Diễn biến
Các cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 9 tháng 8 sau khi ông tổng thống đương nhiệm Alexander Lukashenko tuyên bố ông là người chiến thắng với 80% phiếu bầu.
Các quan chức bầu cử cũng cho biết, ứng cử viên đối lập, bà Sviatlana Tsikhanouskaya, chỉ giành được có 10% phiếu bầu. Bà đã khiếu nại với ủy ban bầu cử và bị giam giữ trong vài giờ, sau đó bà đã trốn sang Lithuania.
Nhắc lại, không ai biết được kết quả thực sự của cuộc bầu cử hôm Chủ nhật, nhưng có vẻ như ông Lukashenko không giành được một đa số lớn, và chắc chắn không phải là 80% như đã tuyên bố, một con số lố bịch đã dấy lên tâm trạng phản đối và khiến hàng nghìn người đổ xuống đường.
Chính quyền đã đáp trả bằng vũ lực một cách hung hãn chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại của châu Âu. Vào tối Chủ nhật sau khi công bố kết quả và trọn ngày thứ Hai, cảnh sát chống bạo động đã truy lùng khắp mọi ngã ngách cuả thủ đô Minsk như thể họ đang chơi một trò chơi máy tính, bắt giữ bất kỳ ai đeo dải băng biểu tình, bất kỳ ai hô hào và bất kỳ ai dù là người ngoài cuộc đang đứng nhìn.
Những thí dụ bạo hành thì đầy dẫy và dã man. Thí dụ một phóng viên 51 tuổi ở thành phố Grodno, dù ông ta đã hét lên “tôi là nhà báo” và vẫy thẻ Báo Chí trên tay, ông ta vẫn bị đá vào mặt làm rụng bốn chiếc răng, rồi bị giam và phạt tiền. Một video chiếu cảnh một người đàn ông bị cảnh sát kéo đi, ông ta hét lên: "Tôi bỏ phiếu cho Lukashenko mà” rồi khi biết mình không thoát, anh ta chỉ còn biết chửi ruả “Cái thằng Lukashenko chết tiệt!"
Tâm điểm của sự kinh hoàng là nhà tù Okrestina ở ngoại ô Minsk: hai tòa nhà sừng sững, một màu trắng và một đất nung ở đằng sau những bức tường cao có hàng rào thép gai.
Trong những cảnh video được loan đi, một hàng dài vô tận cuả những người thân đang khóc lóc đứng bên ngoài, tuyệt vọng không biết tung tích con cái, anh chị em hoặc chồng bị mất tích.
Vào ban ngày, lính vũ trang tuần tra trên mái nhà, giao tiếp với những người mặc thường phục ngụy trang giữa hàng dài đám đông. Vào ban đêm, những tiếng kêu đau đớn thống khổ có thể nghe thấy từ phía sau những bức tường.
Thỉnh thoảng, xe cấp cứu đến để chở đi những người bị nguy kịch. Các thẩm phán được xe buýt chở tới để thực hiện việc xử tội ngay bên trong nhà tù.
Sau này nhiều người bị giam giữ nói rằng họ bị buộc phải ký vào giấy tờ với thông tin bịa đặt về địa điểm, thời gian và cách thức họ bị giam giữ.
Đến sáng thứ Tư, có vẻ như mọi biến động đã bị dập tắt một cách dứt khoát. Internet, đã bị tắt một cách thô bạo trên toàn quốc ngay sau cuộc bỏ phiếu, được tái lập như là một dấu hiệu nhà chức trách đã kiểm soát tình hình.
Cảnh sát cho biết đã bắt giữ trên 5 ngàn người (sau này đổi lại là hơn 7 ngàn) khi họ xuống đường đòi kiểm phiếu, và đã tha bổng cho 2 ngàn người.
Nhưng khi các tù nhân được thả ra, thì hàng chục video cũng tiết lộ ra những vết thương ghê tởm trên thân thể với những lời chia sẻ đầy phẫn nộ trên các mục nhắn tin. Cái quy mô và sự trơ trẽn của sự lạm dụng từ chính quyền đã làm thay đổi tâm trạng cuả một nước.
Cho nên dù cho một chiến dịch trấn áp rộng lớn như trên, vào ngày thứ Tư (tuần trước) đó, vài trăm phụ nữ mặc áo trắng đã cầm hoa đi diễu hành để đòi hỏi được biết thêm tin tức về những người thân chưa được thả ra. Và bắt đầu từ đó, đến chiều thứ Tư, người ta đã thấy đâu đâu cũng xuất hiện những hàng dài phụ nữ vẫy hoa trên các đại lộ ở thủ đô Minsk, tuy cười đuà một cách an hoà, nhưng cương quyết đòi hỏi phải có một sự thay đổi chính trị.
Tới chiều thứ Sáu thì phong trào biểu tình ‘hoa hồng’ mới này đã thu hút được hàng chục ngàn người đổ xuống công trường quốc hội đòi hỏi ông Lukashenko phải ra đi.
