Cuộc phỏng vấn với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres :Các mối đe dọa toàn cầu đòi hỏi cần phải có một sự liên đới mới

02 tháng 6 năm 2020

Gioakim Trương Đình Giai dịch từ tiếng Bồ Đào Nha nguyên văn cuộc phỏng vấn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, 02 tháng 6 năm 2020 với tựa đề “As ameaças globais exigem uma nova solidariedade” đăng trên L’Osservatore Romano

Lòng biết ơn sâu sắc đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô về việc ngài hỗ trợ một lệnh ngừng bắn trên toàn thế giới

Đại dịch chắc là một hồi chuông cảnh báo. Các mối đe dọa chết người toàn cầu đòi hỏi cần phải có một sự đoàn kết và liên đới mới. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nói trong cuộc phỏng vấn độc quyền dành cho giới truyền thông Vatican.

Gần đây, ông đã đưa ra một lời kêu gọi vì hòa bình trên thế giới bị đại dịch tấn công. Một sáng kiến, ​​một lần nữa liên kết với Giáo hoàng Phanxicô – người mà ông đã gặp tại Vatican vào cuối năm ngoái và đã gửi một thông điệp video rằng ông không bao giờ ngưng kêu gọi chấm dứt mọi cuộc chiến tranh. Ông nói: Sự giận dữ của virus cho thấy sự điên rồ của chiến tranh. Theo ý kiến của ông, vì sao lại khó truyền đi thông điệp này?

Trước hết, tôi muốn nhắc lại lòng biết ơn sâu sắc của tôi đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì sự ủng hộ của ngài đối với lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu và công việc của Liên Hợp Quốc. Sự dấn thân toàn cầu của ngài, lòng trắc ẩn và lời kêu gọi đoàn kết của ngài tái khẳng định các giá trị cơ bản hướng dẫn công việc của chúng tôi, đó là việc giảm bớt đau khổ của con người và thúc đẩy phẩm giá của con người.

Khi tôi kêu gọi ngừng bắn, thông điệp của tôi gửi đến cho các bên liên quan đến xung đột trên khắp thế giới rất đơn giản, đó là các cuộc chiến phải dừng lại để chúng ta có thể tập trung vào kẻ thù chung của chúng ta, Covid-19.

Cho đến nay, lời kêu gọi đã nhận được sự hỗ trợ từ 115 chính phủ, các tổ chức khu vực, hơn 200 nhóm xã hội dân sự và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác. Mười sáu nhóm vũ trang cam kết chấm dứt bạo lực. Ngoài ra, hàng triệu người đã ký trên mạng một thỉnh cầu hỗ trợ.

Nhưng sự ngờ vực vẫn rất lớn và thật khó để biến các cam kết này thành những hành động tạo ra sự khác biệt trong đời sống của những người bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột.

Các đại diện và đặc phái viên của tôi đang làm việc không mệt mỏi trên khắp thế giới, với sự tham gia trực tiếp của tôi khi cần thiết, để biến các ý định được diễn đạt thành các lệnh ngừng bắn cụ thể.

Tôi tiếp tục thúc giục các bên xung đột, và tất cả những người có thể tác động đến họ, đặt sức khỏe và sự an toàn của mọi người lên hàng đầu.

Tôi cũng muốn đề cập đến một lời kêu gọi khác mà tôi đã thực hiện và tôi cho rằng cần thiết, đó là một lời kêu gọi cho hòa bình tại nội địa. Trên khắp thế giới, với sự lan rộng của đại dịch, chúng ta thậm chí đã chứng kiến ​​sự gia tăng bạo lực đáng lo ngại đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Tôi xin các chính phủ, xã hội dân sự và tất cả những người trên thế giới giúp đỡ, vận động để bảo vệ phụ nữ tốt hơn. Tôi cũng xin các nhà lãnh đạo tôn giáo của tất cả các tín ngưỡng lên án một cách dứt khoát tất cả các hành vi bạo lực đối với phụ nữ và thanh niên, và bảo vệ các nguyên tắc căn bản của sự bình đẳng.

