Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc di cư vào Nam năm 1954
Người đời thường nói: Tuổi trẻ sống về tương lai, tuổi già sống về quá khứ. Ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy, Chúa lại đã ban cho cả chục năm “bonus” (thưởng thêm), tôi thường hay nhớ lại những thăng trầm của đất nước, những biến cố đã ảnh hưởng đến cuộc đời của mình; trong số các biến cố ấy, cuộc di tản của Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc năm 1954 vẫn là một biến cố quan trọng.
Thật sự, ngôi trường Chủng viện Phúc Nhạc ba tầng đồ sộ vẫn còn đó, chỉ những con người sống trong ngôi trường ấy đã hốt hoảng di tản để thoát khỏi sự thống trị của Việt Minh Cộng sản. Đó là cuộc tháo chạy của Chủng viện theo chân Quân đội Quốc gia và Quân đội Pháp rút lui chiến thuật khỏi vùng đất đã một thời trấn đóng.
Sau hơn một nửa thế kỷ, hồi tưởng về cuộc di tản ngày ấy, tôi chỉ nhớ được những sự kiện nối tiếp nhau, còn ngày tháng thì đã nhạt nhoà theo thời gian. Và sau đây là những ghi nhận và cảm xúc của một chủng sinh ở lứa tuổi 14 trong thời điểm lúc bấy giờ.
Hồi đó, tôi đang trong kỳ nghỉ hè tại xứ Tôn Ðạo là quê ngoại, vì xứ Quân Triêm, chánh quán đã bị Việt Minh kiểm soát. Một ngày vào buổi trưa, tôi được cha bố (Cha Gioan Phạm Minh Học, giáo sư Tiểu chủng viện) nhắn tin là phải xuống Nhà Chung Phát Diệm ngay để chuẩn bị đi Saigon. Saigon, tên một địa danh ở Miền Nam không quá xa lạ với tôi vì thầy tôi (vùng tôi gọi cha mẹ là thầy mẹ) đã nhiều lần đi vào trong đó buôn bán, khi về, có mua quần áo mới, tân thời cho chị em chúng tôi, có khi còn mang cả một hòm (rương) bát đĩa với những hoa văn rất đẹp mà chỉ khi nào có những bữa ăn lớn trong gia đình mới mang ra sử dụng. Từ Nhà Xứ Tôn Ðạo (lúc đó cha già Tùng làm chánh xứ, phó xứ là Cha Cát) tôi vội vã ra về, tâm trạng hoang mang đến tột cùng. Vừa bước chân vào nhà, tôi liền báo cho mẹ và chị tôi cái tin quan trọng và đột ngột này. Me tôi oà lên khóc, còn chị tôi sụt sùi trong nước mắt. Tuy nhiên, mẹ cũng giúp tôi gom góp một ít quần áo và một số vật dụng cần thiết. Tất cả đều dồn vào chiếc balô vải sẵn có. Tôi khoác lên vai và chuẩn bị ra đi. Tôi thấy mẹ tôi còn chạy vội vào buồng, khi ra dúi vào túi tôi một ít tiền giấy (tiền Ðông Dương), lúc đó, tôi cũng chẳng biết là bao nhiêu, mẹ nói rằng để vào trong đó mà tiêu. Mẹ còn dặn thêm: con cố tìm được mấy chú họ ở Saigon, các chú đã đi vào Nam trong những đợt tuyển phu đi làm đồn điền cao su lúc trước. Còn chị tôi thì ôm chặt tôi từ giã, có lẽ chị nghĩ rằng số tiền mẹ đưa không đủ cho tôi, chị liền cởi chiếc dây chuyền vàng trên cổ đeo vào cho tôi và dặn: khi cần em bán đi mà tiêu, chị cầu nguyện cho em. Ôi cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!!! Tôi gạt nước mắt, thất thểu bước đi trên con đường hướng về Phát Diệm.
Từ Chủng viện Phúc Nhạc, có hai lối xuống Phát Diệm: con đường tôi đang đi là một phần của đường từ chủng viện đi Phát Diệm qua xứ Tôn Ðạo. Trên đoạn đường này, nhóm chủng sinh cùng quê Tôn Ðạo gồm có Tích, Quyền, Phương (sau này là các Cha Tích, Cha Quyền và Đức ông Phạm Văn Phương Atlanta) và tôi là nhóm bạn thường cùng đi về với nhau mỗi khi có “sortie libre” (được về thăm nhà). Ðường được tráng nhựa cho đến Phố Hậu, nhưng một quãng cũng bị đào hố trong chính sách tiêu thổ kháng chiến của Việt Minh. Phần còn lại, mặt đường lởm chởm đá, có quãng được phủ bằng những lớp cỏ xanh, bên lề là lối mòn cho người đi bộ. Một lối khác đến Phát Diệm là đi về phía Kiến Thái. Con đường này nhỏ hơn, không được tráng nhựa mà có chỗ còn là đường đất, rất dễ bị Việt Minh đặt mìn rồi tấn công phá hoại các đoàn “convois” (đoàn xe quân sự) hay các xe hơi di chuyển trên con đường này. Vì thế, mỗi lần muốn di chuyển, quân đội phải rà mìn và mở đường trước. Do đó, mỗi khi cha Nhuận, quản lý Chủng viện và các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá phụ trách nấu ăn cho Chủng viện, đi Phát Diệm mua thực phẩm bằng chiếc xe hơi “Peugeot familiale” hoặc cha giáo Bảo có về thăm ông bà cố bằng chiếc mô-tô Peugeot mầu nâu, là chúng tôi phải cầu nguyện cho các ngài đi về được an toàn.
Trên đường xuống Phát Diệm, tôi đi qua Phố Hậu, nơi gia đình tôi đã từng ở, trong thời kỳ Tháng Ba Ðói (1945). Hình ảnh những xác chết đắp chiếu nằm la liệt dọc theo đường lại hiện lên trong tâm trí một thời kỳ đói khát kinh hoàng của quê hương tôi. Qua Hoà Lạc với cây đa cổ thụ to lớn mà khi tôi còn ở Trường Thử Trì Chính (Probatorium Trì Chính), mỗi lần đi sortie libre về quê, thế nào cũng phải ngừng lại nghỉ mát rồi mới tiếp tục đi. Ðến Ứng Luật, giáo xứ đã có kỳ hè tôi về ở và giúp lễ Cha Ba, chánh xứ. Những dịp này tôi ở nhà ông bà cố Liệu, ông bà Cố có 3 người con làm linh mục: Cha Trần Trung Lương (giáo sư Tiểu Chủng viện), Cha Trần Phương Phi (chính xứ sáng lập giáo xứ An Nhơn Gò Vấp), và Cha Trần Ngọc Phan (khi du học ở Mỹ về làm thư ký cho Ðức cha Lê Hữu Từ thay cho Ðức ông Trần Ngọc Thụ rời đi làm thư ký cho Toà Khâm Sứ Saigon; Cha Phan còn làm quản lý Chủng viện Phát Diệm Phú Nhuận và sau cùng là bí thư của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình). Cha Trần Phương Phi là cha bố (cha đỡ đầu) của tôi, ngài đã đưa tôi vào nhà Trường Thử, nhưng sau vì nhu cầu truyền giáo ngài đã nối tôi cho Cha Học. Ngoài ra, ông bà cố Liệu còn có người con trai thứ tư là thầy Trần Trung Lập cũng đã một thời gian làm giáo sư Lý hoá cho lớp tôi ở Tiểu Chủng viện và Soeur Chuộng. Trong địa phận Phát Diệm, ông bà cố Liệu chỉ thua ông bà cố Hoá có tới 4 vị linh mục (là các Cha giáo Trần Phúc Long, Trần Phúc Vỵ, Trần Phúc Hạnh tức nhạc sĩ Vinh Hạnh và Trần Phúc Nhân) và 2 người con gái là nữ tu (Sr. Bảo thuộc Dòng Thánh Phao Lô Thiện Bản và Sr. Hường thuộc Tu hội Huynh Đệ Quốc tế AFI).
