Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Nhận định nào cần có liên quan đến các thay đổi thất thường trong các văn bản phụng vụ, chẳng hạn, “được nhìn thấy, seen” đổi thành “hữu hình, visible” trong Kinh Tin Kính? Một sai lầm kỳ lạ khác: dùng từ ngữ dewfall (sự sương rơi) thay cho ‘falling dew’ (sương rơi) để chỉ việc trình thuật hơn là sự kiện của lịch sử cứu độ. Phụng vụ Mari không bao gồm các lời truyền phép, nhưng nói đến trình thuật Chúa thiết lập phép Thánh Thể. Nói cách khác, sự cứu độ là lịch sử tiếp diễn hướng đến Nước Chúa, mà trong đó chúng ta được đưa vào, vì Chúa Thánh Thần tiếp tục là như ‘falling dew’ (sương rơi), chứ không phải là một sự kiện đã xong, đã kết thúc. Như bánh được thánh hiến thì chúng ta được thánh hiến để trở thành sự hiện diện của Chúa Kitô trong thế giới của chúng ta, bây giờ và cho tương lai. “…Chúa Kitô lại đến.” - J. K., Crown Point, Indiana, Hoa Kỳ.


Đáp: Mặc dù chắc chắn có chỗ cho các cuộc tranh luận hợp pháp liên quan đến sự thích hợp hoặc không thích hợp của các bản dịch phụng vụ, và tôi có lẽ sẽ ngụy biện với một số tùy chọn được đưa ra trong bản dịch hiện tại, tôi sẽ chùn bước khi gọi chúng là ‘thất thường’.

Bản dịch hiện tại là kết quả của các hướng dẫn chi tiết từ Tòa Thánh về việc dịch từ bản tiếng Latinh, qua nhiều năm làm việc của một nhóm các học giả chuyên gia, được xem xét chi tiết bởi Ủy ban Vox Clara được Tòa thánh Vatican bổ nhiệm, và được chuẩn thuận bởi mọi Hội Đồng Giám Mục của các nước nói tiếng Anh, với ít nhất là đa số thuận hai phần ba số phiếu. Ngay cả các người làm công việc cải cách cũng không cho rằng bản dịch là hoàn hảo, nhưng họ phản đối mạnh mẽ sự độc đoán.

Một thí dụ về điều này chính xác là sự thay đổi từ ‘muôn vật được nhìn thấy và không được nhìn thấy’ trong Kinh Tin Kính thành ‘muôn vật hữu hình và vô hình.’

Trong thực tế, đó là lời dịch chính xác hơn của ‘Visibilium omnium et invisibilium’ trong bản gốc Latinh. Điều này là đúng, cả từ quan điểm nghĩa đen và quan điểm thần học. Bằng cách sử dụng từ ‘vô hình’, Kinh Tin Kính nhắc đến cõi tâm linh cũng như cõi vật chất và khẳng định Thiên Chúa là Đấng tạo thành các phẩm thiên thần cũng như loài người. Do đó, một người ẩn sau bức màn có thể không được nhìn thấy, nhưng về bản chất không phải là vô hình như các thiên thần.

Sự lựa chọn thứ hai là việc dùng ‘dewfall’ thay vì “falling dew’, là cởi mở hơn cho tranh luận.

Từ ngữ này xuất hiện trước tiên trong Kinh khẩn cầu Thánh Linh (epiclesis) của Kinh nguyện Thánh Thể II. Bản Latinh viết “Haec ergo dona, quaesumus, Spiritus tui rore santifica.” Chữ rore có nghĩa tương ứng với dew hoặc dewfall.

Bản dịch trước đây của văn bản này đã loại bỏ từ ngữ dew, và nói “Let your Spirit come upon these gifts to make them holy, chúng con nài xin Chúa cho Thánh Thần Chúa xuống trên các của lễ này và thánh hoá chúng.”

