Hồng Kông (AsiaNews) - Philippines và Indonesia là hai quốc gia ASEAN duy nhất bày tỏ công khai sự ủng hộ đối với lập trường mạnh mẽ của Hoa Kỳ chống lại các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong một bài phát biểu cứng rắn, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm qua nói rằng các yêu sách của Trung Quốc trên vùng biển rộng lớn này là hoàn toàn bất hợp pháp ".
Mặc dù thường xuyên chỉ trích các hành động của Bắc Kinh trong khu vực, Washington đã chưa bao giờ có lập trường rõ ràng như vậy, mà đã chỉ giới hạn trong việc đòi hỏi tự do hàng hải và hàng không trong khu vực mà thôi.
Quan điểm mới này của Washington dựa trên phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế tại The Hague năm 2016, phán rằng các chứng cớ cuả Trung Quốc đòi hỏi gần 90% Biển Đông là vô căn cứ và bất hợp pháp.
Bộ trưởng Pompeo nói rằng Hoa Kỳ sẽ hành động để bảo vệ chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á khi họ khai thác tài nguyên trên biển của họ.
Đối với một số nhà quan sát thì tuyên bố của Hoa Kỳ củng cố vị thế của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan, Brunei và Indonesia chống lại các yêu sách của Trung Quốc trong vùng biển chiến lược này.
Trung quốc, nước khổng lồ châu Á, đã chiếm đóng và quân sự hóa một số đảo san hô và bờ cát ở Biển Đông. Các tàu chiến và tàu tuần tra của Trung Quốc, cùng với các tàu đánh cá dân quân có vũ trang, thường xuyên hoạt động trong các vùng biển mà các quốc gia khác tuyên bố có chủ quyền.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hoan nghênh những lời của ông Pompeo, nói rằng chúng phản ánh kỳ vọng của cộng đồng các quốc gia là kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế trong các tranh chấp ở Biển Đông. Ông Bộ trưởng cũng kêu gọi Bắc Kinh hãy tôn trọng phán quyết của Tòa án The Hague.
Một cách thận trọng hơn, Indonesia cũng lên tiếng đồng ý. Bộ Ngoại giao Indonesia hôm nay cho biết, bất kỳ quốc gia nào ủng hộ quyền Indonesia ở biển Natuna đều là bình thường. Đồng thời, các nhà lãnh đạo Indonesia nhấn mạnh rằng đất nước của họ không phải là một phe đang tranh chấp ở Biển Đông.
Dù nói thế, nhưng ai cũng biết là Trung Quốc vẫn tuyên bố chủ quyền lịch sử cuả họ đối với các ngư trường giàu có xung quanh quần đảo Natuna, là một khu vực mà theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Các nước ASEAN có xu hướng không đứng về phe nào trong các cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh. Họ vẫn cần Trung Quốc cho sự tăng trưởng kinh tế của họ và cần Hoa Kỳ để ngăn chặn các yêu sách bá quyền của Bắc Kinh.
Gần đây, hai siêu cường đã dương oai diễu võ ở Biển Đông. Đầu tháng 7, Trung Quốc thực hiện một cuộc tập trận đổ bộ với quy mô lớn ở vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa là vùng mà họ đã chiếm cuả Việt Nam năm 1974. Đáp lại, Washington đang điều động hai hàng không mẫu hạm tháp tùng với nhiều đoàn chiến hạm tấn công đi tới khu vực.