LỄ THÁNH GIA

(Mt. 2:13-15. 19-23)

Chúa Giêsu đã sinh sống trong bầu khí gia đình thương yêu. Gia đình có cha, có mẹ và con cái. Gia đình thánh gia là gia đình thánh. Gia đình thánh, không phải trong đó có ba đấng thánh sống chung với nhau, nhưng vì mọi người trong gia đình biết sống thánh thiện.

Tại Nazarét xưa, gia đình thánh gia cũng gặp muôn vàn rắc rối. Ngay từ khi Giuse và Đức Maria chưa về chung sống với nhau đã có nhiều vấn đề không thông. Rồi khi chung sống trong mái nhà nghèo nàn, các ngài cũng phải làm lụng vất vả kiếm sống. Các ngài nghèo quá không đủ tiền mướn nhà trọ. Đức Maria đành sinh Chúa nơi máng cỏ bò lừa. Chưa yên, đêm tối lại được thiên thần báo tin phải đem Hài Nhi trốn qua Ai-Cập. Nơi đất khách quê người, các ngài đã tự lo liệu và lao động để nuôi thân.

Giữa những thăng trầm của cuộc sống. Các ngài luôn kiên nhẫn và âm thầm học biết thánh ý Thiên Chúa. Còn Chúa Giêsu cứ lớn lên cách bình thường như mọi người. Mầu nhiệm nhập thể vẫn còn dấu ẩn. Chúa không muốn tỏ lộ vai trò hay chức năng gì khác thường. Bởi thế, niềm tin của thánh Giuse và Đức Mẹ vào con của mình cứ tiếp tục bị thử thách trong đức tin. Trong cuộc sống gia đình, mỗi thành viên đều chu toàn nhiệm vụ và vai trò của mình.

Ngày nọ, khi nói truyện cùng qúy ông, một linh mục nói rằng các ông cần nêu gương thánh Giuse, vì ngài là một người công chính. Một vài ông góp ý nói rằng gia đình thánh gia thì khác rồi cha ơi. Gia đình đó có Giuse là đấng thánh, Đức Maria tinh tuyền, còn Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Sao mà các Ngài không thánh được chứ!. Còn chúng con đây, gia đình có đủ mọi thứ, con thì chẳng thánh, con cái hư đốn và vợ cũng quá đáng. Linh mục tiếp lời nói rằng: Trong gia thất, Giuse là con người, Đức Maria cũng là con người, các ngài sống chung với Con Thiên Chúa, tránh sao khỏi những lúc hiểu lầm. Nhưng điều quan trọng là các ngài là những người biết tự trọng và tôn trọng người khác. Các ngài biết sống trong tình yêu và biết cho đi.

Trong khi gia đình của chúng ta đang sống trong xã hội văn minh có đầy đủ tiện nghi và có đời sống riêng tư cao độ. Xã hội quá đề cao tự do cá nhân, quên đi sự liên đới trong gia đình.Tình yêu là cốt lõi của gia đình bị coi thường và quên lãng. Chúng ta ít có thời giờ cho nhau và sống với nhau. Đôi khi thay vì là mái ấm gia đình, nó lại trở thành mái lo.

Thật vậy, gia đình chính là tổ ấm của tình yêu. Chúng ta quan sát thấy rằng một cụ già trong viện dưỡng lão, cho dù ăn no mặc ấm, vẫn cảm thấy băng giá tâm hồn. Sống có đầy đủ mọi sự, nhưng thiếu tình thương vẫn là sống khổ. Chính tình yêu sưởi ấm và làm nên hạnh phúc gia đình. Nguyện xin Chúa chúc lành cho cuộc sống gia đình chúng ta luôn tìm thấy niềm vui và nguồn hạnh phúc như trong gia đình của Chúa Giêsu, mẹ Maria và thánh cả Giuse.

NGÀY 30 THÁNH 12

Luca 2: 36-40

Bà tiên tri Anna đã cao tuổi phục vụ trong đền thờ. Bà cũng đến gặp trẻ Hài Nhi và dâng lời chúc tụng Thiên Chúa. Bà hiến dâng đời mình nơi nhà Chúa, ngày đêm ăn chay cầu nguyện chờ mong Đấng Cứu Thế đến giải thoát dân.

Bà Anna hiểu được sự mòn mỏi trông đợi của Israel. Bà là một trong số những người còn lại của dân tộc trung tín với lời Giao Ước. Những người nồng cốt trong dân thánh đã ngày đêm tha thiết nguyện cầu và mong ơn cứu độ giải thoát. Họ là những người lưu truyền niềm tin và giữ vững truyền thống cha ông một cách trân trọng. Họ không màng danh lợi và không tìm chỗ đứng nơi xã hội.

