ngài sẽ thường tham vấn các chuyên gia và giới chức y tế công cộng liên quan đến các hành động thích hợp cần có trước mối nguy khách quan.

Chúng ta cũng không nên tin rằng đây là những quyết định dễ dàng hay nông cạn. Một số các giám mục ra lệnh việc chịu lễ trên tay trong cơn đại dịch là những vị hăng say bào vệ và cổ xúy việc chịu lễ trên lưỡi như là thực hành chung. Tại một số quốc gia, mệnh lệnh ấy được ban ra ngay cả ở những nơi có tập quán chung là chịu lễ trên lưỡi.

Nói như thế là tôi cũng tin rằng các linh mục có thể tự do đáp ứng các nhu cầu cá nhân về mục vụ. Ví dụ, nếu một người tín hữu cụ thể rất đau khổ về viễn cảnh chịu lễ trên tay, thì một linh mục có thể trao Mình Thánh riêng trên lưỡi sau Thánh lễ, trong khi vẫn có mọi phòng ngừa cần thiết trong lĩnh vực vệ sinh.

(Bài ngày 1/9/2020 theo đường dẫn: https://zenit.org/2020/09/01/liturgy-qa-communion-in-the-hand-during-the-pandemic/)

Lê Hải Nam