Qua Hướng Ðạo, xứ của Cha Lê Nguyên Kỷ đến Kiến Thái, quê của người bạn học cũng là chủng sinh lớp tôi Phan Hiếu Học, cháu gọi Ðức Cha Phan Ðình Phùng là chú ruột. Cuối cùng là Trì Chính nơi có Trường Thử, nơi chúng tôi đã học 2 năm trước khi lên Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc. Qua cầu Trì Chính rồi vào Nhà Chung Phát Diệm. Tại đây, trước tiền đường của Toà Giám Mục, tôi đã thấy một số các bạn, lớp trên có, lớp dưới có đang đứng tụm năm tụm ba bàn tán về biến cố quan trọng và bất ngờ này: Chủng viện di chuyển vào Nam. Chúng tôi được lệnh ra bến đò Trì Chính. Từ Nhà Chung chúng tôi phải qua một cái đập nước, chợ Năm Dân rồi tới bến đò. Bến đò nằm bên hữu ngạn sông Trì Chính. Ở đây đã tụ tập khá đông, thuyền nan có thuyền gỗ có, trong đó có số thuyền của Chủng viện thuê, còn lại là của dân chúng. Người người xôn xao, kẻ đã xuống thuyền, người còn ở trên bờ. Tôi nhập bọn với những người đứng trên bờ. Hỏi nhau sao chưa đi còn chờ gì nữa? Nghe nói tất cả còn đang chờ lệnh của Ðức Cha. Ðức Cha Lê Hữu Từ, trên danh nghĩa là Cố vấn Tối cao của Hồ Chí Minh, trong thực tế Ngài là vị lãnh đạo Khu Tự Trị Phát Diệm trong đó có Khu An Toàn là khu vực Nhà Chung mà Việt Minh không bao giờ dám đụng tới. Tôi còn nhớ khi Ðịa phận tổ chức cuộc rước kiệu Ðức Mẹ Fatima vào một buổi chiều, ngay đêm hôm đó Việt Minh tấn công Secteur Trì Chính. Bộ độ Việt Minh hầu như tràn ngập cả vùng Phát Diệm, nhưng Khu An Toàn vẫn yên tĩnh, không bị xâm nhập. Có thể nói uy quyền của Ngài gồm cả giáo quyền lẫn thế quyền bao trùm cả địa phận hay nói đúng hơn cả tỉnh Ninh Bình lúc đó. Trong một giai đoạn ngắn, với sự trợ giúp của Cha Hoàng Quỳnh, Ngài có lực lượng quân sự riêng mà người ta thường gọi là “Lính Ðức Cha”. Các thanh niên thuộc các giáo xứ hăng hái gia nhập “Lính Ðức Cha” và chiến đấu rất kiên cường. Tôi nghe nói có những đồn khi chống trả sự tấn công của Bộ đội Việt Minh, “Lính Ðức Cha” đã tay mang súng tay cầm tràng hạt quyết tử với đối phương.
Trong khi mọi người nóng lòng chờ đợi thì một chiếc máy bay bà già, một loại máy bay thám thính xuất hiện trên bầu trời. Sau khi lượn một vòng, máy bay đáp xuống phi trường gần bến đò chúng tôi đang đứng. Nói là phi trường thực ra là sân vận động được cải biến thành phi trường mỗi khi có loại phi cơ nhỏ cần đáp xuống. Ðó là máy bay đưa Ðức Cha từ Hà Nội về. Sau khi họp với chính quyền ở Hà Nội về số phận của Phát Diệm, Đức Cha biết quân đội Việt – Pháp đã quyết định rút lui khỏi Phát Diệm. Ðức Cha lên xe về Toà Giám Mục. Tôi và một số anh em lại quay về Nhà Chung để nghe lệnh của Ðức Cha.
Và đây là số phận của Phát Diệm: trước tiền đường của Toà Giám Mục, Ngài tuyên bố là phải chuẩn bị đi ngay vì quân đội Việt - Pháp dứt khoát rút khỏi Phát Diệm. Một lần nữa, chúng tôi lại hối hả ra bến đò. Một điều cho tới giờ tôi vẫn còn thắc mắc là vào thời đó chưa có cellphone mà sao chúng tôi liên lạc với nhau rất chinh xác, nhanh chóng và kịp thời. Ðến bến đò, tôi leo lên một chiếc thuyền gỗ với các bạn đã ngồi sẵn trên đó. Tất cả đoàn thuyền đều rộn rịp đi ra cửa biển. Dọc sông Trì Chính, tới Kim Ðài, nơi có ngọn hải đăng để hướng dẫn cho tầu bè, đây cũng là ngã ba khi sông Trì Chính gặp sông Ðáy trước khi đổ ra biển. Ðoạn đường rút lui này tương đối yên tĩnh, cùng với đoàn thuyền dân sự di chuyển, thỉnh thoảng có một chiếc tàu nhỏ hay những chiếc ca-nô chạy song song nhanh hơn, nhưng mạnh ai nấy đi. Ai ai cũng vội vã đi về phía trước. Nhưng từ Kim Ðài ra cửa biển thi tình hình khác hẳn, trên trời đã xuất hiện những phóng pháo cơ nhào lên lộn xuống để thả bom hai bên bờ. Tôi đã nhìn thấy những cột khói đen bốc lên cao và nghe thấy nhiều tiếng nổ kinh hoàng. Có lẽ đây là biện pháp bảo đảm an toàn cho cuộc rút lui. Ðã vậy, trong cơn hoảng loạn, có lúc thuyền đâm vào cồn cát mắc cạn, chúng tôi lại phải nhảy xuống sông đẩy thuyền ra chỗ sâu để tiếp tục đi. Khoảng 5, 6 giờ chiều, thuyền đã ra tới cửa biển. Thuỷ triều bắt đầu lên, gió thổi rất mạnh và những con sóng lớn từ biển dồn dập đổ vào như muốn lật chìm con thuyền. Vì thuyền thì nhỏ lại chở quá nhiều người, đâu có chuẩn bị đi biển nên chủ thuyền và vợ con trên thuyền khóc lóc van xin để dừng lại tại đây hay quay trở về, nhưng những người di tản thì nhất quyết ra khơi. Trong lúc dùng dằng như vậy, thì bỗng thấy một chiếc ca-nô nhỏ chạy qua, thoáng có bóng áo trắng trong đó giơ tay và chỉ về phía trước. Ðược biết đó là Ðức Cha Lê Hữu Từ. Ngài cùng với vị Quan Năm Pháp rời Phát Diệm bằng chiếc ca-nô này. Đó là chiếc ca-nô cuối cùng của đoàn di tản, vì đi sát bờ quá nên bộ đội Việt Minh đã ném một quả lựu đạn vào ca-nô và chiếc áo trắng của Ngài đã vấy máu của người bị thương trên tàu. Ngài ra lệnh thuyền cứ ra khơi vì đã có tàu lớn đón ở ngoài đó. Mọi người mừng rỡ và hăm hở ra biển, nhìn xa xa đã thấy vài ba con tàu lớn đen thui đang neo chờ. Thuyền chúng tôi tiến sát gần, áp vào con tàu gần nhất và được lệnh trèo lên tàu bằng chiếc lưới to đã thả sẵn xuống bên mạn tàu. Mọi người đều lên tàu bằng phương tiện này và khi đã đầy đủ, chúng tôi tìm chỗ để nghỉ ngơi. Trời sập tối và con tầu nhổ neo đi về hướng Hải Phòng. Tôi cũng chọn một chỗ nằm, nhưng thao thức không ngủ được, thêm vào đó, sợ bị say sóng nên leo lên boong, đứng dựa vào thành tàu, qua bóng đêm dày đặc nhìn về quê hương bỏ lại mà lòng buồn man mác... Sau một đêm không ngủ, trời bắt đầu sáng rõ. Mọi cảnh vật chung quanh đều xa lạ, phía dưới tàu thuyền bè đã nhộn nhịp qua lại, tàu cũng đi chầm chậm tiến vào cảng Hải Phòng.
