Ký giả Edward Pentin vừa đăng tải bài tổng quan của ông về các đáp ứng nói chung của Đức Phanxicô và Tòa Thánh từ ngày 12 tháng 3 đến nay đối với đại dịch Covid-19. Chúng tôi sẽ lần lượt chuyển sang tiếng Việt bài tổng quan của ông.

Ngày 12 tháng 3

Sau một chỉ thị do hội đồng giám mục Ý ban hành, Đức Hồng Y giám quản Rôma đã ban hành một sắc lệnh tối nay yêu cầu tất cả các nhà thờ ở giáo đô phải đóng cửa để giúp ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn corona.

Trong một tuyên bố, Đức Hồng Y Angelo De Donatis nói rằng việc ra vào các nhà thờ giáo xứ và không phải giáo xứ cũng như bất cứ nơi thờ phượng nào mở cửa cho công chúng đều “bị cấm đối với tất cả các tín hữu” cho đến thứ Sáu, ngày 3 tháng Tư.

Ngài nói thêm rằng các đan viện và tu viện khác sẽ tiếp tục có thể được ra vào nhưng chỉ cho các cộng đồng sống ở đó, và những tín hữu không phải là thành viên cố hữu của những cộng đồng đó bị cấm vào.



Vì các biện pháp này, ngài cho biết các tín hữu “do đó được miễn trừ” nghĩa vụ chu toàn bổn phận Chúa Nhật của họ.

Đức Hồng Y De Donatis nhấn mạnh rằng quyết định này, không giống các quyết định trước đây mà tòa giám quản đã đưa ra về dịch bệnh, không phát sinh từ một chỉ thị cụ thể của chính quyền, mà được đưa ra vì “thiện ích chung”.

Ngài kết luận bằng cách nói rằng: “Chúng ta nghênh đón lời lẽ của Chúa Giêsu, Đấng nói với chúng ta rằng ‘nơi nào hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Ta, Ta ở đó giữa họ” (Mt 18:20). Trong thời gian này, hơn bao giờ hết, căn hộ của chúng ta là các giáo hội tại gia”.

Đức Hồng Y De Donatis đã đưa ra quyết định sau khi chủ tịch hội đồng giám mục Ý (CEI) đề nghị tất cả các giáo phận đóng cửa nhà thờ với công chúng. Nhiều giáo phận khác đã làm theo.

Hội đồng giám mục Ý đã yêu cầu các giáo phận vào Chúa Nhật ngưng các Thánh lễ được cử hành cho các tín hữu cho đến ngày 3 tháng Tư.

Quyết định “đau lòng” mới nhất “được đưa ra bởi cảm thức trách nhiệm và tình người”, tờ Avvenire của các Giám mục cho biết như thế.

Tuyên bố của các Giám mục

Trong tuyên bố loan báo quyết định của mình, ban chủ tịch của các giám mục nói rằng “không thể không chú ý đến quyết định của chính phủ đêm qua về việc đóng cửa tất cả các cửa hàng và nhà hàng của Ý, ngoại trừ các siêu thị và hiệu thuốc.

“Chúng ta đang trải qua một tình huống rất nghiêm trọng về chăm sóc sức khỏe - với các bệnh viện và nhân viên y tế quá đông ở tuyến đầu - và về kinh tế, với những hậu quả to lớn cho các gia đình trong cả nước, đặc biệt là những người gặp khó khăn hoặc trên bờ vực sống còn”, lời tuyên bố nói như thế.

Mọi người đều được yêu cầu “chăm sóc tối đa” vì sự thiếu thận trọng trong việc giữ gìn sức khỏe “có thể gây hại cho người khác”.

Lời tuyên bố viết tiếp “Trách nhiệm này cũng có thể được phát biểu trong quyết định đóng cửa các nhà thờ”, và quyết định như vậy được đưa ra “không phải vì nhà nước áp đặt nó lên chúng ta, mà vì cảm thức thuộc về gia đình nhân loại, bị phơi bầy cho loại vi khuẩn mà bản chất và việc lây lan chúng ta vẫn chưa biết được”.

Đề cập đến sự kiện chỉ có giám mục địa phương mới có thẩm quyền đối với giáo phận của mình, Hội đồng giám mục Ý, do Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti đứng đầu, nhấn mạnh rằng tuyên bố này không phải là một chỉ thị cho các giám mục mà là một “định mức”.

Tuyên bố của các giám mục kêu gọi các linh mục tiếp tục phục vụ các cộng đồng của họ trong khi tuân thủ “các tiêu chuẩn về sức khỏe”, và nhắc lại lời lẽ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói trong Thánh lễ buổi sáng tại Santa Marta hôm thứ Năm, trong đó ngài kêu gọi tín hữu “cầu nguyện cho các nhà cầm quyền” những người phải “quyết định và thường quyết định các biện pháp không được người ta ưa thích, nhưng đó là vì thiện ích của chúng ta”.