Bản dịch Anh ngữ hiện tại là: ‘Make holy, therefore, these gifts, we pray, by sending down your Spirit upon them like the dewfall’, ‘vì thế chúng con nài xin Chúa thánh hóa các của lễ này, bằng cách cho Thánh Thần Chúa xuống trên chúng như sương rơi’; ‘Vì thế, chúng con nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa thánh hoá những của lễ này’ (tiếng Việt); ‘Hæc ergo dona, quǽsumus, Spíritus tui rore sanctífica’ (bản gốc Latinh); ‘Nous te prions: Sanctifie ces offrandes en répandant sur elles ton Esprit (tiếng Pháp). Người dịch bài này xin lưu ý là bản tiếng Việt và tiếng Pháp đều tránh dịch chữ rore (sương rơi).

Các học giả nêu ra rằng việc sử dụng phép ẩn dụ ‘sương rơi’ không phải là của văn bản gốc trong lời kinh của Pseudo-Hippolytus, mà Kinh nguyện Thánh Thể II dựa vào. Từ ngữ này được tìm thấy lần đầu tiên trong ‘Sách lễ Gôtíc’ Missale Gothicum ở thế kỷ VIII, một cuốn sách phụng vụ nay là của nước Pháp, và được đưa vào bản văn mới.

Điều này có lẽ là do tầm quan trọng của phép ẩn dụ dew ‘sương’ trong Cựu Ước, mặc dù nó không có trong Tân Ước. Sương là rất cần thiết cho nông nghiệp mùa hè ở Thánh địa, khi mưa là khan hiếm. Do đó, nó là một biểu tượng của phúc lành từ trời, sự thịnh vượng, và năng suất.

Manna, một hình ảnh của Bí tích Thánh Thể, được kết nối với sương rơi, và như sự hiệp thông với mọi người như anh em trong Tv 133: 1-3. Ngoài ra còn có một chuỗi ý tưởng liên kết sương rơi với sự sống lại của người chết (Is 26:19). Một nghiên cứu về văn bản này của học giả dòng Tên Wilfred Sumani nói rằng ‘sương trong Kinh Thánh thuộc về ít nhất sáu lĩnh vực ngữ nghĩa: phúc lành (quà tặng), sự phong nhiêu (khả năng sinh sản / thịnh vượng), sự phục hồi sinh lực, mầu nhiệm (kỳ diệu / tuyệt vời), phù du (không thường hằng) và khó chịu (nhục nhã).’

Một số Giáo phụ bình luận về các đoạn Kinh Thánh, mà trong đó hình ảnh của sương rơi xuất hiện, và điều này cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các kinh nguyện, vốn bao gồm phép ẩn dụ, đặc biệt là khi bình luận về điềm báo cho ông Ghít-ôn (Gideon). Chẳng hạn, thánh Irênê thành Lyon đã giải thích sương là Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa, và được trao ban cho Hội Thánh (Adversus Haereses III, 17, 3).

Nhiều Vị khác đã xem xét tác phẩm của cha Sumani, vốn có sẵn trên mạng (‘Metaphor of Dew in the First Epiclesis of the Eucharistic Prayer’, Hekima Review, số 48, tháng 5-2013). Phép ẩn dụ cũng được bảo vệ trong một bài gửi các Giám mục Hoa Kỳ của Giám mục Arthur Roach, nay là thư ký của Thánh Bộ Phương tự, ngày 20-6-2006.

