Một Năm của Niềm Vui
(Bài giảng của Đức cha Giuse Vũ duy Thống, giám mục phụ tá TGP Saigòn, nhân ngày mừng 125 Nhà Thờ Chính Tòa Đức Bà )
Kể từ Năm thánh 2000 dành cho toàn thế giới bước vào thiên niên kỷ thứ ba, và Năm thánh truyền giáo 2003 riêng cho Giáo hội Công giáo Việt Nam mừng 470 năm được ghi dấu đức tin, người tín hữu Sài Gòn xem ra đã khá quen với những việc đạo đức và những sinh hoạt mục vụ đi liền với thời gian Năm thánh: cá nhân thì sám hối canh tân cầu nguyện, tập thể thì dự lễ hành hương bác ái, và dù chung hay riêng vẫn có đó kho tàng ơn xá từng phần hoặc toàn phần sẵn sàng ban phát. Đúng thôi. Nhưng mỗi một Năm thánh được cử hành đều mang trong mình một định hướng riêng gọi đến một tâm tình riêng.
“Năm thánh kỷ niệm 125 năm Nhà thờ Chính toà Sài Gòn” được khai mạc hôm nay nhằm kỷ niệm việc khánh thành Nhà thờ vào năm 1880, đồng thời cũng là ghi dấu một mốc cắm mới làm thành nguồn lực mới cho nhịp sống đức tin của cả gia đình Giáo phận. Trước định hướng ấy, tâm tình nào cần có trong năm thánh này? Thiết nghĩ, đó là niềm vui.
1. Niềm vui kỷ niệm sự hiện diện
Năm thánh nào cũng là một niềm vui lớn làm thành biến cố chi phối mọi sinh hoạt đạo đức trong năm. Đúng như tên gọi, “Năm thánh kỷ niệm 125 Nhà thờ Chính toà Sài Gòn” là một biến cố ghi dấu sự hiện diện của Nhà thờ này trên phần đất phương nam của giải đất Việt. Thực ra, 125 năm không thấm là bao so với lịch sử Giáo hội Công giáo 2000 năm, 125 năm cũng chẳng kể chi nhiều khi đặt trong chiều dài giáo sử Việt Nam đã gần 20 thế hệ, nhưng 125 năm lại là một con số đáng kể so với lịch sử 300 năm Sài Gòn, để trở thành mốc cắm đáng nhớ cho sự hiện diện của đức tin công giáo giữa lòng thành phố đã có thời được mệnh danh là “hòn ngọc viễn đông” này.
Song sự hiện diện mang đậm nét văn hoá vật thể ấy chỉ là dấu chứng cho một sự hiện diện khác, ẩn khuất hơn mà sinh động hơn, thâm nghiêm hơn mà kỳ thực mạnh mẽ bền bỉ hơn, làm cho nhà thờ này không thuần tuý là địa chỉ tham quan trong các tours du lịch lữ hành, mà chính yếu phải là nơi thánh, nơi Thiên Chuá hiện diện, nơi Thiên Chúa hẹn hò với tín hưũ của Giáo Phận. Đã đành, Thiên Chúa có mặt khắp nơi, chỗ nào mà chả có ngài, nhưng Ngài lại “ vui thích ở giữa dân “ trong những nơi đã thánh hiến dành riêng cho ngài. Vì con người và cho con người, Nhà thờ Chính Tòa đã trở thành dấu chỉ tích cực cho sự hiện diện của Thiên Chúa nơi phần đất phố thị này.
Kỷ niệm 125 năm Nhà thờ như thế là niềm vui lớn ghi nhớ về một sự hiện diện, dù trải qua bao nhiêu biến động của thời gian, như có lần Thánh giá tháp bên trái nặng 600kg đã rớt xuống trong cơn gió (1963) và có lần tháp bên phải đã bị đạn pháo kích làm hư hại (1974), nhưng Nhà thờ vẫn còn đây như một tượng đài đức tin cho nhiều thế hệ tín hữu, từ thế hệ đầu tiên của Pétrus Ký và Paulus Của đến thế hệ hôm nay của chúng ta. Chắc hẳn tham dự thánh lễ hôm nay, nhiều người cũng gặp lại một kỷ niệm cá nhân với ngôi Nhà thờ này, chẳng hạn như dịp lãnh nhận bí tích Rửa tội, Thêm sức, Hoà giải, Hôn phối hoặc dịp Hành hương, Tĩnh tâm, Cầu nguyện và biết đâu một bảng tạ ơn, trong đó bảng xưa nhất được ghi khắc vào năm 1910. Riêng tôi, hôm nay được ôn lại lễ thụ phong linh mục và giám mục của mình.
