1. Ngày than khóc Hagia Sofia

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là buổi lễ Hồi Giáo đầu tiên được cử hành tại Hagia Sofia vào hôm 24 tháng 7 sau khi đền thờ này, vốn là đền thờ Công Giáo Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, bị biến thành một đền thờ Hồi Giáo.

Trong khi buổi lễ này diễn ra, Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp và Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp cùng tham gia vào ngày than khóc Hagia Sofia.

Cha Rytel-Andrianik, phát ngôn viên Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cho biết các Giám Mục nước này cũng hiệp cùng với Giáo Hội Chính Thống tham gia trong các hình thức tưởng nhớ ngôi đền thờ đã từng là đền thờ Kitô Giáo lớn nhất thế giới trong 9 thế kỷ bằng các hình thức cầu nguyện cho hòa bình thế giới, công lý và sự chung sống hòa bình với người Hồi Giáo.

Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ cùng với các Giáo hội Chính thống tại Mỹ, cũng tham gia “Ngày thương khóc Hagia Sophia”.

Trong sứ điệp ngắn, được công bố hôm 21 tháng 7, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ cho biết sẽ hiệp với Tổng giáo phận Chính thống Hy Lạp tại Mỹ, vào ngày 24 tháng 7 năm 2020 để cầu nguyện cho việc tái lập Hagia Sophia thành nơi cầu nguyện và suy tư cho tất cả mọi người.

Hôm 14 tháng 7 năm 2020, Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, và Đức Cha Joseph C. Bambera Giám Mục giáo phận Scranton, Chủ tịch Ủy ban Các Vấn Đề Liên Tôn Và Đại Kết của USCCB, đã tham gia cùng Đức Thánh Cha Phanxicô và các nhà lãnh đạo khác trong việc bày tỏ sự bất mãn trước quyết định của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Các ngài nhận định rằng: Trong lịch sử 1, 500 năm của mình, Hagia Sophia, nghĩa là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, ở Istanbul đã là một đền thờ Công Giáo trước khi bị biến thành một đền thờ Hồi Giáo. Trong 84 năm qua, nhận thức được sự bất công này, Kamal Ataturk, tổng thống đầu tiên của Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ, người được gọi là cha già dân tộc, đã có can đảm biến tòa nhà thành một bảo tàng viện, như một biểu tượng của thiện chí và sự cùng tồn tại hòa bình giữa các cộng đồng Kitô giáo và Hồi giáo. Tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố quyết định lật ngược chính sách này và biến tòa nhà trở thành một đền thờ Hồi Giáo lần thứ hai.

Toàn văn tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gomez và Đức Cha Bambera như sau:

Hiệp cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô và các anh chị em Chính thống giáo của chúng ta, chúng tôi bày tỏ nỗi buồn sâu sắc về sắc lệnh của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ biến Hagia Sophia thành một đền thờ Hồi Giáo.

Kể từ khi được xây dựng như một nhà thờ Công Giáo vào năm 537, Hagia Sophia đã trở thành một trong những kho báu nghệ thuật và tâm linh vĩ đại trên thế giới. Trong nhiều năm qua, địa điểm đẹp và được ưu ái này đã là một bảo tàng nơi mọi người thuộc mọi tín ngưỡng có thể đến để trải nghiệm sự hiện diện tuyệt vời của Thiên Chúa. Nó cũng được coi là một dấu chỉ thiện chí và sự chung sống hòa bình giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo và là một biểu hiện cho khao khát của loài người muốn được hiệp nhất và yêu thương.

Thay mặt các giám mục anh em của chúng tôi tại Hoa Kỳ, chúng tôi kêu gọi Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan đảo ngược quyết định không cần thiết và đau đớn này và khôi phục Hagia Sophia như một nơi cầu nguyện và suy tư cho tất cả mọi người.

Mặt khác, hôm 20 tháng 7 năm 2020, tổng thống Hy Lạp, bà Katerina Sakellaropoulou đã điện thoại cho Ðức Thánh cha để xin ngài tạo sức ép trên Thổ Nhĩ Kỳ về vụ đền thờ Hagia Sophia. Bà nói: “Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ là điều “làm thương tổn trầm trọng cho những người coi biểu tượng cao cả này của Kitô giáo thuộc về nhân loại và gia sản văn hóa của thế giới”.

