À, tôi vừa nhắc đến Từ Hoè mà quên chưa nói việc ông hội viên viễn cư này mới về làng. Các cụ còn nhớ ông Từ Hoè chứ, cái ông đã cùng với cụ Chánh và chúng tôi lập ra cái làng An Lạc thân yêu này. Làng mới lập xong ít lâu thì ông bỏ làng sang miền tây sống với người em kết nghĩa mới đến từ trại tỵ nạn. Ở xa nhưng ông nhớ làng lắm nên đã hứa năm nào cũng sẽ về làng dịp tết và phụ trách chương trình nấu cỗ tết cho cả làng.
Năm nay Ông đã về trước ngày cúng Ông Táo. Theo đúng thông lệ, ông đã dựng cây nêu giữa sân nhà cụ Chánh, và đang đi thị sát các chợ để tìm món nấu tiệc tân xuân. Tết năm con nào thì ông cho ăn thịt con nấy, như thịt heo thịt gà thịt dê... Năm nay là năm con chuột, không biết ông có dám cho làng ăn thịt chuột không. Nghe sợ quá. Ông này láu lắm, chưa ai đoán đưọc. Mấy cô Huế trong làng mê ông vì cái láu này. Mọi năm ông thường tổ chức nấu bánh chưng vào đêm ba mươi, năm nay ông đổi ý, ông nấu bánh sớm hơn, Ông bảo nấu vào đêm ba mươi thì cập rập quá, dân làng không có thời gian lo tết cho nhà riêng của mình. Do vậy ông đã tổ chức gói bánh và nấu bánh ba ngày trước tết, dân làng ai cũng vừa ý và ai cũng kéo đến, tiếng là để giúp nấu bánh chứ sự thực là ai cũng đến để nghe ông và ông ODP kể các thứ chuyện vui.Và chúng tôi đã có một đêm vui tuyệt vời, cười muốn bể bụng.
Trên mâm cỗ cúng Ông Táo, ông làm 3 con cá chép. Chị Ba Biên Hòa hỏi tại sao 3 con mà không 2 con, ông cười hà hà rồi bảo : con số 3 là con số vĩ đại lắm, nó tương trưng ‘thiên địa nhân’, nó chỉ Thiên Chúa Ba Ngôi, nó chỉ Phật Pháp Tăng trong đạo Phật, nó chỉ 3 điều mà ai cũng cần có là lập đức, lập ngôn và lập công, và trên mâm cỗ thì số 3 chỉ gia đình ông Táo vì có những 3 người lận : 2 ông 1 bà.
Chị Ba Biên Hòa tiếp tục lên tiếng : Em biết bác có nhiều chuyện lắm, sợ không đủ giờ kể hết, vậy xin bác kể ngay cho làng các chuyện về con chuột vì năm mới là năm chú Tý. Ông Từ Hoè cười hà hà rồi nói : chuyện chuột thì nhiều qúa vậy phải xin cả làng góp nữa nha. Ông bắt đầu thế này : Nói tới chuột thì tôi nghĩ ngay đến cái vòng lẩn quẩn trong gia đình : ông chồng thì sợ vợ, vợ thì sợ chuột, chuột thì sợ ông chồng chủ nhà. Đúng vậy không nào ? Mấy cô Huế gật đầu : đúng, chúng em sợ chuột vô cùng, nó bé tí mà thấy trong phòng có con chuột chạy thì ai cũng sợ xanh mặt lại rồi, đúng y như chuyện mới xảy ra tháng trước ở bên Mỹ, báo chí kể lại là Tòa Bạch Ốc đang có cuộc họp báo, tự nhiên có con chuột trên trần rơi xuống, thế là cả phòng báo của vua Trump nhốn nháo cả lên.
Đó là con chuột thực sự, còn trong dân gian có câu nói để chỉ người may mắn tốt số tự nhiên được hưởng giàu sang : chuột sa chĩnh gạo.
Kể đến đây rồi ông Từ Hoè xin ông ODP bàn tiếp. Ông ODP cũng cười hà hà rồi kể : Ngày xưa còn bé đi học, tôi thích nhất là bài hát vui bằng tiếng Việt và cả bằng tiếng Pháp : Bài này tôi thấy các em Sói Con trong phong trào Hướng Đạo thời đó hay hát, bài hát như thế này , ông vừa hát vừa vỗ tay :...Nào bao giờ ta có thấy thấy, Ta có thấy bao giờ giờ giờ, Một cái đuôi con chuột chuột chuột, Mà nó ngoáy tai mèo mèo mèo...
Hát xong lời Việt thì ông hát sang lời ca tiếng Pháp :
...Jamais on n’a vu vu vu, jamais on ne verra ra ra, La queue d’un souris ris ris, Dans l’oreil d’un chat chat chat...