Tàu cập bến và chúng tôi được lệnh xuống tàu và lên mấy chiếc camions đã chờ sẵn ở dưới bến. Những chiếc xe chúng tôi di chuyển không phải là xe khách mà là những chiếc xe vân tải có mui, không có ghế ngồi, mọi người đều phải đứng vịn vào nhau để giữ thế thăng bằng, nên mỗi lần xe thắng thì cả đám nghiêng ngả và có người ngã lăn cù xuống sàn xe. Ðoàn xe đổ chúng tôi xuống một khu vực khá rộng rãi gồm những dãy nhà ngang dọc. Ðược biết đây là Chủng viện Thánh Giu-se thuộc địa phận Hải Phòng. Vì đang là kỳ nghỉ hè, chủng viện còn trống nên để cho chúng tôi tạm thời tá túc. Chúng tôi lại chia nhau vào các phòng để ở. Trong thời gian này, mọi sinh hoạt hằng ngày đều do cha Bề Trên và các cha giáo chỉ dẫn. Ẩm thực thì vẫn do nhóm các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá (biệt phái giúp chủng viện) và các chị giúp việc (xưa gọi là các nữ tỳ) đi theo phụ trách.
Trong dịp này, Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm (nhà mẹ Lưu Phương cùng hầu hết các nữ tu của hội dòng) cũng di tản, vì thế tôi may mắn được gặp soeur Vóc là cô họ của tôi. Cô đi tu khi tôi còn nhỏ. Cô có nghe biết tôi vào chủng viện, nhưng chưa bao giờ gặp mặt.Cô Vóc dò hỏi và biết tôi ở đây. Một hôm tôi được nhắn xuống phòng cơm, cô cháu nhận ra nhau mừng mừng tủi tủi. Cô hứa là khi vào Saigon sẽ đưa đến thăm mấy người anh của cô và là chú họ của tôi, các chú đã vào Saigon từ lâu như mẹ tôi đã dặn. Từ đó tôi được cô thỉnh thoảng gửi cho ít vật dụng và thức ăn. Một thời gian ngắn ở Chủng viện Thánh Giu-se, chúng tôi nghe tin Ðức Cha đang thu xếp để tìm nơi đưa chủng viện lên Hà Nội và tu học ở đó chứ không đi vào Saigon như dự trù trước đây. Chúng tôi lại chờ đợi. Và cuối cùng quyết định của Ðức Cha là đưa chúng tôi vào Nam. Có lẽ với tầm nhìn xa thấy rộng, Ngài biết lên Hà nội cũng không yên, miền Bắc rồi cũng vào tay Cộng sản.
Chúng tôi lại chuẩn bị một chuyến hải hành vào miền Nam. Con tàu Ðức Cha dự trù cho chúng tôi đi là một chiếc tàu chiến tương đối không lớn lắm tên là La Charente của quân đội Pháp. Chúng tôi được chở đến bến tàu Hải Phòng. Lên tàu, chúng tôi chia nhau để kiếm chổ nghỉ ngơi. Vì tàu chỉ dành riêng cho chủng viện nên chỗ ở rất thoải mái, một số xuống dưới tàu, một số căng bạt nằm trên boong tàu. Các Cha thì hình như được cung cấp một số phòng riêng ở dưới tàu. Trong thời gian ở đây chúng tôi được cung cấp thức ăn của tàu, dĩ nhiên là theo thực đơn của thuỷ thủ trên tàu, tuy lạ nhưng rất thích thú. Trên tàu cả ngày ăn xong là chơi hoặc đứng ngắm trời, mây, nước. Trong thời gian này, có lẽ vì giao tế, cha Bề trên Phượng muốn có một một mục mua vui cho thuyền trưởng và các sĩ quan trên tàu, nên đã yêu cầu đoàn vũ chúng tôi đảm trách. Ðoàn vũ của lớp Ba Vua chúng tôi do anh Trần Anh Linh, sau là nhạc sĩ Anh Linh, thành lập khi còn ở Phúc Nhạc, trong đó tôi là một thành viên và một số anh em trong lớp như Trần Văn Phát (nay là Cha Phát), Nguyễn Thượng Hiến v.v... Tối hôm đó, trong phòng dành cho sĩ quan trên tàu, chúng tôi đã múa bài Thiên Thai của Văn Cao, một trong những bài hát chúng tôi thường múa vào các dịp lễ ở Phúc Nhạc. Sau hơn hai ngày đêm lênh đênh trên biển cả, con tàu đi qua Cap Saint Jacques (nay là Vũng Tàu) và bắt đầu vào sông Saigon. Rồi cuối cùng tàu đã cập bến. Cái bến này không phải là bến tàu Saigon ngày nay, nó yên tĩnh, không có nhà cửa mà cũng không có người qua lại. Trên bờ chỉ thấy một ít cây dừa và mấy chiếc xe vận tải đang chờ chúng tôi ở đó.
Chúng tôi đến Sàigon vào một ngày tháng bảy năm 1954. Rời tàu, chúng tôi lên xe trực chỉ Thủ Ðức. Chúng tôi được đổ xuống trường Mossard Thủ Ðức, ngôi trường thuộc dòng các Frères Lasan. Vẫn còn đang kỳ hè nên trường còn trống. Trường có những dãy nhà hai tầng kiên cố ngang dọc, chúng tôi chỉ sử dụng tầng dưới. Thật sự, chúng tôi không lạ gì vì đã từng ở Chủng viện Phúc Nhạc, một ngôi nhà 3 tầng kiên cố mà cha giáo Bảo đã có lần nói đó là một toà nhà lớn nhất Ðông Dương vào thời đó. Có một cái lạ đối với hầu hết các anh em là ở đây có cái hồ bơi mà Chủng viện Phúc Nhạc không có. Ở Phúc Nhạc, mỗi lần đi tắm, chúng tôi phải khăn gói xếp hàng đi bộ ra vụng Tam Châu. Cái vụng này rất lớn. Ở đây, chủng viện có một khu đất rất rộng, gồm một dãy nhà ngói cửa trống, với những hàng cây muỗng cao, sân chơi rông rãi, đá banh hay voley ball (bóng chuyền) tuỳ ý. Ra đây chúng tôi vui chơi thể thao thoả thích sau dó xuống vụng tắm rồi về. Vào đây có hồ bơi nên anh em hăm hở xuống tắm, tha hồ ngụp lặn trong hồ nước trong xanh. Không quen với độ sâu của piscine (hồ bơi) nên anh Trúc, bạn cùng lớp tôi, nhào xuống chỗ cạn, mặt đâm xuống đáy hồ làm gãy một cái răng và môi thì bị thương phải đi cấp cứu để vá môi.