Cha Sumani kết luận rằng một số chiều kích của Bí tích Thánh Thể là hiện diện trong phép ẩn dụ sương rơi: Bí tích Thánh Thể là một món quà từ Thiên Chúa. Hình ảnh của sương làm nổi bật sự hiệp nhất giữa Logos hằng hữu, Đức Giêsu Nadarét (thừa tác vụ công khai) và Chúa Kitô hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Sương như một biểu tượng của khả năng phong nhiêu bao hàm sự phong phú về tinh thần của chúng ta. Trong bối cảnh này, ngài tuyên bố: “Vì thế cách diễn giải của David Power về Kinh khẩn cầu Thánh Linh I của Kinh nguyện Thánh Thể II là mang tính giáo dục: 'Như sương rơi xuống đất và làm cho nó nên màu mỡ, thì Thánh Thần Chúa sẽ xuống trên các của lễ, và làm cho chúng trở nên phong nhiêu với sự thánh thiện…’ Do đó, những ai lãnh nhận Mình Thánh, sẽ trở nên phong nhiêu với sự thánh thiện.” Sương như là một biểu tượng của sự phục sinh trong Cựu Ước nhắc lại lời hứa của Chúa Giêsu: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi sẽ có sự sống đời đời, và tôi sẽ cho họ sống lại vảo ngày sau hết.”

Cuối cùng, ngài cân nhắc về vấn đề dịch thuật:

“Theo quan điểm về sự phong phú thần học của hình ảnh sương rơi, có thể khẳng định rằng việc sử dụng nó trong Kinh khẩn cầu Thánh linh I của Kinh nguyện Thánh Thể II là phù hợp, vì nó làm phong phú thêm sự hiểu biết của chúng ta về Bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên sự phong phú của nó, khoảng cách văn hóa giữa Cận Đông cổ đại và xã hội hiện đại, làm cho hình ảnh trở nên bối rối. Điều này có thể giải thích tại sao nhiều bản dịch của quảng diễn Kinh nguyện Thánh Thể đã phá vỡ hoặc im lặng hoàn toàn về từ ngữ ‘rore, sương rơi’. Thí dụ, bản dịch mới tiếng Anh của Sách Lễ Rôma, chỉ đơn giản chuyển đổi ẩn dụ thành một chữ tương tự ('giống như sự sương rơi') thay vì trực tiếp 'sương rơi của Chúa Thánh Thần.’ Mặc dù 'sự sương rơi' được ngụ ý trong ẩn dụ ‘sương rơi của Chúa Thánh Thần,' dấu giọng trong tiếng Latinh dường như là trên 'sương' (nội dung) chứ không phải là tiến trình rơi. Sự biểu hiện trực tiếp hơn của phép ẩn dụ dường như giao tiếp mạnh mẽ hơn so với chữ tương tự.”

Do đó, tính đầy đủ của bản dịch hiện tại có thể được các học giả đặt câu hỏi một cách hợp pháp, mặc dù nó phải được công bố như là đã được phê duyệt. Theo các nghiên cứu khác, có vẻ như sự lựa chọn Dewfall (sự sương rơi), chứ không phải 'sương rơi của Chúa Thánh Thần’, như đã được các dịch giả của Ủy ban Quốc tế về tiếng Anh trong Phụng vụ (ICEL) đề xuất, xuất phát từ nỗi sợ rằng từ ngữ đó sẽ bị nhầm lẫn với từ ngữ ‘due’ hay một từ gì đó tương tự. Một số người thậm chí còn khẳng định rằng đó cũng là để tránh nhầm lẫn với một số đồ uống hiện đại phổ biến. Vì bất kỳ lý do gì chăng nữa, các Giám mục đã không chấp thuận đề xuất của Ủy ban Quốc tế về tiếng Anh trong Phụng vụ (ICEL), và bản dịch hiện tại được ưa thích hơn.

Đồng thời, việc sử dụng một cụm từ ngữ khác thường có thể vừa là trở ngại vừa là cơ hội: trở ngại cho sự hiểu biết, và là cơ hội cho các mục tử, để mở ra cho các tín hữu hiểu truyền thống tâm linh giáo phụ và Kinh thánh phong phú của phụng vụ, thông qua các lời giải thích phù hợp. (Zenit.org 19-11-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/why-dewfall-in-eucharistic-prayer-ii/