Giải đáp phụng vụ: Lựa chọn bài đọc cho lễ Giáng sinh.

Nói thêm về lễ trọng Đức Mẹ Mùa Vọng.

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con thường tự hỏi Hội Thánh cho phép sự tự do như thế nào về việc lựa chọn bài đọc cho lễ Giáng Sinh. Trong Sách bài đọc năm 1970 được sử dụng ở Úc, có một dấu hiệu rõ ràng về mức độ linh hoạt. Sách nói: “Các bài đọc này sẽ được sử dụng trong Thánh lễ tối ngày 24-12, hoặc trước hoặc sau Giờ Kinh Chiều I của lễ Giáng sinh. Các bài đọc này cũng có thể được sử dụng cho các Thánh lễ vào ngày lễ Giáng sinh, với sự lựa chọn các bài đọc từ một trong ba Thánh lễ Giáng sinh, tùy theo nhu cầu mục vụ của mỗi cộng đoàn.” Liệu có đúng chăng, khi nói rằng các bài đọc của lễ Vọng Giáng Sinh không thể được dùng trong các thánh lễ Giáng Sinh khác? Dường như có một số lợi thế tiềm năng cho một người giảng thuyết, trong việc sử dụng chỉ một bộ bài đọc. Việc sử dụng chỉ một bộ mỗi năm, theo thời gian, cũng cho phép khả năng nghe hiểu của các người chỉ tham dự một trong các Thánh lễ Giáng sinh vào cùng một thời điểm mỗi năm (dường như hầu hết mọi người), hơn là nhiều hơn một bộ bài đọc cho lễ Giáng sinh. Một câu hỏi khác liên quan đến việc cử hành Thánh lễ ở Úc. Năm 2020, một trong các lễ kỷ niệm quốc gia của chúng con, Ngày Quốc Khánh Úc rơi vào Chúa Nhật 26-1. Giáo lịch (Ordo) Úc dường như chỉ ra rằng có thể sử dụng Thánh lễ Chúa Nhật hoặc Thánh lễ Quốc Khánh Úc, với các bài đọc của lễ riêng. Điều này có vẻ hơi kỳ lạ đối với con, nhưng con không thể tìm thấy bất kỳ dấu hiệu xếp hạng nào cho ngày Quốc khánh như vậy trong Bảng ưu tiên các ngày phụng vụ. Theo cha, cha gợi ý như thế nào? - J. D., Wagga Wagga, Úc.

Đáp: Về câu hỏi đầu tiên, chúng ta có thể xem các nguyên tắc được nêu trong phần giới thiệu về Sách bài đọc:

“3. Các nguyên tắc cần tuân thủ trong việc sử dụng thứ tự các bài đọc

“a) Tự do lựa chọn một số bản văn

“78. Thứ tự các bài đọc đôi khi để cho vị chủ tế lựa chọn giữa các bản văn thay thế, hoặc chọn một trong số các bản văn được liệt kê cùng nhau cho cùng một bài đọc. Sự tùy chọn hiếm khi tồn tại vào ngày Chúa Nhật, lễ trọng, hoặc lễ kính, để không làm lu mờ đặc tính phù hợp với mùa phụng vụ cụ thể, hoặc không cần thiết làm gián đoạn việc đọc bán liên tục của một sách Kinh thánh nào đó. Mặt khác, sự tùy chọn này được đưa ra dễ dàng trong các lễ các Thánh, trong lễ nghi thức, Thánh lễ cho các nhu cầu và các dịp khác nhau, Thánh lễ ngoại lịch và Thánh lễ cầu hồn.

“Các túy chọn này, cùng với các tùy chọn được nêu ra trong Quy Chế Tổng Quát Sách lễ Rôma (GIRM) và Ordo cantus Missae, có một mục đích mục vụ. Khi sắp xếp phụng vụ Lời Chúa, linh mục nên ‘xem xét lợi ích tinh thần chung của cộng đoàn hơn là quan điểm cá nhân của mình. Ngài nên lưu ý rằng việc lựa chọn các bản văn phải được thực hiện hài hòa với các thừa tác viên và các vị khác có vai trò trong buổi lễ, và nên lắng nghe ý kiến của các tín hữu, trong những gì liên quan trực tiếp đến họ.’”

