1. Một linh mục sống trong khu ổ chuột Á Căn Đình rất được Đức Thánh Cha thương mến đã qua đời
Một “linh mục khu ổ chuột” ở Á Căn Đình mà Đức Thánh Cha Phanxicô rất ngưỡng mộ đã qua đời hôm thứ Bảy 29 tháng 8 sau trận chiến kéo dài ba tháng với coronavirus. Ngài được dân chúng ca ngợi như một “vị tử đạo vì người nghèo”.
Cha Basilicio “Bachi” Britez, đã qua đời ở tuổi 52. Ngài đã bị các bệnh về thận, huyết áp cao và tiểu đường, vì vậy khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Á Căn Đình, ngài được khuyên nên rời khỏi khu ổ chuột nơi ngài sống và phục vụ người dân vì không thể nào tuân thủ một chế độ kiểm dịch nghiêm ngặt trong những khu chật chội như vậy.
Cha Britez từ chối, và khẳng định rằng ngài không thể bỏ rơi những người mà ngài được giao phó chăm sóc và bảo vệ ở La Matanza, một trong những khu vực nghèo nhất trong vành đai công nghiệp của Buenos Aires.
Sau khi xét nghiệm dương tính với coronavirus vào tháng 6, Cha Britez đã phải nhập viện trong phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện San Camilo.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã theo dõi sát trường hợp của vị linh mục này, và nhiều lần gọi điện đến bệnh viện San Camilo để nói chuyện với ngài hoặc với những người chăm sóc khi cha Britez không thể nói chuyện được.
Trong một video gửi cho Đức Cha Edaurdo Garcia, Giám Mục giáo phận San Justo, là Giám Mục của Cha Britez vào tháng Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài gần gũi với các linh mục sống trong các khu ổ chuột và đau buồn khi thấy Cha Bachi đang chiến đấu để giữ mạng sống mình trong nhà thương.
Ước tính có khoảng 4, 000 khu ổ chuột và các thị trấn tồi tàn ở Á Căn Đình, và tính đến năm 2018, hơn ba triệu người sống trong tình trạng vô cùng bấp bênh, nghĩa là không có ánh sáng, khí đốt hoặc cống rãnh. Đại dịch đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, khi các biện pháp cấm vận nghiêm ngặt của chính phủ phải kéo dài đến ngày 20 tháng 9.
Thánh lễ an táng Cha Britez do Cha Jose Maria “Pepe” Di Paola, một người hoạt động lâu năm trong phong trào của các linh mục khu ổ chuột. Bên cạnh đó còn có mặt đại diện của ủy ban quốc gia chăm sóc mục vụ cho những người nghiện ngập, và mạng lưới Hogar de Cristo, nghĩa là Nhà của Chúa Kitô. Thánh lễ được cử hành sau khi đóng cửa và truyền trực tiếp, vì các nghi lễ phụng vụ công cộng đã bị cấm ở Buenos Aires trong hơn năm tháng.
Cha Di Paola cho biết Cha Britez sinh tại Paraguay, di cư đến Á Căn Đình cùng gia đình khi còn nhỏ, và luôn sống trong những khu ổ chuột. Cha Britez được nhiều người nhớ đến như là nhà lãnh đạo tiên phong trong mạng lưới rộng lớn Hogar de Cristo. Đó là các trung tâm dành cho những người nghiện ma túy, do Giáo hội điều hành và cơ sở đầu tiên được mở vào năm 2008 theo lệnh của Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, ngày nay là Đức Thánh Cha Phanxicô. Chính vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô biết rất rõ về Cha Britez.
Có 160 Hogares de Cristo trên khắp đất nước và họ đã làm một công việc vô cùng khó khăn là giúp hàng nghìn nam và nữ thanh niên - một số trẻ chỉ mới 9 tuổi – thoát khỏi tình trạng nghiện ngập paco.
