Sau 41 năm thắng Trung Cộng xâm lược, Việt Nam đã học được gì với hậu qủa của 10 năm đẫm máu và tàn bạo (1979-1989) của cuộc chiến này?

Không nhiều. Việt Nam Cộng sản vẫn chịu nhục để tồn tại bên cạnh những người phương Bắc mà họ gọi là “vừa là đồng chí vừa là anh em”.

Nhưng đàn anh khổng lồ, với 1.6 tỷ người Trung Cộng chưa hề từ bỏ mộng bá quyền muốn Việt Nam lệ thuộc toàn diện vào nhà nước theo Chủ nghĩa Cộng sản gọi là “đặc sắc Trung Quốc”, một bước “thuộc địa không văn bản”, hay “một nhà nước hai chế độ” không hiệp ước.

Trên thực tế, chưa thấy có manh động quân sự nào từ phía Trung Cộng để đạt tham vọng chính trị này, nhưng Bắc Kinh đã có kế hoạch kiểm soát Hà Nội từ Hội nghị Thành Đô năm 1990.

CHUYỆN THÀNH ĐÔ

Tài liệu của Bách khoa Toàn thư mở viết:” 10 năm chiến tranh tại biên giới Trung Quốc khiến Việt Nam hao tổn rất nhiều nhân lực và kinh tế. Ở thời điểm đó, thỏa hiệp với Trung Quốc để Việt Nam có thể tập trung phát triển là điều cần thiết. Bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc sẽ giúp chiến tranh ở biên giới chấm dứt.”

Do đó: “Hội nghị Thành Đô (hay gọi là Mật ước Thành Đô) là cuộc hội nghị thượng đỉnh Việt-Trung trong hai ngày 3-4 tháng 9 năm 1990, tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) giữa lãnh đạo cao cấp nhất hai Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Cuộc họp mặt này nhằm mục đích bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và hai Đảng. Cho đến nay, nội dung và các thỏa thuận trong cuộc họp của đôi bên vẫn chưa được công bố, tuy nhiên trên trang thông tin chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho đăng hình ảnh chụp trong hội nghị, trong những cột mốc ngoại giao quan trọng.”

Thành phần tham dự:

Phía Việt Nam gồm có Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, và Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng.

Phía Trung Quốc có Giang Trạch Dân, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng với Lý Bằng, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc.

Theo tin ngoại giao Tây phương vào thời điểm này thì Bắc Kinh đòi Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia là điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Cũng có tin phía Trung Cộng còn đòi Tổng Bí thư đảng Nguyễn Văn Linh phải loại Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (tên thật Phạm Văn Cương), một người có lập trường chống Trung Cộng, là điều kiện thứ hai. Tin này chưa bao giờ được xác nhận trước khi ông Thạch rời Bộ Ngoại giao và Bộ Chính trị năm 1991.

Dù vậy, vẫn có những tin đồn, được Đài Á Châu Tự do (RFA, Radio Free Asia, tiếng Việt) nói xuất phát vào năm 2014 từ Thời báo Hoàn Cầu và Tân Hoa Xã của Trung Cộng cho biết đã có một “Kỷ Yếu Hội Nghị” để lại nhiều điều bí mật.

Theo đó, Kỷ Yếu có ghi:”Vì sự tồn tại của sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc giải quyết các mối bất đồng giữa hai nước. Phía Việt Nam sẽ cố gắng hết sức mình để vun đắp tình hữu nghị vốn lâu đời vốn có giữa hai đảng và nhân dân hai nước do Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây đắp trong quá khứ. Và Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh, như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây…. Phía Trung Quốc đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên, và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc.” (theo Bách khoa Toàn thư mở).

Tuy nhiên tin này đã bị Ban Tuyên giáo Trung ương, Cơ quan tuyên truyền và bảo vệ tư tưởng đảng CSVN phủ nhận với Tuyên bố khẳng định: "Trong hội đàm, trao đổi không hề có vấn đề phía Trung Quốc gây sức ép với ta về nhân sự, không hề có cái gọi là sự thỏa thuận rằng: “Việt Nam sẽ thành khu tự trị thuộc Trung Quốc, giống như Nội Mông, Tân Cương và Quảng Tây vào năm 2020..." Đây là một luận điệu bịa đặt với ý đồ kích động, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và trong các tầng lớp nhân dân”. (Tài liệu Tuyên giáo tháng 10/2014)

Cho đến nay (2020), những đồn đoán về Mật ước Thành Đô, được nói là của của Hoàn Cầu Báo và Tân Hoa Xã, đã chứng minh không đúng đối với Việt Nam.

