ĐGH Phanxicô luôn nhấn mạnh rằng Giáo Hội mang tính chất truyền giáo nên văn kiện mới sẽ đặt vị trí đầu tiên nơi Bộ Loan báo Tin Mừng chứ không phải Bộ Giáo lý Đức tin. Theo dự thảo Tông Hiến Các con hãy loan báo Tin Mừng- Praedicate Evangelium về việc cải tổ giáo triều Roma của ĐGH Phanxicô, tất cả 15 bộ phận độc lập của giáo triều Roma sẽ được gọi là “Bộ” (Dicastery) có quyền pháp lý ngang nhau. Từ ngữ này đã từng được áp dụng cho một số cơ quan mới được ĐGH Phanxicô thành lập. Siêu Bộ Loan báo Tin Mừng (Super-Dicastery) bao gồm Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân tộc hoặc thường gọi là Bộ Truyền giáo và Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Tân Phúc Âm hóa, được ĐGH Bênêđictô XVI lập vào năm 2010. Bộ này sẽ có thêm phân Bộ phụ trách Hội đồng Giám mục thuộc các xứ truyền giáo không thuộc Bộ các Giáo hội Đông phương. Bộ Cổ vũ Phát triển Nhân bản Toàn diện được thiết lập để tháp nhập công việc độc đáo trước đó của các Hội đồng Toà thánh về Công lý và Hoà bình, Hội Đồng Tâm, và Chăm Sóc Mục Vụ Di Dân và Các Nhân Sự Y Tế, làm cho bộ trở nên nhất quán và hiệp nhất hơn. Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống. Hai cơ quan mới này sẽ dành nhiều vị trí trách nhiệm hơn cho các giáo dân. Bộ Kinh tế có quyền trên mọi hoạt động kinh tế của Tòa Thánh và quốc gia Vatican. Bộ Truyền thông gồm các văn phòng truyền thông. Hội đồng Văn hóa thuộc Bộ Giáo dục. Cơ quan bác ái của ĐGH sẽ trở thành Bộ Bác ái. Ngoài ra còn các Tòa án, Hội đồng Giáo Hoàng và các Phủ Giáo Hoàng có trách nhiệm riêng trực thuộc Đức Giáo Hoàng.
Tông Hiến Các con hãy loan báo Tin Mừng đặt giáo triều Roma phục vụ Đức Giáo Hoàng và Giám mục đoàn. Các Bộ sẽ không còn là một “cơ quan” ở giữa Đức Giáo Hoàng và Giám mục đoàn nhưng là một định chế phục vụ cả hai. Phủ Quốc vụ khanh Toà thánh, tương tự như Phủ Thủ tướng gồm 3 Phân bộ: Phân Bộ Tổng vụ, giám sát các công việc chung của Giáo triều Rôma; Phân Bộ Ngoại giao, chịu trách nhiệm về hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh; Phân Bộ Nhân viên, có nhiệm vụ giám sát các nhân viên ngoại giao của Tòa Thánh trên toàn thế giới. Toà thánh hiện có 183 Toà Sứ thần và Toà Khâm sứ Toà thánh trên toàn thế giới, cùng với các vị Đại diện Toà thánh tại 10 quốc gia và 25 tổ chức quốc tế.
Theo ĐGH Phanxicô, những thay đổi về giáo triều Roma là cần thiết để phục vụ nhân loại tốt hơn. Theo dự thảo Tông Hiến mới, chỉ có Phủ quốc vụ khanh và Hội đồng mới về kinh tế của Tòa Thánh là do một vị Hồng Y đứng đầu, còn các Bộ và cơ quan khác, vị đứng đầu không nhất thiết phải là Hồng Y. ĐTC Phanxicô nhấn mạnh nguyên tắc chủ yếu là tinh thần cải tổ trong việc cải tổ giáo triều Roma, đó là ”cải tổ giáo triều không phải chỉ là thay đổi nhân sự, - chắc chắn là điều này đang và được tiến hành - nhưng nhất là cải tổ bằng sự hoán cải nơi nhân sự. Theo ĐTC, không phải chỉ thực hiện việc thường huấn, nhưng nhất là phải có sự hoán cải và thanh tẩy liên tục. Nếu không có sự thay đổi não trạng, thì những cố gắng về phương diện chức năng sẽ vô ích”.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP