Người Việt Nam chúng ta thường nghe câu ca dao:

Một miếng khi đói bằng một gói khi no,
bát cơm Xiếu mẫu, nghĩa so ngàn vàng.


Điển tích Xiếu Mẫu (hay Phiếu Mẫu) nhắc lại chuyện bên Tàu ngày xưa, ông Hàn Tín lúc hàn vi có lần bị đói sắp chết, may nhờ có một bà già giặt luạ bên sông cho một chén cơm mà sống, về sau khi trở thành Sở Vương, ông đã tìm về trả ơn bằng 1000 lương vàng.

Ngày nay dân Ái Nhĩ Lan cũng vừa gửi tặng khoảng 3 triệu đô la để đền ơn người Da Đỏ bên Mỹ đã tặng cho họ 170 đô la vào khoảng 173 năm về trước.

173 năm trước là lúc mà bên Ái Nhĩ Lan xảy ra một nạn đói khủng khiếp gọi là “Potato Blight” (Mất mùa Khoai tây). Ái Nhĩ Lan lúc đó bị người Anh cai trị, toàn thể đất đai thuộc quyền sở hữu cuả quí tộc gốc Anh và vào lúc đó họ đua nhau bỏ luá mì để trồng khoai tây. Nhưng vào thập niên 1840 thì giống khoai bị một loại nấm tên là Phytophthora infestans (P. infestans) lây lan và hủy diệt tới 2/3 hoa mầu. Nạn mất muà kéo dài 2 năm trời và tuy mẫu quốc Anh có gia tăng nhập cảng luá mì để cứu đói nhưng không đủ, nông nô Ái Nhĩ Lan ở vùng quê bị bỏ đói, nhiều người chết, nhiều người bỏ xứ mà đi. Nạn đói này giết chết 1 triệu người trong xứ và tạo ra một làn sóng di cư nửa triệu người sang Hoa Kỳ.

Trước đó khoảng 10 năm thì những người Da Đỏ ở bên Mỹ cũng gặp một thảm họa tương đương. Họ bị chính quyền Mỹ phát lưu qua vùng Oklahoma với một đạo luật mới tên là “Indian Removal Act of 1830” (Luật đuồi dân Da Đỏ ra khỏi vùng khai thác cuả người Da Trắng). 60 ngàn dân Da Đỏ, trong đó có bộ lạc Choctaw, bị lùa vào vùng đất mới trong một thảm cảnh mà lịch sử cuả Mỹ đặt tên là “the Trail of Tears” (đường mòn đầy nước mắt) với vô số người bỏ xác ở dọc đường vì đói hoặc kiệt sức.

Dù ở trong một hoàn cảnh khốn cùng như thế, khi được biết người Ái Nhĩ Lan bị đói, bộ lạc Choctaw đã “nhìn người lại nghĩ đến ta”, cảm thông xâu sa với cái khổ cuả người khác như là cái khổ cuả mình, năm 1847, họ thu góp được 170 đô la để gửi qua cứu trợ (trị giá khoảng 5000 đô la ngày nay).

Nghĩa cử ấy, dù nhỏ nhoi, đã trở thành nền tảng cho một mối tình huynh đệ giữa người Ái Nhĩ Lan và dân Da Đỏ ở Hoa Kỳ. Năm 2017, để vinh danh dân tộc Choctaw, nước Ái Nhĩ lan đã dựng lên một đài tưởng niệm là một khối tròn tạo ra bởi 9 chiếc lông đại bàng bằng thép cao 23 feet (tạo ra hình dáng một giỏ đồ ăn), buổi lễ khánh thành tượng đài tại phố Midleton đã được nhiều vị tộc trưởng Choctaw đến tham dự và năm 2018 ông thủ tướng Ái Nhĩ Lan Leo Varadkar cũng đã đi đến Oklahoma để viếng thăm xã giao dân tộc Choctaw.

Số tiền cuả người Ái Nhĩ Lan gửi qua mới đây là để giúp các dân tộc Da Đỏ Navajo và Hopi đang phải chiến đấu với nạn dịch coronavirus, đang tàn phá với tốc độ cao nhất so sánh với các nơi khác cuả nước Mỹ.

Tính đến thứ hai, địa giới cuả người Navajo báo cáo có 73 ca tử vong và 2.474 ca lây nhiễm. Hai mươi tám người thuộc bộ lạc Hopi cũng đã thử nghiệm dương tính.

Những người tổ chức chiến dịch gây quĩ GoFundMe cho biết hôm Chúa Nhật rằng nhiều khoản tiền đóng góp đã nhận được là nhờ ở cảm hứng từ nghiã cử cuả người Choctaw 173 năm trước.

"Cái chết của nhiều người (Da Đỏ) trên những con đường mòn nước mắt đã gợi ra sự đồng cảm với nỗi khổ cuả người dân Ái Nhĩ Lan lúc đó", một thành viên tổ chức, cô Vanessa Tulley, viết.

Chiến dịch gây quĩ GoFundMe đã nhận được hơn $2.600.000 lời hứa, và sẽ được trao cho quỹ Rural Utah Project Education Fund để mua thực phẩm, nước, vật dụng và vải để may khẩu trang. Ngoài ra, người dân bên nước Aí Nhĩ Lan cũng đã quyên góp được khoảng nửa triệu đô la tiền mặt, theo lời bà Ethel Branch, trong ban tổ chức và từng là Tổng Chưởng Lý cuả dân tộc Navajo.

Ban tổ chức cũng cho biết rằng một phần ba dân Navajo hiện nay không có nước sạch và thông thường thì khoảng một nửa số dân là thất nghiệp, còn về bộ lạc Hopi thì tệ hơn, nghiã là khoảng ba trong số năm người không có công ăn việc làm.

Mới đây vào thứ ba, Tổng thống Donald Trump đã công bố tại Phoenix rằng người Navajo sẽ được hỗ trợ hơn $600 triệu và các bộ lạc Da Đỏ sinh sống bên bờ sông Gila sẽ nhận được $40 triệu từ quĩ CARES, là quĩ dành cho việc ngăn chận coronavirus.