Quan điểm của Giáo Hội Công Giáo trước đại dịch Covid-19, ít nhất, cho đến nay, đã được mọi người nắm rõ. Còn các giáo phái và tôn giáo khác thì sao?

Thần học chạy trốn

Tiến sĩ Mirjam Schilling, một nhà virút học của Đại Học Oxford và là một sinh viên tiến sĩ thần học, chuyên về các khía cạnh thần học của virút, trong một bài được Đài ABC của Úc trích đăng, cho rằng theo lịch sử, các Kitô hữu vốn rất quen thuộc với các đại dịch: từ thế kỷ 14 tới thế kỷ 18, “mỗi thị trấn gần như mỗi thập niên đều trải nghiệm một trận đại dịch, và cứ mỗi thế hệ, một trận tàn phá nghiêm trọng! Các trận bùng phát bệnh tật trở thành một phần của nhịp độ sống. Các trận bùng phát của bệnh dịch hạch là khủng khiếp hơn cả với tỷ lệ tử vong lên tới 60-90 phần trăm, trong khi tỷ lệ tử vong của Covid-19 chỉ là 1-3 phần trăm.



Trước những trận đại dịch như thế đã có hiện tượng Schilling gọi là “nền thần học chạy trốn” nhằm thăm dò các biện pháp các Kitô hữu có thể sử dụng một cách an tâm, như có thể an tâm chạy trốn khỏi một thị trấn nhiễm bệnh chẳng hạn. Cho tới nay, theo tác giả này, nền thần học chạy trốn nổi tiếng nhất vẫn là của Martin Luther, qua lá thư gửi cho bạn ông đồng thời là một mục sư, tức Johann Hess, để trả lời câu hỏi của ông này là “liệu có thích đáng để một Kitô hữu chạy trốn cơn đại dịch gây tử vong hay không?”

Luther là người có đủ tư cách để trả lời câu hỏi trên. Năm 1527, bệnh dịch phát khởi ở Wittenberg, thị trấn đại học nơi Luther sinh sống, khiến lớp học phải được chuyển tới một thị trấn không bị ảnh hưởng. Luther quyết định ở lại để săn sóc người bệnh và người hấp hối và biến nhà ông thành một bệnh viện dã chiến. Thành thử khi ông cho ý kiến, ông biết mình nói gì.

Đối với Luther, Thiên Chúa đầy yêu thương luôn hành động một cách dấu mặt nhưng chắc chắn vì lợi ích của chúng ta ở những nơi ta không ngờ, kể cả trong các trận đại dịch gây tử vong. Nỗi sợ bị bệnh và chết phần xác nên kích thích chúng ta cầu nguyện và lo lắng cho linh hồn chúng ta, vì nhớ rằng thế gian này không phải là nhà vĩnh viễn của chúng ta.

Đại dịch, theo Luther, là một trong những sự dữ gây hại chúng ta và chúng ta phải quan tâm đến nó một cách nghiêm túc; nhưng sự dữ lớn hơn chính là sự dữ ở bên trong (Mt 10:28; Lc 12:4). Cho nên, đáp ứng một đại dịch hay một khủng hoảng luôn phải bao gồm việc quay lưng lại với tội lỗi, mà tội lớn nhất chính là tình yêu vị kỷ, luôn nghĩ đến mình trước nhất, sau đó, nếu mình hoàn toàn an ổn, mới nghĩ đến người khác.

Luther coi đại dịch như một cơn cám dỗ để thử đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa và tình yêu của chúng ta đối với người lân cận. Vì tình yêu này, Kitô hữu trước nhất phải nghĩ đến việc góp phần vào việc chăm sóc phần hồn phần xác những người dễ bị tổn thương, bị tự cô lập, đau yếu và hấp hối.

Chỉ sau đó, mới nghĩ đến việc có nên chạy trốn nó hay không. Nhưng theo Ông, giữa lúc không có việc chăm sóc định chế hóa, Kitô hữu có nghĩa vụ thần thiêng phải trám lỗ hổng, ở lại để săn sóc người khác, nhất là những người dễ bị tổn thương hơn cả, dù nguy cơ đến tính mạng. Trong hoàn cảnh này, Kitô hữu nên tìm an ủi trong lời hứa của Thiên Chúa: Thánh vịnh 41 vốn nói: “phúc thay người nghĩ đến người nghèo, Chúa sẽ giải thoát họ trong ngày khốn khó”.

