1. Nhóm thờ Satan đập nát một tượng Chúa chịu nạn tại Cremona
Cremona là một thành phố cách Milan 93km về phía Đông Nam. Trong số 10 thành phố chịu tử vong nặng nề nhất trong vùng Bắc Ý, Cremona được xếp thứ tư. Trong thời gian cao điểm COVID-19, tình trạng dịch bệnh tại thành phố Cremona nghiêm trọng đến mức các bệnh viện như bệnh viện Maggiore này phải dựng một cái lều lớn bên ngoài tòa nhà chính của mình.
Bên cạnh đó, chính quyền còn phải trưng dụng các trực thăng của không quân Italia để di chuyển các bệnh nhân đến bệnh viện.
Đức Cha Antonio Napolioni, Giám Mục Cremona, cũng là Giám Mục Ý đầu tiên nhiễm coronavirus.
Hôm 15 tháng 8, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, một bức tượng Chúa chịu nạn bằng đá đã được dân chúng dựng lên gần một bệnh viện nhìn ra một nghĩa trang nơi chôn cất đông đảo những người quá cố để người dân có thể đến đây cầu nguyện.
Chỉ hai tuần sau đó, hôm 29 tháng 8, một bọn thờ Satan đã đánh sập bức tượng bằng đá và để lại một mảnh bìa cứng ký tên “Satan”.
Bức tượng Chúa chịu nạn này được nghệ sĩ Mario Spadari điêu khắc và được đặt tại công viên Lungo Po ở Cremona, phía trước công ty cho mướn thuyền chèo Flora.
Pierluigi Sforza, chỉ huy cảnh sát địa phương cho biết:
“Chúng tôi đang xem các phim từ các camera giám sát trong khu vực để tìm ra dấu vết của những kẻ theo giáo phái thờ Satan là đối tượng bị nghi ngờ nhiều nhất. Tại chỗ, chúng tôi tìm thấy những viên đá dùng để tấn công tác phẩm điêu khắc này và mảnh bìa cứng có khắc chữ Satan trên đó, được viết một cách nghuệch ngoạc”.
Cử chỉ này đã khơi dậy sự phẫn nộ của toàn thành phố và sự lên án cứng rắn từ thị trưởng Gianluca Galimberti: “Đó là một cử chỉ ngu ngốc và vô tri. Bức tượng là một lưu niệm để chúng ta nhớ đến những người đã chết, đồng thời là biểu tượng của niềm hy vọng cho tương lai. Trong vài ngày tới chúng tôi sẽ cùng với các nghệ nhân đánh giá khả năng sửa chữa về mặt kỹ thuật và suy nghĩ về địa điểm mới cho tác phẩm này.”
Đức Cha Antonio Napolioni, Giám Mục Cremona, đã trình bày những suy nghĩ của mình về vấn đề này vào một bức thư ngỏ trong đó ngài nói thẳng với kẻ gây ra hành động phá hoại này: “Tôi cầu nguyện cho bạn. Dù bạn là ai: giận dữ, ngu dốt, thất vọng, tan rã, say rượu., kiêu ngạo, điên khùng thế nào, bạn vẫn là anh em của tôi. Bạn là con cái của Chúa chứ không phải là con cái của kẻ mà bạn đã ký tên”.
2. Đức Thánh Cha sắp công bố thông điệp về tình huynh đệ nhân loại
Đức Cha Domenico Pompili, Giám Mục giáo phận Rieti, ở mạn bắc Roma, tiết lộ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sắp công bố thông điệp mới về tình huynh đệ nhân loại.
Hãng tin Zenith, truyền đi ngày 27 tháng 8 năm 2020, cho biết Ðức Cha Pompili đã tuyên bố như trên, hôm 26 tháng 8 năm 2020, trong buổi ký kết hiệp định thành lập Ủy ban chuẩn bị kỷ niệm 800 năm ban hành tu luật Phanxicô và lập hang đá sống tại Greccio (1223-2033).