TẠI SAO HƯƠNG KHÓI VẮNG TANH?

Nhưng có một việc xẩy ra, sau Hội nghị Thành Đô, là phía Việt Nam đã “tự quên” cuộc chiến tranh biên giới 10 năm với quân Tầu từ 1979 đến 1989.

Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang nói:” Trong 10 năm sau chiến tranh, Nhà nước tổ chức rất đàng hoàng các cuộc mít tinh kỷ niệm cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc, để Nhân dân được biết. Nhưng từ năm 1990, tức sau Hội nghị Thành Đô, thì cuộc chiến tranh này đã bị lãng quên, thậm chí hoạt động kỷ niệm của người dân bình thường để tưởng nhớ đến cuộc chiến tranh này, thì cũng không được hoan nghênh, hoặc là bị ngăn cản, bị trấn áp, hạn chế. (Đài RFI, ngày 6/09/2014)

Ngày kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đẫm máu này năm 2019 và 41 năm nay, 2020, vẫn chỉ có các bài viết, nhưng càng ngày càng ít, kể những câu chuyện kháng chiến hào hùng của quân-dân 6 Tỉnh biên giới gồm Lai Châu, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai và Hà Giang. Tuy nhiên, không có bất cứ cuộc truy điệu nào được tổ chức. Hương khói vẫn lạnh tanh ơ khắp nơi, nhất là tại vùng núi vôi ở mặt trận khốc liệt Vỵ Xuyên (Hà Giang) trước đây, nơi vẫn còn trên 4,000 người lính nằm mục xương cô đơn ở đó, có nơi nay đã do Tầu chiếm mất.

Theo tiết lộ của Cố Thiếu tướng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Cộng từ 1974 đến 1987, Nguyễn Trọng Vĩnh, thì ngoài việc Trung Cộng ra lệnh cho Việt Nam “không được nhắc lại cuộc chiến biên giới”, còn “không được thào luận chuyện quân đảo Hoàng Sa” mỗi khi có họp với phía Trung Quốc.

Tướng Vĩnh không nhắc đến Trường Sa là nơi Trung Cộng đã chiếm 7 vị trí gồm : Gạc Ma (Johnson South Reef),, ngày 14/03/1988 sau khi tấn công hạ sát 64 binh sỹ. Sau đó, Trung Cộng xua quân chiếm thêm các đá Châu Viên (Cuarteron Reef ), Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Ga Ven (Gaven Reef), Tư Nghĩa (Hughes Reef), Vành Khăn (Mischief Reef) và Xu Bi (Subi Reef).

Trung Quốc đã tân tạo các vị trí chiếm đóng thành đảo nhân tạo với sân bay, bến cảng, trại đóng quân, hệ thống phòng không, radar và một số đài khí tượng và hải đăng

XÂM LƯỢC BIÊN GIỚI

Cũng nên biết, chỉ vì sợ mất lòng Tầu mà Lãnh đạo CSVN đã muối mặt để thờ ơ, lạnh nhạt và cố tình vô ơn bạc nghĩa với những quân và dân đã hy sinh trong các cuộc chiến chống Tầu xâm lược ở Hoàng Sa (1974), Trường Sa(1978) và Biên giới từ 1979 đến 1989.

Tại Hoàng Sa đã có 74 chiền sỹ Hải quân của Việt Nam Cộng hòa đã bỏ mình vì nước. Đảng và nhà nước CSVN đã công khai kỳ thị không nhìn nhận họ là công dân Việt Nam. Ở Trường Sa có 64 chiến sỹ của lực lượng Quân đội Nhân dân hy sinh ở Gạc Ma khi họ bị lính Tầu thảm sát, chỉ vì phải tuân lệnh “không được nổ súng” của Đại tướng Lê Đức Anh, khi ấy là Bộ trường Quốc phòng, người ai cũng biêt thân Tầu đặc sản.

Tại mặt trận biên giới Việt-Trung, Việt Nam tuyên bố 10.000 dân thường bị thiệt mạng, nhưng chưa công bố số liệu chi tiết về thương vong quân sự.

- Trung Quốc tuyên bố 30.000 chết-57.000 lính chết, 70.000 du kích chết về phía Việt Nam.