2. Niềm vui cử hành sự hiệp nhất
Nhà thờ Chính toà, nói cách nôm na, là nơi có đặt ngai toà của Giám mục giáo phận, như cộng đoàn thấy phía trước mặt mình. Chính tại ngai toà ấy, nơi chỉ dành riêng cho Giám mục chính toà, quyền thánh hoá, giảng dạy và cai quản được thể hiện rõ nét trong tinh thần hiệp nhất của Hội thánh và có giá trị cho toàn thể gia đình Giáo phận.
Và nói cách hình tượng, Nhà thờ Chính toà lại là Nhà thờ-mẹ, theo nghĩa đã sinh ra các nhà thờ khác trong Giáo phận, đồng thời cũng giang rộng ôm ấp các nhà thờ ấy trong vòng tay thân mẫu hiền hoà. Điều đó cho thấy cả một tinh thần hiệp nhất sống động, lúc thì ly tâm như một chương trình mục vụ khởi phát từ Nhà thờ Chính toà đến tận các nhà thờ giáo xứ, khi thì hướng tâm như những cuộc hành hương từ các Nhà thờ-con đến với Nhà thờ-mẹ của mình.
Ngày 11/04/1880, thời Đức Cha Colombert, khi Nhà thờ này được khánh thành, Sài Gòn mới có một vài nhà thờ nay đã thuộc loại cổ kính, nhưng sau 125 năm, Giáo phận đã có hơn 200 nhà thờ hiện diện. Kể ra thì Mẹ-Chính toà này cũng khá mắn trong việc sinh nở. Cảm tạ Chúa vì mẹ tròn con vuông trong quá khứ, và ước mong cứ mẹ con vuông tròn cho những ngày đang tới, nhất là cho những giáo điểm đã chuyển dạ lâu ngày đợi chờ một nhà thờ nhỏ. Thiết nghĩ, đồng cảm trong cùng niềm tạ ơn và đồng tình trong cùng nỗi khát khao ấy cũng là đồng tâm cử hành sự hiệp nhất một cách nhẹ nhàng trong năm thánh kỷ niệm 125 năm Nhà thờ chính toà Sài Gòn hôm nay.
3. Niềm vui dấn bước hành trình
Tất nhiên, kỷ niệm là nhìn lại những gì đã qua, nhưng kỷ niệm 125 năm bằng một năm thánh còn là một lời gọi tìm về những gì nội tâm hơn, không phải của những “trái tim vô tình, trái tim ngục tù, trái tim mùa thu, trái tim lặng lẽ” như chủ đề của một số buổi trình diễn ca khúc trẻ đó đây, mà là của những “trái tim tình yêu” hay những “con tim đã vui trở lại” mong tìm được sức mạnh mới cho những ngày sẽ tới.
Nhà thờ Chính toà này, về phương diện mỹ thuật, là một kiến trúc đẹp ghi đậm đường nét tây phương, dù vẫn có đó chút ít dấu ấn đông phương như hàng chữ nho cổ bên phải lối vào. Nhưng nét đẹp chính yếu của một Nhà thờ không nằm trên những phiến đá vật thể cho bằng được ghi đậm nơi những phiến đá tâm hồn. Và chính những viên đá sống động ấy mới làm cho Nhà thờ xuất hiện trong những nét lung linh đẹp ngời đúng nghĩa nhất. Vì thế, kỷ niệm Nhà thờ Chính toà 125 năm, mọi thành viên trong gia đình Giáo phận cùng quyết tâm sống năm thánh bằng đậm đà cầu nguyện, bằng bền chí canh tân đời sống và bằng quảng đại hơn nữa để chia sẻ với những người chưa gặp may mắn; đồng thời lòng hẹn lòng nối tiếp truyền thống tốt đẹp của quá khứ, làm tiền đề cho những bước mới trong tương lai trên hành trình sống đạo.