Paco là loại ma túy bất hợp pháp rẻ nhất hiện có trên đường phố Buenos Aires, paco là thứ còn sót lại từ các xưởng sản xuất cocaine bán cho thị trường Hoa Kỳ và Âu châu. Đó là hỗn hợp thật kinh khủng bao gồm cocaine thô được cắt nhỏ, tẩm hóa chất, keo dán, thủy tinh nghiền nát và thuốc diệt chuột để gây nghiện cao.
Source:Crux
2. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ gia đình có bốn người làm y tá điều trị bệnh nhân coronavirus
Bốn anh chị em trưởng thành, tất cả đều là y tá đã từng làm việc với bệnh nhân coronavirus trong thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch, sẽ được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô, cùng với gia đình của họ vào ngày thứ Sáu 4 tháng 9.
Lời mời triều yết riêng với Đức Thánh Cha được đưa ra sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô gọi điện cho hai anh em và hai chị em trong gia đình có 4 người con này. Tất cả đều là y tá đang làm việc trên chiến tuyến chống lại COVID-19 ở Ý và Thụy Sĩ.
“Đức Thánh Cha muốn ôm tất cả chúng tôi, ” Raffaele Mautone, người anh cả, nói với tờ báo La Regione, tiếng Ý phát hành ở Thụy Sĩ.
13 thành viên trong gia đình sẽ dâng lên Đức Thánh Cha Phanxicô một chiếc hộp chứa đầy những bức thư và bài viết của một số người đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch COVID-19. Họ là những bệnh nhân, nhân viên y tế và những người phải than khóc cái chết của một người thân yêu.
Trong thời gian này, Valerio, 43 tuổi, đang đi bộ đến yết kiến Đức Giáo Hoàng. Trong năm ngày, anh đi bộ khoảng 80 km trên tuyến đường hành hương Via Francigena cổ đại, từ Viterbo đến Rome, để đến triều yết Đức Thánh Cha ngày 04 tháng 9.
Em gái của anh, Maria, 36 tuổi, đã xin lời cầu nguyện trên Facebook cho anh mình mà cô gọi là “người hành hương của chúng tôi”. Cô cho biết anh Valerio đang hành hương cho gia đình họ và cho tất cả các y tá và bệnh nhân trên thế giới.
Sau khi tiết lộ rằng cô ấy sẽ gặp Giáo hoàng, Maria đã viết trên Facebook rằng cô “rất vui khi được mang bức thư của bất kỳ ai muốn gởi cho Đức Phanxicô. Bạn không được xấu hổ. Cảm ơn bạn đã phơi bày những nỗi sợ hãi, suy nghĩ, lo lắng của bạn, ” cô nói.
Gia đình của các y tá bắt đầu nhận được sự chú ý từ các phương tiện truyền thông địa phương trong thời gian chính phủ Ý áp đặt lệnh cô lập, khi đợt bùng phát coronavirus ở thời điểm tồi tệ nhất.
Gia đình này quê quán ở Naples, nơi Stefania, 38 tuổi, vẫn sống tại đó.
Cha của họ cũng là một y tá trong 40 năm, và ba người dâu rể của gia đình cũng làm y tá. “Đó là nghề mà chúng tôi yêu thích. Hôm nay còn nhiều hơn thế, ” Raffaele nói với tờ Como La Provincia của thành phố April.
Raffaele, 46 tuổi, là anh cả, sống ở Como, nhưng làm việc tại một khu vực nói tiếng Ý ở miền nam Thụy Sĩ, tại thị trấn Lugano. Vợ anh cũng là một y tá và họ có ba người con.
Kế đến là Valerio, 43 tuổi. Rồi đến Stefania, 38 tuổi. Người em út là Maria, 36 tuổi.
Valerio và Maria đều sống và làm việc tại Como, cách biên giới Ý - Thụy Sĩ không xa.