Khi đề cập đến các bài đọc cho lễ Giáng sinh, phần giới thiệu là khá ngắn gọn:

“95. Đối với lễ Vọng và ba Lễ Giáng Sinh, cà các bài đọc ngôn sứ và các bài khác đã được chọn từ truyền thống Rôma.”

Tuy nhiên, Sách bài đọc cũng có chữ đỏ trên trang cho ngày lễ Giáng Sinh, vốn phù hợp với các nguyên tắc mục vụ của Phần giới thiệu, chỉ ra rằng các bài đọc của một Thánh lễ Giáng sinh có thể được sử dụng cho các thánh lễ khác, miễn là thứ tự thích hợp (Cựu Ước, Thánh vịnh, Tân Ước, Tin Mừng) luôn được giữ lại.

Do đó, có một sự mở rộng nhất định liên quan, đặc biệt là khi đại đa số giáo dân chỉ tham dự một Thánh lễ Giáng sinh. Việc sử dụng sự tự do như vậy có thể gây ra một sự nhầm lẫn nhỏ trong các giáo xứ, vốn thường xuyên sử dụng các tờ Thánh lễ hoặc sách nhỏ có chứa tất cả các bài đọc. Trong các trường hợp như vậy, việc sử dụng các bản văn khác nhau nên được lên kế hoạch trước để có được lợi ích mục vụ thực sự.

Liên quan đến Ngày Quốc Khánh Úc (26-1) và các dịp tương tự khác như Lễ Tạ ơn hoặc Quốc khánh 4-7 tại Hoa Kỳ, Hội nghị Giám mục có thể đệ trình một mẫu Thánh lễ cụ thể cho ngày đó, để được Tòa Thánh phê chuẩn. Tuy nhiên, các lễ kỷ niệm như vậy không có được bất kỳ vị trí hoặc thứ hạng ưu tiên nào trong lịch phụng vụ, và sẽ tuân theo các quy tắc tương tự như của một Thánh lễ ngoại lịch.

Thí dụ: trong lịch chính thức của Hoa Kỳ, chúng ta thấy về Ngày quốc khánh:

“Ngày 4-7, Thứ năm, ngày trong tuần; Áo xanh/ trắng [Hoa Kỳ: Ngày Quốc Khánh] Gn 22: 1b-19 / Mt 9: 1-8 (380) hoặc, cho Ngày Quốc Khánh, bất kỳ bài đọc nào từ Sách bài đọc cho Thánh lễ (tập IV), Thánh lễ ‘Cầu cho Quốc gia hoặc Thành phố,’ các số 882-886, hoặc ’Cầu cho Hòa bình và Công lý,’ các số 887-891.”

Lưu ý rằng không có dấu hiệu của thứ hạng ưu tiên liên quan đến lễ này. Lần cuối cùng lễ này trùng váo ngày Chúa Nhật là năm 2010, và lịch phụng vụ cho năm đó không đề cập đến Ngày Quốc khánh. Do đó, tôi có thể cho rằng các lễ này thường không thay thế Thánh lễ Chúa Nhật của mùa Thường niên, mặc dù một Giám mục hoặc Hội đồng Giám mục có thể cấp phép đặc biệt để làm như vậy.

Tôi đã không thể tìm thấy dấu hiệu liên quan đến việc thay thế các bài đọc vào Chúa Nhật III của Mùa Thường niên, trong lịch phụng vụ trực tuyến năm 2020 cho nước Úc.

Dường như không có sự thực hành thống nhất, và một số giáo phận đã tuyên bố rằng họ sẽ cử hành Thánh lễ vào ngày thứ Hai 27-1, trùng với ngày lễ nghỉ. Một giáo phận đã công bố Thánh lễ Ngày Quốc khánh đặc biệt của Úc vào Chúa Nhật trong nhà thờ chính tòa, nhưng lễ cũng được tổ chức bởi các nhóm đặc biệt mà ngày này có ý nghĩa đặc biệt với họ.

Ý kiến cá nhân của tôi sẽ là rằng lễ ngày Chúa Nhật nên nói tới ngày Quốc khánh, cầu cho quốc thái dân an, trong Lời nguyện các Tin hữu và bài giảng.

