Chúa Nhật 13 Thường Niên A
2V 4, 8-11.14-16a; Rm 6, 3-4.8-11; Mt 10, 37-42
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 10, 37-42
(37) “Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. (38) Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. (39) Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được. (40) Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. (41) Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ : Ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. (42) Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em : Người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.
2. Ý CHÍNH:
Người môn đệ phải đặt tình yêu Chúa Giê-su lên trên mọi tương quan tình cảm gia đình ruột thịt. Những ai sẵn sàng đón nhận gian khổ thập giá để đi theo và cùng chết với Đức Giê-su thì sẽ tìm lại được sự sống đời đời cho mình sau này. Đức Giê-su cũng tự đồng hóa Người với các vị thừa sai sau này và hứa ban cho những ai sẵn sàng đón tiếp các ngài, sẽ được Thiên Chúa ban thưởng bội hậu ở trên trời.
3.CHÚ THÍCH:
- C 37: + Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy… : Ở đây Đức Giê-su tỏ ý “ghen tương” giống như sự ghen yêu của Đức Chúa đối với dân Ít-ra-en thời Cựu Ước (x. Đnl 29, 17-19; 32, 16-21). Đức Giê-su không chấp nhận bất cứ tình yêu nào cạnh tranh với tình yêu dành riêng cho Người. Kẻ nào muốn theo làm môn đệ Đức Giê-su mà còn quá quyến luyến với tình cảm gia đình, thì không xứng đáng với tình yêu của Người. Kẻ nào không nhìn nhận sự tối thượng của Người cũng không thể làm môn đệ của Người được. Sở dĩ Người đòi hỏi trung thành tuyệt đối như vậy, vì Người chính là Thiên Chúa làm người, đến để chịu chết đền tội thay cho loài người.
HỎI : Với đòi hỏi như thế, phải chăng đi theo Chúa là phải hoàn toàn từ bỏ mọi liên hệ gia đình ruột thịt, có thể bị người đời kết tội là bất hiếu?
ĐÁP : Thực ra không phải như vậy. Vì chính Đức Giê-su là một người con hiếu thảo : Người vâng lời cha mẹ trong suốt thời gian ẩn dật tại Na-da-rét (x. Lc 2, 51). Dù “giờ” chưa tới, nhưng Người sẵn sàng nghe lời cầu bầu của Đức Mẹ, để làm phép lạ đầu tiên giúp đỡ đôi tân hôn là hóa nước thành rượu ngon (x. Ga 2, 4.5-8). Trước khi tắt thở trên cây thập giá, Người trối Mẹ Người làm Mẹ của môn đệ Gio-an, để ông đem Mẹ về nhà mà phụng dưỡng thay cho Người (x. Ga 19, 25-27). Người dạy người ta về sự thực hành cách cụ thể giới răn “Phải thảo kính cha mẹ”, trái với lời dạy lỗi bổn phận hiếu thảo của các luật sĩ (x. Mc 7, 10-13). Nhưng đối với Đức Giê-su, sự vâng lời cha mẹ phải được đặt sau bổn phận hiếu thảo với Thiên Chúa (x. Lc 2, 49). Người nhận những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa chính là Mẹ và anh em của Người (x. Mc 3, 33-35). Trong câu này, Đức Giê-su chỉ muốn nói rằng : khi buộc phải chọn một trong hai tình yêu, một là dành cho cha mẹ và hai là dành cho Đức Giê-su, thì môn đệ phải đặt tình yêu trung thành với Chúa trên tình yêu dành cho cha mẹ.
- C 38: + Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy : Lúc đầu có lẽ các môn đệ đi theo Đức Giê-su do muốn được lợi lộc vật chất (x. Mt 19, 27-30), được địa vị cao khi Người lên làm vua (x. Mt 18, 1-4). Nhưng Người không chiều theo ý họ, mà đòi họ phải đi con đường hẹp, leo dốc và đầy gai chông, ít người chịu theo (x. Mt 7, 13-14). Đó là đường “từ bỏ mình, vác thập gia mình hàng ngày mà theo chân Người” (x. Mt 16, 24).