Vài tháng trước, rất lâu trước khi đại dịch bùng phát, ông đã nói về nỗi sợ hãi như thể đó là mặt hàng dễ bán nhất. Đây là một vấn đề mà bây giờ, trong những tuần gần đây, có nguy cơ lan rộng hơn nữa. Ông nghĩ thế nào để đương đầu với cảm giác sợ hãi lan tỏa trong mọi người đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn này?

Đại dịch Covid-19 không chỉ là một tình trạng cấp bách về sức khỏe toàn cầu.

Trong những tuần gần đây, đã có sự gia tăng các lý thuyết âm mưu và các biểu hiện bài ngoại. Trong một số trường hợp, các nhà báo, chuyên gia y tế hoặc các nhà bảo vệ nhân quyền đã bị tấn công chỉ vì thực hành công việc của họ.

Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng này, tôi đã kêu gọi sự đoàn kết giữa các xã hội và các quốc gia. Phản ứng của chúng ta phải dựa trên quyền con người và phẩm giá con người.

Tôi cũng kêu gọi các tổ chức giáo dục tập trung vào kiến ​​thức kỹ thuật số và tôi kêu gọi các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các xã hội thông tin, làm nhiều hơn nữa để tố cáo và loại bỏ các nội dung phân biệt chủng tộc, phụ nữ hoặc có hại, về các luật nhân quyền quốc tế.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo có một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau trong cộng đoàn của họ và hơn thế nữa. Họ chiếm một vị trí thích hợp để chống lại những thông tin không chính xác và có hại và khuyến khích tất cả các cộng đồng thúc đẩy bất bạo động và từ chối bài ngoại, phân biệt chủng tộc và bất kỳ hình thức không khoan dung nào.

Nỗi sợ hãi chắc chắn được nuôi dưỡng bởi những tin tức sai lạc mà gần đây ông đã tố cáo sự lan truyền ngày càng gia tăng của chúng. Làm thế nào chúng ta có thể chống lại những thông tin sai lạc mà không có nguy cơ, nhân danh cuộc chiến này bóp ghẹt các quyền lợi và tự do căn bản?

Mọi người trên khắp thế giới muốn biết phải làm gì và cậy đến ai để được tư vấn. Thay vào đó, họ buộc phải quản lý một nạn dịch thông tin sai lạc mà, nếu xảy ra, có thể gây nguy hiểm cho sự sống của nhiều người.

Tôi vinh danh các nhà báo và những người kiểm soát thông tin, đối diện với rất nhiều các câu chuyện và bài báo phỉnh gạt được đăng trên các mạng xã hội.

Để hỗ trợ cho cam kết này, tôi đã đưa ra một sáng kiến ​​của Liên Hợp Quốc để đáp ứng với truyền thông, được gọi là Xác minh, nhằm cung cấp cho mọi người thông tin chính xác, dựa trên các sự việc, đồng thời khuyến khích các giải pháp và sự liên đới càng lúc chúng ta chuyển từ khủng hoảng sang phục hồi.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng có một vai trò để thực hiện, đó là bằng việc sử dụng các mạng lưới và khả năng giao tiếp của họ để hỗ trợ các chính phủ thúc đẩy các biện pháp y tế công cộng được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị - từ việc cách ly thể lý đến việc giữ vệ sinh tốt - và bác bỏ những thông tin và tin đồn thất thiệt.

Trong số những thông tin vô căn cứ đến với công chúng hàng ngày là, những ngày này, nhiều lời chỉ trích của các cơ quan LHQ, như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ông nghĩ thế nào?

Khi chúng ta thương tiếc về các mạng sống mất mác do virus, chúng ta đau khổ vì sẽ còn nhiều người nữa, đặc biệt là ở những nơi ít có khả năng đối phó với đại dịch.

Nhìn lại, sự tiến triển của đại dịch và phản ứng quốc tế là điều cốt lõi. Nhưng ngay lúc này, Tổ chức Y tế Thế giới và toàn bộ hệ thống Liên Hợp Quốc không đeỷ thời gian để cứu sống.

Tôi đặc biệt lo ngại về việc thiếu liên đới đầy đủ với các nước đang phát triển - vừa nhằm cung cấp cho họ những gì cần thiết để đối phó với đại dịch Covid-19 và vừa nhằm đương đầu với tác động kinh tế và xã hội mạnh mẽ đối với người nghèo nhất thế giới.

