Lúc 7 sáng thứ Sáu 24 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho các thầy cô giáo và và học sinh trên toàn thế giới trong thời đại dịch này.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho các thầy cô giáo phải làm việc vất vả hơn để giảng bài qua internet và các phương tiện truyền thông khác, và chúng ta cũng cầu nguyện cho những học sinh phải học tập và làm bài kiểm tra theo cách mà họ không quen. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho họ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài liên quan đến về bài Tin Mừng trong ngày (Ga 6: 1-15) nói về phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều.

PHÚC ÂM: Ga 6, 1-15

“Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do Thái đã gần tới. Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”.

Một trong những môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn. Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. Họ thu lại mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.

Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Ðấng Tiên tri phải đến trong thế gian”. Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Bài Tin Mừng này khiến chúng ta nghĩ rằng: “Chúa Giêsu nói như thế để thử các môn đệ Người. Trên thực tế, ngài biết mình sẽ làm gì. Đây là những gì Chúa Giêsu đã có trong tâm trí khi Ngài nói: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông Philipphê. Ở đây chúng ta thấy thái độ của Chúa Giêsu với các tông đồ. Ngài liên tục thử thách họ để dạy họ và, khi họ vượt ra khỏi giới hạn và vượt ngoài chức năng mà họ phải làm, Ngài ngăn họ lại và dạy họ.

Tin Mừng có đầy đủ những cử chỉ này của Chúa Giêsu để làm cho các môn đệ của Người lớn lên, trở thành các mục tử của Dân Chúa, trong trường hợp này là các giám mục, các mục tử của Dân Chúa. Và một trong những điều mà Chúa Giêsu yêu thích nhất là ở cùng với đám đông bởi vì đây cũng là biểu tượng của tính phổ quát của ơn cứu chuộc. Ngược lại, một trong những điều mà các tông đồ không thích là đám đông, vì họ thích gần gũi với Chúa, cảm nhận Chúa, nghe mọi điều Chúa nói. Trong bài Tin Mừng hôm nay, họ đến đó để có một ngày nghỉ ngơi - các sách Phúc Âm khác đều nói như thế, bởi vì tất cả bốn sách Phúc Âm đều tường thuật về biến cố này... có lẽ có hai phép lạ hóa bánh ra nhiều - và các môn đệ Ngài vừa hoàn thành xong một sứ mệnh và Chúa nói với các ngài: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài.

Và vì thế các môn đệ đã không vui bởi vì mọi người đã hủy hoại ngày “Thứ Hai sau lễ Phục Sinh” của họ, họ không thể có một bữa tiệc với Chúa. Dù thế, Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy dân chúng, họ lắng nghe, hết giờ này sang giờ khác, Chúa Giêsu nói và dân chúng hạnh phúc. Nhưng các môn đệ thì nói, “bữa tiệc của chúng ta đã bị hủy hoại, việc nghỉ ngơi của chúng ta đã bất thành.”

Nhưng Chúa tìm sự gần gũi với mọi người và tìm cách hình thành con tim của những mục tử để họ gần gũi với Dân Chúa, và phục vụ họ. Các mục tử, tất nhiên, sau khi đã được chọn thì cảm thấy có một chút gì đó giống như mình đang trong vòng những người có đặc quyền, một tầng lớp đặc quyền, “một tầng lớp quý tộc”, có thể nói là một tầng lớp được đặc ân gần gũi với Chúa, và nhiều lần Chúa đã đưa ra những cử chỉ để sửa sai não trạng này.

Ví dụ, hãy suy nghĩ thái độ của các môn đệ với trẻ em. Họ canh giữ Chúa: “Không, không, trẻ em không được đến gần, chúng sách nhiễu, phiền hà... Không, trẻ con nên ở với cha mẹ”. Còn Chúa Giêsu thì sao? Ngài chào đón những đứa trẻ. Ngay lúc đầu các môn đệ không hiểu. Nhưng sau các ngài cũng hiểu ra.

Khi Đức Giêsu gần đến Giêrikhô cũng thế, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. Họ báo cho anh biết là Đức Giêsu Nadarét đang đi qua đó. Anh liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi; nhưng anh càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Đức Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh ta đến.

Đúng là Dân Chúa làm các mục tử mệt mỏi, mục tử tốt thì đàn chiên nhân lên, vì người ta luôn tìm đến các mục tử tốt lành, và vì thế còn mệt mỏi hơn nữa. Một lần, một linh mục coi sóc một khu phố nghèo, khiêm nhường của giáo phận, cư trú trong một nhà xứ xập xệ gần gũi với người dân. Do đó, mọi người gõ cửa lớn hoặc cửa sổ suốt ngày. Một lần ngài nói với tôi: “Chắc tôi phải xây tường bít bùng để họ có thể cho tôi nghỉ ngơi”. Nhưng ngài nhận ra rằng mình là một mục tử và phải ở cùng với mọi người. Chúa Giêsu đã đào tạo, dạy dỗ các môn đệ, và các tông đồ thái độ mục vụ gần gũi với Dân Chúa này.

Đức Thánh Cha kết luận rằng sức mạnh của người mục tử là sự phục vụ, ngoài ra người mục tử không có quyền lực nào khác và khi người ấy sai lầm với quyền lực khác, người ấy hủy hoại ơn gọi của mình và trở thành - tôi không biết phải dùng từ nào cho đúng - có lẽ là những người quản lý các doanh nghiệp mục vụ chứ không phải là mục tử. Cấu trúc không tạo nên việc chăm sóc mục vụ: trái tim của mục tử là những gì hình thành nên việc chăm sóc mục vụ. Và trái tim của mục tử là những gì Chúa Giêsu dạy chúng ta vào lúc này. Hôm nay chúng ta cầu xin Chúa cho các mục tử của Giáo hội vì Chúa luôn nói với các mục tử, vì Ngài yêu mến họ: Ngài luôn nói với họ, cho họ biết mọi việc phải diễn ra thế nào, giải thích và trên hết là dạy chúng ta đừng sợ Dân Chúa, đừng sợ gần gũi với Dân Chúa.


Source:Vatican News