Ngày Chúa Nhật đầu tiên, chúng tôi được ra nhà thờ Thủ Ðức gần đó dự lễ. Tan lễ, chúng tôi xếp hàng ra về, giáo dân thấy đoàn người lạ nên đứng hai bên đường nhìn chúng tôi. Trong đám đông ấy, có một người đàn ông trông thấy tôi thì kéo lại, sau một vài câu trao đổi, ông xưng là chú họ tôi và muốn xin cho tôi về Saigon chơi. Cha Bề trên chấp thuận, thế là có lẽ tôi là người đầu tiên tiếp xúc với Saigon: thành phố và con người. Tôi nghĩ rằng có lẽ soeur Vóc, cô tôi đã vào trước và báo cho các chú tôi để đến tìm tôi, tôi không phải đi tìm các chú như mẹ tôi đã dặn. Tôi được gặp các chú khác cho đi ăn, sắm vali, quần áo và các thứ cần dùng.
Nếp sống tạm bợ chúng tôi đã quen nên thời gian ở đây không khó khăn và cũng qua mau. Chúng tôi chờ để trụ sở mới của chủng viện xây cất xong. Nghe rằng Ðức cha Từ đã thương lượng với giáo xứ Phú Nhuận nhượng cho một khu đất giáo xứ đã lâu không sử dụng. Nơi này sẽ là trụ sở mới của Tiểu chủng viện, nay được đổi tên là Tiểu chủng viện Phú Nhuận. Công tác xây cất xong và chúng tôi được lệnh dọn về trụ sở mới. Cấu trúc của khuôn viên Tiểu chủng viện hầu như là một hình vuông, nằm sát đuờng xe lửa nên khi vào chúng tôi phải qua một đường rầy sắt. Qua cái cổng thép gai khung gỗ, hai bên là hai căn nhà nhỏ một dùng làm phòng tiếp khách, một là chỗ ở cho ông bõ (cố Thu) giữ cổng. Bên trái là dãy nhà gỗ lợp tôn, tường gạch xi-măng hai tầng dành làm phòng ngủ cho các chủng sinh. Các dãy nhà mới xây cất đều là nhà gỗ lợp tôn, trừ 2 căn nhà xây lợp ngói sẵn có. Tiếp đó là căn nhà xây lợp ngói (như vừa nói) dành cho các cha giáo và các thầy. Dãy ngang cũng là nhà hai tầng, tầng dưới là nhà ăn, tầng trên là nhà nguyện, phía cuối dãy là một số phòng dành cho các Cha của Nhà Chung. Ðầu tầng dưới là phòng Cha Trần Ngọc Thụ, thư ký Toà Giám Mục. Phía sau là dãy nhà nhỏ một tầng dùng làm chỗ ở cho các nữ tu Dòng mến Thánh Giá và các chị giúp việc nhà bếp. Bên phải là dãy nhà một tầng làm nhà nguyện. Cuối dãy này là căn nhà ngói nhỏ hai tầng, Ðức Cha ở tầng trên, tầng dưới là kho. Tiếp đó là căn nhà hai tầng ngắn dùng làm phòng họp. Vì là khu đất trũng và xây cất chưa xong nên khi mới về mỗi khi mưa, nước đọng đầy sân, đêm ngủ còn nghe cóc nhái kêu inh ỏi. Sau này sân được bồi đắp và hai con đường đổ đá dăm làm thành hình chữ thập, một đi thẳng từ cổng vào nhà ăn, một vắt ngang từ phòng ngủ qua nhà nguyện. Trên hai con đường này chúng tôi thường đi đi tản bộ sau bữa cơm chiều. Sau một thời gian cơ sở được hoàn chỉnh và chúng tôi yên tâm tu tập.
Trong thời gian đã xẩy ra 2 sự kiện đặc biệt:
Một: Vào một buổi sáng tinh sương, trong khi chúng tôi đang đọc kinh nguyện trên nhà nguyện thì một đoàn xe của Tổng thống Ngô Ðình Diệm bất thần đến để cùng dự lễ với chúng tôi. Sau lễ, ngài xuống lầu, dân chúng hay biết tụ tập rất đông để hoan hô Ngô Tổng thống. Sau một vài lời cám ơn Ngài ra về. Ðơn sơ chỉ có thế cho một vị tổng thống.
Hai: Khi Ðức Hồng Y Spellman thăm Việt Nam Cộng Hoà, Chủng viện tổ chức làm khán đài đón tiếp Đức Hồng Y, có dân chúng ở ngoài tham dự. Ðứng trên bục cao, ngài ban huấn từ và trong dịp này, 2 giám mục vừa được phong chức là Ðức Cha Nguyễn Văn Hiền, giám mục Saigon và Ðức Cha Nguyễn Văn Bình, giám mục Cần Thơ cũng được giới thiệu.
Qua diễn tiến của cuộc vượt thoát khỏi Phát Diệm, di tản ra Hải Phòng rồi di chuyển vào Nam, chúng tôi thấy Ðức Cha Lê Hữu Từ, với tầm nhìn xa, đã tiên liệu miền Bắc trước sau gì cũng sẽ do Việt minh Cộng sản kiểm soát, cho nên Ngài đã đưa Tiểu Chủng viện vào Nam. Đức Cha Lê đã ưu ái lo lắng cho Chủng viện trong mọi giai đoạn của cuộc di cư. Sau khi ổn định, Ngài vẫn ở trong một căn phòng nhỏ trong khuôn viên của Tiểu Chủng viện. Công ơn của Ngài đối với Giáo phận Phát Diệm nói chung và Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc nói riêng, hết sức lớn lao. Công ơn ấy có thể diễn tả bằng đoạn cuối của bài hát do Cha giáo Nguyễn Ngọc Bảo sáng tác và tập cho chúng tôi để, từ Phúc Nhạc xuống Phát Diệm, hát mừng Đức Cha nhân dịp năm mới tại tiền đường Toà Giám Mục: “... Ðức Cha Lê Hữu Từ muôn muôn thuở, Ðức Cha Lê Hữu Từ muôn muôn thuở, Phát Diệm! Phát Diệm! tường chăng hạnh phúc ngươi”
Ðồng hành với Chủng viện là Cha Bề trên Giuse Nguyễn Duy Phượng và toàn thể các vị ân sư là các cha giáo và các thầy mà chúng tôi không thể nêu tên từng vị ở đây. Riêng Cha Bề trên Phượng, một nhà tu đức, một người cha nhân từ đã đặc biệt ưu ái cho lớp chúng tôi. Khi vừa vào Trường Thử, Cha đã đặt tên lớp chúng tôi là Lớp Ba Vua. Khi Lớp Ba Vua lên Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc, thì ngài lên làm bề trên Chủng viện. Khi vào Nam, ngài cũng làm bề trên trong nhiều năm kế tiếp. Xin ghi ơn Cha Bề trên và các vị ân sư đã dày công đào tạo và dạy dỗ để chúng tôi được như ngày nay. Chúa gọi thì nhiều mà chọn thì ít. Trong lớp Ba Vua của chúng tôi, Chúa đã chọn 6 linh mục là các Cha Trần Văn Cảnh, Vũ Sĩ Hoằng, Trần Văn Phát, Ðỗ Đức Minh, Nguyễn Thế, Trần Minh Phú. Ngoài ra, trong số những chủng sinh địa phận Vinh gửi theo học cùng lớp có các linh mục như: Nguyễn Đình Thi, Ðặng Sĩ Bình...; Dòng Phước Sơn gửi có Lm. Nguyễn Văn Vinh. Thành phần Chúa không gọi lên chức linh mục, tất nhiên là nhiều hơn. Tuy nhiên, qua những nổi trôi của cuộc đời, dù trong hoàn cảnh nào, ở vị trí nào, chúng tôi vẫn luôn luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúng tôi tin có Chúa theo dõi, dẫn dắt, nâng đỡ từng bước và ban cho những ơn theo đấng bậc. Tin tưởng vào Chúa thì đời sống không phải là bể khổ mà là một hồng ân.