- C 39: + Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất… : Giữa hai sự sống tự nhiên và siêu nhiên, thì môn đồ phải chọn sự sống siêu nhiên. Nếu họ chỉ lo tìm sự sống thân xác, đến nỗi từ chối Chúa để khỏi bị giết chết, thì họ sẽ bị mất sự sống siêu nhiên đời sau. Ngược lại, nếu họ bằng lòng chịu chết vì đức tin, thì sẽ được Chúa ban lại sự sống siêu nhiên sau này.
- C 40: + Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy…: Ở đây Đức Giê-su áp dụng một nguyên tắc thông thường về ngoại giao là : “Kẻ được sai đi đồng hóa với người đã sai mình”. Đón tiếp môn đệ là đón tiếp Đức Giê-su, cũng là đón tiếp chính Thiên Chúa là Đấng đã sai Người. Sự đón tiếp ở đây là phải sẵn sàng đón nhận Tin Mừng do các tông đồ thừa sai rao giảng.
- C 41: + Ai đón tiếp một ngôn sứ… một người công chính : Có người nghĩ rằng : Ngôn sứ và công chính đồng nghĩa với tông đồ, nên ai tiếp đón các tông đồ với danh nghĩa là ngôn sứ và người công chính, thì sẽ được phần thưởng của các ngài. Nhưng một số các nhà chú giải hiện nay lại cho rằng : Thời Giáo hội sơ khai, chức vụ ngôn sứ khác với chức vụ tông đồ, còn người công chính thì không phải chức vụ, nhưng là người có lối sống công bình và ngay chính, được cộng đoàn kính trọng, như ông Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a là người công chính (x. Mt 1, 19), ông Giu-se hay Ba-sáp-ba, biệt danh Rô-ma là Gút-tô, nghĩa là công chính (x. Cv 1, 23). + Thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ… cho bậc công chính : Đức Giê-su áp dụng nguyên tắc : “Người được sai đi đồng hóa với Đấng sai mình”, để nói rằng : kẻ đón tiếp các ngôn sứ và người công chính cũng sẽ được phần thưởng giống như phần thưởng mà các bậc ngôn sứ và người công chính sẽ được, là được sự sống đời đời.
- C 42: + Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này… : Kẻ bé nhỏ đây ám chỉ các môn đệ của Đức Giê-su là tông đồ thừa sai. + Người đó sẽ không mất phần thưởng đâu : Đức Giê-su hứa sẽ ban thưởng Nước Trời cho những ai thành tâm cộng tác vào sứ mệnh truyền giáo của các môn đệ, thì cũng sẽ được Chúa ban thưởng giống như các môn đệi sẽ được hưởng ở đời sau.
II. SỐNG LỜI CHÚA :
1. LỜI CHÚA: Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy (Mt 10, 38).
2. CÂU CHUYỆN:
1) CẬU ĐÃ LÀM ĐƯỢC GÌ CHO CHÚA GIÊ-SU CHƯA?
Một buổi tối, khi vừa từ Ma-rốc trở về, SÁC ĐỜ PHU-CÔ (Charles de Foucauld) đã hãnh diện kể cho mọi người thân trong gia đình nghe về những cuộc thám hiểm kỳ thú của anh ở Phi Châu. Ai cũng thích thú lắng nghe, nhưng người chăm chú theo dõi câu chuyện hơn cả là cô cháu gái chưa đầy mười tuổi của anh.
Khi anh vừa dứt lời thì cô bé đã lên tiếng nói:
- Thưa cậu, cháu thấy cậu đã làm được nhiều việc to lớn. Vậy cậu đã làm được gì cho Chúa Giê-su chưa?