"Cám ơn Thiên Chúa vì Coronavirus"

Lindsay Schnell trên tờ USA Today thì nhắc đến tựa đề một bài giảng của Omar Ricci tại Trung Tâm Hồi Giáo Nam California: “Cám ơn Thiên Chúa vì coronavirus” khiến mọi người thắc mắc.

Nhưng thực ra, theo Ricci, ta phải cám ơn Thiên Chúa đã nhắc nhở ta rằng chúng ta không ở thế kiểm soát mà luôn phụ thuộc vào Người. Ta hãy cám ơn Thiên Chúa đã nhắc ta nhớ rằng ta nên biết ơn về mọi sự, về đồ ăn thức uống, về giấy vệ sinh về sức khỏe tốt. Hãy cám ơn Thiên Chúa đã nhắc nhở ta đời là mong manh...

Thành thử Ricci cũng như các nhà lãnh đạo các tôn giáo khác, không coi Covid-19 như một hình phạt của Thiên Chúa mà giúp tín hữu của mình tìm thấy Thiên Chúa ngay trong đau khổ.

Ricci quả quyết coronavirus không những là một thử nghiệm đức tin, như Luther trên đây, mà còn là “tác nhân củng cố đức tin”. Ông nói: “khi bạn gặp thời khó khăn, đó là lúc bạn thực sự phải thực hành đức tin”.

Ông trưng dẫn chương 67, câu 2 của Kinh Kôrăng: “Đấng dựng nên sống chết, thử nghiệm anh em, để xem ai trong anh em tốt hơn trong đức hạnh. Người là Đấng Toàn Năng, Đấng Tha Thứ”.

Ricci cho hay, một phần của thử nghiệm trên là phải phản ứng ra sao trong những lúc khó khăn. Ông bảo “Kinh Kôrăng dạy thử thách sẽ đến và phải chuẩn bị sẵn sàng. Nên ta phải phản ứng ra sao – có nên đi tích trữ giấy vệ sinh hay không? Hay đi săn sóc người khác? Nếu ta biết cơn thử thách sẽ đến, đó là chỗ đức tin phải can thiệp vào”.

Chỉ có thể cầu nguyện

Giáo sĩ Chaim Bruk, đồng giám đốc điều hành của Chabad Lubavitch, một cộng đồng Do Thái Giáo thuộc phái Haisidic ở Bozeman, Montana, thì cho hay: trong những lúc đau lòng và sợ hãi, điều bình thường là thắc mắc “tôi phải kinh qua điều này cách nào đây mà vẫn giữ được niềm tin vào Thiên Chúa?”

Đối với Bruk, đây là điều có tính bản thân: ở Brooklyn, nơi Bruk lớn lên, cha ông và 3 người chú đều dương tính với virút, trong số này, một ông chú phải vào ICU ở bệnh viện của Đại Học New York. Tuổi từ 52 tới 77, bốn anh em nhà này lây nhiễm Covid-19 ở nhiều cấp độ khác nhau.

Bị tình huống tràn ngập, Bruk mở sách Thánh Vịnh và dành một phút để cầu nguyện. Thấy thế, đứa con gái 10 tuổi sợ hỏi bố xem mọi sự có ổn không vì ông đâu có bất ngờ cầu nguyện như thế, mà luôn cầu nguyện vào những giờ nhất định.

Bruk cho hay: “có lẽ đó là lần đầu tiên trong đời, tôi cầu nguyện không phải vì đó là trật tự trong ngày hay đó là ngày lễ nghỉ đặc biệt. Tôi bảo cháu: ‘ba cần có giây phút này với Thiên Chúa. Ba cần nói chuyện với Người một chút’”.

Lúc ấy, ông hiểu ra rằng điều ông có thể làm, điều ông có thể kiểm soát được chỉ là lời cầu nguyện. Ông biết đối với nhiều người, virút và các tai họa kèm theo khắp thế giới sẽ khiến nhiều người hoài nghi. Điều ấy, theo ông, rất bình thường. Điều quan trọng là phải làm gì với các hoài nghi này.

Bruk cho rằng “Tôi bất cần nếu bạn là một người vô thần vĩ đại nhất trên thế giới, một điều có độ lớn lao như thế này buộc bạn phải nội suy ở một bình diện nào đó, và sẽ có thành tố tâm linh trong nội suy ấy”.