Hồng ân Thiên Chúa bao la,
Muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người.
J.B. Vũ Văn Long, cựu chủng sinh Phát Diệm, phó tỉnh trưởng tỉnh Hậu Nghĩa trước 30-4-1975
Dallas, 2019
Người đời thường nói: Tuổi trẻ sống về tương lai, tuổi già sống về quá khứ. Ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy, Chúa lại đã ban cho cả chục năm “bonus” (thưởng thêm), tôi thường hay nhớ lại những thăng trầm của đất nước, những biến cố đã ảnh hưởng đến cuộc đời của mình; trong số các biến cố ấy, cuộc di tản của Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc năm 1954 vẫn là một biến cố quan trọng.
Thật sự, ngôi trường Chủng viện Phúc Nhạc ba tầng đồ sộ vẫn còn đó, chỉ những con người sống trong ngôi trường ấy đã hốt hoảng di tản để thoát khỏi sự thống trị của Việt Minh Cộng sản. Đó là cuộc tháo chạy của Chủng viện theo chân Quân đội Quốc gia và Quân đội Pháp rút lui chiến thuật khỏi vùng đất đã một thời trấn đóng.
Sau hơn một nửa thế kỷ, hồi tưởng về cuộc di tản ngày ấy, tôi chỉ nhớ được những sự kiện nối tiếp nhau, còn ngày tháng thì đã nhạt nhoà theo thời gian. Và sau đây là những ghi nhận và cảm xúc của một chủng sinh ở lứa tuổi 14 trong thời điểm lúc bấy giờ.
Chủng viện Phúc Nhạc |
Từ Chủng viện Phúc Nhạc, có hai lối xuống Phát Diệm: con đường tôi đang đi là một phần của đường từ chủng viện đi Phát Diệm qua xứ Tôn Ðạo. Trên đoạn đường này, nhóm chủng sinh cùng quê Tôn Ðạo gồm có Tích, Quyền, Phương (sau này là các Cha Tích, Cha Quyền và Đức ông Phạm Văn Phương Atlanta) và tôi là nhóm bạn thường cùng đi về với nhau mỗi khi có “sortie libre” (được về thăm nhà). Ðường được tráng nhựa cho đến Phố Hậu, nhưng một quãng cũng bị đào hố trong chính sách tiêu thổ kháng chiến của Việt Minh. Phần còn lại, mặt đường lởm chởm đá, có quãng được phủ bằng những lớp cỏ xanh, bên lề là lối mòn cho người đi bộ. Một lối khác đến Phát Diệm là đi về phía Kiến Thái. Con đường này nhỏ hơn, không được tráng nhựa mà có chỗ còn là đường đất, rất dễ bị Việt Minh đặt mìn rồi tấn công phá hoại các đoàn “convois” (đoàn xe quân sự) hay các xe hơi di chuyển trên con đường này. Vì thế, mỗi lần muốn di chuyển, quân đội phải rà mìn và mở đường trước. Do đó, mỗi khi cha Nhuận, quản lý Chủng viện và các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá phụ trách nấu ăn cho Chủng viện, đi Phát Diệm mua thực phẩm bằng chiếc xe hơi “Peugeot familiale” hoặc cha giáo Bảo có về thăm ông bà cố bằng chiếc mô-tô Peugeot mầu nâu, là chúng tôi phải cầu nguyện cho các ngài đi về được an toàn.
Trên đường xuống Phát Diệm, tôi đi qua Phố Hậu, nơi gia đình tôi đã từng ở, trong thời kỳ Tháng Ba Ðói (1945). Hình ảnh những xác chết đắp chiếu nằm la liệt dọc theo đường lại hiện lên trong tâm trí một thời kỳ đói khát kinh hoàng của quê hương tôi. Qua Hoà Lạc với cây đa cổ thụ to lớn mà khi tôi còn ở Trường Thử Trì Chính (Probatorium Trì Chính), mỗi lần đi sortie libre về quê, thế nào cũng phải ngừng lại nghỉ mát rồi mới tiếp tục đi. Ðến Ứng Luật, giáo xứ đã có kỳ hè tôi về ở và giúp lễ Cha Ba, chánh xứ. Những dịp này tôi ở nhà ông bà cố Liệu, ông bà Cố có 3 người con làm linh mục: Cha Trần Trung Lương (giáo sư Tiểu Chủng viện), Cha Trần Phương Phi (chính xứ sáng lập giáo xứ An Nhơn Gò Vấp), và Cha Trần Ngọc Phan (khi du học ở Mỹ về làm thư ký cho Ðức cha Lê Hữu Từ thay cho Ðức ông Trần Ngọc Thụ rời đi làm thư ký cho Toà Khâm Sứ Saigon; Cha Phan còn làm quản lý Chủng viện Phát Diệm Phú Nhuận và sau cùng là bí thư của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình). Cha Trần Phương Phi là cha bố (cha đỡ đầu) của tôi, ngài đã đưa tôi vào nhà Trường Thử, nhưng sau vì nhu cầu truyền giáo ngài đã nối tôi cho Cha Học. Ngoài ra, ông bà cố Liệu còn có người con trai thứ tư là thầy Trần Trung Lập cũng đã một thời gian làm giáo sư Lý hoá cho lớp tôi ở Tiểu Chủng viện và Soeur Chuộng. Trong địa phận Phát Diệm, ông bà cố Liệu chỉ thua ông bà cố Hoá có tới 4 vị linh mục (là các Cha giáo Trần Phúc Long, Trần Phúc Vỵ, Trần Phúc Hạnh tức nhạc sĩ Vinh Hạnh và Trần Phúc Nhân) và 2 người con gái là nữ tu (Sr. Bảo thuộc Dòng Thánh Phao Lô Thiện Bản và Sr. Hường thuộc Tu hội Huynh Đệ Quốc tế AFI).