Câu hỏi ấy như một luồng điện giựt, khiến anh như bị bất động. Từ bao lâu nay, chưa có lời nói của ai mà khiến anh phải suy nghĩ nhiều như thế: “Cậu đã làm được gì cho Chúa Giê-su chưa? ”. Charles de Foucauld nghĩ lại quá khứ của mình thì chỉ thấy một con số không to tướng. Anh đã phí phạm bao nhiêu thời giờ tuổi thanh xuân cho những cuộc ăn chơi truỵ lạc và tìm kiếm danh vọng phù phiếm. Mắt anh bỗng mở ra để thấy được sự nghèo nàn về tâm linh của mình. Ngày hôm sau, anh tìm đến xưng tội với một vị linh mục. Sau đó anh đã từ bỏ tất cả, xin vào một dòng khổ tu. Rồi ít lâu sau, anh lại đến ở Na-gia-rét quê hương Chúa Giê-su để dâng hiến trọn đời còn lại cho Người.
Một ngày nọ, giữa lúc đang đắm mình trong cầu nguyện, anh bỗng nghe từ căn nhà bên cạnh có tiếng rên của một người Hồi giáo. Nhớ đến gương bác ái của Chúa Giê-su, anh tự hỏi, anh có thể giam mình cầu nguyện giữa lúc có những người anh em đang rên rỉ trong đau thương thất vọng được chăng? Thế là anh quyết định đến sống giữa họ, trở thành người anh em của họ, nhất là của những người cô đơn, nghèo hèn nhất.
Những năm cuối đời, Charles de Foucauld đã đến sống giữa sa mạc Sa-ha-ra bên Phi châu, chia sẻ hoàn toàn cuộc sống với những người cùng khổ. Và anh đã chia sẻ tới giọt máu cuối cùng khi vào đầu tháng 12 năm 1916, anh đã bị phát súng oan nghiệt của kẻ sát nhân bắn gục đang lúc anh cầu nguyện. Ngày nay, các Tiểu đệ và Tiểu muội của Chúa Giê-su tiếp tục sống theo lý tưởng của anh. Các anh chị này tình nguyện đến sống giữa những người nghèo khổ nhất trong xã hội. Tất cả cuộc sống và sự hiện diện âm thầm của họ là muốn làm điều gì tốt đẹp cho Chúa noi gương Charles de Foucauld.
2) THEO CHÚA LÀ CHẤP NHẬN ĐAU KHỔ THẬP GIÁ GIỮA ĐỜI THƯỜNG:
Có một thiếu nữ kia trẻ đẹp và là con một gia đình quý tộc ở Ái Nhĩ Lan. Tuy sống trong cảnh giàu sang, nhưng cô lại muốn sống đời thánh hiến cho Chúa. Khi tới tuổi trưởng thành, cô từ chối khi các chàng trai quý tộc đến dạm hỏi, và được cha mẹ cho phép, cô tìm đến một đan viện có lối sống nhiệm nhặt khắc khổ để xin được dâng mình cho Chúa. Mẹ bề trên thấy cô vừa trẻ đẹp, lại vừa là con nhà quyền quý giàu có, nên chưa dám nhận ngay. Bà muốn thử thách ơn gọi của cô nên đã cố ý trình bày những luật lệ khắt khe của đan viện về nhiệm vụ cầu nguyện và lao động nhiều giờ mỗi ngày. Nghe xong, cô gái giữ im lặng như suy nghĩ. Một lát sau, bà bề trên hỏi tiếp : “Bây giờ con còn muốn dâng mình cho Chúa nữa thôi? ”. Cô đáp : “Thưa mẹ, con chỉ còn một thắc mắc này là : Không biết trong tu viện có nhiều cây thánh giá không? ”. Mẹ bề trên trả lời : “Con đừng lo. Khắp nơi trong nhà, không chỗ nào là không có thánh giá cả”. Bấy giờ cô gái tươi nét mặt và nói : “Thế thì thưa mẹ, con sẵn sàng xin vào tu viện, vì con chắc sẽ không gặp gì khó khăn cả. Bởi vì theo con nghĩ : Nếu mọi nơi mọi lúc con đều nhìn thấy thánh giá Chúa, đều thấy Người đang cùng chịu đau khổ với con, thì con hy vọng có thể chịu đựng được mọi đau khổ”.