Theo ông, “chúng ta luôn nói rằng với mỗi hơi thở của chúng ta, chúng ta nên cám ơn Thiên Chúa. Tôi luôn luôn nghĩ tới điều đó như một ý niệm làm dáng, nhưng trong ít tuần lễ qua, nó trở nên rất có thực chất”.

Đối với ông, đau khổ vốn được cảm nghiệm trong nhiều thế kỷ bởi người thuộc mọi tín ngưỡng, như các bản văn tôn giáo đã chứng minh. Nếu có sự an ủi trong đau khổ, thì nó xuất phát từ việc biết rằng Thiên Chúa cùng chịu đau khổ với bạn. Mặc dù Bruk không hiểu lý do đứng đàng sau đau khổ đặc thù lần này, nhưng ông tin phải có một lý do. Chỉ có điều ông không hiểu nó. Ông cũng sẽ không bao giờ hiểu đươc nó.

Nhưng ông bảo “Tôi không phải là luật sư bào chữa cho Thiên Chúa. Tôi là người chào hàng của Người. Tôi tin chắc Người là Đấng vĩ đại nhất từng hiện hữu, và tôi khuyến khích người ta biết Người mà không cần cố gắng giải thích điều Người làm và lý do tại sao”.

Ba lối giải thích tại sao có coronavirus

Nhưng đó lại là điều Thomas Jay Oord suy nghĩ khá lung. Là một nhà thần học Kitô giáo, một tác giả và giảng dạy tại Đại Học Northwest Nazarene ở Nampa, Idaho, Oord bận bịu suốt mấy tuần qua với các bài giảng trực tuyến qua Zoom để trả lời vấn nạn “Nếu Thiên Chúa tốt lành, thì tại sao coronavirus lại hiện hữu?”

Oord không đồng ý với 3 lối người ta thường trả lời câu hỏi trên. Lối thứ nhất cho rằng Thiên Chúa giận dữ tội lỗi hay người đồng tính hay một điều gì đó. Ông bảo điều ấy không đúng vì Thiên Chúa là Chúa của tình yêu, Người không thể làm điều ác.

Lối thứ hai nói Thiên Chúa không tạo ra các tai ương nhưng cho phép chúng. Làm sao có chuyện này, vì nếu Thiên Chúa là Chúa của tình yêu, thì chủ trương đó không có nghĩa. Để một điều khủng khiếp xẩy ra đi ngược lại bản chất Thiên Chúa.

Lối thứ ba coi đây là một mầu nhiệm. Ông không đồng ý. Mà đề ra lối thứ tư: Thiên Chúa không thể ngăn cản coronavirus hay bất cứ thiên tai nào khác, một mình, mà đòi có “sự dự phần và hợp tác của ta” để đánh phá nó.

Đó là sứ điệp Oord mang tới Clackamas United Church of Christ ở Milwaukee, Oregon, một khu ngoại ô của Portland. Mục sư Adam Ericksen, người mời Oord nói chuyện, cho hay: bất kể bạn nghĩ lý do nào đứng đàng sau coronavirus, “vai trò của Giáo Hội trong thời khắc này là bảo đảm để không ai, kể cả những người ờ ngoại vi, không được chăm sóc”.

Mục sư nói thêm: “tôi nghĩ vấn đề lớn ở đây là, làm thế nào bạn đem cảm thức hy vọng vào giữa đại dịch này. Làm thế nào bạn bảo đảm được là coronavirus, và cái chết, không có tiếng nói sau cùng?”

Nữ giáo sĩ Do Thái Danya Ruttenberg cũng nghĩ thế. Bà có biệt danh “Giáo Sĩ của Twitter” vì chuyên môn giải đáp các câu hỏi trên các phương tiện truyền thông xã hội kể từ ngày có việc bùng phát coronavirus.

Bà nói: “Tôi không nghĩ Thiên Chúa gây ra coronavirus, nhưng tôi nhìn thấy việc làm của Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Trong mỗi con người đơn lẻ đang quyết định yêu thương người lân cận như chính họ, trong mỗi con người đang ở trong nhà mặc dù điều này gây bất tiện, trong mỗi bác sĩ và y tá và nhân viên chăm sóc sức khỏe đang đặt mình vào thế nguy hiểm, trong mỗi nhân viên siêu thị”.