Các cuộc biểu tình có dấu hiệu mở rộng, hàng nghìn công nhân nhà máy tuyên bố nghỉ việc để tham gia biểu tình, những cảnh sát không nâng thuẫn lên mà đã bắt tay với người biểu tình và nhiều giới quân nhân đã lên tiếng kết án những hành động võ biền cuả chính quyền là xấu hổ. Những phản ứng đã khiến cho Lukashenko kinh ngạc và vào ngày thứ Hai thì ông ta đã vội đi tới một nhà máy sản xuất kéo để nói chuyện với công nhân, nhưng tại đây ông được chào đón bằng những tiếng la ó đòi ông ta nên ‘cút đi’, ông đã giận dữ hét lại rằng “chỉ có giết tôi thì tôi mới đi”.
Vào ngày hôm qua thứ Ba, công nhân từ nhiều công ty và nhà máy do nhà nước kiểm soát cũng đã tham gia biểu tình, bao gồm Belaruskali, là nhà máy sản xuất 1/5 lượng phân kali trên thế giới.
"Chính quyền nên hiểu rằng họ đang mất kiểm soát", Yuri Zakharov, người đứng đầu hiệp hội thợ mỏ độc lập, nói với Associated Press. "Chỉ có sự từ chức của Lukashenko và trừng phạt những người phụ trách bầu cử gian lận và cảnh sát đánh đập những người biểu tình mới có thể giúp chúng tôi bình tĩnh."
Phản ứng Thế giới
Trong khi đó, Nga, đồng minh thân cận và quan trọng nhất của Belarus, đã đề nghị hỗ trợ an ninh và tạo ảnh hưởng ngoại giao nhằm giảm áp lực quốc tế đối với ông Lukashenko.
Một tuyên bố hôm thứ Ba của Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm riêng biệt với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để thông báo rằng việc gây áp lực lên chính phủ ở Minsk là không thể chấp nhận được.
Nhưng bà Merkel cho biết bà đã nói với Putin rằng quyền tự do biểu tình ở Belarus phải được đảm bảo.
Theo nhiều video chụp được và truyền đi từ Nga thì có nhiều dấu hiệu Nga đã triền khai quân đội tới sát biên giới Belarus dùng những xe vận tải ngụy trang và không biền số.
Trong một động thái khiêu khích, hôm thứ Ba, ông Lukashenko cũng thông báo rằng ông ra lệnh cho quân đội triển khai đến các địa điểm dọc theo biên giới phía tây của đất nước.
Ở phía tây là biên giới giáp với Ba Lan, Litva và Latvia - cả ba thành viên NATO đều bày tỏ lo ngại về tình hình xấu đi ở nước Belarus bên cạnh.
Tuần trước, Ba Lan kêu gọi một hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu về tình hình Belarus, và trong một cuộc phỏng vấn, bộ trưởng Tài chính Lithuania cho biết việc bất động trước một tình hình "đáng than thở" cuả Belarus thì "không phải là một lựa chọn." Quốc hội Latvia hôm thứ Ba đã thông qua một tuyên bố kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử mới, được quốc tế giám sát ở Belarus.
Về việc Nga và Belarus đang chuyển quân, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết ông không lo ngại về những việc chuyển quân đó.
Ông nói: “Đó là một phần của các hành động thông thường, chúng tôi đang xem xét những gì đang xảy ra ở phía bên kia biên giới và hiện tại không có lý do gì để lo ngại”.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Ba cũng cho biết ông sẽ nói chuyện với Nga "vào một thời điểm thích hợp" về các cuộc biểu tình chống Alexander Lukashenko. Ông Trump nói rằng những cuộc biểu tình ấy hầu như có vẻ ôn hòa.
Ông Trump nói thêm rằng dường như không có nhiều dân chủ ở Belarus. "Tôi thích nhìn thấy dân chủ, " ông nói với các phóng viên. "Nó không có vẻ như ở Belarus có quá nhiều dân chủ."
"Đó chắc chắn là một cuộc tuần hành rất lớn, và nó có vẻ là một cuộc tuần hành hòa bình, " ông nói thêm.
Liên minh châu Âu hôm nay (thứ Tư) cho biết họ không công nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống ngày 9 tháng 8 của Belarus, gọi cuộc bầu cử là gian lận và hứa sẽ trừng phạt những cá nhân chịu trách nhiệm về bạo lực xảy ra sau đó.
Charles Michel, chủ tịch Hội đồng châu Âu, cho biết khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về Belarus: "Các cuộc bầu cử này không tự do cũng không công bằng và không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế".
Ông nói: "EU sẽ sớm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số lượng đáng kể các cá nhân chịu trách nhiệm về bạo lực, đàn áp và gian lận bầu cử".
Ông nói: “Các cuộc biểu tình ở Belarus không phải là về địa chính trị. "Đây ngay từ đầu là một cuộc khủng hoảng quốc gia. Đây là quyền của người dân được tự do bầu chọn ban lãnh đạo của họ."
"Chúng tôi kiên quyết ủng hộ quyền của người dân Belarus tự quyết định số phận của mình", ông nói thêm.
"Người dân Belarus muốn thay đổi và họ muốn nó ngay bây giờ", Chủ tịch Ủy ban EU là bà Ursula von der Leyen cho biết.
Bà nói: "Chúng tôi rất khâm phục lòng dũng cảm của người dân Belarus. Trong đúng 10 ngày kể từ khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra, người dân Belarus đã xuống đường với số lượng chưa từng có".