Trong diễn văn khai mạc, ông Mahathir phát biểu rằng Hồi giáo, nói chung cả về tôn giáo lẫn đất nước, "đang ở trong một tình trạng khủng hoảng". Vấn đề chính là vì các cuộc thánh chiến, chính quyền áp bức và chủ nghĩa thực dân mới.
Mặc dù số đại biểu là đông, 450 người từ 56 quốc gia bao gồm nhiều nhà lãnh đạo chính phủ, chuyên gia, trí thức, chính trị gia và đại diện các khu vực tư nhân, nhưng sự vắng mặt cuả nhiều quốc gia đông dân nhất cho thấy thế giới Hồi giáo đang thực sự ở trong một tình trạng khủng hoảng trầm trọng, không chỉ vì các lý do mà ông Mahathir vừa nêu trên, mà còn vì nạn chia rẽ.
Ả Rập Saudi tránh né sự kiện này, coi hội nghị là mối đe dọa với Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), một cơ quan gồm 57 thành viên, vẫn coi mình là tiếng nói chung của thế giới Hồi giáo và trong đó vương quốc đóng một vai trò chi phối.
Ả Rập Saudi cũng đặc biệt chống đối sự hiện diện của các đối thủ Trung Đông, như Iran, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ. Và hơn nữa các nhà lãnh đạo cuả các nước này như Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Tiểu vương Qatari Tamim bin Hamad al-Thani và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan còn được phát biểu tại hội nghị vào ngày đầu tiên.
Mặc dù được mời, các quốc vương Ả Rập Xê Út Salman bin Abdulaziz Al Saud, thủ tướng Pakistan Imran Khan và tổng thống nước đông dân nhất Indonesia Joko "Jokowi" Widodo đã không tham dự.
Là chủ tịch của hội nghị thượng đỉnh, Mahathir phát biểu rằng "Chúng ta đang thấy các quốc gia Hồi giáo bị phá hủy khắp nơi, công dân Hồi bị buộc phải chạy trốn khỏi đất nước cuả mình, bị buộc phải tìm nơi ẩn náu ở các quốc gia không theo Hồi giáo”.
Lý do là vì nhiều quốc gia Hồi giáo tiếp tục phải đối mặt với những cuộc "chiến tranh huynh đệ, nội chiến, chính phủ thất bại và nhiều thảm họa khác" trong khi đó thì đã không có một nỗ lực nghiêm túc nào được phát động để chấm dứt hoặc giảm thiểu các tai họa hoặc cải tạo lại nền đạo lý cuả đạo Hồi".
“Hậu quả là, hôm nay chúng ta đã đánh mất sự tôn trọng của thế giới. Chúng ta không còn là nguồn tri thức của con người cũng không phải là mô hình của nền văn minh nhân loại ".
Đối với Mahathir, cái ám ảnh lo sợ Hồi giáo (Islamophobia) đang lan rộng, một phần đã xuất phát từ những người muốn cảm tử vì đạo. Cuối cùng, những hành động khủng bố của họ chỉ làm xấu đi cái nhận thức toàn cầu về Hồi giáo.
“Chúng ta có thể nhân danh thánh chiến (Jihah,) nhưng kết quả chỉ đem lại sự chống đối người Hồi giáo ở khắp mọi nơi. Hậu quả là chúng ta đang bị trục xuất khỏi các quốc gia của mình, lại bị các nước tị nạn từ chối, bị áp bức và lên án khắp nơi. Chúng ta đã gây ra nỗi lo sợ Hồi giáo đến mức việc chống đạo Hồi tự đấy phải nẩy sinh ra.”