Theo Vatican News, trong buổi yết kiến chung hôm qua, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng để đáp ứng đại dịch Covid-19, các Kitô hữu được mời gọi chống trả mọi vi phạm chống lại nhân phẩm, coi chúng như đi ngược lại Tin Mừng, và làm việc cho phúc lợi của toàn thể gia đình nhân loại và căn nhà chung của chúng ta.
Hãng tin Zenit cung cấp bản tiếng Anh của bài giáo lý nói trên, với nội dung như sau:
Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt lành!
Đại dịch đã làm nổi bật mức độ dễ bị tổn thương và mối liên hệ qua lại giữa mọi người. Nếu chúng ta không chăm sóc lẫn nhau, bắt đầu với những người nhỏ bé nhất, với những người bị ảnh hưởng nhiều nhất, bao gồm cả sáng thế, thì chúng ta không thể chữa lành được thế giới.
Đáng khen thay nỗ lực của rất nhiều người đã và đang làm chứng cho tình yêu nhân bản và Kitô giáo đối với người lân cận, hiến thân cho người bệnh ngay cả khi nguy hiểm đến sức khỏe của họ. Họ là những đấng anh hùng! Tuy nhiên, coronavirus không phải chỉ là căn bệnh cần chống trả, mà đúng hơn, là một đại dịch đã làm sáng tỏ nhiều tệ nạn xã hội rộng lớn hơn. Một trong số đó là quan điểm méo mó về con người, một quan điểm coi thường phẩm giá và tính tương quan của con người... Đôi khi chúng ta nhìn người khác như những đồ vật, để sử dụng rồi vứt đi. Trên thực tế, kiểu quan điểm này làm mù quáng và nuôi dưỡng nền văn hóa vứt bỏ đầy tính duy cá nhân và hiếu chiến, biến con người nhân bản thành một thứ hàng hóa tiêu dùng (xem Tông huấn Evangelii Gaudium, 53; Thông điệp Laudato Si’, 22).
Thay vào đó, dưới ánh sáng đức tin, chúng ta biết rằng Thiên Chúa nhìn người đàn ông và người đàn bà cách khác. Người tạo ra chúng ta không như những đồ vật mà như những con người được yêu thương và có khả năng yêu thương; Người đã tạo ra chúng ta theo hình ảnh và giống như Người (xin xem St 1:27). Bằng cách này, Người đã ban cho chúng ta một phẩm giá độc nhất vô nhị, kêu gọi chúng ta sống hiệp thông với Người, hiệp thông với anh chị em của chúng ta, tôn trọng mọi tạo vật. Có thể nói, trong hiệp thông, trong hòa hợp. Sáng thế là sự hòa hợp mà chúng ta được kêu gọi để sống. Và trong sự hiệp thông này, trong sự hòa hợp vốn là hiệp thông này, Thiên Chúa ban cho chúng ta khả năng sinh sản và bảo vệ sự sống (x. St 1: 28-29), cày xới và gìn giữ đất đai (x. St 2:15; Laudato Si’, 67). Rõ ràng là người ta không thể sinh sản và bảo vệ sự sống nếu không có sự hòa hợp; nó sẽ bị phá hủy.
Chúng ta có một điển hình về quan điểm cá nhân chủ nghĩa đó, về quan điểm không hòa hợp đó, trong các Tin Mừng, trong lời yêu cầu ngỏ với Chúa Giêsu của người mẹ hai môn đệ Giacôbê và Gioan (x. Mt 20: 20-38). Bà muốn các con trai của mình ngồi ở bên phải và bên trái của vị vua mới. Nhưng Chúa Giêsu đề nghị một loại viễn kiến khác: đó là viễn kiến phục vụ và hiến mạng sống mình cho người khác, và Người xác nhận điều đó bằng cách lập tức khôi phục thị giác cho hai người mù và biến họ thành môn đệ của Người (xem Mt 20: 29-34). Tìm kiếm để leo lên trong cuộc sống, để vượt trội hơn người khác, sẽ phá hủy sự hòa hợp. Nó là luận lý học của sự thống trị, thống trị người khác. Sự hài hòa là một điều gì đó khác thế: nó là phục vụ.
