“Nếu nạn dịch cứ tiếp diễn thế này trong vòng một hoặc hai năm, các nhà thờ lớn có thể biến mất,” theo lời một mục sư Tin lành ở miền đông Trung Quốc tên là mục sư L..” Tôi nghĩ rằng tương lai sẽ dẫn đến một cộng đồng đức tin vô hình chứ không phải là một giáo xứ hữu hình.”
Tờ báo China Christian Daily đã đăng các cảm nghĩ cuả mục sư L. và cuả hai giáo chức khác là Trưởng X. và mục sư M. trên số xuất bản ngày thứ Tư. Cả ba người nói trên đều trẻ: mục sư L. và M. sinh năm 1980; còn Trưởng X. là một trưởng nhóm thanh niên sinh vào thập niên 1990.
Kể từ ngày 23 tháng 1, hầu hết các nhà thờ đã đình chỉ các cuộc tụ họp lớn. Nhiều cộng đồng đã chuyển sang Internet, nhưng không phải là tất cả. Tình hình đã đưa đẩy các nhóm như vậy đi vào các mạng ảo vô hình nhiều hơn bao giờ hết.
Mục sư L. trích dẫn vấn đề tài chính là lý do đầu tiên. Vì các thành viên một nhà thờ không còn gặp nhau, việc thu tiền trở nên bất khả thi. Nhiều cộng đồng, đặc biệt là những cộng đồng lớn, phải trả tiền thuê nhà và văn phòng rất lớn. Đối với mục sư L., nếu tình trạng khẩn cấp tiếp diễn trong một năm, sẽ có "những vấn đề lớn".
Các cộng đồng nhỏ hơn cho đến nay tránh được vấn đề tài chính đó. Họ chỉ cần một không gian nhỏ và có chi phí thấp hơn. Hơn thế nữa, kể từ khi chính phủ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, các thành viên của họ đã có thể gặp nhau được, bằng cách chia ra thành nhiều nhóm mười người trở xuống.
Ngược lại, các cộng đồng lớn hơn chưa thể bắt đầu lại và nếu họ làm như vậy, hàng xóm sẽ hoảng loạn vì sợ sự lây lan của virus.
Lý do thứ hai cho sự "vô hình" là sự phổ biến các dịch vụ trực tuyến. Theo Trưởng X., ngay cả sau nạn dịch, mọi người sẽ khó khăn hơn để quay lại nếp sinh hoạt bình thường ngày xưa. Sau khi đã dựa vào Internet một thời gian dài cho cuộc sống đức tin của mình, mọi người có thể thích phong cách thoải mái này hơn, một phong cách dễ theo dõi hơn, gần guĩ với nhu cầu của họ.
Với việc truy cập vào các dịch vụ phụng vụ trên mạng trở nên đầy dẫy (thậm chí mười lần một ngày), một số người sẽ thấy tham gia trực tuyến là phù hợp nhất với nhu cầu của họ. Kết quả là, một số nhà thờ sẽ mất thành viên, trong khi những nhóm trực tuyến khác sẽ tăng hội viên.
Mặc dù vậy, Trưởng X. đưa ra nhận xét rằng đối với nhiều cộng đồng, sự tham gia trực tuyến hiện chỉ bằng một nửa so với khi các thành viên được gặp nhau trực tiếp.
Một yếu tố thứ ba của sự "vô hình" là trên thực tế ngày nay, các Giáo hội đã không thể làm những việc phòng ngừa và chữa lành, do đó lời chứng của họ ít được nhìn thấy.
Mục sư L. nhắc lại vào thời Trung Cổ, các nhà thờ rất tích cực trong thời gian dịch bệnh và cung cấp các dịch vụ quan trọng trong xã hội. Hiện tại, các dịch bệnh như thế này chủ yếu dựa vào sức mạnh của nhà nước để phòng ngừa và kiểm soát.
Tuy nhiên, cả ba người đều đồng ý rằng dịch bệnh sẽ khiến cho nhiều Kitô hữu khao khát đức tin hơn và siêng năng cầu nguyện nhiều hơn, nhưng họ không chắc chắn rằng điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng số lượng tín hữu trong các nhà thờ. Có lẽ phải chờ cho đến khi tình trạng khẩn cấp kết thúc thì mới trở nên rõ ràng hơn