3) KHÔNG ĐÓN TIẾP THA NHÂN LÀ TỪ CHỐI CHÚA GIÊ-SU:
Tiểu bang Min-ne-so-ta ở phía trung bắc nước Mỹ, giáp với Ca-na-da, vào mùa đông thường có những trận bão tuyết và nhiệt độ tụt xuống -30 hay -40 độ âm Farenheit. Vào một đêm bão tuyết, chiếc xe hơi của người phụ nữ bị chết máy trên đường tới Ro-ches-ter. Chị biết rằng sẽ bị chết cóng nếu cứ ngồi lại ở trong xe. Tuy là vùng miền quê, nhưng trên trục lộ chính, cũng có một số nhà dọc theo đường lộ. Chị đã đến gõ cửa lần lượt hơn một chục căn nhà, nhưng chẳng có ai chịu ra mở cửa. Sau cùng, có một người lái xe ngang qua thấy chị nằm gục bên vệ đường bèn xuống xe đưa chị vào nhà thương cấp cứu. Chị đã được cứu sống, nhưng tất cả các ngón tay, ngón chân và một bàn chân đã bị hoại tử vì chịu giá lạnh trong một thời gian quá lâu.
Có điều đáng nói là các căn nhà chị đến gõ cửa đêm hôm ấy, mọi người đều ở trong nhà và đều nghe có tiếng gõ cửa. Mọi người đều là các tín hữu sống tại vùng quê hiền hòa, nhưng không một ai chịu ra mở cửa, vì sợ có thể bị kẻ cướp trấn lột !
4) CHIA SẺ GIÚP ĐỠ NGƯỜI NGHÈO LÀ PHỤC VỤ CHÍNH CHÚA GIÊ-SU:
MÁC-TANH THÀNH TUA (Martin de Tour) là một mẫu gương về đức bác ái cụ thể. Bấy giờ Mác-tanh là người đầu tiên được Hội Thánh tôn kính như một vị thánh mà không do chịu tử vì đạo. Ngài sinh ra tại Pháp vào lúc cuộc bách hại đạo sắp chấm dứt. Trước đó chưa có người nào được các tín hữu tôn kính như một vị thánh giống như ngài. Sở dĩ Mác-tanh được tôn kính như một vị thánh vì đã sống theo lời Chúa dạy: yêu thương tha nhân là yêu chính Chúa Giê-su.
Trong lúc Mác-tanh đang học giáo lý dự tòng thì ngài đã ở trong quân đội. Vào một đêm đông giá rét, khi Mác-tanh đang ngồi trên lưng ngựa đi tuần tra thì gặp một người ăn xin nghèo khổ đang đi trên đường. Ông ta bị rét run vì quần áo ông đang mặc chỉ là một mớ giẻ rách. Mác-tanh liền thương cảm cởi chiếc áo choàng bằng dạ đang mặc, rút gươm cắt thành hai mảnh và đưa một mảnh cho người ăn xin nghèo khổ kia. Sau đó, trong giấc ngủ, Mác-tanh đã nằm mơ thấy Chúa Giê-su trên cây thập giá đang khoác mảnh áo mà ông mới cắt cho người ăn xin. Mác-tanh nghe Người phán: “Hỡi Mác-tanh, tuy đang học giáo lý, mà con đã cho Ta chiếc áo này”.
3. SUY NIỆM:
1) ĐÓN TIẾP THA NHÂN LÀ ĐÓN TIẾP CHÍNH ĐỨC GIÊ-SU.