Qua Hướng Ðạo, xứ của Cha Lê Nguyên Kỷ đến Kiến Thái, quê của người bạn học cũng là chủng sinh lớp tôi Phan Hiếu Học, cháu gọi Ðức Cha Phan Ðình Phùng là chú ruột. Cuối cùng là Trì Chính nơi có Trường Thử, nơi chúng tôi đã học 2 năm trước khi lên Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc. Qua cầu Trì Chính rồi vào Nhà Chung Phát Diệm. Tại đây, trước tiền đường của Toà Giám Mục, tôi đã thấy một số các bạn, lớp trên có, lớp dưới có đang đứng tụm năm tụm ba bàn tán về biến cố quan trọng và bất ngờ này: Chủng viện di chuyển vào Nam. Chúng tôi được lệnh ra bến đò Trì Chính. Từ Nhà Chung chúng tôi phải qua một cái đập nước, chợ Năm Dân rồi tới bến đò. Bến đò nằm bên hữu ngạn sông Trì Chính. Ở đây đã tụ tập khá đông, thuyền nan có thuyền gỗ có, trong đó có số thuyền của Chủng viện thuê, còn lại là của dân chúng. Người người xôn xao, kẻ đã xuống thuyền, người còn ở trên bờ. Tôi nhập bọn với những người đứng trên bờ. Hỏi nhau sao chưa đi còn chờ gì nữa? Nghe nói tất cả còn đang chờ lệnh của Ðức Cha. Ðức Cha Lê Hữu Từ, trên danh nghĩa là Cố vấn Tối cao của Hồ Chí Minh, trong thực tế Ngài là vị lãnh đạo Khu Tự Trị Phát Diệm trong đó có Khu An Toàn là khu vực Nhà Chung mà Việt Minh không bao giờ dám đụng tới. Tôi còn nhớ khi Ðịa phận tổ chức cuộc rước kiệu Ðức Mẹ Fatima vào một buổi chiều, ngay đêm hôm đó Việt Minh tấn công Secteur Trì Chính. Bộ độ Việt Minh hầu như tràn ngập cả vùng Phát Diệm, nhưng Khu An Toàn vẫn yên tĩnh, không bị xâm nhập. Có thể nói uy quyền của Ngài gồm cả giáo quyền lẫn thế quyền bao trùm cả địa phận hay nói đúng hơn cả tỉnh Ninh Bình lúc đó. Trong một giai đoạn ngắn, với sự trợ giúp của Cha Hoàng Quỳnh, Ngài có lực lượng quân sự riêng mà người ta thường gọi là “Lính Ðức Cha”. Các thanh niên thuộc các giáo xứ hăng hái gia nhập “Lính Ðức Cha” và chiến đấu rất kiên cường. Tôi nghe nói có những đồn khi chống trả sự tấn công của Bộ đội Việt Minh, “Lính Ðức Cha” đã tay mang súng tay cầm tràng hạt quyết tử với đối phương.
Trong khi mọi người nóng lòng chờ đợi thì một chiếc máy bay bà già, một loại máy bay thám thính xuất hiện trên bầu trời. Sau khi lượn một vòng, máy bay đáp xuống phi trường gần bến đò chúng tôi đang đứng. Nói là phi trường thực ra là sân vận động được cải biến thành phi trường mỗi khi có loại phi cơ nhỏ cần đáp xuống. Ðó là máy bay đưa Ðức Cha từ Hà Nội về. Sau khi họp với chính quyền ở Hà Nội về số phận của Phát Diệm, Đức Cha biết quân đội Việt – Pháp đã quyết định rút lui khỏi Phát Diệm. Ðức Cha lên xe về Toà Giám Mục. Tôi và một số anh em lại quay về Nhà Chung để nghe lệnh của Ðức Cha.
Và đây là số phận của Phát Diệm: trước tiền đường của Toà Giám Mục, Ngài tuyên bố là phải chuẩn bị đi ngay vì quân đội Việt - Pháp dứt khoát rút khỏi Phát Diệm. Một lần nữa, chúng tôi lại hối hả ra bến đò. Một điều cho tới giờ tôi vẫn còn thắc mắc là vào thời đó chưa có cellphone mà sao chúng tôi liên lạc với nhau rất chinh xác, nhanh chóng và kịp thời. Ðến bến đò, tôi leo lên một chiếc thuyền gỗ với các bạn đã ngồi sẵn trên đó. Tất cả đoàn thuyền đều rộn rịp đi ra cửa biển. Dọc sông Trì Chính, tới Kim Ðài, nơi có ngọn hải đăng để hướng dẫn cho tầu bè, đây cũng là ngã ba khi sông Trì Chính gặp sông Ðáy trước khi đổ ra biển. Ðoạn đường rút lui này tương đối yên tĩnh, cùng với đoàn thuyền dân sự di chuyển, thỉnh thoảng có một chiếc tàu nhỏ hay những chiếc ca-nô chạy song song nhanh hơn, nhưng mạnh ai nấy đi. Ai ai cũng vội vã đi về phía trước. Nhưng từ Kim Ðài ra cửa biển thi tình hình khác hẳn, trên trời đã xuất hiện những phóng pháo cơ nhào lên lộn xuống để thả bom hai bên bờ. Tôi đã nhìn thấy những cột khói đen bốc lên cao và nghe thấy nhiều tiếng nổ kinh hoàng. Có lẽ đây là biện pháp bảo đảm an toàn cho cuộc rút lui. Ðã vậy, trong cơn hoảng loạn, có lúc thuyền đâm vào cồn cát mắc cạn, chúng tôi lại phải nhảy xuống sông đẩy thuyền ra chỗ sâu để tiếp tục đi. Khoảng 5, 6 giờ chiều, thuyền đã ra tới cửa biển. Thuỷ triều bắt đầu lên, gió thổi rất mạnh và những con sóng lớn từ biển dồn dập đổ vào như muốn lật chìm con thuyền. Vì thuyền thì nhỏ lại chở quá nhiều người, đâu có chuẩn bị đi biển nên chủ thuyền và vợ con trên thuyền khóc lóc van xin để dừng lại tại đây hay quay trở về, nhưng những người di tản thì nhất quyết ra khơi. Trong lúc dùng dằng như vậy, thì bỗng thấy một chiếc ca-nô nhỏ chạy qua, thoáng có bóng áo trắng trong đó giơ tay và chỉ về phía trước. Ðược biết đó là Ðức Cha Lê Hữu Từ. Ngài cùng với vị Quan Năm Pháp rời Phát Diệm bằng chiếc ca-nô này. Đó là chiếc ca-nô cuối cùng của đoàn di tản, vì đi sát bờ quá nên bộ đội Việt Minh đã ném một quả lựu đạn vào ca-nô và chiếc áo trắng của Ngài đã vấy máu của người bị thương trên tàu. Ngài ra lệnh thuyền cứ ra khơi vì đã có tàu lớn đón ở ngoài đó. Mọi người mừng rỡ và hăm hở ra biển, nhìn xa xa đã thấy vài ba con tàu lớn đen thui đang neo chờ. Thuyền chúng tôi tiến sát gần, áp vào con tàu gần nhất và được lệnh trèo lên tàu bằng chiếc lưới to đã thả sẵn xuống bên mạn tàu. Mọi người đều lên tàu bằng phương tiện này và khi đã đầy đủ, chúng tôi tìm chỗ để nghỉ ngơi. Trời sập tối và con tầu nhổ neo đi về hướng Hải Phòng. Tôi cũng chọn một chỗ nằm, nhưng thao thức không ngủ được, thêm vào đó, sợ bị say sóng nên leo lên boong, đứng dựa vào thành tàu, qua bóng đêm dày đặc nhìn về quê hương bỏ lại mà lòng buồn man mác... Sau một đêm không ngủ, trời bắt đầu sáng rõ. Mọi cảnh vật chung quanh đều xa lạ, phía dưới tàu thuyền bè đã nhộn nhịp qua lại, tàu cũng đi chầm chậm tiến vào cảng Hải Phòng.
