Lúc 7 sáng Chúa Nhật 26 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho những người phải u sầu vì đại dịch coronavirus kinh hoàng này, những người phải buồn vì cô đơn hoặc không có việc làm và không biết làm thế nào để hỗ trợ gia đình trước các hậu quả to lớn của đại dịch.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người phải chịu đựng nỗi buồn, vì cô đơn, vì lo lắng cho tương lai, không biết những gì đang chờ đợi họ, hoặc vì không thể lo cho gia đình vì họ không có tiền, vì họ không có việc làm. Quá nhiều người đau khổ. Ngày hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho họ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong Chúa Nhật thứ Ba mùa Phục sinh (Lc 24: 13-35) kể lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu phục sinh với các môn đệ trên đường Emmaus và cách họ nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh.

PHÚC ÂM: Lc 24, 13-35

“Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” Một người tên là Clêophas trả lời: “Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay”. Chúa hỏi: “Việc gì thế?” Các ông thưa: “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp”.

Bấy giờ Người bảo họ: “Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Người liền vào với các ông.

Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”. Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Nhiều lần chúng ta đã nghe nói rằng Kitô giáo không chỉ là một học thuyết, Kitô giáo không phải chỉ là một cách hành xử, Kitô giáo không đơn thuần chỉ là là một nét văn hóa. Vâng, Kitô giáo là tất cả những điều này, nhưng quan trọng hơn và trên hết, Kitô giáo là một cuộc gặp gỡ. Một người theo Kitô giáo vì người ấy đã gặp Chúa Giêsu Kitô, hay đang để cho mình được gặp gỡ Người.

Đoạn Tin Mừng hôm nay, trích từ Phúc Âm theo thánh Luca, cho chúng ta biết về một cuộc gặp gỡ, qua đó chúng ta có thể hiểu rõ cách thức hoạt động của Chúa, cũng như cách hành động của chúng ta. Chúng ta được sinh ra với một hạt giống của sự bất an. Chúa muốn điều đó: chúng ta bồn chồn mong muốn vươn đến sự viên mãn, bồn chồn tìm kiếm Chúa, ngay cả khi chúng ta không nhận thức được rằng chúng ta có sự bồn chồn này. Trái tim chúng ta bồn chồn, trái tim chúng ta khát khao, khát khao cuộc gặp gỡ với Chúa. Nhân loại chúng ta tìm kiếm Người, nhiều lần trên những con đường sai lầm: loài người lầm đường lạc lối, rồi loài người quay trở lại, loài người luôn tìm kiếm Chúa. Mặt khác, Chúa cũng khao khát cuộc gặp gỡ ấy, đến nỗi Ngài đã gửi Chúa Giêsu đến gặp gỡ loài người, để đáp ứng mối quan tâm này.

Chúa Giêsu hành động như thế nào? Trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta thấy rõ rằng Ngài tôn trọng, tôn trọng hoàn cảnh của chúng ta, không áp đặt. Chỉ đôi khi Thiên Chúa mới tác động khi xảy ra sự bướng bỉnh, chúng ta có thể nghĩ về trường hợp của Thánh Phaolô, khi Chúa ném ông xuống ngựa. Nhưng thường thì Chúa chậm rãi, tôn trọng tự do của chúng ta. Ngài là Chúa của sự kiên nhẫn. Chúa thật kiên nhẫn biết bao với loài người chúng ta! Chúa luôn đi bên cạnh chúng ta.

Như chúng ta đã thấy trong trường hợp hai môn đệ này, Chúa lắng nghe những mối quan tâm của chúng ta - Chúa biết rõ những mối bận tâm này! - và một lúc nào đó Ngài sẽ dạy bảo chúng ta. Chúa thích nghe chúng ta nói, để rồi đưa ra câu trả lời phù hợp với sự lo lắng đó. Chúa không đẩy nhanh tốc độ, Người luôn đi theo tốc độ của chúng ta, thường khi rất chậm nhưng sự kiên nhẫn của Người là như thế.

Có một quy tắc hành hương cổ xưa theo đó người hành hương chân chính phải đi theo tốc độ của người đi chậm nhất. Và Chúa Giêsu có khả năng này, Người hành động như thế, Người không đẩy nhanh tốc độ, Người chờ chúng ta thực hiện bước đầu tiên. Và khi đến lúc phù hợp, Người đưa ra câu hỏi cho chúng ta. Trong trường hợp này thực là rõ ràng: “Việc gì thế?”, Ngài hành xử như không biết, để khích lệ chúng ta nói ra. Người thích nghe chúng ta nói. Người thích lắng nghe và khơi mào cho chúng ta nói, như thể Ngài không biết gì. Ngài làm thế trong một sự tôn trọng. Và sau đó Ngài trả lời, Ngài giải thích, đến mức cần thiết. Tại đây Ngài nói với chúng ta rằng: “Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người.

Tôi thú nhận rằng tôi tò mò muốn biết Chúa Giêsu đã giải thích như thế nào. Chắc hẳn đó là một bài giáo lý tuyệt đẹp.

Chúa Giêsu là một người đồng hành với chúng ta, là người đã tiếp cận chúng ta, giả vờ đi xa hơn để thấy mức độ lo lắng của chúng ta: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn” Thế là cuộc gặp gỡ diễn ra. Nhưng cuộc gặp gỡ không chỉ là khoảnh khắc bẻ bánh, mà là toàn bộ cuộc hành trình. Chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu trong bóng tối của những nghi ngờ của chúng ta. Ngay cả trong những nghi nan về tội lỗi của chúng ta, Ngài vẫn ở đó để giúp chúng ta, trong những lo lắng của chúng ta. Ngài luôn ở bên chúng ta.

Chúa đồng hành với chúng ta vì Ngài muốn gặp chúng ta. Đây là lý do tại sao chúng ta nói rằng cốt lõi của Kitô giáo là một cuộc gặp gỡ: đó là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Tại sao anh chị em là một Kitô hữu? Nhiều người không thể giải thích điều đó. Kitô Giáo là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, Đấng luôn tìm kiếm chúng ta. Luôn luôn.

Để kết luận, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng mong ước gặp gỡ Chúa Giêsu mỗi ngày, ơn nhận biết rằng Ngài đồng hành với chúng ta trong tất cả các khoảnh khắc của cuộc sống chúng ta. Ngài là bạn đồng hành của chúng ta.


Source:Vatican News