Những ngày mục vụ cho nguời Việt tại Ba Lan và Latvia tuy ngắn ngủi nhưng để lại trong chúng tôi những kỷ niệm đẹp. Đức Thánh Cha Phanxico từng nói người mục tử phải mang lấy mùi chiên vì chính khi gần với chiên mới hiểu được chiên và chiên mới yêu mến mục tử. Những ngày ngắn ngủi ở Ba Lan và Latvia đã giúp chúng tôi hiểu thêm tâm trạng và cuộc sống của những người đã bỏ nước ra đi để tìm kiếm một cuộc sống an toàn nhưng họ phải trả giá quá đắt vì đời không như là mơ. Những bữa ăn thanh đạm tại những ngôi nhà thuê chật hẹp của những cặp vợ chồng trẻ dù còn rất nhiều khó khăn nhưng họ vẫn luôn lạc quan tin tuởng vào Chúa là một điều hiếm thấy ở các sắc dân khác mà chúng tôi đã từng làm việc. Họ không hề than vãn, kêu ca mà dù có kêu cũng chẳng ai giúp ngoại trừ chính bản thân mình. Cũng may là có các nữ tu Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ nguời Việt và một linh mục người bản xứ Dòng Ngôi Lời rất giỏi tiếng Việt luôn đồng hành với họ về đời sống thiêng liêng và có thế giúp họ một số giấy tờ để họ có thể an tâm hơn trong việc cư trú ở đó. Anh chị em người Việt ở Latvia sống rất thầm lặng vì quốc gia này khá yên bình nhưng tìm kiếm việc làm rất khó khăn khiến nhiều khi họ cũng nhục chí. Chúng tôi đã cùng ăn, cùng uống, cùng chia sẻ những vui buồn với họ trong những ngày ở đó và đã cử hành thánh lễ minh niên để cầu cho một Năm Mới an bình và hạnh phúc.
Cũng đúng những ngày Tết Canh Tý năm nay chúng tôi lại nghe một hung tin khi đại dịch Virus Corona phát xuất từ Vũ Hán – Trung Quốc đã khiến cả thế giới đảo điên và người Việt Nam bị thiệt hại rất nhiều vì phải sống gần anh láng giềng xấu tính này. Chúng tôi còn nhớ trong dịp ngày 3 Tết, vào cuối tháng 01.2020 khi còn ở Ba Lan, một bé gái khoảng 12 tuổi đến gần chúng tôi vừa buồn, vừa khóc mếu nói với chúng tôi rằng cha ơi cầu nguyện cho chuyến đi của mẹ con trong tuần tới vì con sợ mẹ con bị nhiễm bệnh và bị cách ly khỏi chúng con, con sợ lắm. Lời nhắn nhủ của cô bé ấy khiến chúng tôi cảm thấy mình cần phải cầu nguyện nhiều hơn nữa và phải làm gì đó theo sức của mình để đàn chiên bé nhỏ được sống trong an bình. Tuy nhiên, qua tin tức hàng ngày thì căn bệnh này đã trở nên đại dịch nằm ngoài tầm kiểm soát đến nỗi nhiều quốc gia phải tuyên bố đóng cửa biên giới với Trung quốc và cũng đóng cửa luôn các hãng hàng không đến hay đi từ quốc gia đông nhất thế giới này. Đâu đâu người ta cũng bị ám ảnh cái tên Trung Quốc dù không phải là kỳ thị nhưng rõ ràng người ta sợ bị lây nhiễm và việc đi lại các nơi công cộng cũng như đi du lịch đều bị đình trệ. Một số Hội Đồng giám mục như Hongkong, Singapore cũng ra thông cáo nên tham dự thánh lễ ở nhà qua màn ảnh để tránh lây nhiễm và nhiều sinh hoạt quan trọng trong các giáo phận hay giáo xứ ở Việt Nam cũng bị đình lại. Cơn dịch SARS năm 2003 chúng tôi cũng có nghe qua nhưng không thấy ghê gớm như cơn dịch lần này có lẽ truyền thông hồi đó không giống như bây giờ. Dù tin hay không chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng những lời trong Kinh Thánh luôn ứng nghiệm qua các thời kỳ. Là người Công Giáo, chúng ta phải luôn cầu nguyện và sẵn sàng vì giờ Chúa đến vào lúc chúng ta không ngờ.
Những ngày ở Kinh Đô của giáo hội tuy ngắn ngủi nhưng chúng tôi được sống trong bầu khí quốc tế nơi hội tụ những anh em cùng Dòng đến Rome học các chuyên ngành để mai sau phục vụ giáo hội tại quê nhà. Chúng tôi cũng may mắn được gặp lại một số anh em truyền giáo xưa kia bên Mỹ châu Latinh nay trở thành những người có chức vụ cao trong Dòng đang ở nhà Tổng Quyền. Anh em có dịp chào hỏi nhau và chúc lành cho công việc của nhau.