Bà tổng thống Hy Lạp nói rằng: “Việc làm của Thổ Nhĩ Kỳ phải bị cộng đồng quốc tế lên án một cách minh bạch và rõ ràng” và bà xin Ðức Giáo hoàng Phanxicô giúp liên kết sự hỗ trợ của quốc tế để giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ rút lại quyết định và tái lập quy chế của đền thờ Hagia Sophia như một đền đài được bảo vệ”.

Theo thông cáo của Phủ tổng thống Hy Lạp, Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn nhận có những động lực chính trị trong quyết định của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, quyết định mà bà tổng thống Sakellaropoulou gọi là “điều đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi những giá trị của một nhà nước đời và các nguyên tắc bao dung và đa nguyên.”

Trong cuộc nói chuyện, Đức Thánh Cha cũng cám ơn những cố gắng của Hy Lạp trong việc đón nhận những người di dân và tị nạn, và ngài hy vọng có những điều kiện, để ngài có thể nhận lời mời của Hy Lạp đến viếng thăm nước này vào năm 2021.


Source:USCCB

2. Ba trí thức Thổ Nhĩ Kỳ kháng cáo quyết định biến Hagia Sofia thành đền thờ Hồi Giáo

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết ba nhà trí thức Thổ Nhĩ Kỳ là các nhà chuyên môn về thần học và về lịch sử của đất nước họ, đã công bố một kháng cáo trong đó họ nhận định rằng quyết định của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ biến Hagia Sophia, một đền thờ của Kitô giáo thành một nơi thờ phượng Hồi giáo là “một sai lầm nghiêm trọng và vô phương cứu chữa”.

Đối với họ, nỗ lực biến một vương cung thánh đường đã được các Kitô hữu xây dựng thành nơi thờ phượng của người Hồi giáo “sẽ xúc phạm những người không theo đạo Hồi và tạo động lực mới cho nỗi khiếp sợ và lòng thù hận chống lại đạo Hồi”.

Trong bản trình bầy lập trường của họ, các ông Nazif Ay, Mehmet Ali z và Yusuf Dülger tự giới thiệu mình là các nhà thần học theo trường phái Kemist của tổng thống Mustafa Kemal Aturürk, là Tổng thống Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1923 đến năm 1938.

Trong thế chiến thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đã tàn sát khoảng 1.5 triệu người Armenia. Sau khi thất trận, Thổ Nhĩ Kỳ đã không bị trừng trị vì tội ác này vì Hoa Kỳ và nhiều quốc gia đồng minh tìm cách ve vãn quốc gia này nhằm tạo ra một vùng đệm ngăn chặn Liên Sô tiến vào vùng dầu hỏa của thế giới. Ông Kemal nhận thức được rằng đó chỉ là một tình cờ may mắn, và rằng chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan sẽ là một tai ương khủng khiếp đối với vận mệnh của Thổ Nhĩ Kỳ. Chính vì thế, ông đề cao một thứ Hồi Giáo hòa bình hơn. Trong chiều hướng này, năm 1934, ông đã quyết định biến Hagia Sophia, cho tới thời điểm đó vẫn đang được sử dụng như là đền thờ Hồi giáo, thành một bảo tàng viện, .

Các nhà trí thức Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng quyết định biến khu phức hợp Hagia Sophia một lần nữa trở thành nơi thờ cúng của người Hồi giáo đã xóa bỏ “thông điệp hòa giải và công lý của đạo Hồi”.

Trong những giờ cầu nguyện của người Hồi giáo, các bức tranh khảm Kitô giáo khắc bên trong vương cung thánh đường sẽ được che lại bằng một bức màn hoạt động bằng điện tử. Các chuyên gia kỹ thuật hiện đang chuẩn bị một tài liệu để chứng minh rằng hệ thống này sẽ không gây ra thiệt hại cho các bức tranh khảm này.

Trong khi đó, các đại diện của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tiếp tục phàn nàn rằng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã không có can đảm loại bỏ tất cả các biểu tượng Kitô Giáo Byzantine trên các bức tường của đền thờ.


Source:Fides