Đức Giáo Hoàng nói rằng “Nhiều lần, chính quyền cảm thấy cô đơn, không ai hiểu cho. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những nhà cai trị của chúng ta, những người phải đưa ra quyết định về các biện pháp này: ước mong họ cảm thấy được đồng hành bằng những lời cầu nguyện của người dân”.

Phản đối Quyết định

Quyết định đóng cửa các nhà thờ ở Rôma và trên khắp nước Ý đã gây ra một số thất vọng, với một số người không tin rằng một vi khuẩn lại có thể dẫn đến việc ngưng Thánh lễ cho các tín hữu và đóng cửa các nhà thờ trong gần một tháng trời tại Rôma, trụ sở đầu não của Giáo hội hoàn cầu.

Một người dùng twitter tự hỏi tại sao “dấu hiệu đầu tiên của việc thực sự cần” đến thứ Giáo Hội như bệnh viện dã chiến từng được Đức Giáo Hoàng Phanxicô cổ vũ, nay đột nhiên “bốc hơi”.

Cha Benedict Kiely, người điều hành Nasarean.org, vốn bảo vệ các Kitô hữu thường không thể thờ phượng do bị bách hại, nói: “Có lẽ, do sự thận trọng quá mức, ta có thể hiểu được việc hạn chế các cuộc tụ họp lớn, như Thánh lễ. Nhưng đóng cửa nhà thờ để ngưng việc cầu nguyện cá nhân là ‘tinh thần thế gian’ viết hoa.

Ngài viết viết tiếp “Quả tương phản với các Thánh lễ mà tôi đã từng hiện diện ở Iraq và Syria, nơi người ta rất có thể bị giết chỉ vì tham dự - nhưng họ vẫn ngồi đầy nhà thờ.

13 tháng 3, 12 giờ 38 chiều

Tòa giám quản Rôma đã đảo ngược một phần quyết định của ngày hôm qua về việc đóng cửa tất cả các nhà thờ Rôma cho các tín hữu để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn corona; Tòa nói rằng các nhà thờ giáo xứ và truyền giáo sẽ vẫn mở cửa.

Sau cuộc mất tinh thần đáng kể do sắc lệnh ngày hôm qua gây ra, Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Đại diện Đức Giáo Hoàng trông coi Giáo phận Rôma, cho biết trong một tuyên bố được đưa ra vào sáng thứ Sáu rằng ngài “đặt trách nhiệm cuối cùng về nơi thờ phượng lên các linh mục và tất cả các tín hữu, để sao cho dân chúng tránh khỏi bất cứ nguy cơ lây nhiễm nào”.

Lời tuyên bố tiếp tục viết: “Đồng thời, quyết định ngày hôm nay đã được đưa ra để tránh dấu chỉ lệnh cấm vật lý đối với việc tiếp cận nơi thờ phượng bằng cách đóng cửa nó, điều này có thể tạo ra sự mất phương hướng và cảm thức bất an nhiều hơn”.

Tuyên bố nói tiếp: Bất cứ biện pháp phòng ngừa nào của giáo hội cũng phải tính đến không những thiện ích chung của xã hội dân sự, mà cả thiện ích độc đáo và quý giá là đức tin, đặc biệt đức tin của những người nhỏ bé nhất”.

Đan viện và các tu viện khác sẽ tiếp tục bị đóng cửa đối với các tín hữu không phải là thành viên thường trực của các cộng đồng đó.
Quyết định của Tòa Giám Quản được đưa ra sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói trong bài giảng trên truyền hình sáng nay tại Santa Marta rằng “các biện pháp quyết liệt không phải lúc nào cũng tốt” và “vì thế, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần để Người ban ơn biện phân mục vụ cho các mục tử để các ngài nhận thức các biện pháp không để cho Dân thánh thiện và trung thành của Thiên Chúa cô đơn, trái lại để họ cảm thấy được đồng hành với các mục tử của họ”.

Sự đảo ngược cũng diễn ra sau khi người phát chẩn của Đức Giáo Hoàng, Hồng Y Konrad Krajewski, sáng nay đã vi phạm sắc lệnh của Tòa Giám Quản, bằng cách mở các cửa nhà thờ Santa Maria Immacolata all’Esequilino ở Rôma để ngài có thể giúp đỡ người nghèo.

Ngài nói với Vatican News “Hoàn toàn tuân thủ các quy định về an toàn, tôi có quyền đảm bảo để người nghèo có một nhà thờ mở cửa. Sáng nay lúc 8 giờ, tôi đã đến đây và tôi đã mở cửa để người nghèo có thể tôn thờ Thánh Thể, vốn là niềm an ủi cho mọi người vào thời điểm khó khăn nghiêm trọng này”.