Rời Fatima mà trong lòng còn nhiều lưu luyến với người Mẹ tuyệt vời luôn lo lắng cho đoàn con là thế giới đang trong cơn lầm than khốn khổ, và người Mẹ ấy luôn bằng cách này hay cách khác hiện ra để nhắc nhở con cái mình biết ăn năng thống hối đế được Chúa đoái thương. Chúng tôi đón xe bus lên đường đi Lisboa để thăm quê hương của thánh bổn mạng Anton của mình. Người ta thường biết đến thánh Anton hay làm phép lạ là thánh Anton Padua vì khi ngài trở thành tu sĩ Dòng Phanxico thì ngài chuyển về thành Padua bên Italy nên tên của ngài cũng gắn liền với thành phố ấy. Tuy nhiên, người Bồ Đào Nha gọi ngài là thánh Anton Lisboa vì quê huơng của ngài ở thành Lisboa nước Bồ Đào Nha, và nhà của ngài hiện giờ là một ngôi thánh đường ngay bên cạnh nhà thờ Chính Toà cổ kính tại thủ đô Lisboa. Rất nhiều khách hành hương mến mộ ngài nên khi đến Lisboa thường ghé thăm để cầu nguyện và xin ơn. Một anh em linh mục cùng Dòng người Phi Luật Tân đang làm việc tại Lisboa đã hướng dẫn chúng tôi đi thăm những điểm du lịch chính ở thủ đô Lisboa và nói rằng có lẽ nhà thờ thánh Anton là nơi được nhiều người viếng thăm nhất vì họ được nhiều ơn nhờ lời bầu cử của thánh Anton. Ước nguyện của chúng tôi giờ đây đã thành hiện thực và chúng tôi nghĩ chính thánh Anton đã bầu cử cho chúng tôi để tôi được gặp ngài ngay tại chính quê hương của ngài.
Sau những ngày hành hương Rome, Fatima và Lisboa, chúng tôi trở lại Hoà Lan để lo một số thủ tục bàn giao trước khi nhận sứ vụ mới. Vé đã cầm trong tay nhưng nhiều người điện thoại tới nói rằng chúng tôi nên huỷ vé vì về Việt Nam lần này không nên vì cơn đại dịch ngày một lan rộng và trầm trọng. Nhà Dòng đã cố gắng hoãn vé nhiều lần nhưng lần này chúng tôi vẫn quyết định ra đi vì công việc đã sắp xếp hết mà ở lại thì cũng không làm được gì.
Cảm ơn đất nước và con người Hoà Lan đã cưu mang chúng tôi trong gần 3 năm qua. Có lẽ chúng ta có duyên nhưng không có nợ. Hòa Lan là một quốc gia rất thanh bình, an toàn và nhân văn với những con người văn minh, lịch sự. Tôi đã học hỏi được rất nhiều từ quốc gia nổi tiếng về cối xay gió và hoa Tu-líp xinh đẹp này. Chúng tôi cũng không quên cảm ơn những người đồng hương Việt Nam thân yêu đã đón nhận và yêu thương chúng tôi như người thân trong gia đình dù tôi chỉ là một linh mục cù lần và cục mịch. Tôi sẽ rất nhớ anh chị em nhưng tôi tin rằng với phương tiện thông tin đại chúng hiện nay và việc đi lại từ quốc gia này đến quốc gia khác không còn là chuyện khó khăn nữa. Anh chị em cũng là một phần trong ký ức của tôi trong đời sống truyền giáo. Xin anh chị em luôn cầu nguyện cho tôi để tôi luôn được bình an và sống trong ân nghĩa Chúa. Xin Chúa trả công bội hậu cho những anh chị em về những gì anh chị em đã làm cho nhà truyền giáo hèn mọn này. Tạm biệt anh chị em và hy vọng rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp lại nhau để cùng nhau dâng lên lời tạ ơn Chúa. Chúng ta cũng chuẩn bị bước vào mùa chay Thánh với nghi thức xức tro để nhìn nhận con người bất toàn và mỏng giòn của chúng ta. Xin Chúa, Mẹ Maria và thánh Giuse giúp chúng ta biết hoán cải nội tâm, xé lòng chứ đừng xé áo và xin các Ngài ban nhiều ơn lành cho chúng ta. God zegene ons.
Hoà Lan, 20 tháng 02 năm 2020,
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.