Bangladesh, ngày 24 tháng 4 năm 2020 (ACA News): Một kế hoạch của chính phủ Bangladesh cho phép một số bệnh viện nổi tiếng ở thủ đô Dhaka độc quyền điều trị bệnh nhân Covid-19 cho các tầng lớp quyền thế đã gây ra nhiều phản ứng phẫn nộ.

Một kế hoạch kín đáo đã bị rò rỉ ra cho các phương tiện truyền thông ở địa phương, là cho phép 3 bệnh viện, Apollo, United và Square chỉ được sử dụng cho những người gọi là VIP (Very Important Persons, Nhân Vật Tối Quan Trọng), tức là các nhà công nghiệp, chính trị gia và những người nổi tiếng.

“Có nhiều người giàu có đã ngần ngại không muốn điều trị tại các bệnh viện đa khoa vì chất lượng ở đó thấp. Họ có thể đi tới các bệnh viện nói trên và họ sẽ được điều trị theo túi tiền của chính họ,” ông Hab Habibur Rahman, Phó Bộ Trưởng Y tế, nói với BBC.

Tuy nhiên, ông ấy đã từ chối cung cấp thêm chi tiết. “Quyết định này đến từ các cơ quan có thẩm quyền cao hơn, vì vậy tôi không thể nói thêm,” ông ấy nói với UCA News vào ngày 23 tháng Tư.

Kế hoạch đã dấy lên hàng loạt các lời chỉ trích từ nhiều phương tiện truyền thông xã hội để trút giận lên những gì họ gọi là quyết định phân biệt đối xử.

“Bangladesh không nên làm nhơ nhớp hình ảnh quốc gia hơn nữa bằng những kế hoạch lố bịch” theo lời Cha Anthony Sen, một thành viên của Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội Đồng các giám mục Công Giáo.

“Chính phủ đã đưa ra một loạt các quyết định sai lầm và chậm trễ và đã làm tồi tệ thêm tình hình Covid-19 ở nước này. Không nên cân nhắc sự giàu nghèo trong việc điều trị vì đây là một tình huống sinh tử và tất cả các loại phân biệt đối xử thì nên tránh,” Cha Sen nói với UCA News.

“Bangladesh vẫn cỏn điều hành bởi một hệ thống kinh tế và xã hội bất bình đẳng và kế hoạch mới nhất này là một bằng chứng nữa,” theo bà Kaberi Gayen, một nhà phân tích xã hội và là giáo sư Đại học Dhaka cho biết.

“Các chương trình này mâu thuẫn với quyền hiến pháp của chúng tôi về công bằng xã hội và công lý. Thật là vô nhân đạo, phi dân chủ và đáng lên án. Nó cho thấy rằng nhà nước của chúng tôi vẫn còn đi theo chế độ quan liêu ưu đẳng và các cơ quan nhà nước vẫn chưa coi người dân là những công dân mà chỉ là những thần dân hoặc cấp dưới,” bà nói với UCA News.

Với hơn 24 triệu người cực kỳ nghèo trong tổng số 160 triệu người, Bangladesh bị xếp hạng là nghèo đói cùng cực sau Ấn Độ, Nigeria, Congo và Ethiopia trong báo cáo về nạn nghèo đói năm 2018 của Ngân hàng Thế giới.



Nhưng theo báo cáo năm 2019 của Wealth-X, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại New York, thì trong cái nghèo đói đó, nhiều người trong nước này đã làm giàu nhanh chóng, đứng hạng thứ 3 trên thế giới về việc gia sản tăng vọt trong vòng 5 năm.

Bangladesh ghi nhận 4.186 trường hợp Covid-19 và 120 trường hợp tử vong, theo dữ liệu của chính phủ.