Năm 2019 được đánh dấu là một năm bách hại kinh hoàng nhắm vào các tín hữu Kitô. Nổi cộm nhất là cuộc tấn công khủng bố tàn bạo vào Chúa Nhật Phục sinh tại Sri Lanka với gần 260 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương. Nhưng đó không phải là biến cố duy nhất. Bất kể bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã bị đánh bại tại Iraq và Syria, và tên trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi đã bị giết chết, tình hình đang xấu đi đến mức trên toàn cõi Iraq và nhiều vùng khác tại Trung Đông, không nhà thờ nào dám cử hành thánh lễ nửa đêm.

Những lo âu về tình cảnh bị bách hại của các tín hữu Kitô trên thế giới đã được phản ảnh trong thông điệp Giáng Sinh của Thái Tử Charles và Tân Thủ Tướng Anh Boris Johnson.

Mở đầu thông điệp, Thái Tử nói:

Khi các Kitô hữu trên khắp thế giới chuẩn bị cử mừng biến cố Chúa Giêsu xuống thế làm người, thật quan trọng là chúng ta nhớ đến tất cả những người bị bách hại vì đức tin Kitô.

Gần đây, tôi có vinh dự lớn là được gặp một linh mục đã chăm sóc mục vụ cho các tín hữu Sri Lanka, là những người đã gánh chịu những thương vong thật kinh hoàng trong các vụ tấn công dã man diễn ra trong năm nay, tại các nhà thờ vào ngày lễ Phục sinh. Với gần 260 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương trong cuộc tấn công khủng bố tàn bạo, ngày Chúa Nhật 21 Tháng Tư nổi lên là ngày tồi tệ nhất trong các vụ tấn công bạo lực nhắm vào các Kitô hữu trong thời hiện đại. Nhưng thật bi thảm, đó không phải là một trường hợp duy nhất.

Gần đây, tôi cũng đã gặp một nữ tu, là người đã nói với tôi, rất cảm động, về tình hình ở Syria, nơi mà, với lòng dũng cảm bao la và trong những điều kiện gần như không thể được, sơ ấy đã cung cấp những hỗ trợ quan trọng cho các Kitô hữu và những người khác để họ có thể thoát khỏi bạo lực và cái chết.

Một báo cáo của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ vào tháng 10 vừa qua cho thấy rằng chỉ trong vòng một thập kỷ vừa qua đã có tới hai phần ba các Kitô hữu phải bỏ trốn khỏi Syria. Tại Iraq, cộng đoàn Kitô hữu đã bị thu hẹp đến chín mươi phần trăm trong vòng một thế hệ.

Khi chúng ta nhớ lại cảnh Hài Nhi Giêsu chạy trốn cùng cha mẹ đến Ai Cập, chúng ta hãy nhớ đến cơ man những người đã phải chịu đựng những bách hại khủng khiếp hay bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của mình. Và chúng ta hãy tăng cường quyết tâm ngăn chặn tình trạng các Kitô hữu đang biến mất dần khỏi các vùng đất của Kinh Thánh.

Người nữ tu Syria mà tôi gặp đã tặng cho tôi một món quà, đó là một bức tượng mô tả đầu của Chúa Kitô chịu đóng đinh, được làm từ gỗ cháy thành than được lấy từ một nhà thờ bị bom nổ tung ở Aleppo.

Khi chúng ta đánh dấu mùa linh thiêng nhất trong niên lịch Kitô với các cử mừng, tôi xin bảo đảm với những ai đang phải vác thập giá khổ đau ngày hôm nay, rằng anh chị em luôn hiện diện một cách đặc biệt trong tâm trí tôi và những lời cầu nguyện chân thành của tôi. Và với các Kitô hữu ở khắp mọi nơi, tôi xin được kính chúc anh chị em một Mùa Giáng sinh an bình, và thánh thiện.

Sau thông điệp của Thái Tử Charles, Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đưa ra một thông điệp khác trong đó ông thề sẽ làm hết khả năng để “bảo vệ quyền thực hành đức tin” của các tín hữu Kitô trên thế giới.

Thủ tướng Boris đã mở đầu thông điệp của mình bằng cách ghi nhận rằng ngày Giáng sinh “trước hết và trên hết, là lễ kỷ niệm ngày sinh của Chúa Giêsu.”

“Đó là một ngày quan trọng vô cùng đối với hàng tỷ Kitô hữu trên toàn thế giới”

Tuy nhiên, thủ tướng nhấn mạnh rằng:

“Ngày hôm nay hơn mọi ngày khác, tôi muốn chúng ta nhớ đến những Kitô hữu trên khắp thế giới đang phải đối mặt với bách hại.”

“Đối với họ, ngày Giáng sinh sẽ được kỷ niệm một cách riêng tư, bí mật, có lẽ ngay cả trong một xà lim nhà tù. Trong tư cách là Thủ tướng, đó là một điều tôi muốn thay đổi.”

“Chúng ta ủng hộ các Kitô hữu ở khắp mọi nơi, trong tình liên đới, và sẽ bảo vệ quyền của anh chị em được thực hành đức tin của mình.”

Đó là những lời thật đáng khích lệ.


Source:ACN News