Stefania nói với tạp chí Città Nuova rằng vào đầu đại dịch, cô đã bị cám dỗ ở nhà vì có con gái nhỏ. “Nhưng sau một tuần, tôi tự nhủ: 'Nhưng một ngày nào đó, tôi sẽ nói gì với con gái mình? Tôi không thể bỏ trốn như thế? Tôi đã tin tưởng vào Chúa và tôi đã bắt đầu quay lại làm việc”
“Tái khám phá tình nhân loại là cách chữa bệnh duy nhất, ” cô nói và lưu ý rằng cô và các y tá khác đã giúp bệnh nhân gọi điện video vì người thân không được phép đến thăm và khi có thể, cô hát các bài hát cổ điển của Naples hoặc bài “Ave Maria” của Schubert để mang lại niềm vui cho các bệnh nhân.
Maria làm việc trong một khu phẫu thuật tổng quát, nơi đã được biến thành một đơn vị chăm sóc đặc biệt cho các bệnh nhân COVID-19. “Tôi đã tận mắt nhìn thấy địa ngục và tôi không quen nhìn thấy những người chết này, ” cô nói với Città Nuova. “Cách duy nhất để gần gũi với người bệnh là chạm vào họ.”
Raffaele cho biết anh được truyền cảm hứng từ các y tá đồng nghiệp của mình, những người đã dành hàng giờ để nắm tay bệnh nhân, ở bên họ trong im lặng hoặc lắng nghe câu chuyện của họ.
“Chúng ta cần thay đổi hướng đi cả về con người và thiên nhiên. Virus này đã dạy chúng tôi điều này và tình yêu của chúng tôi càng phải dễ lây lan hơn, ” anh nói.
Anh nói với tờ La Provincia rằng anh tự hào về “sự dấn thân của các anh chị em trong gia đình trên tuyến đầu trong những tuần lễ này.”
Source:Catholic News Agency
3. CNN tìm cách xuyên tạc diễn từ của nữ tu Deirde Byrne
Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết CNN đã phát sóng bằng tiếng Tây Ban Nha diễn từ của nữ tu Deirde Byrne, nguyên là Đại Tá Quân Y trong quân đội Hoa Kỳ trước khi bước vào đời sống tu trì. Trong chương trình phát hình của CNN, từ phò sinh, tiếng Anh là “pro-life” đã bị cố ý dịch sang tiếng Tây Ban Nha là “anti-aborto” nghĩa là “chống phá thai”. Đây là một động thái khiến người ta phải đặt ra câu hỏi về sự liêm chính của CNN.
Trong diễn từ vào ngày 26 tháng 8 tại Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa, Sơ Deirde Byrne đã sử dụng cụm từ “phò sinh” ba lần: một lần để nói đến bản thân, một lần ám chỉ Tổng thống Donald Trump, và một lần để nói đến cộng đồng phò sinh tại Hoa Kỳ.
Trong cả ba trường hợp, mạng tin tức CNN en Español đã dịch cụm từ này là “anti-aborto” nghĩa là “chống phá thai”.
“Pro-vida” là một cụm từ tiếng Tây Ban Nha thường được sử dụng để dịch cụm từ “pro-life” trong tiếng Anh. Những người ủng hộ cụm từ này nói rằng “phò sinh” gợi lên một cam kết rộng rãi đối với phẩm giá của cuộc sống con người, còn cụm từ “chống phá thai” là một cách diễn đạt tương đối giản lược không truyền đạt cùng một ý nghĩa, và nhằm mục đích kích động sự căm ghét của các thành phần phò phá thai đối với diễn giả.
Việc sử dụng cụm từ “anti-aborto” thay vì “pro-vida” để dịch cụm từ “pro-life” của sơ Byrne đã gây ra sự thất vọng từ một số người ủng hộ cuộc sống nói tiếng Tây Ban Nha.
“Bài phát biểu của nữ tu Deirdre Byrne trong Hội nghị Quốc gia của Đảng Cộng hòa đã chỉ ra tầm quan trọng của việc phải có một lập trường phò sinh rõ ràng từ quan điểm khoa học, đức tin và tình nhân loại nói chung, ” Marcial Padilla, giám đốc của tổ chức ủng hộ cuộc sống Mexico Concience và Participación, nói CNA.
