Tiến sĩ Michael Levitt cuả viện đại học Stanford, 72 tuổi, từng đoạt giải Nobel về hóa học năm 2013 vì đã phát triển các mô hình phức tạp của hệ thống sinh hóa học, đã phân tích các dữ liệu về Covid-19 trên toàn Thế Giới và từ tháng 1, đã tính ra chính xác thời điểm mà Trung quốc sẽ vượt qua cơn đại dịch, trước tất cả các dự đoán cuả mọi chuyên gia y tế khác.
Ông vừa đưa ra tiên đoán rằng nạn dịch ở Hoa Kỳ và phần còn lại cuả Thế Giới sẽ phục hồi nhanh chóng, nguy cơ tử vong sẽ là rất thấp trong khoảng thời gian hai tháng tới, dù rằng có lúc tỷ số tử vong có thể tăng gấp đôi, nhưng những rủi ro như thế vẫn là cực kỳ thấp.
Khi ông nghiên cứu các dữ liệu cuả ngày 31 tháng 1 từ Trung quốc, trường hợp tử vong mới (46) cuả ngày hôm ấy vẫn còn gia tăng so với ngày hôm trước (42), dù thế ông đã nhận ra là tỷ lệ gia tăng đã bắt đầu giảm đi và đó là một dấu hiệu cho thấy quỹ đạo của nạn dịch đang thay đổi.
Ông đưa ra thí dụ về một chiếc xe hơi sau khi đạt đến tốc độ đường trường, mặc dù chiếc xe vẫn còn tăng tốc, nhưng không còn tăng nhanh như lúc mới bắt đầu.
Điều này làm cho ông kết luận là số người chết sẽ chậm hơn trong những tuần tới, và ông Levitt đã viết một báo cáo vào ngày 1 tháng 2, được chia sẻ rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội ở Trung Quốc, theo đó, ông dự đoán số người chết sẽ giảm mỗi ngày.
Ba tuần sau, ông Levitt cho tờ China Daily News biết rằng tốc độ tăng trưởng của virus đã lên đến đỉnh điểm. Ông dự đoán rằng tổng số trường hợp Covid-19 tại Trung Quốc sẽ kết thúc vào khoảng 80.000, với khoảng 3.250 tử vong.
Đó là một dự đoán có độ chính xác phi thường: Tính đến ngày 16 tháng 3, Trung Quốc đã có tổng cộng 80.298 trường hợp và 3.245 tử vong. Ngày nay, Trung quốc cho biết không còn có ca tử vong nữa.
Hiện thời, trong khi nhiều nhà dịch tễ học vẫn cảnh báo rằng cơn đại dịch sẽ còn tăng lên, thậm chí sẽ kéo dài nhiều năm, gây ra hàng triệu người chết và tạo ra những sự lũng đoạn xã hội rất lớn, thì ông Levitt nói rằng các dữ liệu không hỗ trợ cho một kịch bản tồi tệ như thế - đặc biệt là trong các khu vực đang có những biện pháp cách ly xã hội hợp lý.
“Những gì chúng ta cần làm là kiểm soát sự hoảng loạn,” ông nói. “Nhìn tổng quát thì chúng ta sẽ ổn.”
Ông đã phân tích dữ liệu từ 78 quốc gia và nhận thấy dấu hiệu phục hồi ở nhiều nước. Ông không tập trung vào tổng số các ‘ca’, mà là số ca mới mỗi ngày - và đặc biệt là tỷ số phần trăm từ ngày này sang ngày khác.
“Những con số vẫn còn có nhiều ‘nhiễu âm’ (tiếng ồn) nhưng dấu hiệu tăng trưởng chậm lại đã hiện ra,” ông nói.
Ví dụ, ở Iran trong tuần trước, số trường hợp Covid-19 mới vẫn còn cao, từ 1.133 vào thứ Hai đến 1.028 vào Chúa Nhật, nhưng mô hình cho thấy sự bùng phát đã đạt đến độ cao ổn định, và đang trên đà trở nên tốt hơn.