- LÒNG HIẾU KHÁCH : Trong một xóm đạo nọ, vào buổi sáng khi ánh mặt trời vừa ló rạng, cánh cửa mọi nhà trong xóm đều được mở ra đón ánh nắng ban mai. Rồi từ đầu xóm, một gã hành khất đeo bị và tay chống gậy xuất hiện. Từ trong nhà nhìn qua cửa sổ, người ta đã phát hiện ra gã. Thế là từng nhà dọc theo xóm, các cửa ra vào đều được đóng lại, người ta cũng không quên kéo rèm che các cửa sổ. Bấy giờ gã hành khất đến từng nhà gõ cửa, nhưng không thấy ai ra mở. Cảm thấy nhục nhã buồn tủi, gã lặng lẽ đi ra khỏi xóm. Khi gã vừa khuất dạng, các rèm cửa lại được kéo lên, mọi cửa nhà lại được mở toang để đón nhận nắng ấm tràn vào trong nhà. Mọi người trong xóm đều vui vẻ như vừa thoát khỏi sự quấy rầy của người khách không mời mà đến.
- CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ? : Đức Giê-su dạy chúng ta hãy ân cần tiếp đón tha nhân. Tùy theo thái độ của chúng ta mà tha nhân sẽ trở thành niềm vui mang lại hạnh phúc hay trở nên nỗi bất hạnh của chúng ta : các chủ quán ở Bê-lem xưa đã từ chối đôi vợ chồng nhà quê nghèo khó là ông Giu-se và bà Ma-ri-a, nhưng họ lại không ngờ mình đã từ chối chính Đấng Thiên Sai trong đêm giáng sinh (x. Lc 2, 7); Hai người thu thuế trong Tin Mừng là Mát-thêu và Da-kêu đã mở rộng cửa nhà đón tiếp Đức Giê-su và đã nhận được ơn cứu độ (x. Mt 9, 10; Lc 19, 5-10); Gia đình Bê-ta-ni-a đón tiếp Đức Giê-su và đã được Người dạy cho biết điều gì cần thiết nhất (x. Lc 10, 39-42); Hai môn đệ làng Em-mau đã mời vị khách bộ hành vào tạm trú trong nhà, nên đã nhận ra Chúa Giê-su phục sinh khi Người bẻ bánh (x. Lc 24, 29-31). Ngày nay Đức Giê-su vẫn đang hiện thân trong những người đau khổ nghèo đói. Người đang đứng ngoài cửa nhà chúng ta và gõ. Ai mở cửa đón Người, thì Người sẽ vào trong nhà linh hồn của họ và ngồi dùng bữa tối thân tình với họ.
2) BIỂU LỘ TÌNH YÊU ĐỐI VỚI ĐỨC GIÊ-SU THẾ NÀO? :
- BẰNG CÁCH VÁC CÂY THẬP GIÁ ĐI KHẮP THẾ GIAN:
Từ lễ Giáng Sinh năm 1969, mục sư ÁC-THƠ BƠ-LÉT-SÍT (Arthur Blessit) đã khởi đầu một cuộc hành trình đi bộ vòng quanh thế giới. Trên vai vác một cây thập giá dài 3, 6m, ngang 1, 8m nặng 18 ki-lô. Sau 26 năm vất vả, ông đã lập được một kỷ lục thế giới về đi bộ, khi vượt qua một quãng đường dài tới hơn 50 ngàn cây số, băng qua nhiều quốc gia. Sau này ông đã thuật lại chuyến đi ấy như sau : “Tôi đã đi qua nhiều sa mạc và rừng già, đã từng bị dã thú như voi, rắn, cá sấu tấn công. Tôi bị bắt giam 21 lần vì bị nghi là làm gián điệp và có lần suýt bị dân da đỏ hành hình…” Động lực thúc đẩy ông làm được việc phi thường ấy là tình yêu mến Chúa Giê-su. Ông muốn mang thập giá của Chúa đến mọi nơi trên thế giới, theo lệnh Người truyền : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 20).