Cả làng ai cũng thích bài hát này nên tự động cả làng hát đi hát lại bài này tới 2 lần. Đây là ngày đầu tiên làng tôi có sự lạ là hát chung đấy các cụ ạ.
Ai cũng thấy cụ Chánh hát theo và vỗ tay nên ông Từ Hoè xin Cụ Chánh góp thêm chuyện về con chuột. Giữa không khí vui như thế này, cụ Chánh không thể từ chối được nên xin kể chuyện con chuột trong bài về đạo đức cụ đã học từ xưa. Rằng bữa kia trong rừng, một con sư tử đang ngủ dưới gốc cây thì tự nhiên có con chuột trên cành cao rơi xuống , ngay vào chân con sư tử. Con sư tử nhìn con chuột bé tí xiú đang nằm sợ hãi dưới chân. Con chuột chắp tay vái con sư tử rồi nói : Con xin ngài tha tội đã phá giấc ngủ của ngài. Con bé tí xiú không đáng là một miếng ăn cho ngài. Xin ngài tha mạng cho con, con xin nhớ ơn ngài trọn đời. Con sư tử bèn tha con chuột và cho nó đi. Ít lâu sau, một hôm con chuột đang đi lang thang thì nghe tiếng con sư tử gầm, nó bèn tới gần. Nó thấy con sư tử bị lọt vào cái bẫy lưới của các người thợ săn. Con sư tử cố vùng vẫy mà không thoát ra được. Nó liền tới gần và xưng tên, rồi nói với con sư tử : Sức của con không đủ để tháo lưới cho ngài, nhưng con có thể cắn đứt từng mắt lưới. Khi nhiều mắt lưới đứt thì sẽ tạo ra một chỗ trống, ngài có thể chui ra đưọc. Con sư tử không vùng vẫy nữa mà nằm im xem con chuột cắn lưới. Chỉ một chốc thì lưới hở ra một khoảng trống, và con sư tử đã chui ra được và thoát thân. Nào ai ngờ con chuột bé tí xiú mà cứu được một con sư tử khổng lồ...
Nghe dến đây xong thì làng vỗ tay râm ran, ai cũng thích câu chuyện đạo đức này. Thấy chỉ còn anh John bữa nay chưa góp chuyện, cả làng xin anh John kể chuyện chuột trong thế giới nói tiếng Anh. Anh lắc đầu từ chối nhưng làng không cho. Anh nghĩ một lúc rồi nói :Tôi không có chuyện nào về con chuột bằng xương bằng thịt nhưng tôi xin nói chuyện con chuột của máy computer. Cái cục bé bằng nửa quả táo mà người Việt mình ai cũng gọi là con chuột, nhờ nó lăn qua lăn lại, nhích lên nhích xuống mà ta truy cập được bao nhiêu tin, bao nhiêu bài, tôi nghĩ con chuột của máy computer chính là một thiên tài vậy... Các bà các cô không hề sợ con chuột này, trái lại, ai cũng yêu nó.
Phe các bà trong làng ai cũng gật đầu đồng ý và khen là đúng qúa. Cụ già B.95 lên tiếng : các bác toàn nói chuyện nghiêm trang, sao không kể chuyện cười hay kể những chuyện dễ hiểu như về bếp núc chẳng hạn.
Nói xong bà cụ quay vào anh John, thần tượng của cụ : Anh đang nghĩ gì trong đầu? Anh John gãi đầu rồi nói rằng anh không nghĩ tới món ăn mà đang nghĩ tới tiếng Việt tuyệt vời trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Cụ hỏi ngay : anh thấy những gì ? Anh thưa : cháu thấy nhiều thứ lắm, về văn chương truyện Kiều thì khỏi bàn vì nó hay là lẽ hiển nhiên. Cháu đang phục cái lý lẽ mà bà Hoạn Thư trình bày trong phiên tòa bị nàng Kiều xử... Cụ Nguyễn Du đã vẽ ra một Hoạn Thư vô cùng hùng biện. Rằng khi vua Từ Hải lên tới tuyệt đỉnh uy quyền và vinh quang, hoàng hậu Thúy Kiều đã cho lập một toà án để báo ân báo oán. Tội nhân đầu tiên được đem ra xử là Hoạn Thư. Quan tòa Thúy Kiều đã định sẵn trong đầu một bản án nặng, nhưng khi nghe Hoạn Thư tự bào chữa thì Thuý Kiều ngây người ra. Hoạn Thư nóí : tôi là nữ nhi thường tình, chuyện ghen là chuyện đương nhiên thường tình ai chả thế. Bà tính giựt chồng tôi thì tôi phải giựt lại chứ. Tuy có tấn công có hành hạ bà chút xiú nhưng trong bụng vẫn nể bà, do đó tôi mới dọn một nơi riêng cho bà ở, cho bà tụng kinh gõ mõ. Rồi khi thấy bà trốn đi lại còn đem theo cả chuông vàng khánh ngọc của tôi. Tôi dư sức đuổi theo để bắt lại bà và lấy lại của, tôi dư sức mà tôi không làm vì bụng tôi muốn giúp bà có cơ hội làm lại cuộc đời. Quan tòa Thúy Kiều thấy tội nhân Hoạn Thư nói có lý quá, không cãi lại được, bèn nguôi cơn giận rồi tha ngay. Hoạn Thư hùng biện hết sức vậy đó.
