Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong sắc lệnh mới “Trong thời điểm đại dịch COVID-19 (II)”, do Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Các Bí Tích ban hành, có một phần: “1 - Chúa Nhật Lễ Lá. Tưởng niệm việc Chúa đi vào thành thánh Giêrusalem sẽ được cử hành trong các nhà thờ; trong các nhà thờ chính tòa, hình thức thứ hai trong Sách lễ Rôma phải được chọn; trong các nhà thờ giáo xứ và ở các nơi khác, hình thức thứ ba phải được sử dụng.” Con xem trong hình thức thứ ba trong Sách lễ Rôma, và không thấy chỉ dẫn nào về việc làm phép lá. Con muốn biết liệu theo sắc lệnh, giáo dân trong các nhà thờ giáo xứ sẽ không thể nhận được lá trong năm nay chăng, vì không có việc làm phép lá trong hình thức thứ ba của cuộc rước ngày Chúa Nhật Lễ Lá. Thứ hai, liệu linh mục có được phép làm phép lá ngoài Thánh lễ không? Nếu có, linh mục cần tuân theo nghi thức nào? - MKN, Bangkok, Thái Lan.


Đáp: Phần giới thiệu các nghi thức của Chúa Nhật Lễ Lá mô tả nghi thức như sau.

“Vào ngày này, Hội Thánh nhắc lại việc Chúa Kitô vào thành Giêrusalem để thực hiện Mầu nhiệm Vượt qua của Ngài. Như vậy, việc tưởng niệm việc Chúa vào thành thánh diễn ra trong tất cả các Thánh lễ, bằng cách rước kiệu hoặc cuộc rước nhập lễ long trọng trước Thánh lễ chính, hoặc cuộc rước đơn giản trước các Thánh lễ khác. Cuộc rước nhập lễ long trọng, nhưng không phải là cuộc rước kiệu, có thể được lặp lại trước các Thánh lễ khác, vốn thường được cử hành với nhóm đông người. Điều mong muốn là, nơi đâu không có cuộc rước kiệu hay cuộc rước nhập lễ long trọng, cần có một buổi cử hành Lời Chúa về chủ đề Chúa vào thành thánh, và về cuộc khổ nạn của Chúa, hoặc vào chiều thứ bảy hoặc ngày Chúa Nhật vào thời gian thuận tiện.”

Trong Sách Lễ, hình thức đầu tiên bắt đầu các nghi thức của Chúa Nhật Lễ Lá là cuộc rước, vốn trong dịch bệnh hiện nay là được bỏ, vì cần phải tránh sự tập họp của đông người.

Các chữ đỏ cho các hình thức thứ hai và thứ ba là:

“Hình thức thứ hai: Cuộc rước nhập lễ long trọng

“12. Bất cứ khi nào một cuộc rước kiệu không thể diễn ra, cuộc rước Chúa vào thành thánh được cử hành bên trong nhà thờ, bằng cuộc rước nhập lễ long trọng trước Thánh lễ chính.

“13. Cầm cành lá trong tay, các tín hữu tập trung ở bên ngoài, trước cửa nhà thờ hoặc bên trong nhà thờ. Linh mục và các thừa tác viên và một nhóm đại diện các tín hữu đi đến một nơi thích hợp trong nhà thờ, bên ngoài cung thánh, nơi ít nhất phần lớn tín hữu có thể nhìn thấy nghi thức.

“14. Trong khi vị linh mục đến nơi được chỉ định, thì điệp xướng Hosanna hoặc một bài ca thích hợp khác được hát lên. Sau đó, diễn ra việc làm phép lá và đọc bài Tin Mừng Chúa vào thành thánh Giêrusalem (số 5-7). Sau bài Tin Mừng, linh mục tiến đi long trọng với các thừa tác viên và nhóm đại diện của tín hữu vào nhà thờ đến cung thánh, trong khi điệp xướng ‘Khi Chúa vào thành thánh’ (số 10) hoặc một bài thánh ca thích hợp khác được hát lên.

“15. Đến bàn thờ, linh mục hôn bàn thờ. Sau đó, ngài đến ghế chủ toạ, bỏ qua các nghi thức đầu Thánh lễ và, nếu thích hợp, kinh Kyrie (Xin Chúa thương xót chúng con), ngài đọc lời tổng nguyện, và tiếp tục Thánh lễ theo cách thông thường.

