Trong những ngày này, Quốc hội Việt Nam khóa XIV đang dự kỳ họp thứ 9. Một số đại biểu đã làm nóng nghị trường khi đề cập đến những vấn đề liên quan đến ngành Tòa án.

Đặc biệt, trọng án giết người cướp tài sản ở bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An từ tháng 1.2008, đã có quá nhiều dư luận bất lợi cho ngành Điều tra - Tố tụng và Tòa án.

I. TÍN HIỆU VUI.

Khi bị bắt, Hồ Duy Hải mới là thanh niên 23 tuổi. Sau 12 năm ngồi tù, chưa biết có đáng tội hay không, nay Hải đã 35 tuổi. Anh đã mất tất cả tuổi xuân, mất mọi cơ hội để bước vào tương lai, mất mọi cơ hội để trang bị cho mình sự nghiệp nhằm bảo đảm cho bản thân và cho gia đình, mất biết bao nhiêu cơ hội yêu đương để tiến đến hôn nhân như bao thanh niên khác... Vậy mà mãi cho đến giờ phút này, mạng sống của anh vẫn cứ cheo leo.

Qua biết bao nhiêu ý kiến của dư luận khắp nơi, nhất là sau mỗi một phiên tòa từ địa phương đến trung ương, dư luận cứ như những đợt sóng nối nhau dữ dội.

Sóng dư luận càng dồn dập, quyết liệt, mạnh mẽ, cao ngất sau phiên giám đốc thẩm từ ngày 6-8.5, khi Chánh án Nguyễn Hòa Bình cùng 16 thẩm phán tại phiên tòa đồng giơ tay giữ nguyên bản án sơ và phúc thẩm: tử hình Hồ Duy Hải (bị xem là can phạm duy nhất giết chết hai nữ nhân viên Hồng, Vân của bưu điện Cầu Voi).

Rồi đến lượt nghị trường Quốc hội cũng phải nóng lên với nhiều ý kiến Đại biểu, mà trong từng nội dung phát biểu ấy, người ta thấy có nỗi âu lo cho nền tư pháp nước nhà, nếu cứ để những lùm xùm như thế này tiếp tục diễn ra. Người ta cũng thấy lương tâm của những Đại biểu này trước vấn đề sự sống và mạng của con người. Người ta còn thấy, trong những phát biểu ấy ngầm đề nghị, phải làm sao cho mỗi người dân tâm phục khẩu phục trước bất cứ một bản án nào.

Trải qua tất cả những điều ấy, hôm nay 16.6.2020, những ai quan tâm đến vụ án Hồ Duy Hải đều cảm thấy vui hơn, hy vọng hơn, lòng nhẹ nhõm hơn khi biết rằng, trong cuộc họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đa số thành viên Ủy ban đánh giá những vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án Hồ Duy Hải là nghiêm trọng, có thể làm thay đổi bản chất vụ án.

Báo Tuổi Trẻ cho biết: "Đoàn giám sát đánh giá về vụ Hồ Duy Hải là có những thiếu sót, vi phạm dẫn đến nghi ngờ về tính khách quan của kết luận điều tra, truy tố, xét xử" (https://tuoitre.vn/da-so-uy-vien-uy-ban-tu-phap-de-nghi-xem-lai-quyet-dinh-giam-doc-tham-vu-ho-duy-hai-20200616130900361.htm).

II. CẦN XÉT KỸ VỤ ÁN CẦU VOI.

Theo báo Tuổi Trẻ thứ hai ngày 18.5.2020, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, Quốc hội đang xem xét vụ án đang nóng bỏng này.

Theo đó, giám đốc thẩm vừa bác luận chứng tối cao viện kiểm sát, vừa bỏ qua mọi giải trình của luật sư và quyết giết Hồ Duy Hải, trong khi cả viện kiểm sát lẫn luật sư đều chỉ ra nhiều sai sót trong tố tụng.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc nói với Tuổi Trẻ: "Quá trình cũng cho thấy gia đình Hồ Duy Hải liên tục khiếu nại, kêu oan. Dư luận trong nước và quốc tế cũng rất quan tâm. Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xử lý theo đúng quy định pháp luật".

Chắc chắn không ai muốn tòa án tha bỗng kẻ có tội. Nhưng nếu lên án chết cho ai thì phải bảo đảm không còn bất cứ tình tiết nào bị nghi ngờ.

Nếu còn bất cứ chi tiết nào của vụ án bị những nhà chuyên môn về luật và dư luận khắp nơi chỉ ra là chưa rõ ràng, mà vẫn cho rằng, "chúng không thay đổi bản chất vụ án", thì e rằng, tòa án làm chưa nghiêm.

Nguy hiểm hơn, nếu bất cứ vụ án nào cũng bị khép vào thuật ngữ "không thay đổi bản chất" để rồi cứ lên án, ai dám chắc, án ấy không khởi đi từ sự chủ quan của người ra án. Do đó ai dám chắc, án ấy không sai, không oan?

Nếu chỉ dùng thuật ngữ này cho vụ án Cầu Voi rồi vĩnh viễn dừng lại, thì có thể một mạng người nữa sẽ chết (có thể chết oan).

Nhưng sẽ vô cùng nguy hiểm, khi thuật ngữ "không thay đổi bản chất" cứ theo đà của nó, bị áp dụng lan tràn thì tòa án trở thành nơi chất chứa tội ác kinh khủng một khi có kẻ ác nắm quyền thẩm phán!

Điều tra lại một cách công tâm, độc lập không bị ảnh hưởng ai, hoàn cảnh nào là điều cần thiết.

Sau khi mọi sự đã rõ, nếu Hải đáng tội chết, anh ta phải chết. Nếu không, anh ta phải được trả lại danh dự, trả lại tất cả sự oan khiên mà anh phải chịu ròng rã trong ngần ấy năm trời.

Còn kẻ nào có tội thì phải bị trừng trị. Ngoài tội đoạt cách không còn nhân tính hai mạng người vô tội, kẻ có tội thật sự còn phải bị trừng trị nặng hơn cho cái tội đổ trút lên cuộc đời người vô tội, đến nỗi bị hàm oan trong quá nhiều năm và cả đến ba lần cái chết treo lơ lững như ngàn cân treo sợi tóc.

Nếu không làm được như thế, mà vẫn quyết tâm giết Hồ Duy Hải, như đã từng quyết giết hết lần này đến lần khác, trong khi có nguy cơ tội phạm còn đâu đó, thì linh hồn hai cô gái trẻ Hồng, Vân không những chưa thanh thoát mà còn bị xúc phạm.

Nếu không làm được như thế, lòng những ai quan tâm vụ án này không thể an.

Càng đáng lo hơn khi người dân thấy bản thân mình, mạng sống mình quá rẻ rúng. Họ có thể trở thành nạn nhân của những phán xét chủ quan tại tòa.