Tòa Giám quản Rôma và các giáo phận khác trên khắp nước Ý đã đóng cửa các nhà thờ vào ngày hôm qua theo đề nghị của ban chủ tịch Hội đồng giám mục Ý. Nay, Rôma không tuân theo khuyến nghị, có khả năng các giáo phận khác sẽ theo bước dẫn đạo của Tòa Giám Quản.

14 tháng 3, 2 giờ 30 chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đảo ngược một quyết định ngài đã chấp thuận vào thứ năm để đóng cửa các nhà thờ Rôma, sau khi ngài được các Hồng Y và giám mục cho hay sự phản đối mạnh mẽ của các ngài đối với động thái này.

Theo các nguồn tin cấp cao của Vatican, các vị giáo phẩm, cùng với Andrea Riccardi, người đứng đầu cộng đồng giáo dân Sant'Egidio than phiền với Đức Giáo Hoàng về quyết định mà vào thời điểm đó, các ngài nghĩ là của vị đại diện Đức Giáo Hoàng cai quản giáo phận Rôma, tức Đức Hồng Y Donatis, và hội đồng giám mục Ý.

Vào Thứ Sáu, Đức Hồng Y De Donatis đã viết một lá thư cho giáo phận nói rằng “sau khi hội ý Đức Giám Mục của chúng ta, tức Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng ta đã cho công bố ngày hôm qua, 12 tháng 3, sắc lệnh thiết lập việc đóng cửa các nhà thờ của chúng ta trong ba tuần”.

Ngài tiếp tục nói rằng “một cuộc đàm đạo tiếp theo” với Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào sáng thứ Sáu đã dẫn đến việc đảo ngược quyết định ấy sau khi xem xét rằng “những người nhỏ bé” cảm thấy mất phương hướng và trở nên không chắc chắn và bối rối hơn. Đức Hồng Y viết tiếp “nguy cơ là người ta cảm thấy bị cô lập hơn nữa”.

Các nguồn tin gần gũi với vấn đề đã xác nhận với tờ The National Catholic Register điều Riccardo Cascioli của La Nuova Bussola Quotidiana đã viết vào thứ Sáu: mặc dù sắc lệnh ban đầu ngày 12 tháng 3 đọc như có vẻ chính Đức Hồng Y De Donatis muốn đóng cửa các nhà thờ, nhưng thực ra chính Đức Phanxicô đã ra lệnh việc đóng cửa này.

Trong buổi sáng thứ sáu hôm qua, Đức Giáo Hoàng dường như nhìn nhận lỗi lầm của mình, khi nói rằng “các biện pháp quyết liệt không phải lúc nào cũng tốt” và “vì thế, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần để Người ban ơn biện phân mục vụ cho các mục tử để các ngài nhận thức các biện pháp không để cho Dân thánh thiện và trung thành của Thiên Chúa cô đơn, trái lại để họ cảm thấy được đồng hành bởi các mục tử của họ”.

Tờ The National Catholic Register đã hỏi phòng Báo chí Tòa thánh vào thứ Sáu xem có thể làm sáng tỏ diễn tiến của các sự kiện nhưng cho đế nay chưa nhận được phúc đáp.

14 tháng 3, 3 giờ 30 chiều

Vatican cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết định tiếp tục cho truyền hình các Thánh lễ do ngài cử hành hàng ngày tại Santa Marta. Bây giờ các thánh lễ này cũng bao gồm Thánh lễ Chúa Nhật. Vatican nói rằng: Diễn từ lúc đọc KinhTruyền Tin của ngài vào Chúa Nhật và yết kiến chung vào Thứ Tư cũng sẽ được truyền hình từ Tông điện, để “tuân thủ các quy tắc áp đặt lệnh cấm tụ tập để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn COVID- 19”.

14 tháng 3, 4 giờ 48 chiều

Các hành động được đưa ra bởi phẩm trật Giáo hội ở Ý như tạm dừng các Thánh lễ công cộng và “các hình ảnh bóng ma” từ Vatican đang giúp thúc đẩy “nỗi sợ hãi và hoảng loạn” và tước khỏi lòng tín hữu niềm mong muốn được cứu rỗi vĩnh viễn vốn làm chúng ta “có khả năng đối diện với thử thách và cái chết”, Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò đã nói như thế trong một suy tư về cuộc khủng hoảng do vi khuẩn corona gây ra.

14 tháng 3, 11 giờ 30 đêm

Trong một cuộc nói chuyện video dài 45 phút, giáo sư giáo sử người Ý, Roberto De Mattei, đặt sự bùng phát của vi khuẩn corona trong bối cảnh chính trị, lịch sử và triết học, khi nói ông tin rằng nó báo trước sự kết thúc của việc hoàn cầu hóa và nó có thể trùng hợp với các trừng phạt thần thiêng trong quá khứ đối với các quốc gia, nhưng Đức Mẹ Fatima đã bảo đảm với chúng ta rằng cuối cùng Mẹ sẽ chiến thắng.