Tổ chức Y tế Thế giới và toàn bộ hệ thống Liên Hợp Quốc được huy động đầy đủ để cứu sống, ngăn chặn nạn đói, làm thuyên giảm nỗi đau khỗ và đưa ra kế hoạch phục hồi.

Chúng tôi đã xác định một kế hoạch đáp ứng nhân đạo toàn cầu là 7, 6 tỷ đô la cho những người dân dễ bị tổn thương nhất, bao gồm người tị nạn và người di cư nội địa. Cho đến nay, các nhà tài trợ đã cung cấp gần một tỷ đô la và tôi tiếp tục nỗ lực để đảm bảo rằng kế hoạch này được tài trợ đầy đủ.

Các nhóm của chúng tôi đang làm việc ở các quốc gia khác nhau, phối hợp với các chính phủ, để huy động tài trợ, giúp các bộ y tế chuẩn bị và hỗ trợ các biện pháp kinh tế và xã hội, từ an ninh lương thực và giáo dục từ nhà đến chuyển tiền mặt và nhiều hơn nữa.

Các hoạt động gìn giữ hòa bình của chúng tôi tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ quan trọng của họ và để hỗ trợ các tiến trình hòa bình và chính trị.

Mạng lưới phân phối của Liên Hợp Quốc đã được cung cấp cho các nước đang phát triển, với hàng triệu bộ dụng cụ thử nghiệm, mặt nạ phòng độc và mặt nạ phẫu thuật hiện đã đến hơn một trăm quốc gia. Chúng tôi đã tổ chức các chuyến bay đoàn kết để đưa thêm nguồn cung và nhà khai thác đến hàng chục quốc gia ở Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh.

Và ngay từ đầu, tôi đã huy động các kỹ năng mà gia đình Liên Hợp Quốc phải cung cấp một loạt các báo cáo và thông tin chính trị để cung cấp phân tích và lời khuyên để cung cấp một phản ứng hiệu quả và phối hợp từ cộng đồng quốc tế. (https://www.un.org/en/coronavirus/un-secretary-general)

Chúng ta đang sống trong thời đại mà các cuộc tấn công vào chủ nghĩa đa phương đang gia tăng. Theo ông, có cần thiết củng cố niềm tin vào các tổ chức quốc tế? Và có thể làm điều này bằng cách nào?

Sự hợp tác và đóng góp của tất cả các quốc gia - kể cả những quốc gia hùng mạnh nhất - là điều cần thiết không chỉ để chống lại Covid-19, mà còn để đương đầu với những thách thức của hòa bình và an ninh phát sinh. Chúng cũng rất cần thiết để giúp tạo điều kiện cho việc phục hồi hiệu quả trong thế giới phát triển và đang phát triển.

Virus đã chứng minh sự mong manh toàn cầu của chúng ta. Và sự mong manh này không chỉ giới hạn nơi các hệ thống y tế của chúng ta mà còn đụng đến mọi lĩnh vực của thế giới và của các cơ chế của chúng ta.

Sự mong manh của các nỗ lực toàn cầu phối hợp nổi trội bởi qua việc chúng ta không có khả năng ứng phó với khủng hoảng khí hậu, qua nguy cơ phổ biến hạt nhân ngày càng tăng, qua việc chúng ta không có khả năng qui tụ lại với nhau để điều chỉnh mạng lưới tốt hơn.

Đại dịch đúng là một hồi chuông cảnh báo. Các mối đe dọa toàn cầu chết người đòi hỏi cần phải có một sự hiệp nhất và liên đới mới.

Ông công khai hoan nghênh sáng kiến ​​của châu u nhằm phát triển vắc-xin chống lại Covid-19. Tuy nhiên, một cách chính xác, việc phát hiện ra vắc-xin có thể làm nảy sinh cám dỗ chiếm vị trí thống trị trong cộng đồng quốc tế nơi một số người. Làm thế nào có thể tránh được mối hiểm họa này? Và làm thế nào để đảm bảo rằng các cách thức điều trị tỏ ra có hiệu quả được thử nghiệm trước khi có vắc-xin?

Trong một thế giới liên hệ hỗ tương, không ai an toàn cho đến khi mọi người đều được an toàn.