Vì vậy, chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta đôi mắt biết quan tâm đến anh chị em mình, nhất là những người đang đau khổ. Là các môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta không muốn thờ ơ hoặc theo chủ nghĩa cá nhân. Đây là hai thái độ khó chịu trái ngược với sự hòa hợp. Thờ ơ: Tôi nhìn đi hướng khác. Chủ nghĩa cá nhân: chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình. Sự hòa hợp do Thiên Chúa tạo ra yêu cầu chúng ta nhìn những người khác, các nhu cầu của người khác, các vấn đề của người khác, trong hiệp thông. Chúng ta muốn công nhận phẩm giá con người nơi mỗi người, bất kể chủng tộc, ngôn ngữ hoặc tình trạng của họ có là gì đi nữa. Sự hài hòa dẫn anh chị em đến việc nhận ra phẩm giá con người, sự hòa hợp được tạo ra bởi Thiên Chúa, với nhân tính nằm ở trung tâm.
Công đồng Vatican II nhấn mạnh rằng phẩm giá này là bất khả nhượng, vì nó “được tạo dựng‘ giống hình ảnh Thiên Chúa ’” (Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 12). Nó nằm ở nền tảng mọi đời sống xã hội và xác định các nguyên tắc hoạt động của nó. Trong nền văn hóa hiện đại, tham chiếu gần nhất với nguyên tắc phẩm giá bất khả nhượng của con người là Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, mà Thánh Gioan Phaolô II đã định nghĩa như một “cột mốc trên nẻo đường dài và khó khăn của loài người” (1), và như "Một trong những biểu thức cao nhất của lương tâm con người" (2). Các quyền này không những chỉ mang tính cá nhân, mà còn mang tính xã hội; chúng thuộc các dân tộc, các quốc gia (3). Con người, quả thực, trong phẩm giá bản vị của mình, là một hữu thể xã hội, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, Duy nhất và Ba Ngôi. Chúng ta là những hữu thể xã hội; chúng ta cần sống trong sự hài hòa xã hội này, nhưng khi có sự ích kỷ, cái nhìn của chúng ta không đến được với người khác, với cộng đồng mà chỉ tập chú vào chính chúng ta, và điều này làm cho chúng ta trở nên xấu xí, xấu xa và ích kỷ, phá hủy sự hài hòa.
Nhận thức đổi mới này về phẩm giá của mỗi con người có những hệ luận nghiêm trọng về xã hội, kinh tế và chính trị. Nhìn vào anh chị em của chúng ta và toàn bộ công trình sáng thế như một hồng phúc nhận được từ tình yêu của Chúa Cha truyền cảm hứng cho tác phong biết lưu tâm, chăm sóc và ngạc nhiên. Theo cách này, người tin, khi coi người lân cận của mình như anh chị em, chứ không phải như người xa lạ, nhìn họ một cách từ bi và tương cảm, không khinh thường hay thù địch. Ngắm nhìn thế giới dưới ánh sáng đức tin, với sự trợ giúp của ơn thánh, chúng ta cố gắng phát triển khả năng sáng tạo và lòng nhiệt thành của mình để giải quyết các thử thách trong quá khứ. Chúng ta hiểu và phát triển các khả năng của mình như các trách nhiệm phát sinh từ đức tin này (4), như các hồng phúc của Thiên Chúa để phục vụ nhân loại và sáng thế.
Trong khi tất cả chúng ta đều làm việc để có thuốc chữa virút hiện đang tấn công mọi người không phân biệt ai, đức tin khuyên chúng ta cam kết nghiêm túc và tích cực để chống lại sự thờ ơ khi đối đầu với những vi phạm nhân phẩm.
Nền văn hóa thờ ơ này đi kèm với nền văn hóa vứt bỏ: những thứ không ảnh hưởng đến tôi, tôi không quan tâm. Đức tin luôn đòi chúng ta phải để bản thân được chữa lành và hoán cải khỏi chủ nghĩa cá nhân, bất luận có tính cá nhân hay tập thể; chủ nghĩa cá nhân đảng phái chẳng hạn.
Cầu xin Chúa “phục hồi thị giác của chúng ta” để chúng ta khám phá lại ý nghĩa của việc trở thành thành viên của gia đình nhân loại. Và mong sao thị giác này được chuyển dịch thành những hành động cụ thể của lòng cảm thương và tôn trọng mọi người cũng như sự quan tâm và bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta.
________________
(1) Diễn văn trước Đại hội đồng Liên hợp quốc (ngày 2 tháng 10 năm 1979).
(2) Diễn văn trước Đại hội đồng Liên hợp quốc (ngày 5 tháng 10 năm 1995).
(3) Xem Tóm Lược Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội, 157
(4) Đã dẫn