Tàu cập bến và chúng tôi được lệnh xuống tàu và lên mấy chiếc camions đã chờ sẵn ở dưới bến. Những chiếc xe chúng tôi di chuyển không phải là xe khách mà là những chiếc xe vân tải có mui, không có ghế ngồi, mọi người đều phải đứng vịn vào nhau để giữ thế thăng bằng, nên mỗi lần xe thắng thì cả đám nghiêng ngả và có người ngã lăn cù xuống sàn xe. Ðoàn xe đổ chúng tôi xuống một khu vực khá rộng rãi gồm những dãy nhà ngang dọc. Ðược biết đây là Chủng viện Thánh Giu-se thuộc địa phận Hải Phòng. Vì đang là kỳ nghỉ hè, chủng viện còn trống nên để cho chúng tôi tạm thời tá túc. Chúng tôi lại chia nhau vào các phòng để ở. Trong thời gian này, mọi sinh hoạt hằng ngày đều do cha Bề Trên và các cha giáo chỉ dẫn. Ẩm thực thì vẫn do nhóm các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá (biệt phái giúp chủng viện) và các chị giúp việc (xưa gọi là các nữ tỳ) đi theo phụ trách.
Trong dịp này, Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm (nhà mẹ Lưu Phương cùng hầu hết các nữ tu của hội dòng) cũng di tản, vì thế tôi may mắn được gặp soeur Vóc là cô họ của tôi. Cô đi tu khi tôi còn nhỏ. Cô có nghe biết tôi vào chủng viện, nhưng chưa bao giờ gặp mặt.Cô Vóc dò hỏi và biết tôi ở đây. Một hôm tôi được nhắn xuống phòng cơm, cô cháu nhận ra nhau mừng mừng tủi tủi. Cô hứa là khi vào Saigon sẽ đưa đến thăm mấy người anh của cô và là chú họ của tôi, các chú đã vào Saigon từ lâu như mẹ tôi đã dặn. Từ đó tôi được cô thỉnh thoảng gửi cho ít vật dụng và thức ăn. Một thời gian ngắn ở Chủng viện Thánh Giu-se, chúng tôi nghe tin Ðức Cha đang thu xếp để tìm nơi đưa chủng viện lên Hà Nội và tu học ở đó chứ không đi vào Saigon như dự trù trước đây. Chúng tôi lại chờ đợi. Và cuối cùng quyết định của Ðức Cha là đưa chúng tôi vào Nam. Có lẽ với tầm nhìn xa thấy rộng, Ngài biết lên Hà nội cũng không yên, miền Bắc rồi cũng vào tay Cộng sản.
Chúng tôi lại chuẩn bị một chuyến hải hành vào miền Nam. Con tàu Ðức Cha dự trù cho chúng tôi đi là một chiếc tàu chiến tương đối không lớn lắm tên là La Charente của quân đội Pháp. Chúng tôi được chở đến bến tàu Hải Phòng. Lên tàu, chúng tôi chia nhau để kiếm chổ nghỉ ngơi. Vì tàu chỉ dành riêng cho chủng viện nên chỗ ở rất thoải mái, một số xuống dưới tàu, một số căng bạt nằm trên boong tàu. Các Cha thì hình như được cung cấp một số phòng riêng ở dưới tàu. Trong thời gian ở đây chúng tôi được cung cấp thức ăn của tàu, dĩ nhiên là theo thực đơn của thuỷ thủ trên tàu, tuy lạ nhưng rất thích thú. Trên tàu cả ngày ăn xong là chơi hoặc đứng ngắm trời, mây, nước. Trong thời gian này, có lẽ vì giao tế, cha Bề trên Phượng muốn có một một mục mua vui cho thuyền trưởng và các sĩ quan trên tàu, nên đã yêu cầu đoàn vũ chúng tôi đảm trách. Ðoàn vũ của lớp Ba Vua chúng tôi do anh Trần Anh Linh, sau là nhạc sĩ Anh Linh, thành lập khi còn ở Phúc Nhạc, trong đó tôi là một thành viên và một số anh em trong lớp như Trần Văn Phát (nay là Cha Phát), Nguyễn Thượng Hiến v.v... Tối hôm đó, trong phòng dành cho sĩ quan trên tàu, chúng tôi đã múa bài Thiên Thai của Văn Cao, một trong những bài hát chúng tôi thường múa vào các dịp lễ ở Phúc Nhạc. Sau hơn hai ngày đêm lênh đênh trên biển cả, con tàu đi qua Cap Saint Jacques (nay là Vũng Tàu) và bắt đầu vào sông Saigon. Rồi cuối cùng tàu đã cập bến. Cái bến này không phải là bến tàu Saigon ngày nay, nó yên tĩnh, không có nhà cửa mà cũng không có người qua lại. Trên bờ chỉ thấy một ít cây dừa và mấy chiếc xe vận tải đang chờ chúng tôi ở đó.
Chúng tôi đến Sàigon vào một ngày tháng bảy năm 1954. Rời tàu, chúng tôi lên xe trực chỉ Thủ Ðức. Chúng tôi được đổ xuống trường Mossard Thủ Ðức, ngôi trường thuộc dòng các Frères Lasan. Vẫn còn đang kỳ hè nên trường còn trống. Trường có những dãy nhà hai tầng kiên cố ngang dọc, chúng tôi chỉ sử dụng tầng dưới. Thật sự, chúng tôi không lạ gì vì đã từng ở Chủng viện Phúc Nhạc, một ngôi nhà 3 tầng kiên cố mà cha giáo Bảo đã có lần nói đó là một toà nhà lớn nhất Ðông Dương vào thời đó. Có một cái lạ đối với hầu hết các anh em là ở đây có cái hồ bơi mà Chủng viện Phúc Nhạc không có. Ở Phúc Nhạc, mỗi lần đi tắm, chúng tôi phải khăn gói xếp hàng đi bộ ra vụng Tam Châu. Cái vụng này rất lớn. Ở đây, chủng viện có một khu đất rất rộng, gồm một dãy nhà ngói cửa trống, với những hàng cây muỗng cao, sân chơi rông rãi, đá banh hay voley ball (bóng chuyền) tuỳ ý. Ra đây chúng tôi vui chơi thể thao thoả thích sau dó xuống vụng tắm rồi về. Vào đây có hồ bơi nên anh em hăm hở xuống tắm, tha hồ ngụp lặn trong hồ nước trong xanh. Không quen với độ sâu của piscine (hồ bơi) nên anh Trúc, bạn cùng lớp tôi, nhào xuống chỗ cạn, mặt đâm xuống đáy hồ làm gãy một cái răng và môi thì bị thương phải đi cấp cứu để vá môi.
Ngày Chúa Nhật đầu tiên, chúng tôi được ra nhà thờ Thủ Ðức gần đó dự lễ. Tan lễ, chúng tôi xếp hàng ra về, giáo dân thấy đoàn người lạ nên đứng hai bên đường nhìn chúng tôi. Trong đám đông ấy, có một người đàn ông trông thấy tôi thì kéo lại, sau một vài câu trao đổi, ông xưng là chú họ tôi và muốn xin cho tôi về Saigon chơi. Cha Bề trên chấp thuận, thế là có lẽ tôi là người đầu tiên tiếp xúc với Saigon: thành phố và con người. Tôi nghĩ rằng có lẽ soeur Vóc, cô tôi đã vào trước và báo cho các chú tôi để đến tìm tôi, tôi không phải đi tìm các chú như mẹ tôi đã dặn. Tôi được gặp các chú khác cho đi ăn, sắm vali, quần áo và các thứ cần dùng.