Cả làng đã vỗ tay râm ran để khen anh John tài tình nhìn ra cái giỏi của Hoạn Thư, người thất thế mà biết chống đỡ hùng biện. Và từ việc khen này đã nảy ra các chuyện về đề tài hùng biện. Ông ODP xin kể chuyện Từ Thứ tiến cử Khổng Minh với vua Lưu Bị. Thấy Lưu Bị còn lưỡng lự, Từ Thứ nói lời rất hùng hồn sau đây :
... Ngài đem tôi mà so sánh với Khổng Minh thì khác gì đem con ngựa hèn so với con kỳ lân, đem con qụa khoang mà sánh với con chim phượng. Ông ấy thường ví mình với Quản Trọng và Nhạc Nghi, nhưng theo tôi thì ông Quản ông Nhạc còn kém xa. Khổng Minh có tài ngang dọc trời đất. Dưới gầm trời này chỉ có một người như vậy thôi...
Sau khi nghe lời Từ Thứ, Lưu Bị đã đi rước được thiên tài Khổng Minh về với mình. Nhân nói chuyện vua Lưu Bị bên Tàu, ông ODP được hứng nói luôn sang chuyện vua ở VN. Rằng bữa đó Vua Tự Đức ngự thuyền rồng trên sông Hương, có quần thần chầu chung quanh. Cả vua cả quan đem đề tài chữ nghĩa ra bàn. Quan Đinh Nhất Thận luận về chữ trung rất hay, rằng vua khiến tôi chết mà tôi không chết là tôi bất trung... Vua Tự Đức nghe đến đây bèn phán : Vậy trẫm truyền cho khanh nhảy xuống sông ngay bây giờ. Ai cũng tái mặt mà sợ cho ông. Quan Đinh Nhất Thận rất bình tĩnh bái lậy vua rồi nhảy xuống sông. Ai cũng tưởng ông chết ngay, nhưng chỉ vài phút sau thì ông bơi lên và leo vào thuyền, rồi qùy xuống tâu với vua : Thần vừa xuống đáy sông thì gặp Ông Khuất Nguyên, ông ấy đuổi thần lên và mắng rằng : ta gặp phải vua ngu thì chết đã đành, còn ngươi được thờ minh quân cớ sao ngươi lại tìm cái chết? Thần thấy ông Khuất Nguyên nóí đúng qúa nên phải ngoi lên trình bệ hạ. Vua Tự Đức cả cười, liền thưởng cho ông một chén rượu để ấm người và một bộ quần áo mới thay cho bộ ướt sũng đang mặc.
Nghe xong, làng tôi ai cũng vỗ tay khen ông quan thông thái có miệng lưỡi kim khẩu ngàn vàng. Mọi người xin ông kể thêm chuyện nữa. Ông đang có hứng bèn kể sang chuyện Trạng Nguyên Lương Thế Vinh. Ông Vinh là thiên tài, đỗ trạng nguyên năm 23 tuổi thời Vua Lê Nhân Tông. Hồi đó có một ông thày pháp rất ghét Khổng Tử. Ông nhờ người vẽ một bức tranh có hình Lão Tử đang trò truyện với Đức Phật, cả hai vị ngồi trên sập, và Khổng Tử đang chắp tay quỳ lạy dưới đất. Ông thày rất hể hả, gặp ai cũng đem bức tranh ra khoe. Bữa đó ông đem tranh này ra khoe với ông trạng Lương Thế Vinh và xin ông trạng một bài thơ ca tụng bức tranh. Ông trạng họ Lương bèn làm ngay bài thơ này :
‘Thích Ca tụng đạo, Lão Tử cầu kinh, Khổng Tử văn chi, tiếu nhi trụy địa’, nghĩa là: Thích Ca giảng kinh, Lão tử cầu kinh, Khổng tử nghe thấy, tức cười lăn xuống đất.
Chỉ nghe xong 4 câu thơ này, ông thày pháp xấu hổ qúa bèn huỷ bức tranh. Rõ ràng đây là những lời thơ có thần có lửa.