Nhà thờ Chính toà này về thế đứng không có hàng rào bao quanh giữa cao điểm và giao điểm của thành phố là một hình ảnh đẹp khác biểu trưng cho sự gặp gỡ giữa đạo và đời. Mong rằng dáng đứng chan hoà ấy đã cảm hứng cho lối sống đức tin trong những thế hệ trước cũng mãi được phát huy trong thế hệ hôm nay. Có như thế, 125 năm Nhà thờ Chính toà mới không trở thành chuyện cổ tích, mà ngược lại sẽ nên thông điệp tin yêu hy vọng cho bước hành trình giữa lòng năm thánh.
Tóm lại, tâm tình kỷ niệm 125 năm Nhà thờ Chính toà Sài Gòn chính là niềm vui của sự hiện diện, của sự hiệp nhất và của bước hành trình. Hiện diện của quá khứ mời gọi ta tạ ơn, hiệp nhất của hiện tại thúc đẩy ta thêm kết nối và hành trình cho tương lai giục giã ta mãi vững chí bền tâm. Cũng cần ghi nhận rằng Nhà thờ này còn được gọi là Nhà thờ Đức Bà vì có Bổn mạng là Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và cũng vì có tượng đài Nữ Vương Hoà Bình quay mặt ra hoà mình vào nhịp sống của thành phố. Ghi nhận này muốn được là một hình ảnh gợi ý để khép lại những chia sẻ về niềm vui “Năm thánh kỷ niệm 125 năm Nhà thờ Chính toà Sài Gòn”. Đồng thời, cũng xin nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, cho mọi thành viên gia đình Giáo phận, dù ngổn ngang tất bật với cuộc sống hiện tại, vẫn hiên ngang dấn bước trên hành trình đức tin bằng sự hiện diện tích cực và bằng tinh thần hiệp nhất chung xây.Xin cầu nguyện và cầu chúc như vậy.
Giám Mục Phụ Tá TGP/SG
(Bài giảng của Đức cha Giuse Vũ duy Thống, giám mục phụ tá TGP Saigòn, nhân ngày mừng 125 Nhà Thờ Chính Tòa Đức Bà )
Kể từ Năm thánh 2000 dành cho toàn thế giới bước vào thiên niên kỷ thứ ba, và Năm thánh truyền giáo 2003 riêng cho Giáo hội Công giáo Việt Nam mừng 470 năm được ghi dấu đức tin, người tín hữu Sài Gòn xem ra đã khá quen với những việc đạo đức và những sinh hoạt mục vụ đi liền với thời gian Năm thánh: cá nhân thì sám hối canh tân cầu nguyện, tập thể thì dự lễ hành hương bác ái, và dù chung hay riêng vẫn có đó kho tàng ơn xá từng phần hoặc toàn phần sẵn sàng ban phát. Đúng thôi. Nhưng mỗi một Năm thánh được cử hành đều mang trong mình một định hướng riêng gọi đến một tâm tình riêng.
“Năm thánh kỷ niệm 125 năm Nhà thờ Chính toà Sài Gòn” được khai mạc hôm nay nhằm kỷ niệm việc khánh thành Nhà thờ vào năm 1880, đồng thời cũng là ghi dấu một mốc cắm mới làm thành nguồn lực mới cho nhịp sống đức tin của cả gia đình Giáo phận. Trước định hướng ấy, tâm tình nào cần có trong năm thánh này? Thiết nghĩ, đó là niềm vui.
1. Niềm vui kỷ niệm sự hiện diện
Năm thánh nào cũng là một niềm vui lớn làm thành biến cố chi phối mọi sinh hoạt đạo đức trong năm. Đúng như tên gọi, “Năm thánh kỷ niệm 125 Nhà thờ Chính toà Sài Gòn” là một biến cố ghi dấu sự hiện diện của Nhà thờ này trên phần đất phương nam của giải đất Việt. Thực ra, 125 năm không thấm là bao so với lịch sử Giáo hội Công giáo 2000 năm, 125 năm cũng chẳng kể chi nhiều khi đặt trong chiều dài giáo sử Việt Nam đã gần 20 thế hệ, nhưng 125 năm lại là một con số đáng kể so với lịch sử 300 năm Sài Gòn, để trở thành mốc cắm đáng nhớ cho sự hiện diện của đức tin công giáo giữa lòng thành phố đã có thời được mệnh danh là “hòn ngọc viễn đông” này.