“CNN en Español đã quyết định tự làm nhục mình, và không có sự lịch sự tối thiểu để dịch những lời của sơ Deirdre một cách chính xác. Tôi hy vọng sự gian trá của CNN được các cử tri ghi nhận. Họ nên biết rằng CNN không phải là nguồn thông tin khách quan. Thật không may, các phương tiện truyền thông lớn trên thế giới đang trở thành những người đưa tin kém khách quan hơn và ngày càng trở thành các nhà vận động chính trị chống lại quyền sống, ” Padilla nói thêm.
Bác sĩ María Denisse Santos người Mexico của Coalición de Líderes Provida nói với CNA rằng “nói rằng chúng tôi là những người ‘phò sinh’ là nói sự thật, bởi vì chúng tôi thực sự đang bảo vệ quyền sống của những thai nhi bé nhỏ. Cố gắng che giấu sự thật đó bằng cách gọi chúng tôi là ‘chống phá thai’, như CNN en Español đã làm với bài phát biểu của nữ tu Byrne, đã vạch trần thực tế là họ sợ phải thừa nhận rằng ‘phò lựa chọn’ là ủng hộ cái chết của một ai đó”
“Nhưng sự thật cuối cùng sẽ sáng tỏ, rằng chúng ta ủng hộ cuộc sống và ủng hộ cuộc sống vĩnh cửu, ” Santos nói.
Xu thế phò phá thai trong văn phong của các cơ quan truyền thông thế tục
Hướng dẫn văn phong của Associated Press, được các nhà báo ở Mỹ sử dụng rộng rãi, khuyến khích các nhà báo sử dụng cụm từ “chống phá thai” thay vì “phò sinh”. Cũng vậy nó đề nghị sử dụng cụm từ “quyền phá thai” thay vì “ủng hộ phá thai” hoặc “phò lựa chọn”.
Các hướng dẫn văn phong của Washington Post và New York Times cũng những chỉ dẫn tương tự.
Tuy nhiên, hướng dẫn văn phong AP đặt ra những ngoại lệ đối với việc trích dẫn, người ta nói làm sao thì mình viết lại y như thế, là điều mà đạo đức báo chí yêu cầu phải được tuân thủ với độ chính xác hoàn toàn.
Cuốn Sổ tay Báo chí của Reuters giải thích rằng “những câu trích dẫn là bất khả xâm phạm. Chúng không bao giờ được thay đổi trừ ra việc xóa một từ hoặc mệnh đề thừa, nhưng chỉ khi việc xóa đi ấy không làm thay đổi ý nghĩa của câu trích dẫn dưới bất kỳ trường hợp nào.”
Về việc dịch các trích dẫn, Reuters nói rằng “khi dịch các trích dẫn từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, chúng ta nên dịch theo ý nghĩa tương đương thay vì từng chữ. Cần phải cẩn thận để đảm bảo rằng giọng điệu của bản dịch tương đương với giọng điệu của bản gốc.”
Quy tắc đạo đức của Hiệp hội Dịch giả Hoa Kỳ giải thích rằng “tính toàn vẹn về ngôn ngữ là cốt lõi của những gì người dịch và người phiên dịch phải tuân thủ.”
Các cuộc thăm dò cho đến nay nói rằng cử tri người Mỹ Latinh ủng hộ ông Joe Biden hơn Tổng thống Trump. Tuy nhiên, tổng thống nhận được sự ủng hộ của một tỷ lệ lớn hơn các cử tri Công Giáo Mỹ Latinh so với năm 2016. Chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump đã nhấn mạnh quan điểm rằng Tổng thống Trump là “vị tổng thống phò sinh nhất trong lịch sử” khi tiếp cận với các cử tri có niềm tin tôn giáo.
Source:Catholic News Agency