Nếp sống tạm bợ chúng tôi đã quen nên thời gian ở đây không khó khăn và cũng qua mau. Chúng tôi chờ để trụ sở mới của chủng viện xây cất xong. Nghe rằng Ðức cha Từ đã thương lượng với giáo xứ Phú Nhuận nhượng cho một khu đất giáo xứ đã lâu không sử dụng. Nơi này sẽ là trụ sở mới của Tiểu chủng viện, nay được đổi tên là Tiểu chủng viện Phú Nhuận. Công tác xây cất xong và chúng tôi được lệnh dọn về trụ sở mới. Cấu trúc của khuôn viên Tiểu chủng viện hầu như là một hình vuông, nằm sát đuờng xe lửa nên khi vào chúng tôi phải qua một đường rầy sắt. Qua cái cổng thép gai khung gỗ, hai bên là hai căn nhà nhỏ một dùng làm phòng tiếp khách, một là chỗ ở cho ông bõ (cố Thu) giữ cổng. Bên trái là dãy nhà gỗ lợp tôn, tường gạch xi-măng hai tầng dành làm phòng ngủ cho các chủng sinh. Các dãy nhà mới xây cất đều là nhà gỗ lợp tôn, trừ 2 căn nhà xây lợp ngói sẵn có. Tiếp đó là căn nhà xây lợp ngói (như vừa nói) dành cho các cha giáo và các thầy. Dãy ngang cũng là nhà hai tầng, tầng dưới là nhà ăn, tầng trên là nhà nguyện, phía cuối dãy là một số phòng dành cho các Cha của Nhà Chung. Ðầu tầng dưới là phòng Cha Trần Ngọc Thụ, thư ký Toà Giám Mục. Phía sau là dãy nhà nhỏ một tầng dùng làm chỗ ở cho các nữ tu Dòng mến Thánh Giá và các chị giúp việc nhà bếp. Bên phải là dãy nhà một tầng làm nhà nguyện. Cuối dãy này là căn nhà ngói nhỏ hai tầng, Ðức Cha ở tầng trên, tầng dưới là kho. Tiếp đó là căn nhà hai tầng ngắn dùng làm phòng họp. Vì là khu đất trũng và xây cất chưa xong nên khi mới về mỗi khi mưa, nước đọng đầy sân, đêm ngủ còn nghe cóc nhái kêu inh ỏi. Sau này sân được bồi đắp và hai con đường đổ đá dăm làm thành hình chữ thập, một đi thẳng từ cổng vào nhà ăn, một vắt ngang từ phòng ngủ qua nhà nguyện. Trên hai con đường này chúng tôi thường đi đi tản bộ sau bữa cơm chiều. Sau một thời gian cơ sở được hoàn chỉnh và chúng tôi yên tâm tu tập.
Trong thời gian đã xẩy ra 2 sự kiện đặc biệt:
Một: Vào một buổi sáng tinh sương, trong khi chúng tôi đang đọc kinh nguyện trên nhà nguyện thì một đoàn xe của Tổng thống Ngô Ðình Diệm bất thần đến để cùng dự lễ với chúng tôi. Sau lễ, ngài xuống lầu, dân chúng hay biết tụ tập rất đông để hoan hô Ngô Tổng thống. Sau một vài lời cám ơn Ngài ra về. Ðơn sơ chỉ có thế cho một vị tổng thống.
Hai: Khi Ðức Hồng Y Spellman thăm Việt Nam Cộng Hoà, Chủng viện tổ chức làm khán đài đón tiếp Đức Hồng Y, có dân chúng ở ngoài tham dự. Ðứng trên bục cao, ngài ban huấn từ và trong dịp này, 2 giám mục vừa được phong chức là Ðức Cha Nguyễn Văn Hiền, giám mục Saigon và Ðức Cha Nguyễn Văn Bình, giám mục Cần Thơ cũng được giới thiệu.
Qua diễn tiến của cuộc vượt thoát khỏi Phát Diệm, di tản ra Hải Phòng rồi di chuyển vào Nam, chúng tôi thấy Ðức Cha Lê Hữu Từ, với tầm nhìn xa, đã tiên liệu miền Bắc trước sau gì cũng sẽ do Việt minh Cộng sản kiểm soát, cho nên Ngài đã đưa Tiểu Chủng viện vào Nam. Đức Cha Lê đã ưu ái lo lắng cho Chủng viện trong mọi giai đoạn của cuộc di cư. Sau khi ổn định, Ngài vẫn ở trong một căn phòng nhỏ trong khuôn viên của Tiểu Chủng viện. Công ơn của Ngài đối với Giáo phận Phát Diệm nói chung và Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc nói riêng, hết sức lớn lao. Công ơn ấy có thể diễn tả bằng đoạn cuối của bài hát do Cha giáo Nguyễn Ngọc Bảo sáng tác và tập cho chúng tôi để, từ Phúc Nhạc xuống Phát Diệm, hát mừng Đức Cha nhân dịp năm mới tại tiền đường Toà Giám Mục: “... Ðức Cha Lê Hữu Từ muôn muôn thuở, Ðức Cha Lê Hữu Từ muôn muôn thuở, Phát Diệm! Phát Diệm! tường chăng hạnh phúc ngươi”
Ðồng hành với Chủng viện là Cha Bề trên Giuse Nguyễn Duy Phượng và toàn thể các vị ân sư là các cha giáo và các thầy mà chúng tôi không thể nêu tên từng vị ở đây. Riêng Cha Bề trên Phượng, một nhà tu đức, một người cha nhân từ đã đặc biệt ưu ái cho lớp chúng tôi. Khi vừa vào Trường Thử, Cha đã đặt tên lớp chúng tôi là Lớp Ba Vua. Khi Lớp Ba Vua lên Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc, thì ngài lên làm bề trên Chủng viện. Khi vào Nam, ngài cũng làm bề trên trong nhiều năm kế tiếp. Xin ghi ơn Cha Bề trên và các vị ân sư đã dày công đào tạo và dạy dỗ để chúng tôi được như ngày nay. Chúa gọi thì nhiều mà chọn thì ít. Trong lớp Ba Vua của chúng tôi, Chúa đã chọn 6 linh mục là các Cha Trần Văn Cảnh, Vũ Sĩ Hoằng, Trần Văn Phát, Ðỗ Đức Minh, Nguyễn Thế, Trần Minh Phú. Ngoài ra, trong số những chủng sinh địa phận Vinh gửi theo học cùng lớp có các linh mục như: Nguyễn Đình Thi, Ðặng Sĩ Bình...; Dòng Phước Sơn gửi có Lm. Nguyễn Văn Vinh. Thành phần Chúa không gọi lên chức linh mục, tất nhiên là nhiều hơn. Tuy nhiên, qua những nổi trôi của cuộc đời, dù trong hoàn cảnh nào, ở vị trí nào, chúng tôi vẫn luôn luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúng tôi tin có Chúa theo dõi, dẫn dắt, nâng đỡ từng bước và ban cho những ơn theo đấng bậc. Tin tưởng vào Chúa thì đời sống không phải là bể khổ mà là một hồng ân.
Hồng ân Thiên Chúa bao la,
Muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người.
J.B. Vũ Văn Long, cựu chủng sinh Phát Diệm, phó tỉnh trưởng tỉnh Hậu Nghĩa trước 30-4-1975
Dallas, 2019