Sau khi tôi trả lời về lễ Đức Mẹ Vô hiễm trùng với lễ Chúa Nhật năm 2019, một bạn đọc đã đưa ra một số nhận xét thích đáng.

Về việc chuyển nghĩa vụ tham dự thánh lễ, bạn này nói: “Ít nhất là ở Hoa Kỳ, chúng con đã được khuyên từ nhiều năm qua rằng nếu lễ Đức Mẹ Vô nhiễm được chuyển sang ngày 9-12, nghĩa vụ KHÔNG được chuyển qua.”

Điều trên là đúng vì Giáo luật Hoa Kỳ cho biết các điều sau đây liên quan đến các ngày lễ đối với Hội Thánh hoàn vũ:

“Điều 1246. §1. Ngày Chúa Nhật, tức ngày cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, do truyền thống từ các thánh tông đồ, phải được giữ trong toàn thể Hội Thánh như ngày lễ trọng nguyên khởi bắt buộc. Ngoài ra, còn phải giữ các ngày lễ Sinh Nhật Chúa Giêsu, lễ Hiển Linh, lễ Chúa Lên Trời, lễ Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Giêsu, lễ Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa, lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm, lễ Ðức Mẹ Lên Trời, lễ Thánh Giuse, lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ, lễ Các Thánh.

§2. Tuy nhiên, với sự phê chuẩn của Tòa Thánh, Hội Ðồng Giám Mục có thể bỏ bớt vài ngày lễ buộc hay chuyển dời qua ngày Chúa Nhật.” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh.)

Một số bài bình luận về Bộ Giáo luật về các ngày lễ buộc đồng ý rằng nghĩa vụ này không được chuyển qua. Tuy nhiên, như có thể thấy ở trên đây, các Hội đồng Giám mục đã có sự rộng rãi trong việc lựa chọn miễn các lễ buộc, vốn trùng ngày lao động hoặc đã được chuyển qua, và thậm chí giảm tổng số ngày lễ buộc nữa.

Các Giám mục Hoa Kỳ thường miễn kiêng việc xác trong các ngày làm việc, và cũng miễn việc buộc tham dự Thánh lễ trong hầu hết các trường hợp, khi lễ rơi vào Thứ Bảy hoặc Thứ Hai. Một số ngày lễ cũng đã được dời qua ngày Chúa Nhật.

Các Hội đồng Giám mục khác đã đưa ra các lựa chọn khác phù hợp với thực tế mục vụ của họ. Thật vậy, dường như chỉ có Thành phố Vatican và khu vực Ticino của Thụy Sĩ vẫn giữ lại tất cả các ngày thánh, được đề cập trong Điều luật 1246 vào các ngày riêng của họ.

Bạn đọc này cũng nhận xét: “Về một ngoại lệ vĩnh viễn để mừng lễ Đức Mẹ Vô nhiễm vào Chúa Nhật, nó dường như đã được ban cho Argentina và Peru, và có lẽ một số quốc gia khác.”

Tôi đã không biết điều này, và đó là sự thật. Vì đây chủ yếu là một sự nhượng bộ mục vụ, nên có một số điều kiện trong việc áp dụng ngoại lệ này:

- Nó chỉ áp dụng cho các Thánh lễ có các tín hữu. Các linh mục cử hành hoặc đồng tế, mà không có sự hiện diện của tín hữu, phải tuân theo lịch phổ quát.

- Để không làm mất ý nghĩa của Mùa Vọng, bài đọc thứ hai phải là bài đọc của Chúa Nhật Mùa Vọng.

- Bài giảng cần nhắc đến Mùa Vọng.

- Trong Lời nguyện các tín hữu, ít nhất một lời cầu có ý nghĩa về Mùa Vọng, và lời nguyện phải kết thúc với lời Tổng nguyện của Chúa Nhật II Mùa Vọng của chu kỳ tương ứng (năm A, B, C).

- Sự nhượng bộ chỉ liên quan đến Thánh lễ có các tín hữu, và do đó không áp dụng cho phần Các Giờ Kinh Phụng vụ. (Zenit.org 31-12-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/choice-of-readings-for-christmas/