14 tháng 3, 11 giờ 55 đêm

Số liệu mới nhất của bộ bảo vệ dân sự Ý về vi khuẩn corona cho thấy đã có thêm 175 người chết trong 24 giờ qua, giảm so với 250 ngày trước đó. Cho đến nay đã có 1,441 người chết vì vi khuẩn ở Ý trong tổng số 21,157 trường hợp được ghi nhận mắc bệnh. Trong số này, 16, 232 người đã mắc bệnh nhẹ (91%) và 1, 518 người đang trong tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch (9%).

15 tháng 3, 12giờ 15 trưa

Vatican tuyên bố trên trang mạng của Phủ Giáo hoàng rằng tất cả các cử hành phụng vụ Tuần Thánh “sẽ diễn ra mà không có sự hiện diện thể lý của các tín hữu”:

“Phủ Giáo hoàng công bố rằng, vì tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng hoàn cầu hiện nay, tất cả các cử hành Phụng vụ trong Tuần Thánh sẽ diễn ra mà không có sự hiện diện thể lý của các tín hữu. Hơn nữa, Phủ này xin thông báo cho đến ngày 12 tháng 4, các buổi yết kiến chung và đọc kinh Truyền tin do Đức Thánh Cha chủ sự sẽ chỉ có trên trực tiếp phát tuyến ở trang mạng chính thức của Vatican News.

15 tháng 3, 6 giờ 40 tối

Số liệu mới nhất của bộ bảo vệ dân sự Ý cho thấy có thêm 368 người chết trong 24 giờ qua, tăng từ 175 ngày trước đó và là một trong những con số cao nhất cho đến nay. Cho đến nay đã có 1,809 người chết vì vi khuẩn ở Ý trong tổng số 24,747 trường hợp đăng ký.



15 tháng 3, 6 giờ 50 tối

Vatican cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viếng thăm vương cung thánh đường Đức Bà Cả chiều nay để cầu nguyện cùng Đức Trinh Nữ, đấng cứu Dân Thành Rôma (Salus populi Romani), đấng có bức ảnh được giữ và tôn kính ở đó.

Phòng báo chí Tòa thánh cho hay: “Sau đó, ngài đã hành hương đến nhà thờ San Marcello al Corso trên Đường del Corso, nơi đặt Tượng Chịu Nạn Làm Phép Lạ mà vào năm 1522 từng được rước qua các khu của thành phố để chấm dứt 'trận đại dịch' ở Rôma”.

“Với lời cầu nguyện của ngài, Đức Thánh Cha đã nài xin chấm dứt đại dịch xảy ra ở Ý và thế giới, khẩn cầu ơn chữa lành cho nhiều người bệnh, nhớ đến nhiều nạn nhân trong những ngày này, và xin cho gia đình và bạn bè của họ tìm được sự an ủi và khuyến khích. Ý cầu nguyện của ngài cũng được dâng cho các nhân viên y tế, bác sĩ, y tá và những người trong những ngày này, bằng việc làm của họ, bảo đảm sự vận hành của xã hội.

“Vào khoảng 5 giờ 30 chiều Đức Thánh Cha đã trở lại Vatican”.

15 tháng 3, 7 giờ 35 tối

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói ở cuối bài nói lúc đọc Kinh Truyền Tin hôm nay rằng “trong tình huống đại dịch này, khi chúng ta thấy mình sống ít nhiều bị cô lập, chúng ta được mời gọi khám phá lại và làm sâu sắc thêm giá trị của sự hiệp thông vốn liên kết tất cả các chi thể của Giáo hội”.

Ngài nói, “chúng ta không bao giờ đơn độc, nhưng chúng ta tạo thành một Thân thể đơn nhất, trong đó Người là Đầu”. Đức Giáo Hoàng rất khuyến khích việc thực hành rước lễ thiêng liêng khi không thể nhận lãnh Bí tích. Ngài nói “tôi nói điều này cho tất cả mọi người, đặc biệt cho những người sống một mình”.

15 tháng 3, 7giờ 43 tối

Giám đốc nhà thờ San Marcello al Corso, Cha Enrico Casini, đã xác nhận với EWTN rằng Đức Giáo Hoàng đã dừng lại để cầu nguyện thầm lặng và riêng tư trong vài phút trước Tượng Chịu Nạn Làm Phép Lạ. Sau đó, ngài cầu nguyện trước tượng Thánh Giuse của nhà thờ. Toàn bộ cộng đồng của nhà thờ đã có mặt bao gồm cả Cha Enrico, người đã nhắc lại tầm quan trọng của Tượng Chịu Nạn đối với người Rôma.

Còn tiếp