Tình huynh đệ nhân loại là một đề tài rất được Đức Thánh Cha Phanxicô quan tâm. Ðây cũng là chủ đề của Hiệp định lịch sử ngài ký kết với Ðại Imam Mohammad Al-Tayyeb của Ðại học Al-Azhar ngày 4 tháng 2 năm 2019, tại Abu Dhabi về “tình huynh đệ nhân loại phục vụ hòa bình thế giới và sự sống chung”. Sau đó, hồi tháng Chín năm ngoái, một “Ủy ban cấp cao” đã được thành lập để ứng dụng hiệp định này.
Nếu tin của Ðức Cha Pompili được xác nhận thì đây sẽ là thông điệp thứ ba của Ðức Thánh cha Phanxicô, sau Thông điệp “Lumen Fidei” viết chung với Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và được công bố năm 2013, tiếp đến là Thông điệp Laudato sì năm 2015, về việc bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại, trong một nền sinh thái toàn diện.
3. Nhà thờ chính tòa Nantes sẽ được mở lại một phần vào năm 2021.
Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 7 giờ 45 sáng ngày 18 tháng 7, những người qua lại thấy lửa cháy dữ dội tại nhà thờ chính tòa Nantes /non-ts/ liền báo động. Đám cháy đã tiêu hủy hoàn toàn dàn đại phong cầm 5, 500 ống và bức danh họa của Hippolyte Flandrin có từ thế kỷ 19.
Một tuần lễ sau hỏa hoạn tại nhà thờ chính tòa Nantes, một người thiện nguyện tên là Emmanuel 39 tuổi, gốc Rwanda ở miền đông châu Phi, đã thú nhận là thủ phạm, và đã bị tống giam với tội danh phá hủy công trình kiến trú bằng hỏa hoạn.
Người thanh niên gốc Phi châu có nhiệm vụ đóng cửa ngôi thánh đường trước ngày xảy ra hỏa hoạn. Người Rwanda này nhập cư nước Pháp cách nay vài năm, không có giấy tờ và đã có lệnh trục xuất. Theo linh mục Hubert Champenois, cha sở nhà thờ chính tòa, thủ phạm có nhiệm vụ mỗi ngày mở và đóng cửa nhà thờ.
Sáng 25 tháng 7, nghi phạm đã trình diện tại biện lý cuộc Nantes, sau khi thú nhận tội lỗi đã bị tống giam. Trong lời khai với cảnh sát, anh ta cho biết đã hành động vì bất mãn do không được gia hạn giấy phép cư trú.
Cuộc điều tra kết luận có ba nơi khác nhau xuất phát hỏa hoạn tại nhà thờ chính tòa hai thánh Phêrô và Phaolô : dàn đại phong cầm ở tầng 1, sau đó là hai địa điểm khác để nghi phạm có đủ thời gian di chuyển.
Giáo phận Nantes vừa cho biết ngôi nhà thờ chính tòa này sẽ được mở lại một phần vào tháng Bảy năm 2021.
Báo Ouest-France, số ra ngày 26 tháng 8 năm 2020, cho biết ông tỉnh trưởng Didier Martin đã viếng thăm nhà thờ chính tòa này, và hiện nay công trình thanh tẩy đang được tiến hành và có thể kéo dài suốt tháng Chín năm 2020.
Nhà thờ chính tòa Nantes, được xây cất trong khoảng thời gian từ 1434 đến 1891, theo kiểu Gotich.
Bên trong thánh đường bị ô nhiễm cao độ vì chì chảy ra. Theo các chuyên gia, thật là may mắn vì kính màu lịch sử của thánh đường này không bị phá hủy. Phí tổn và thời gian tu bổ thánh đường này sẽ được xác định trong vòng hai tháng tới đây.
Cha Francois Renaud, nguyên Giám quản giáo phận Nantes cho biết, phần lớn phí tổn tái thiết nhà thờ chính tòa sẽ do chính phủ Pháp chịu, vì nhà nước là sở hữu chủ của thánh đường. Tuy nhiên, giáo phận sẽ chịu phí tổn thay thế các ghế trong nhà thờ và tìm kiếm ân nhân để kiến tạo đàn phong cầm mới.