- BẰNG SỰ BỎ MÌNH VÁC THẬP GIÁ MÌNH HẰNG NGÀY MÀ THEO CHÚA:
Đức Giê-su mời mọi người hãy vác thập giá mình hằng ngày mà theo chân Người (x. Mt 16, 24). Đường thập giá là con đường chính Đức Giê-su đã đi : Là con đường khó nghèo khiêm hạ ở Bê-lem, lao động vất vả ở Na-da-rét; Là con đường rao giảng Tin Mừng và làm phép lạ cứu nhân độ thế từ miền Ga-li-lê đến thủ đô Giê-ru-sa-lem; Là đường lo buồn sầu não trong vườn Cây Dầu, bị xét xử bất công, bị đánh đòn, bị đội mão gai, phải vác cây thập giá lên đồi Can-vê, rồi chịu đóng đinh và chết nhục nhã như một tên tội đồ đại gian ác. Nhưng con đường đó lại chính là đường vào trong vinh quang phục sinh, như Đức Giê-su đã ba lần tiên báo với môn đệ (x. Mt 16, 21; 17, 22-23; 20, 18-19).
Các tín hữu chúng ta cũng được Đức Giê-su mời gọi đi con đường thập giá của Người. Thập giá mà chúng ta vác đây không phải là cây gỗ khổ hình, nhưng là những gánh nặng của bổn phận đối với gia đình xã hội và Giáo hội; Là đòi hỏi phải từ bỏ của cải vật chất, quyền hành; Là những con người mà chúng ta không ưa, mà vẫn phải sống chung trong một mái nhà, chỗ làm việc… Đức Giê-su đã nên giống chúng ta khi Người lo buồn sầu não trước Giờ Tử Nạn, nhưng đã sẵn sàng chấp nhận con đường “qua đau khổ vào trong vinh quang” theo thánh ý Chúa Cha (Mt 26, 39). Cũng vậy, chỉ khi thực sự yêu mến Chúa Giê-su thì ta mới dám hy sinh quên mình, dấn thân theo Chúa trên con đường thập giá, và mới dám hiến mạng sống mình vì lòng yêu mến tha nhân.
- BẰNG LỐI SỐNG YÊU THƯƠNG CẢM THÔNG CHIA SẺ VÀ PHỤC VỤ:
Đức Giê-su đòi những ai muốn theo làm môn đệ Người phải dành trọn tình yêu cho Người : “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10, 37). Từ ngày Đức Giê-su về trời đến nay, có biết bao thừa sai tông đồ đã dám sống đến cùng tình yêu như Đức Giê-su đòi hỏi ấy. Truyền giáo không những là rao giảng Lời Chúa cho tha nhân, nhưng còn là “Bỏ mình và vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa”; Là tin yêu Chúa và thông truyền đức tin và lòng mến Chúa cho người khác. Ước gì mỗi tín hữu chúng ta yêu mến Đức Giê-su trên hết mọi người, mọi vật, chấp nhận loại bỏ « cái tôi » ích kỷ hẹp hòi, để sống chan hòa yêu thương, chia sẻ và khiêm tốn phục vụ tha nhân hầu làm chứng cho Chúa như Lời Người dạy: “Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1, 8).
4. THẢO LUẬN:
Theo kinh Cải Tội Bảy Mối Có Bảy Đức, muốn chừa bỏ một thói hư như: kiêu ngạo, hà tiện, mê dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ganh ghét, làm biếng… Ta cần tập các nhân đức đối lập nào và tập như thế nào?
5. LỜI CẦU :
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin dạy con biết yêu mến Chúa cho xứng đáng : biết cho đi mà không cần tính toán, biết chiến đấu mà không sợ thương tích, biết làm việc mà không cần an nghỉ, biết xả thân mà không cần một phần thưởng nào khác, ngoài việc biết mình đã làm theo thánh ý Chúa (Thánh I-NHA-XI-Ô).
- LẠY CHÚA. Xin nhận lấy tất cả tâm tư tình cảm và ước muốn của con, tất cả những gì con có và những gì thuộc về con. Mọi sự ấy đều do Chúa đã ban cho con, thì hôm nay con lại xin dâng chúng cho Chúa. Tất cả là của Chúa. Xin hãy sử dụng theo ý Chúa muốn. Con chỉ xin Chúa ban cho con lòng yêu mến Chúa nồng nàn và sau này được Chúa ban ơn cứu độ.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON