1. Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz lặng lẽ đứng lần chuỗi trước nhà tù
Ðức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz, Tổng giám mục giáo phận thủ đô Minsk, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Belarus, đã xin gặp Bộ trưởng nội vụ Belarus, ông Yuri Karaev, để nói chuyện về vấn đề những người biểu tình bị bắt trong những ngày qua.
Ðức Tổng Giám Mục cũng xin chính phủ nước này cho các linh mục Công Giáo được viếng thăm những người bị giam giữ vì biểu tình, sau cuộc bầu cử tổng thống Lukaschenko, và trợ giúp họ nhất là về phương diện tinh thần. Ðức Tổng Giám Mục xin chính quyền trả tự ngay cho họ.
Trong khi chờ đợi chính quyền Belarus đáp ứng các yêu cầu của ngài, Đức Tổng Giám Mục đứng lặng lẽ trước các nhà tù lần chuỗi cầu nguyện cho những người bị bắt.
Làn sóng phản đối tổng thống Lukaschenko tại Belarus tiếp tục diễn ra, đặc biệt là cuộc biểu tình với hơn 200, 000 người tham dự, tại thủ đô Minsk để đòi tự do, vì dân chúng tin rằng đã có sự gian lận trong cuộc bỏ phiếu để ông đắc cử tổng thống lần thứ sáu, với hơn 80% số phiếu.
Trong thánh lễ Chúa nhật 16 tháng 8 năm 2020, tại giáo phận Wizebsk ở miền bắc Belarus, Ðức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz nói về “đại dịch gian dối” đất nước này đang trải qua và nói: “Tự do của chúng ta đang bị đe dọa, đất nước chúng ta bị phân rẽ. Chúng ta muốn một nước Belarus mới, một nước dựa trên các giá trị Kitô”.
Về phần Giáo hội Chính thống Belarus, Thánh Hội đồng của Giáo hội này đã ra thông cáo kêu gọi dân chúng ngưng các cuộc biểu tình chống tổng thống Lukaschenko, đồng thời kêu gọi hòa bình và đối thoại, thỉnh cầu chính quyền ngưng các hành động bạo lực đàn áp của các lực lượng an ninh, xét xử công lý cho những người đã bị cảnh sát đánh đập hoặc bắt giam bất công.
Giáo hội Chính thống Belarus chiếm 48% trong tổng số chín triệu rưỡi dân cư. Giáo hội này thuộc quyền Tòa Thượng phụ Chính thống Mạc Tư Khoa, nhưng được tự trị trong những vấn đề nội bộ như chọn các giám mục, tuy rằng cần được sự phê chuẩn của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa. Riêng vị Tổng giám mục Chính thống ở Minsk là vị lãnh đạo cao nhất, thì do Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa bổ nhiệm và gửi tới.
Thông cáo của Giáo hội này cũng tố giác những thành phần xách động và xúi giục, muốn khuynh đảo đất nước Belarus và chia rẽ dân chúng.
Các quan sát viên nhận thấy rằng Giáo hội Chính thống Belarus gần chính quyền hơn là gần phe đối lập. Tuy nhiên, cũng có những giáo sĩ Chính thống tham gia các cuộc biểu tình.
Source:National Catholic Register
2. Đức Thánh Cha Phanxicô ủng hộ sáng kiến chống mafia Ý lợi dụng hình ảnh Đức Mẹ
Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi một sáng kiến mới nhằm chống lại việc lạm dụng việc sùng kính Đức Mẹ của các tổ chức mafia.
Cha Stefano Cecchin, dòng Phanxicô, giám đốc Học Viện Quốc Tế Về Thánh Mẫu Học, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, ngày 20 tháng 8 rằng Đức Trinh Nữ Maria không dạy về sự khuất phục trước cái ác, mà là sự tự do khỏi cái ác.
Cha Cecchin giải thích rằng thuật ngữ được sử dụng trong lịch sử Giáo hội để giải thích sự “phục tùng” thánh ý Thiên Chúa của Đức Maria đã bị bọn mafia làm méo mó để ám chỉ không phải tư cách tôi tớ, nhưng là “nô lệ” được đặc trưng bởi sự “tuyệt đối vâng lời cấp trên”.
“Trong khuôn khổ mafia, hình ảnh của Đức Maria đã bị xuyên tạc thành hình ảnh một con người phải phục tùng ý muốn của ông chủ, ý chí của thủ lĩnh mafia.”
Ngài nói với CNA rằng nhóm làm việc, sẽ chính thức bắt đầu vào tháng 10, bao gồm khoảng 40 nhà lãnh đạo Giáo hội và dân sự, bao gồm cả các thẩm phán người Ý, để “học tập, nghiên cứu và giảng dạy nhằm khôi phục lại sự thuần khiết khi đề cập đến hình ảnh Chúa Giêsu và Đức Maria từ các sách Phúc âm.”
Ngài nhấn mạnh, đây là một sáng kiến do giáo dân thúc đẩy, và dù nó sẽ bắt đầu ở Ý, ngài nói rằng những người tham gia hy vọng trong tương lai sẽ giải quyết các biểu hiện khác của việc xuyên tạc hình ảnh Đức Mẹ, chẳng hạn như trong các băng mua bán ma túy ở Nam Mỹ.
Trong bức thư ngày 15 tháng 8 gửi cho Cha Cecchin, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài “vui mừng biết được dự án này và mong muốn bày tỏ sự cảm kích đối với sáng kiến quan trọng đó.”
“Lòng sùng kính Đức Mẹ là một di sản văn hóa - tôn giáo cần được bảo vệ trong sự thuần khiết ban đầu của nó, giải phóng khỏi các cấu trúc thượng tầng, quyền lực hoặc các tình trạng không phù hợp với các tiêu chí Tin Mừng về công lý, tự do, trung thực và liên đới, ” Đức Thánh Cha viết.
Trong cuộc rước kiệu Đức Mẹ ở một số thị trấn và làng mạc ở miền nam nước Ý, tượng ảnh Đức Mẹ bị các tên trùm mafia thao túng phải dừng lại ở những ngôi nhà của chúng.
“Đây là một cách nói với dân chúng rằng tên trùm mafia này được Chúa ban phước.”
Source:Catholic News Agency
3. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã hủy cuộc họp trực tiếp vào tháng 11
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã hủy cuộc họp trực tiếp vào tháng 11 để đối phó với đại dịch coronavirus. Các nguồn tin nói rằng ban lãnh đạo Hội Đồng Giám Mục hiện đang xem xét liệu có nên tiến hành một cuộc họp ảo vắn tắt thay cho sự kiện bị hủy bỏ hay không.
Nếu các Giám Mục tiến hành một phiên họp trực tuyến, đó sẽ là cuộc họp đầu tiên của các ngài dưới hình thức này trong năm nay, bởi vì cuộc họp tháng 6 của Hội Đồng đã bị hủy bỏ giữa lúc đại dịch.
Tuy nhiên, có một danh sách các vấn đề cấp bách mà Giáo hội ở Hoa Kỳ phải đối mặt và nhiều vấn đề trong số đó khó có thể được giải quyết một cách có ý nghĩa trong một phiên họp ảo. Do đó, một số Giám Mục có thể thúc đẩy một cuộc họp trực tiếp được lên lịch càng sớm càng tốt. Nhưng những vị khác cũng có thể coi khả năng tụ họp của Hội Đồng đang giảm đi như một cơ hội, và tận dụng cơ hội đó cho giáo phận của các ngài.
Nhiều nhân viên Hội Đồng đã nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng họ mong muốn các cuộc họp trực tiếp của các Giám Mục được tiếp tục, đặc biệt là ở cấp ủy ban. Có một nhu cầu trong cấp bách là cần bảo đảm rằng các ưu tiên và dự án được thúc đẩy bởi các Giám Mục, chứ không phải các nhân viên. Nhưng trong trường hợp không có các cuộc họp trực tiếp với các Giám Mục trong các ủy ban, các nhân viên sẽ khó chắc chắn rằng công việc của họ phản ánh ý định của các Giám Mục, và các Giám Mục sẽ khó giám sát và quản lý tốt công việc của các nhân viên được giao trách nhiệm.
Vụ Donna Grimes, phó giám đốc phụ trách các vấn đề người Mỹ gốc Phi trong Ủy Ban Đa Văn hóa trong Giáo Hội của các Giám Mục Mỹ, “hồ hởi phấn khởi” trước việc ông Joe Biden chọn bà Kamala Harris làm ứng cử viên phó tổng thống, là một trường hợp điển hình. Sự “hồ hởi phấn khởi” của Donna Grimes trước một nhân vật phò phá thai và bài Công Giáo quyết liệt như thế làm nhiều tín hữu Công Giáo Mỹ hết sức ngỡ ngàng.
Có một số hạng mục công việc mà Hội Đồng Giám Mục có thể tiến hành dễ dàng trong cuộc họp trực tuyến vào tháng 11.
Tuy nhiên, các Giám Mục sẽ phải bỏ phiếu về một số chức chủ tịch ủy ban, một số kế hoạch chiến lược đã được phát triển trong vài năm qua, và về một số công việc thủ tục khác.
Các Giám Mục cũng sẽ phải bầu một tổng thư ký mới, người có chức năng là giám đốc điều hành của các nhân viên Hội Đồng Giám Mục ở Washington, DC.
Nhiệm kỳ của Đức ông Brian Bransfield, hiện là tổng thư ký hội nghị, sẽ hết hạn vào tháng 11. Cha Bransfield là một linh mục của Philadelphia, đã dành hơn một thập kỷ làm việc tại Hội Đồng Giám Mục. Người kế vị ngài phải là một linh mục hoặc một Giám Mục Phụ Tá.
Các Giám Mục không thể dễ dàng thảo luận trực tuyến những vấn đề như vậy.
Source:Catholic News Agency