Lễ Đức Maria Hồn Xác về trời (15/08)

Kh 11, 19a.12, 1-6a.10b; 1 Cr 15, 20-26; Lc 1, 39-56

Mẹ là niềm hy vọng của nhân loại

Hôm nay, Giáo Hội mừng đại lễ Đức Maria hồn xác về trời, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm vai trò của Đức Trinh Nữ Maria trong lịch sử cứu độ. Quả thế, lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Truyền Tin, Mẹ Thiên Chúa và Lên Trời là những mốc lịch sử nền tảng, liên kết với nhau mà Giáo Hội tôn vinh và ngợi khen định mệnh vinh hiển của Mẹ Thiên Chúa, đồng thời qua đó chúng ta cũng có thể đọc thấy lịch sử của chúng ta.

Mầu nhiệm thụ thai của Đức Maria làm chúng ta nhớ lại trang đầu tiên Kinh Thánh, Thiên Chúa sáng tạo con người một cách tốt lành, trinh khiết và đẹp đẽ. Ơn vô nhiễm của Đức Mẹ là hình ảnh nguyên thủy của công trình sáng tạo.

Chương trình này đã bị tổn thương vì tội lỗi, nhưng không bị phá hủy. Nhờ sự nhập thể của Con Thiên Chúa trong lòng Đức Maria, chương trình cứu độ này được tái tạo và phục hồi để đưa con người trở về làm con cái Thiên Chúa trong đức tin.

Cuối cùng, nơi biến cố Đức Maria hồn xác về trời, chúng ta chiêm ngắm định mệnh mà chúng ta được mời gọi để đạt tới qua việc bước theo Chúa Kitô, khi chúng ta kết thúc hành trình dương thế này.

Chặng đường cuối cùng của Mẹ Thiên Chúa trong cuộc hành trình dương thế mời gọi chúng ta học hỏi cách thế mà Mẹ đã đi qua để đạt tới mục đích vĩnh cửu vinh hiển.

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Luca kể lại: Sau khi thiên thần truyền tin, Đức Maria “đã vội vã lên miền núi” để thăm bà chị họ Êlisabét (x. Lc 1, 39).

Với những lời này, tác giả Tin Mừng muốn nhấn mạnh rằng Đức Maria đã theo đuổi ơn gọi của mình trong sự nhạy bén và ngoan ngùy với Chúa Thánh Thần, Đấng đã thực hiện trong ngài mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời, nghĩa là Mẹ đã thực hiện một con đường mới và ngay lập tức Mẹ phải ra khỏi nhà mình, để cho mình được hướng dẫn theo một hành trình mới do chỉ mình Chúa mà thôi.

Thánh Ambrôsiô khi chú giải về sự “vội vã” của Đức Maria, đã nói rằng: “Hồng ân Chúa Thánh Thần không cho phép ai được chậm trễ.”

Cuộc đời của Đức Mẹ luôn được hướng dẫn bởi một Đấng khác:

“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).

Cuộc sống này được đào luyện bởi Chúa Thánh Thần, được đánh dấu bởi những biến cố và những cuộc gặp gỡ, như biến cố gặp gỡ bà Êlisabét, nhưng trên hết nhờ vào tương quan đặc biệt với Chúa Giêsu Con Mẹ. Đó là một hành trình mà Đức Maria càng ngày càng ý thức sâu xa ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa Cha cho việc cứu độ của thế giới.

Như thế, nhờ việc bước theo Chúa Giêsu từ Bêlem đến cuộc lưu đày trốn sang Ai Cập, và cả trong đời sống ẩn dật cũng như công khai, đặc biệt ở dưới chân thập giá, Đức Maria luôn hướng lòng về Thiên Chúa với tâm tình của kinh Magnificat, Mẹ hoàn toàn gắn bó và dấn thân cho chương trình yêu thương của Thiên Chúa, dẫu có những lúc đen tối và đau khổ, Mẹ luôn nuôi dưỡng trong trái tim mình sự phó thác hoàn toàn trong tay Chúa để trở nên kiểu mẫu cho các tín hữu trong Hội Thánh (x. Lumen Gentium, 64-65).

Toàn bộ cuộc đời Mẹ là hướng thiên, là chiêm niệm, vâng phục, tin tưởng và hy vọng, dẫu phải đối diện với tối tăm thử thách; toàn bộ cuộc đời Mẹ được đánh dấu bởi “sự vội vã thánh thiện” mà Mẹ luôn dành cho Thiên Chúa sự ưu tiên và không có gì cần phải “vội vã” hơn ngoài Người trong sự hiện hữu của chúng ta.