Nói tóm lại, đây là cốt lõi của thông điệp của tôi trong việc đưa ra “ luật Tăng tốc” (Act Accelerator) - nghĩa là sự hợp tác toàn cầu để tăng tốc việc phát triển, sản xuất và tiếp cận công bằng với chẩn đoán, trị liệu và vắc-xin mới cho Covid-19.

Nó phải được xem là một lợi ích công cộng. Không phải vắc-xin hay phương pháp chữa trị cho một quốc gia, một khu vực hoặc một nửa thế giới - mà là vắc-xin và các chữa trị có thể tiếp cận, an toàn, hiệu quả, dễ quản lý và có sẵn cho mọi người, ở mọi nơi. Vắc-xin này phải là vắc-xin của người dân.

Làm thế nào có thể xảy ra việc trong cuộc chiến chống lại virus có các quốc gia thuộc loại thứ nhất và thứ hai? Tuy nhiên, có một rủi ro là đại dịch trên thế giới sẽ mở rộng khoảng cách giàu nghèo. Làm thế nào có thể tránh được điều này?

Đại dịch phơi bày những sự bất bình đẳng trên khắp thế giới. Bất bình đẳng kinh tế trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế và nhiều hơn nữa.

Số người nghèo có thể tăng lên 500 triệu - mức tăng đầu tiên trong ba mươi năm.

Chúng tôi không thể cho phép điều này xảy ra và do đó, tôi tiếp tục kêu gọi một gói viện trợ toàn cầu có giá trị ít nhất 10% nền kinh tế thế giới.

Các quốc gia phát triển hơn có thể làm điều này bằng nguồn lực của mình và một số đã bắt đầu áp dụng các biện pháp này. Nhưng các nước đang phát triển cần một sự trợ giúp đáng kể và khẩn cấp.

Quỹ tiền tệ quốc tế đã phê duyệt tài trợ khẩn cấp cho một nhóm các nước đang phát triển đầu tiên. Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra rằng, với các nguồn lực mới và hiện có, nó có thể cung cấp 160 tỷ đô la tài trợ trong 15 tháng tới. G20 ủng hộ việc đình chỉ việc thanh toán nợ từ phía các nước nghèo nhất.

Tôi hoàn toàn đánh giá cao các biện pháp này, có thể bảo vệ con người, việc làm và mang lại lợi ích cho sự bphát triển. Tuy nhiên, điều đó không đủ và điều quan trọng là phải xem xét các biện pháp bổ sung, bao hàm việc giảm nợ, để tránh khủng hoảng tài chính và kinh tế kéo dài.

Một số người nói rằng sau đại dịch, thế giới sẽ không bao giờ trở lại như cũ. Điều gì có thể là tương lai của Liên Hợp Quốc trong thế giới ngày mai?

Việc phục hồi khỏi đại dịch mang đến cơ hội đưa thế giới đến một con đường an toàn hơn, lành mạnh hơn, bền vững hơn và toàn diện hơn.

Các sự bất bình đẳng và khoảng cách trong việc bảo trợ xã hội xuất hiện một cách đáng buồn như vậy cần phải được giải quyết. Chúng tôi cũng sẽ có cơ hội đặt phụ nữ và việc bình đẳng giới lên hàng đầu để giúp xây dựng khả năng hồi phục trước những cú sốc trong tương lai.

Sự phục hồi cũng phải đi đôi với hành động bảo vệ khí hậu.

Tôi yêu cầu các chính phủ đảm bảo rằng các quỹ đượcdành cho việc phục hồi nền kinh tế được sử dụng để đầu tư trong tương lai, chứ không phải trong quá khứ.

Tiền của người nộp thuế phải được sử dụng để đẩy nhanh quá trình khử cacbon trong mọi phương diện của nền kinh tế của chúng ta và để ưu tiên tạo các việc làm xanh. Đã đến lúc áp đặt thuế đối với than và buộc những người gây ô nhiễm phải trả giá cho việc gây ô nhiễm của nó. Các tổ chức tài chính và nhà đầu tư phải tính đến rủi ro khí hậu.

Các mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu vẫn là mô hình của chúng tôi.

Đã đến lúc để chúng ta quyết tâm. Quyết tâm đánh bại Covid-19 và thoát khỏi khủng hoảng, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người.

Andrea Monda