Song sự hiện diện mang đậm nét văn hoá vật thể ấy chỉ là dấu chứng cho một sự hiện diện khác, ẩn khuất hơn mà sinh động hơn, thâm nghiêm hơn mà kỳ thực mạnh mẽ bền bỉ hơn, làm cho nhà thờ này không thuần tuý là địa chỉ tham quan trong các tours du lịch lữ hành, mà chính yếu phải là nơi thánh, nơi Thiên Chuá hiện diện, nơi Thiên Chúa hẹn hò với tín hưũ của Giáo Phận. Đã đành, Thiên Chúa có mặt khắp nơi, chỗ nào mà chả có ngài, nhưng Ngài lại “ vui thích ở giữa dân “ trong những nơi đã thánh hiến dành riêng cho ngài. Vì con người và cho con người, Nhà thờ Chính Tòa đã trở thành dấu chỉ tích cực cho sự hiện diện của Thiên Chúa nơi phần đất phố thị này.
Kỷ niệm 125 năm Nhà thờ như thế là niềm vui lớn ghi nhớ về một sự hiện diện, dù trải qua bao nhiêu biến động của thời gian, như có lần Thánh giá tháp bên trái nặng 600kg đã rớt xuống trong cơn gió (1963) và có lần tháp bên phải đã bị đạn pháo kích làm hư hại (1974), nhưng Nhà thờ vẫn còn đây như một tượng đài đức tin cho nhiều thế hệ tín hữu, từ thế hệ đầu tiên của Pétrus Ký và Paulus Của đến thế hệ hôm nay của chúng ta. Chắc hẳn tham dự thánh lễ hôm nay, nhiều người cũng gặp lại một kỷ niệm cá nhân với ngôi Nhà thờ này, chẳng hạn như dịp lãnh nhận bí tích Rửa tội, Thêm sức, Hoà giải, Hôn phối hoặc dịp Hành hương, Tĩnh tâm, Cầu nguyện và biết đâu một bảng tạ ơn, trong đó bảng xưa nhất được ghi khắc vào năm 1910. Riêng tôi, hôm nay được ôn lại lễ thụ phong linh mục và giám mục của mình.
2. Niềm vui cử hành sự hiệp nhất
Nhà thờ Chính toà, nói cách nôm na, là nơi có đặt ngai toà của Giám mục giáo phận, như cộng đoàn thấy phía trước mặt mình. Chính tại ngai toà ấy, nơi chỉ dành riêng cho Giám mục chính toà, quyền thánh hoá, giảng dạy và cai quản được thể hiện rõ nét trong tinh thần hiệp nhất của Hội thánh và có giá trị cho toàn thể gia đình Giáo phận.
Và nói cách hình tượng, Nhà thờ Chính toà lại là Nhà thờ-mẹ, theo nghĩa đã sinh ra các nhà thờ khác trong Giáo phận, đồng thời cũng giang rộng ôm ấp các nhà thờ ấy trong vòng tay thân mẫu hiền hoà. Điều đó cho thấy cả một tinh thần hiệp nhất sống động, lúc thì ly tâm như một chương trình mục vụ khởi phát từ Nhà thờ Chính toà đến tận các nhà thờ giáo xứ, khi thì hướng tâm như những cuộc hành hương từ các Nhà thờ-con đến với Nhà thờ-mẹ của mình.