Trên đây là bài thơ có 4 câu. Số 4 này làm tôi nhớ tới bài 4 chữ của thiên tài Mạc Đĩnh Chi. Chuyện kể Ông được cử đi sứ sang Tàu. Tới nơi thì đúng vào lúc Tàu có đám tang một bà phi nữ của vua Tàu vừa chết. Đại sứ VN được mời đến viếng xác và đọc điếu văn. Tàu có ý thử tài sứ VN nên trong bài điếu văn viết sẵn được trao cho ông đọc, trên trang giấy trắng chỉ viết có 4 chữ NHẤT. Tàu nghĩ rằng phen này sứ VN sẽ bẽ mặt to, ai ngờ đại sứ Mạc Đĩnh Chi tỉnh bơ, ông đọc ngay ra một bài thơ trong đó có 4 chữ nhất này :
Thanh thiên nhất đoá vân, Hồng lô nhất điểm tuyết,
Thượng uyển nhất chi hoa, Dao trì nhất phiến nguyệt,
Y, vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết !
Nghiã là :
- Nàng là một đám mây giữa trời xanh
- Một bông tuyết trong lò lửa
- Một bông hoa đẹp giữa vườn thượng uyển
- Một vầng trăng sáng trên mặt nước ao
- Than ôi, nay mây bay, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết !
Cả triều đình vua Tàu phục tài đại sứ VN Mạc Đĩnh Chi quá nên đã phong ông tước vị trạng nguyên ngay lập tức. Từ đó thiên tài Mạc Đĩnh Chi mang danh là ‘Lưỡng Quốc Trạng Nguyên’.
Bà cụ B.95 lại lên tiếng xin ngưng chuyện chữ nghĩa cung đình mà bàn sang chuyện dân gian ngày tết. Ông Từ Hoè xin tuân lệnh và chuyển đề. Rằng theo phong tục ngày tết, dân ta dựng nêu, cúng thổ địa, nấu bánh chưng, cúng tổ, rồi đi xem bói coi hên xui cho cả năm. Bây giờ tôi xin bàn chuyện xem bói xem tướng ngày tết. Rằng :
- Dịp tết Nhâm Tý 1972, ở Saigon, đại tá Trần Văn Lâm lúc đó đang làm giám đốc Việt Tấn Xã đã long trọng mời 3 vị nổi tiếng về tử vi và bói toán lên đài truyền hình để bàn về mệnh nước cho cả nước nghe. Tất cả 3 vị đều nói đất nước VN đang đi vào hồng vận. Đó là 3 thày Huỳnh Liên, Minh Nguyệt và Khánh Sơn. Ai nghe xong cũng vui vì hạnh phúc đang tới. Ai dè thay vì hạnh phúc thì 1975 Miền Nam rơi vào tay giặc đỏ VC !
Nghe đến đây thì Chị Ba Biên Hoà và Cụ B.95 liền tỏ ra không còn tha thiết việc xem bói lấy hên ngày tết nữa. Anh chồng chị Ba nhắc lại chuyện tháng Tư Đen 1975 : cả Miền Nam xuống hố, hai triệu người vượt biển, nào có thấy thầy bói nào nhìn ra cái chuyện xuất ngoại bất đắc dĩ và thê thảm này đâu !
Đến đây thì nồi bánh chưng bánh tét của làng vừa chin tới, trong khi dân làng chuẩn bị lấy bánh ra cúng tổ, thì Cụ Chánh tiên chỉ làng nói lời kết buổi họp cuối năm :
- Xưa nay trong lịch sử VN lão ái mộ Vua Trần Nhân Tông nhất. Ngài là một vĩ nhân, một ông Phật sống. Sau khi đại thắng quân Nguyên, ngài lại thắng cả chính mình nữa. Ngài đã bỏ ngai vàng, xuất thân tu hành. Ngài là ông tổ của thiền phái Trúc Lâm. Trong bài phú ‘Cư Trần Lạc Đạo’ ngài viết thế này :
... Bụt ở trong nhà, chẳng cần tìm xa, Vì quên mất gốc nên ta đi tìm Bụt, Nay mới hay : Bụt là chính ta...
Lão mới nhập đạo Công Giáo, lão thấy Chúa cũng đã nói y như thế : ‘Nước Đức Chúa Trời ở ngay trong anh em’. Năm mới, lão xin kính chúc mọi người luôn luôn thấy Phật thấy Chúa trong lòng mình. Có Chúa có Phật mọi sự mọi xong, Không Chúa không Phật long đong suốt đời.
Tôi xin hợp ý với cụ Chánh, kinh chúc bạn đọc y như vậy. Amen.
Trà Lũ.