Đại dịch này (Covid-19) đã thay đổi kế hoạch sống của chúng ta và đã lay chuyển mọi điều chắc chắn được xây dựng một cách có hệ thống và khoa học của chúng ta, lay chuyển thế giới với những cảnh chết chóc, nhiễm bệnh, bị buộc cách ly, các mối tương quan đổ vỡ, làm việc trong khủng hoảng, và nó cho thấy những hạn chế của các thuật toán gần như không thể sai lầm của chúng ta, chúng ta tự hỏi: Làm thế nào mà nó có thể vượt khỏi tầm tay? Có chuyện gì thế? Chúng ta phải làm gì hay không làm gì? Việc này sẽ kéo dài bao lâu? Bao nhiêu người sẽ chết? Sợ hãi, thù oán, đau đớn, hy vọng đều được thể hiện; chúng ta thực hiện các nghi thức, nghĩa cử hào phóng; chúng ta bày tỏ nhu cầu của mình, chúng ta tiếp tục quan tâm, chúng ta chôn cất, chúng ta hỏa táng; Nhưng trong tất cả những điều này, Thiên Chúa ở đâu?
Dường như những lời cầu nguyện của chúng ta không có câu trả lời. Chúa có lắng nghe không? Và tại sao tất cả điều này lại xảy ra? Có phải chính sự kém cỏi của chúng ta đã không cho chúng ta tìm ra câu trả lời?
Chúng ta đang thiếu “viên đá gốc” giúp làm xong chế tác, làm xong mái vòm của tòa nhà, vòng cung của chiếc cầu, viên đá mà không nó mọi thứ sẽ sụp đổ và mọi thứ đều vô dụng. Thiên Chúa ở đâu? Cũng câu hỏi mật thiết và sâu xa này được đặt lại.
“Mea culpa” (ND: kinh cáo mình) của chúng ta có phải là một lễ nghi, một thực hành do hoàn cảnh không thể kiểm soát không? Đó là đáp số hay hệ quả do sai lầm của chúng ta? Câu hỏi “Thiên Chúa ở đâu?” là thừa thãi hay vô dụng không? Và Thiên Chúa có liên quan gì đến đại dịch không?
Do đó, có ý nghĩa gì không khi chúng ta tự hỏi: Thiên Chúa ở đâu? Chúng ta có câu trả lời nào rồi? Mà có câu trả lời không? Còn các thuật toán của chúng ta thì sao? Các thuật toán trì hoãn vấn đề này cho các thuật toán khác.
Tính hữu hạn làm chúng ta không trả lời được, cuộc sống tự nó là thế. Đây là trường hợp ông Job trong Kinh thánh. Chỉ có thể trả lời cho những câu hỏi cụ thể. Nếu đây là trường hợp ông Job, thì tất cả những gì còn lại cho chúng ta là một khoảng trống không có câu trả lời.
Trừ khi chúng ta ngước mắt lên, không phải chỉ để tìm câu trả lời cho một vấn nạn, nhưng là để biết rằng: Nếu không có Thiên Chúa hoặc nếu Ngài không có vai trò nào trong cuộc khủng hoảng này, thì phải chăng mọi thứ bị đóng lại trong dòng thời gian? Nếu có Chúa, thì tôi nhận ra rằng tôi không cần câu trả lời, mà cần phải quy phục.
Lời nói của Đức Ki-tô trên thập giá "Mọi sự đã hoàn tất!” là một “quy phục” (“Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí." [Gioan 19:30]) cho Đức Chúa Cha, Đấng mà Ngài chắc chắn khẩn khoản nài xin mysterium vitae (ND: mầu nhiệm sự sống), là điều đã đem Ngài đến trần gian như một phần sống động của nó.
Tình phụ tử này (của Thiên Chúa) không loại trừ những giới hạn mà chính Thiên Chúa áp đặt lên 'quyền làm cha' của Ngài.
Như thế, câu hỏi trả lại cho chúng ta. Không phải để chất vấn bản thân và cứ đi tìm ý nghĩa của một câu trả lời không đáng tin cậy, nhưng để có ý thức về một thái độ chống lại tất cả các cám dỗ phụ thêm: Hoặc sống như thể Thiên Chúa không tồn tại, hoặc coi mọi thứ như là hình phạt của Thiên Chúa để sám hối. Do đó, tất cả những gì còn lại là “quy phục” tất cả mọi sự lại cho Thiên Chúa, chấp nhận rằng ngày nay, trong "thời đại của con người" này, không nên loại bỏ sự quy phục tín thác: "Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” Đây là nơi mọi sự kết thúc: “Nói xong, Người tắt thở" (Luca 23, 46).
Tái lập bình an cho linh hồn là trở về với sự yên tĩnh ban đầu nơi mọi thứ bắt đầu: cái “không có gì” hay “Thiên Chúa”. Nếu không có gì phát sinh từ hư không, thì chỉ mình Thiên Chúa còn lại đó. Có một nơi dành cho Thiên Chúa, nhưng nơi ấy được đựng trong mysterium vitae.
Tuy nhiên, những điều tốt đẹp đã được thực hiện thì vẫn còn đó. Giá trị của nó không thể tiêu tan. Điều tốt lành thuộc về chúng ta và điều này làm nên một ý nghĩa; giá trị ấy nằm trong bàn tay Thiên Chúa, bởi nó mang tính đạo đức và tâm linh. Điều tốt lành không thể bị dập tắt.
Trong ngôi mộ trống của Chúa Kitô, có sự trống không của những kỳ vọng của chúng ta, không phải là sự trống không của Thiên Chúa. Trong im lặng, có sự im lặng đang mong chờ câu trả lời, không phải sự im lặng của Thiên Chúa.
Mong chờ Phục sinh!
Chuyển ngữ: Phê-rô Phạm Văn Trung.