Và cuối cùng, Mẹ Lên Trời nhắc nhở chúng ta rằng cuộc đời của Đức Maria giống như cuộc đời của mọi tín hữu, là một hành trình của việc bước theo Chúa Giêsu, một hành trình có một định hướng rất quý giá, một tương lai được vạch ra rõ ràng: Đó là chiến thắng chung cuộc trên tội lỗi, sự chết và hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, bởi vì như thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Êphêsô: Chúa Cha “đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời” (Ep 2, 6).

Điều này có nghĩa là với Phép Rửa, chúng ta căn bản đã được sống lại và được ở với Chúa Giêsu Kitô, chúng ta đã bắt đầu sự sống này ngay tại thế rồi. Tuy nhiên, trong chúng ta, sự kết hợp với Chúa Kitô Phục Sinh chưa thực sự trọn vẹn. Đối với Đức Maria, Mẹ đã được kết hợp với Con Mẹ cách hoàn hảo khi Mẹ được đưa lên trời cả hồn cả xác. Mẹ đã trọn vẹn hiệp thông với Thiên Chúa, với Con mình; Mẹ lôi kéo chúng ta hướng về định mệnh đó và đồng hành với chúng ta trong hành trình dương thế.

Vì thế, nơi mầu nhiệm Đức Maria hồn xác lên trời, chúng ta chiêm ngắm Mẹ được Thiên Chúa ban cho một đặc ân cao quý là được chia sẻ chiến thắng chung cuộc của Chúa Kitô, cả hồn lẫn xác, trên tội lỗi và sự chết. Công Đồng nói:

“Khi kết thúc hành trình dương thế, Đức Đồng Trinh Vô Nhiễm được đưa lên trời vinh hiển cả hồn cả xác… và Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương mọi loài, Mẹ được hoàn toàn nên giống với Con Mẹ, là Chúa các chúa (x. Kh 19, 16) và là người chiến thắng tội lỗi và sự chết” (LG, 59).

Trong mầu nhiệm Đức Maria hồn xác lên trời, chúng ta chiêm ngắm sự đăng quang của đức tin và hành trình đức tin mà Mẹ vạch ra cho Giáo Hội: Đấng mà trong mỗi giây phút đã đón nhận Lời Chúa, được đưa về trời. Nói cách khác, Mẹ đã được Chúa Con đón nhận vào “nơi hạnh phúc.” Đó là nơi mà Chúa cũng chuẩn bị cho chúng ta nhờ cái chết và sống lại của Người (x. Ga 14, 2-3).

Đời sống con người trên trần gian như bài đọc I nhắc nhở là một hành trình phải liên lỉ đối diện với những khó khăn thử thách giữa con rồng đỏ và người phụ nữ, giữa tốt và xấu. Đây là tình trạng lịch sử nhân loại, giống như một cuộc vượt biển, thường có bóng tối và sóng gió đe dọa. Đức Maria là Ngôi Sao Mai hướng dẫn chúng ta về với Chúa Giêsu, Con Mẹ như “mặt trời đã mọc lên trên bóng tối của lịch sử” (x. Spe Salvi, số 49) và cho chúng ta niềm hy vọng mà chúng ta đang cần: Niềm hy vọng chúng ta có thể chiến thắng; niềm hy vọng về Thiên Chúa chiến thắng. Chúng ta không chết một cách mãi mãi: Thiên Chúa sẽ cứu độ chúng ta.

Đây là niềm hy vọng của chúng ta: Sự hiện diện của Thiên Chúa với chúng ta trở thành cụ thể và hữu hình trong Đức Maria lên trời. Kinh Tiền Tụng của đại lễ nói rằng:

“Đức Đồng Trinh mà Chúa đã thực hiện, đã chiếu tỏa như một dấu chỉ của hy vọng và niềm an ủi cho dân Người trên hành trình dương thế.”

Chúng ta hãy cầu khẩn Mẹ cùng với thánh Bênađô, một nhà thần bí đã ca ngợi Đức Nữ Đồng Trinh với những lời ca này:

“Chúng con cầu xin Mẹ, hỡi Đấng được chúc phúc, vì ân sủng Mẹ có và quyền năng Mẹ được ban, vì lòng Thương Xót Mẹ mang, nhờ Mẹ mà Con Chúa đã hạ mình xuống để chia sẻ sự bần cùng và yếu hèn của chúng con, nhờ lời cầu bầu của Mẹ, xin làm cho chúng con cũng được chia sẻ ân sủng của Ngài, trong hạnh phúc và vinh quang đời đời, là Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ, cũng là Chúa chúng con, Đấng vượt trên mọi sự, là Thiên Chúa tốt lành muôn đời. Amen!”

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/