- Phương Tây ước tính: khoảng 20.000 chết hoặc bị thương (trong đó 8.000 chết).

Ngược lại, phía Trung Quốc có thương vong gồm 6.954 chết, 14.800 bị thương (nguồn khác của Trung Quốc thống kê có 8.531 chết, 21.000 bị thương).

- Phương Tây ước tính: 28.000 chết hoặc hơn 20.000 chết hoặc 13.000 chết, chưa kể hàng chục ngàn bị thương

(Tài liệu Bách khoa toàn thư mở).

SÁCH SỬ BỊP BỢM-NƯỚC NÀO ĐE DỌA VIỆT NAM?

Nhưng quan trọng hơn là những gì đảng CSVN muốn để lại cho đời sau về công lao giữ nước và dựng nước của các Thế hệ đi trước.

Rất buồn và bi thảm, cuộc chiến biên giới kéo dài 10 năm mà sách sử của nhà nước Cộng sản chỉ ghi lại vỏn vẹn có 12 dòng nguyên văn:”5h sáng ngày 17-2-1979, 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt vượt biên giới kéo dài 1.400km tiến vào sáu tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái), Lai Châu, điều động 9 quân đoàn chủ lực, 2.559 khẩu pháo, 550 xe tăng và thiết giáp tiến sâu vào đất Lạng Sơn, Lào Cai (30Km), Lai Châu (15km), Cao Bằng (50km).

Quân dân Việt Nam kiên cường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 tên địch, tiêu diệt, đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối, thu nhiều vũ khí, bắt nhiều tên xâm phạm lãnh thổ Việt Nam”. (Trang 355, Tập 14, Lịch sử Việt Nam, NXB KHXH)

Vậy, cụ quân Tầu thàm sát dã man các thường dân trong cược chiến này đã bị vứt đi đâu?

Hãy đọc:”Tối 9/3/1979, lính Trung Quốc giết hại dã man 43 người, mà phần lớn là phụ nữ, trẻ em (ở thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng) khi chúng đang trên đường rút quân về nước, tất cả thi thể sau đó đều bị quẳng xuống một cái giếng.

Quân Trung Quốc xâm lược dùng cọc tre, búa bổ củi đập chết 43 phụ nữ và trẻ em quăng xuống giếng nước”.

(Tài liệu của các báo Việt Nam)

Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự VN kể:”Khi lực lượng chiến đấu của Trung Quốc đi trước hoặc chiếm được những vị trí, những đường phố của ta, thì phía sau là đội quân dân binh rất đông — vừa đảm bảo sức chiến đấu quân Trung Quốc, nhưng là đội quân ô hợp hôi của. Họ vào nhà dân vơ vét tất cả những gì có thể dùng được

Tướng Lương, gười từng chiến đấu tại những cứ điểm ác liệt nhất ở khu vực biên giới phía Bắc trong 8 năm (1979 — 1987), nói tiếp:”Trong lịch sử, tôi chưa từng thấy quân đội của một nước lớn nào phát động chiến tranh lại đưa dân binh đi để vơ vét của cải như thế.

Thậm chí họ còn bắt gà, bắt lợn và lội xuống các ao của dân bên đường để bắt cá, nếu không dùng được thì cho bộc phá giật nổ. Hành động của quân Trung Quốc khiến tôi liên tưởng đến năm 1945, khi quân Tưởng sang Việt Nam đi giải giáp quân đội Nhật.

Một điển hình cho việc đập phá — là khi tôi lên thư viện Lào Cai — nằm trên một sườn núi. Khi đó, quân Trung Quốc vào thư viện lấy sách ra xé và quẳng trắng xóa phía trước, rải dưới chân đồi.

Nhìn cảnh tượng ấy, tôi cảm nhận những kẻ đó hèn hạ, vô học đến mức nào.”

Ông Lương bùi ngùi:”Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, đã là một phần của lịch sử, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đã mở sang một trang mới. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta được phép lãng quên sự thật.

Sự thật ở đây là dân tộc chúng ta rất anh dũng bảo vệ biên giới phía Bắc — không sợ hãi mặc dù đối phương đã bất ngờ tấn công và họ mạnh hơn chúng ta nhiều lần. Chúng ta đã chiến đấu và giành thắng lợi cho dù có những tổn thất rất lớn.

Hàng chục nghìn người lính và nhiều thường dân ngã xuống dưới làn đạn của quân xâm lược trong suốt giai đoạn 1979-1988.