Ông Levitt cho biết các số liệu thì rất lộn xộn, và các trường hợp chính thức thì quá thấp vì thử nghiệm thiếu chính xác. Nhưng ngay cả với dữ liệu không đầy đủ như thế, thì mỗi khi chúng ta nhận ra có một sự suy giảm có tính nhất quán, thì đó có nghĩa là chúng ta đã có những yếu tố không chỉ là những tiếng ồn nữa.
Nói cách khác, miễn là có một nguyên do hợp lý chung cho những trường hợp không chính thức, thì những trường hợp đó vẫn hữu ích khi so sánh chúng từ ngày này sang ngày khác.
Dùng trường hợp cuả con tầu du lịch Diamond Princess làm mốc để ước tính về số tử vong cho những quần thể (đóng kín) bị lây nhiễm, (trong số 3.711 người trên tàu, 712 người bị nhiễm bệnh và 8 người chết) ông cho rằng việc lây nhiễm (mới) làm tăng nguy cơ tử vong của một người lên gấp đôi trong hai tháng. Nhưng dù như thế chăng nữa, thì nguy cơ tử vong cuả một người vẫn là rất thấp trong khoảng thời gian hai tháng đó.
Điều phát hiện đó không có nghĩa là chúng ta có thể tự mãn được. Ông Levitt cho biết việc cách ly xã hội là rất quan trọng - đặc biệt là lệnh cấm các cuộc tụ họp lớn.”Đây không phải là lúc kéo bạn bè ra ngoài nhậu bia,” ông nói.
“Tiêm vắc-xin ngừa cúm cũng rất quan trọng vì dịch coronavirus xuất hiện đồng thời với các dịch cúm khác, do đó áp đảo khả năng cuả các bệnh viện và việc phát hiện ra virus mới này cũng khó thêm ra. Đây có lẽ là lý do mà nước Ý đã bị nặng như thế, vì Ý là một quốc gia có phong trào chống vắc-xin mạnh mẽ,” ông nói.
Nhưng ông cũng đổ lỗi cho các phương tiện truyền thông đã gây ra sự hoảng loạn không cần thiết bằng cách tập trung vào các trường hợp tích lũy và làm nổi bật những ca lây nhiễm cuả những nhân vật nổi tiếng. Trong thực tế, loại cúm thường đã làm cho 36 triệu người Mỹ mắc bệnh kể từ tháng 9 và đã giết chết khoảng 22.000 người, theo CDC, nhưng những cái chết này không được giới truyền thông báo cáo.
Ông lo ngại các biện pháp công cộng đã đóng cửa phần lớn nền kinh tế có thể gây ra thảm họa, Việc mất việc làm sẽ dẫn đến nghèo đói và vô vọng. Các nghiên cứu đã nhất quán cho thấy rằng tỷ lệ tự tử tăng lên khi nền kinh tế suy thoái xuống.
“Virus chỉ có thể phát triển theo cấp số nhân khi không bị phát hiện và không ai hành động để kiểm soát nó,” Levitt nói. Đó là việc đã xảy ra ở Hàn Quốc, khi nó tàn sát một giáo phái khép kín và từ chối báo cáo về căn bệnh này.
“Người dân phải được coi là anh hùng khi tuyên bố họ có virus này,” ông nói.
Mục tiêu là mỗi ca lây nhiễm phải được phát hiện sớm hơn - không chỉ qua việc thử nghiệm mà có thể giản dị hơn với việc giám sát nhiệt độ cơ thể mà Trung Quốc thực hiện - và cách ly xã hội ngay lập tức.
Mặc dù tỷ lệ tử vong cuả Covid-19 dường như cao hơn so với cúm, ông Levitt nói rằng, “đơn giản đây chưa phải là ngày tận thế.”
“Tình hình thực tế không quá khủng khiếp như họ muốn nghĩ,” ông nói.