Sau khi một người đàn ông vô gia cư trong một nhà nghỉ đêm dành cho những người vô gia cư ở Las Vegas được xét nghiệm dương tính với coronavirus, nhà nghỉ đêm này đã đóng cửa. Bây giờ, 500 người sống ở đó đang cắm trại trong một bãi đậu xe của sân túc cầu. Cảnh sát đã dùng sơn vẽ các vạch trắng trên đường nhựa để đánh dấu các điểm họ có thể ngủ hầu bảo đảm cách nhau khoảng 2m.
Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang xem thấy khiến Đức Thánh Cha đau lòng như ngài nói trong thánh lễ sáng tại Santa Marta.
Lúc 7 sáng thứ Năm 2 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.
Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho những người là nạn nhân gián tiếp của trận dịch coronavirus này, chẳng hạn như những người vô gia cư. Mở đầu thánh lễ được phát trực tiếp từ nhà nguyện Casa Santa Marta, Đức Phanxicô đã đọc ca Nhập Lễ của thánh lễ hôm nay:
“Chúa Kitô là trung gian của Tân Ước, để nhờ sự chết của Người mà những kẻ được kêu gọi, đến lãnh nhận gia nghiệp đời đời đã hứa cho họ.” (Dt 9:15).
Những ngày đầy ắp những sầu buồn này đưa ra ánh sáng rất nhiều vấn đề. Trên báo hôm nay, có một bức ảnh làm nhức nhối trái tim chúng ta: nhiều người vô gia cư trong một thành phố, phải nằm trên một bãi đậu xe. Hãy xem có cơ man những người vô gia cư ngày nay. Chúng ta hãy cầu cùng Thánh Têrêsa thành Calcutta đánh thức trong chúng ta cảm giác gần gũi với rất nhiều người trong xã hội, trong cuộc sống bình thường, đang sống như một cái bóng trong những ngóc ngách của thành phố chẳng hạn như những người vô gia cư. Họ đang phải chống đỡ khó khăn trong thời điểm khủng hoảng kinh hoàng này.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã bình luận về các bài đọc trong ngày, trích từ sách Sáng thế (Gn 17, 3-9) và Phúc Âm theo Thánh Gioan (Ga 8, 51-59), trong đó nêu bật hình ảnh của tổ phụ Abraham, trong giao ước với Thiên Chúa, và về sứ vụ của Chúa Giêsu, Đấng đã đến để tái tạo tất cả mọi thứ bằng cách tha thứ tội lỗi cho chúng ta.
Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước. Chúng ta lặp lại điều đó trong bài đáp ca. Chúa không quên, Ngài không bao giờ quên. Chính xác là, Ngài chỉ quên trong một trường hợp, đó là khi Ngài tha thứ tội lỗi cho ta. Sau khi tha thứ, Ngài mất trí nhớ, Ngài không còn nhớ những tội lỗi của chúng ta. Còn trong những trường hợp khác, Thiên Chúa chẳng quên bao giờ. Lòng trung tín của Ngài cho thấy Ngài không bao giờ quên. Lòng trung tín của Ngài với dân mình. Lòng trung tín của Ngài đối với Abraham cho thấy ký ức về những lời hứa mà Ngài đã đưa ra. Chúa chọn Abraham để mở một con đường. Abraham là một quan chức được chọn. Chúa chọn ông. Sau đó, trong cuộc chọn lựa này, Ngài đã hứa ban cho ông một di sản và hôm nay, trong Bài đọc Một trích từ sách Sáng thế, có thêm một bước nữa: “Ta sẽ thiết lập giao ước vĩnh viễn giữa Ta với ngươi cùng con cháu ngươi từ thế hệ này qua thế hệ khác, để Ta trở nên Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi.” Đó là một giao ước khiến ông có thể nhìn thấy khả năng sinh sản của mình từ xa: “Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi đất mà ngươi cư ngụ, sẽ cho ngươi làm chủ vĩnh viễn toàn cõi đất Canaan và Ta sẽ là Chúa của chúng.”
Được chọn, lời hứa và giao ước là ba chiều kích của đời sống đức tin, ba chiều kích của đời sống Kitô hữu. Mỗi người chúng ta đều được chọn, không ai chọn để trở nên Kitô hữu trong số tất cả các khả năng mà “thị trường” các tôn giáo mời mọc người ấy. Chúng ta là Kitô hữu vì chúng ta đã được Chúa chọn. Trong cuộc bình chọn này, còn có một lời hứa, một lời hứa của niềm hy vọng, và trổ sinh hoa trái: “Ngươi sẽ làm tổ phụ nhiều dân tộc. Thiên hạ sẽ không còn gọi ngươi là Abram nữa, nhưng sẽ gọi là Abraham, vì Ta đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc.” Anh chị em sẽ sinh hoa trái trong đức tin. Đức tin của anh chị em sẽ phát triển trong các việc lành phúc đức, trong các công việc có kết quả, một đức tin sinh hoa trái. Nhưng anh chị em phải tôn trọng các giao ước ký kết với Chúa. Và giao ước ấy là sự trung thành, anh chị em phải trung thành. Chúng ta đã được chọn, Chúa đã ban cho chúng ta một lời hứa, bây giờ Ngài đang đòi hỏi một giao ước. Một giao ước trung thành.
Kitô hữu không phải chỉ là người có thể trình ra giấy chứng nhận rửa tội của mình. Giấy chứng nhận rửa tội chỉ là một tờ giấy. Anh chị em là một Kitô hữu nếu anh chị em nói ‘vâng, với sự lựa chọn của Chúa, nếu anh chị em làm theo lời hứa mà Chúa đã thực hiện với anh chị em và sống theo Giao ước với Chúa. Đây là cuộc sống của Kitô hữu.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng tội lỗi của chúng ta chống lại ba chiều kích này: không chấp nhận sự lựa chọn của Chúa bằng cách tôn thờ các ngẫu tượng, không hy vọng vào lời Chúa hứa và quên đi Giao ước với Ngài.
Source:Vatican News