Cũng như ông Simêon, bà Anna thấu hiểu chương trình cứu độ đã được sắm sẵn trước mặt muôn dân. Đấng Cứu Thế mà thiên hạ đợi trông đã xuất hiện. Các ngài vui mừng vì đã được nhìn thấy ơn cứu độ. Họ mới chính là những người đại diện cho dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn. Còn các nhà lãnh đạo tôn giáo bị ảnh hưởng nhiều bởi xã hội. Họ không còn tinh tuyền trong truyền thống tư tế của dòng Aaron. Các tư tế, luật sĩ và biệt phái đã bị nhiễm mùi tục lụy. Họ lãnh đạo dân không phải từ tâm mà chỉ là những biểu lộ hình thức bên ngoài. Họ đã dần mất đi căn tính của việc sống đạo. Chúa Giêsu phải đến để dẫn đưa mọi người về chính lộ và tìm lại cõi tâm đã bị lu mờ.

NGÀY 31 THÁNG 12

Gioan 1: 1-18

Lúc khởi nguyên đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời vẫn ở cùng Thiên Chúa. Trong sách phúc âm, thánh Gioan đã diễn tả một ý niệm thần học về Ngôi Lời Thiên Chúa. Ngôi Lời chính là Lời của Thiên Chúa. Thiên Chúa dùng Lời của Ngài để tạo dựng vũ trụ và muôn loài. Ngôi Lời đã có từ đời đời.

Những tư tưởng trong bài Phúc âm là một lời mặc khải từ Thiên Chúa. Con người nhận biết được Thiên Chúa qua Con của Ngài, chính là Ngôi Lời. Ngôi Lời đã nhập thể và ở giữa chúng ta. Ngài là sự sống và là sự sáng đã đến trong thế gian. Thế gian nhờ Ngài mà được tạo thành. Ngài đến trong thế gian nhưng thế gian đã không nhận biết và đón tiếp Ngài.

Ngôi Lời Thiên Chúa giáng sinh làm người là Đức Giêsu Kitô. Đức Kitô là trung tâm điểm của vũ trụ. Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là Đức Kitô. Đức Kitô luôn hiện hữu trong hiện tại, từ đời đời cho đến đời đời không thay đổi. Ngài đã đến thăm các gia nhân của Ngài nhưng các gia nhân không đón nhận Ngài. Họ đã hành khổ và kết án tử hình Ngài nhưng Ngài vẫn sống và sống đời đời.

Lạy Chúa, chúng con không thể thấu hiểu tình yêu của Chúa dành cho chúng con. Chúng con chỉ biết cúi đầu thờ lạy, cảm tạ và chúc tụng Chúa đến muôn đời.

NGÀY 1 THÁNG 1

Luca 2: 16-21

Ngày đầu năm Dương Lịch, ngày dành riêng để Trọng Kính Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa. Thiên Chúa đã yêu thương mời gọi Đức Maria cộng tác vào công trình cứu độ. Maria đã đáp lời Xin Vâng. Qua hiệu qủa công trình cứu độ của Chúa Giêsu, Đức Maria được Thiên Chúa gìn giữ vẹn toàn và thánh thiện.

Từ khi thụ thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đức Maria đã sống phó thác hoàn toàn trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Mỗi ngày Maria sống trong ân sủng vì có Chúa ở cùng. Maria đã trải qua bao gian khó dưới con mắt của người đời. Đức Maria sinh con nơi máng cỏ, có các mục đồng đến viếng thăm trong đêm giá lạnh. Maria chỉ biết dâng lời tạ ơn và suy gẫm trong lòng tất cả những sự kiện đã xảy ra.

Đức Maria không khoe khoang ơn phúc lạ và không than van kêu trách số phận. Maria âm thầm đón nhận ý nhiệm mầu của Thiên Chúa với niềm tin tuyệt đối. Đức Maria xứng đáng với danh hiệu là Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ của Giáo Hội và là Mẹ của chúng sinh.

Chúng ta cùng Mẹ dâng lời chúc tụng ngợi khen lòng Chúa bao dung. Xin Mẹ dẫn dắt chúng con đến gần Chúa để chúng con cùng chia xẻ niềm vui ơn Chúa Cứu Độ.

NGÀY 2 THÁNG 1

Gioan 1: 19-28

Gioan Tẩy Giả nói rằng: Tôi là tiếng kêu trong Sa mạc: Hãy sửa cho ngay con đường Chúa đi. Ngay từ những ngày đầu tiên ra rao giảng sám hối, Gioan đã xác định sứ mệnh của mình. Ngài sẽ là người dọn đường cho Chúa.