Ngày 11/04/1880, thời Đức Cha Colombert, khi Nhà thờ này được khánh thành, Sài Gòn mới có một vài nhà thờ nay đã thuộc loại cổ kính, nhưng sau 125 năm, Giáo phận đã có hơn 200 nhà thờ hiện diện. Kể ra thì Mẹ-Chính toà này cũng khá mắn trong việc sinh nở. Cảm tạ Chúa vì mẹ tròn con vuông trong quá khứ, và ước mong cứ mẹ con vuông tròn cho những ngày đang tới, nhất là cho những giáo điểm đã chuyển dạ lâu ngày đợi chờ một nhà thờ nhỏ. Thiết nghĩ, đồng cảm trong cùng niềm tạ ơn và đồng tình trong cùng nỗi khát khao ấy cũng là đồng tâm cử hành sự hiệp nhất một cách nhẹ nhàng trong năm thánh kỷ niệm 125 năm Nhà thờ chính toà Sài Gòn hôm nay.
3. Niềm vui dấn bước hành trình
Tất nhiên, kỷ niệm là nhìn lại những gì đã qua, nhưng kỷ niệm 125 năm bằng một năm thánh còn là một lời gọi tìm về những gì nội tâm hơn, không phải của những “trái tim vô tình, trái tim ngục tù, trái tim mùa thu, trái tim lặng lẽ” như chủ đề của một số buổi trình diễn ca khúc trẻ đó đây, mà là của những “trái tim tình yêu” hay những “con tim đã vui trở lại” mong tìm được sức mạnh mới cho những ngày sẽ tới.
Nhà thờ Chính toà này, về phương diện mỹ thuật, là một kiến trúc đẹp ghi đậm đường nét tây phương, dù vẫn có đó chút ít dấu ấn đông phương như hàng chữ nho cổ bên phải lối vào. Nhưng nét đẹp chính yếu của một Nhà thờ không nằm trên những phiến đá vật thể cho bằng được ghi đậm nơi những phiến đá tâm hồn. Và chính những viên đá sống động ấy mới làm cho Nhà thờ xuất hiện trong những nét lung linh đẹp ngời đúng nghĩa nhất. Vì thế, kỷ niệm Nhà thờ Chính toà 125 năm, mọi thành viên trong gia đình Giáo phận cùng quyết tâm sống năm thánh bằng đậm đà cầu nguyện, bằng bền chí canh tân đời sống và bằng quảng đại hơn nữa để chia sẻ với những người chưa gặp may mắn; đồng thời lòng hẹn lòng nối tiếp truyền thống tốt đẹp của quá khứ, làm tiền đề cho những bước mới trong tương lai trên hành trình sống đạo.
Nhà thờ Chính toà này về thế đứng không có hàng rào bao quanh giữa cao điểm và giao điểm của thành phố là một hình ảnh đẹp khác biểu trưng cho sự gặp gỡ giữa đạo và đời. Mong rằng dáng đứng chan hoà ấy đã cảm hứng cho lối sống đức tin trong những thế hệ trước cũng mãi được phát huy trong thế hệ hôm nay. Có như thế, 125 năm Nhà thờ Chính toà mới không trở thành chuyện cổ tích, mà ngược lại sẽ nên thông điệp tin yêu hy vọng cho bước hành trình giữa lòng năm thánh.
Tóm lại, tâm tình kỷ niệm 125 năm Nhà thờ Chính toà Sài Gòn chính là niềm vui của sự hiện diện, của sự hiệp nhất và của bước hành trình. Hiện diện của quá khứ mời gọi ta tạ ơn, hiệp nhất của hiện tại thúc đẩy ta thêm kết nối và hành trình cho tương lai giục giã ta mãi vững chí bền tâm. Cũng cần ghi nhận rằng Nhà thờ này còn được gọi là Nhà thờ Đức Bà vì có Bổn mạng là Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và cũng vì có tượng đài Nữ Vương Hoà Bình quay mặt ra hoà mình vào nhịp sống của thành phố. Ghi nhận này muốn được là một hình ảnh gợi ý để khép lại những chia sẻ về niềm vui “Năm thánh kỷ niệm 125 năm Nhà thờ Chính toà Sài Gòn”. Đồng thời, cũng xin nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, cho mọi thành viên gia đình Giáo phận, dù ngổn ngang tất bật với cuộc sống hiện tại, vẫn hiên ngang dấn bước trên hành trình đức tin bằng sự hiện diện tích cực và bằng tinh thần hiệp nhất chung xây.Xin cầu nguyện và cầu chúc như vậy.
Giám Mục Phụ Tá TGP/SG