Vi khuẩn và virút không phải là trái đắng

Daniel Harrell, chủ bút Christian Today, sau một phân tích lý thuyết mà chợt nghe rất khó nhá, cũng đã đi đến điều cốt lõi trong cơn đại dịch là tình yêu người lân cận với nhận định tuyệt diệu này: theo lịch cử, tình yêu tuyệt vời nhất chính là tình yêu khi cuộc sống lâm vào lúc tồi tệ nhất.

Theo Daniel Harrell, “vi khuẩn hay virút không phải là những trái đắng do cuộc sa ngã của con người mang đến, mà chúng nằm trong số những hoa trái đầu mùa của cuộc sáng thế tốt lành. Nếu khoa học đúng, thì sẽ không có sự sống như chúng ta thấy nếu không có chúng. Thiên Chúa không mắc lầm lỗi, và vi khuẩn cùng các virút quả là mirabilis (lạ lùng) và là thành phần của kế hoạch ngay từ lúc ban đầu. Chính sự chết cần phải có để sự sống hữu cơ hiện hữu. Điều này cũng đúng cho cả sự sống vĩnh cửu nữa. Chúa Kitô chết vì sự sống mới (Rm 6:9-11)”.

Từ suy tư trên, ông nhấn mạnh tới Chúa Giêsu như nguồn và việc nên trọn của mọi tạo vật: Anpha và Ômêga, đầu hết và cuối hết, khởi đầu và tận cùng (Kh 22:13). Nhưng mục đích của Người là tình yêu (Ga 3:16) mà tình yêu thì không cưỡng ép, tình yêu bao hàm tự do. Bởi thế, Thiên Chúa đem ý chí tự do vào hệ thống để tạo nên mối tương quan chân chính. Cho phép tự do yêu thương có nghĩa là cho phép tự do bác bỏ yêu thương. Để có mối tương quan chân thực, Thiên Chúa cho phép khả thể không có mối tương quan nào cả.

Tác giả cho rằng áp dụng luận lý học trên vào thiên nhiên, ta có thể diễn dịch điều này về phương diện thần học: thiên nhiên cũng được ban cho một thứ tự do tương tự. Biển khơi đầy thi hứng nhưng nó cũng có thể gây sóng thần lụt lội. Mặt đất cứng rắn nhưng cũng có thể động đậy nứt nẻ. Các vi sinh vật phục vụ sự sống nhưng cũng có thể đe dọa lấy mất sự sống ấy.

Tự do trong Chúa Kitô áp dụng cho toàn bộ vũ trụ, vì “trong Người, mọi sự đã được dựng nên: những sự trên trời và dưới đất, hữu hình và vô hình... mọi sự đã được tạo dựng nhờ Người và cho Người” (Cl 1:16). Thế nhưng, Chúa Giêsu, dù chữa lành nhiều người, không loại bỏ khỏi thế giới sự lây nhiễm virút giống như Người không loại bỏ mọi bệnh tật hay thiên tai. Chúa Giêsu cứu chúng ta khỏi tội lỗi nhưng không khỏi mọi đau khổ và chết chóc. Thậm chí, Người không tự cứu chính Người. Thay vào đó, Người đã xuống sâu tận đáy nhân tính để chia sẻ nó với chúng ta vì yêu thương chúng ta. Ơn gọi cốt lõi của Kitô hữu chúng ta vẫn là đáp lại tình yêu Thiên Chúa và tình yêu người lân cận như chính chúng ta. Theo lịch sử, chúng ta yêu thương nhiều nhất khi đời sống lâm thế bi thảm nhất. Đó là đường thập giá và vinh quang của nó.

Kết luận của Harrell là: “với đức tin, đức cậy và đức mến, chúng ta chịu đựng súc căng giữa khởi đầu và tận cùng, giữa lo âu và bình an, giữa hiện tại và tương lai”. Điều này có nghĩa từ khước lo lắng về cuộc sống bản thân (Mt 6:25), để mình bị hoảng hốt, lo tích trữ; có nghĩa: phục vụ những người thiếu thốn... nhất là đừng quên cầu nguyện không ngừng...

Harrell cũng cho rằng không nên khai thác Covid-19 như một phương tiện để đẩy người khác qua bên lề hay đối xử tệ với họ. Nó không phải là “một virút ngoại lai”, nó cố hữu đối với bản chất chung nhân bản của chúng ta và do đó là phương thế kéo chúng ta lại gần nhau hơn vì thiện ích mọi người. Cần nhớ “Vẫn còn 3 điều này: tin cậy và mến. Nhưng lớn nhất vẫn là mến” (1Cr 13:13).