“Hình thức thứ ba: cuộc rước đơn giản

“16. Trong tất cả các Thánh lễ khác của Chúa Nhật này, tại nơi không tổ chức cuộc rước long trọng, việc tưởng niệm Chúa vào thành thánh Giêrusalem diễn ra bằng cuộc rước Đơn giản.

“17. Trong khi linh mục tiến lên bàn thờ, điệp ca nhập lễ với thánh vịnh (số 18) hoặc một bài thánh ca khác trong cùng một chủ đề được hát. Đến bàn thờ, linh mục hôn bàn thờ rồi đi đến ghế chủ toạ. Sau Dấu Thánh giá, ngài chào mọi người và tiếp tục Thánh lễ theo cách thông thường. Trong các Thánh lễ khác, mà ở đó việc hát điệp ca nhập lễ không thể diễn ra, linh mục, ngay khi vừa đến bàn thờ và hôn bàn thờ, chào mọi người, đọc điệp ca nhập lễ và tiếp tục Thánh lễ theo cách thông thường.

Liên quan đến tập tục giữ lá làm phép tại nhà, ‘Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ’ bình luận về thực hành này:

“139. Tuần Thánh bắt đầu với Chúa Nhật Lễ Lá, hay ‘Chúa Nhật Chịu Nạn,’ vốn kết hợp sự huy hoàng vương triều của Chúa Kitô với sự tuyên bố về Cuộc Khổ Nạn của Chúa.

“Cuộc rước, tưởng niệm việc Chúa Kitô huy hoàng đi vào thành Giêrusalem, là hân hoan và bình dân trong tính cách. Các tín hữu thường giữ cành cọ hoặc cành ô liu, hoặc các loại cây xanh khác đã được làm phép trong Chúa Nhật Lễ Lá trong nhà họ, hoặc tại nơi làm việc của họ.

“Tuy nhiên, các tín hữu nên được hướng dẫn về ý nghĩa của lễ kỷ niệm này, để họ có thể nắm bắt được ý nghĩa của nó. Họ nên được nhắc nhở một cách thích hợp rằng điều quan trọng là sự tham gia vào cuộc rước, chứ không chỉ là việc lấy được cành cọ hoặc cành ô liu. Cây cọ hoặc cành ô liu không nên được giữ như bùa hộ mệnh, hoặc vì lý do trị liệu hoặc ma thuật để xua tan tà ma, hoặc để ngăn chặn thiệt hại từ các nguyên nhân này trên cánh đồng hoặc trong nhà, tất cả đều có thể giả định một chiêu bài mê tín nhất định nào đó.

“Cành cọ và cành ô liu được giữ trong nhà như một nhân chứng cho đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, vị vua thiên sai, và trong Chiến thắng Phục sinh của Chúa.”

Trong ánh sáng của các điều trên, có lẽ người ta có thể hiểu tính hợp lý bên trong về lý do tại sao văn bản của sắc lệnh loại trừ việc làm phép lá trong các nhà thờ giáo xứ.

Ngay cả trong các nhà thờ chính toà, nơi việc làm phép lá có thể diễn ra, sự tham dự sẽ bị hạn chế. Trong một tổng giáo phận lớn, Tổng Giám mục đã giới hạn chỉ cho 20 người tham dự.

Ngay cả khi có thể làm phép lá ngoài Thánh lễ, thì có lẽ điều đó là không thể, hoặc ở một số quốc gia việc này là bất hợp pháp, vì người ta đến nhà thờ chỉ để thu thập lá mà thôi. Cũng có nguy cơ là khắc sâu một ý nghĩa không chính xác về tầm quan trọng của tập tục này nơi các tín hữu.

Nói chung, trong một năm mà nhiều triệu người Công Giáo đang phải chịu sự thiếu thốn lớn hơn, vì không thể tham dự Thánh lễ và rước lễ, việc không lãnh nhận được lá làm phép là một sự hy sinh nhỏ phải trả, trong Tuần Thánh rất đặc biệt này. (Zenit.org 31-3-2020)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/palms-amid-the-pandemic/