Khi thấy Gioan ra rao giảng, nhiều người rất kính trọng Gioan và lắng nghe lời ông. Nhưng các vị lãnh đạo tôn giáo muốn biết Gioan là ai. Họ đã sai người đi dò hỏi. Gioan đã tuyên xưng: Tôi không phải là Đấng Kitô và tôi cũng không phải là đấng tiên tri. Tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Gioan Tẩy Giả hiểu rõ những gì ông cần thực hiện trong sứ vụ của mình.

Toàn dân đã mòn mỏi đợi trông Đấng Cứu Thế, cho nên khi Gioan xuất hiện họ rất vui mừng. Họ phấn khởi xếp hàng lãnh nhận phép rửa sám hối của Gioan. Họ chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa Cứu Thế. Nhưng khi Chúa Cứu Thế xuất hiện thì họ lại dửng dưng không tiếp đón Ngài. Trong tâm tư của họ Đấng Cứu Thế phải đến trong oai hùng, giải phóng cho dân tộc khỏi ách nô lệ của người Rôma.

Dân chúng không thể nghĩ rằng Đấng Cứu Thế là một người lang thang không nhà không cửa, không có binh hùng tướng mạnh mà chỉ có mấy người chài lưới thất học đi theo Ngài. Thế nên, họ đã không nhận biết và đã khước từ Ngài.

NGÀY 3 THÁNG 1

Gioan 1: 29-34

Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu cho dân chúng: Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Có lẽ thánh Gioan cũng không xa lạ gì với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu và Gioan có họ hàng với nhau. Các Ngài cũng đã có thời gian tuổi trẻ song hành với nhau trong cùng một miền. Gioan lớn hơn Chúa Giêsu 6 tháng tuổi.

Gioan có sứ mệnh dọn đường cho Chúa. Gioan xuất hiện rao giảng trước Chúa Giêsu một khoảng thời gian ngắn. Ông đã kêu gọi mọi người hãy ăn năn sám hối vì ơn cứu độ đã gần đến. Trong khi ông còn đang làm phép rửa, Chúa Giêsu đã xuất hiện nhập hàng với dân chúng xin nhận phép rửa. Gioan đã nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa và là Đấng cao trọng. Chính Gioan cũng không xứng đáng cúi xuống cởi dây giầy cho Ngài.

Chính Thiên Chúa, Đấng đã sai Gioan làm phép rửa trong nước đã mặc khải cho Gioan biết Chúa Giêsu sẽ là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Gioan đã chứng kiến Thánh Thần ngự xuống và ở lại trên Chúa Giêsu. Ông đã tuyên xưng rằng: Người này là Con Thiên Chúa.

Thánh Gioan đã chấp nhận vai trò chuẩn bị của mình. Ông rất can đảm, chính trực và khiêm tốn. Ông đã đóng vai tiền hô rất hiệu qủa. Từng bước Gioan đã chuẩn bị tâm hồn cho dân chúng và dẫn nhiều người đến với Chúa.

NGÀY 4 THÁNG 1Suy

Gioan 1: 35-42

Thánh Gioan đã không ngại giới thiệu Chúa Giêsu cho các môn đệ của ông. Gioan muốn các môn đệ của mình nhận biết Chúa Giêsu mới chính là Đấng Cứu Thế và là Chiên Thiên Chúa. Gioan không sợ mất uy tín hay sợ môn đệ từ bỏ đi theo Chúa Giêsu.

Khi nghe thầy mình giới thiệu: Đây là Chiên Thiên Chúa, hai môn đệ bỏ thầy đi theo Chúa. Chúa Giêsu quay lại hỏi: Các anh tìm gì? Họ thưa: Thưa Thầy, Thầy ở đâu? Chúa đáp: Hãy đến mà xem. Hai môn đệ đã đến và ở lại với Chúa ngày đó. Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu không có trụ sở hay dinh thự chi cả. Chúa đã nói rằng: Chim có tổ, chồn có hang, Con Người không có chỗ gối đầu.

Chúa Giêsu không đóng trụ một nơi nhưng Ngài đi rảo quanh tìm chiên lạc nhà Israel. Ngài thân hành đến với họ mọi nơi mọi chỗ. Ngài rao giảng và gặp gỡ dân chúng khi thì bên sườn núi, lúc bên bờ giếng, khi thì bên bãi biển và có khi ở giữa cánh đồng. Đúng là Ngài đến và cư ngụ giữa chúng ta.

Sau khi đến gặp Chúa Giêsu, Anrê môn đệ của thánh Gioan, về sau đã trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Anrê đã giới thiệu Chúa cho Simon Phêrô và dẫn em đến với Chúa. Chúng ta cũng cần giới thiệu bạn bè, đồng nghiệp và những người thân đến với Chúa.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York