Chúng ta không kích động, không gây hận thù, đơn giản là nói về lịch sử, nói về những gì cha anh đã phải trải qua để giữ gìn bờ cõi của Tổ quốc.

Đây là một phần của lịch sử và sự thật không ai được phép lãng quên, che mờ, chìm lấp. Còn nếu lãng quên cuộc chiến tranh biên giới 1979 là có tội với nhân dân, với những người đã ngã xuống vì mảnh đất thiêng liêng này.

(theo Trí Thức Trẻ)

Nhưng ai đã và đang lãng quên 10 năm chiến tranh bi thảm này, ngoài các thế hệ Lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam từ các thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (khóa VI), Đỗ Mười (khóa VII), Lê Khả Phiêu (khóa VIII), Nông Đức Mạnh (hai khóa IX và X), và Nguyễn Phú Trọng từ khóa đảng XI năm 2011 đến khóa XII này.

Không những chỉ “mất trí nhớ” về chiên trường biên giới mà mới đây, vào ngày 19/12/2019, ông Nguyễn Phú Trọng, hiện kiêm cả chức Chủ tịch nước đã cảnh giác:”Hiện nay có những nước vẫn nhòm ngó, tranh chấp chủ quyền, muốn xâm phạm độc lập chủ quyền của chúng ta. Và do đó “mong nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày hội quốc phòng toàn dân, 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân với tất cả hoạt động, không chỉ giao lưu bề nổi mà Bộ Quốc phòng, Quân ủy tiếp tục đi sâu, làm sâu sắc bài học chiến tranh cách mạng, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”. (theo báo Pháp Luật Online)

Người đứng đầu Đảng, Nhà nước CSVN không nêu tên nước nào, nhưng con số “những” là cách nói tránh “phạm húy” của ông Trọng mà ai cũng biết, chỉ có Trung Cộng là nước duy nhất đang muốn ăn tươi nuốt sống con cá Việt Nam.

Trung Cộng, tuy chưa thật sự cai trị Việt Nam nhưng đã kiểm soát hầu như toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam. Chỉ riêng năm 2019, Việt Nam đã nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc gần 30 tỷ Mỹ kim. Gần hềt linh kiện Việt Nam sử dụng phải nhập cảng từ Tầu và phần lớn nông-ngư sản của Việt Nam phải xuất khẩu sang Trung Hoa.

Việt Nam đã “cống” quặng Bauxite trên Tây Nguyên và “dâng”mỏ gang thép ở Hà Tĩnh cho Tầu, kể cả Đài Loan có các công ty Tầu hợp doanh đầu tư.

Ngoài ra còn hàng chục nhà máy, cơ sở thương mại và hàng nghìn công nhân Tầu đã có mặt ở Việt Nam để khai thác sức lao động và lợi dụng đất đai để trục lợi trên mồ hôi, nước mắt của người dân Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam cũng đã để cho dân Tầu nhập cư vô kiểm soát, chiếm cừ đất đai của Việt Nam ở những vùng bờ biển và điểm cao chiến lược tứ biên giới xuồng tận mũi Cà Mâu và hải đảo.

Như vậy thì thật sự Quân đội và Công an của đảng đang bảo vệ an ninh cho ai mà ông Nguyễn Phú Trọng còn kêu gọi:”Mong quân đội tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội cụ Hồ, truyền thống của nhân dân Việt Nam anh hùng. Đảng bộ quân đội phải trong sạch, đoàn kết thống nhất cao, đi đầu trong tất cả các lĩnh vực, gắn bó mật thiết với nhân dân. Nhân dân mọi vùng miền gắn bó với bộ đội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, phối hợp với lực lượng an ninh, công an để giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

“Như thế đất nước mới trường tồn, không phải thế hệ này mà các thế hệ sau”. (báo Pháp Luật Online, ngày 19/12/2019)

Như vậy thì tuy Lãnh đạo Việt Nam đang làm tốt các biện pháp phòng, chống nạn dịch Virus Vũ Hán, nhưng lại sợ hãi đến co cụm để quên mất con vi khuẩn cực kỳ dã man và tàn bạo Trung Hoa đã từng cai trị dân ta 1,000 năm và ngày nay đang âm thầm gậm nhấm chủ quyền biển đảo của ta ở Biển Đông. -/-

Phạm Trần

(02/020)