Đức Hồng Y Claudio Hummes, người Brazil, Tổng Tường Trình Viên; và Đức Cha Erwin Kräutler, tác giả Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon, là những nhân vật chủ chốt hô hào việc phong chức linh mục cho người có gia đình, như một giải pháp duy nhất, không còn lựa chọn nào khác hơn.

Tuy nhiên, theo John Allen, ký giả kỳ cựu về Vatican, lý luận này càng ngày càng thiếu thuyết phục: Có các giải pháp khả thi khác không cần thiết phải thay đổi hay xóa bỏ luật độc thân linh mục. Càng không cần thiết phải phong chức linh mục cho phụ nữ như Đức Cha Erwin Kräutler cổ xúy.

Xin giới thiệu với quý vị và anh chị em bài viết sau đây của tác giả John Allen đăng trên tờ Crux ngày 17 tháng Mười, 2019.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt ngữ.


In synod’s married priests debate, somebody finally names elephant in the room

John L. Allen Jr.

Trong cuộc tranh luận về việc phong chức linh mục cho người có gia đình tại Thượng Hội Đồng, cuối cùng đã có người nói lên một sự thật hiển nhiên.


Trong một Thượng Hội Đồng Giám Mục nơi tình trạng thiếu linh mục đã dẫn đến việc thảo luận về khả thể phải phong chức linh mục cho những người có gia đình, điều đáng ngạc nhiên không phải là cuối cùng có ai đó nhận ra rằng có một giải pháp khác không cần đến việc thay đổi truyền thống độc thân linh mục.

Điều ngạc nhiên duy nhất, có lẽ là, tại sao phải mất nhiều thời gian như thế trước khi có ai đó nói to lên cho mọi người nghe.

Tuy nhiên, có Đức Giám Mục Johnny Eduardo Reyes, Giám Quản Tông Tòa của Puerto Ayacucho, Venezuela, vào tối thứ ba, đã nêu lên một sự thật hiển nhiên trong một cuộc họp có tiêu đề “Đồng hành cùng Thượng hội đồng, các chứng nhân và các vị tử đạo vì đức tin ở Amazon.”

Về cơ bản, Đức Cha Reyes đặt câu hỏi là tại sao các linh mục đang lang thang ở Rôma không nhiệt tình đi đến những cánh đồng truyền giáo, phục vụ những nơi như vùng Amazon, chẳng hạn.

“Tất cả những linh mục và tu sĩ mà chúng ta thấy trên TV ... Không thể nào tất cả các vị ấy đang du học tại Rôma,” ngài nói và nhấn mạnh rằng “Sự phân phối các linh mục và tu sĩ như thế không ổn.”

Xin trích dẫn câu nói cổ điển của thập niên 90: “Whoomp! Nó đây rồi”.

Chúng ta hãy nắm bắt tạo sao điều này quá hiển nhiên và để hiểu được chỉ cần đến một ít nền tảng căn bản toán học về số người Công Giáo trong thế kỷ 21 này. Có khoảng 1.3 tỷ người Công Giáo được rửa tội trên thế giới ngày nay, hơn hai phần ba trong số họ sống ở miền nam bán cầu, đặc biệt là tại Mỹ Châu Latinh, Phi Châu và Á Châu

Gần một nửa số người Công Giáo sống ở Mỹ Châu Latinh, bao gồm hai quốc gia Công Giáo lớn nhất thế giới là Brazil và Mễ Tây Cơ. Trong khi đó, khu vực hạ Sahara ở Phi Châu dễ dàng là khu vực tăng trưởng lớn nhất của Giáo Hội, với tổng dân số Công Giáo tăng gần 7,000 phần trăm từ năm 1975 đến năm 2000.

Để phục vụ dân số đó, Giáo Hội vào năm 2017 đã triển khai tổng cộng 414,582 linh mục, như thế có một linh mục cho mỗi 3,135 tín hữu. Nhưng, con số tổng thể đó che giấu sự khác biệt lớn theo khu vực.

Cũng theo con số chính thức của Vatican, có một linh mục cho mỗi 1,916 người Công Giáo ở Hoa Kỳ và Canada, nhưng chỉ có một linh mục cho mỗi 7,203 người Công Giáo ở Nam Mỹ. Đi sâu vào chi tiết, sự tương phản giữa Brazil và Mỹ đặc biệt đáng lo ngại. Hoa Kỳ có 37,000 linh mục cho khoảng 70 triệu người Công Giáo; Brazil, với dân số Công Giáo gấp đôi, có chưa đến 13,000 linh mục.

Một yếu tố duy nhất này đủ cho chúng ta thấy một bức tranh lớn hơn: Âu Châu ngày nay có 42 phần trăm tất cả các linh mục trên thế giới, nhưng chỉ có 23 phần trăm dân số Công Giáo toàn cầu.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Tư tại Vatican, Đức Giám Mục Wellington Vieira de Queiroz của giáo phận Cristalândia, Brazil cho biết nhận xét này cũng đúng trong biên giới các quốc gia. Ngài nhấn mạnh rằng đôi khi xảy ra tình trạng “thiếu tinh thần truyền giáo, không sẵn sàng đi đến các khu vực ngoại biên hoặc các vùng khó khăn.”

Nếu Giáo Hội Công Giáo là Microsoft hoặc Walmart, Giáo Hội đã phải thực hiện từ lâu một kế hoạch điều động nhân sự đến những nơi thị trường đang tăng trưởng. Trái lại, Giáo Hội vô hình chung đã làm điều ngược lại khi các Giáo Hội giàu có ở miền Bắc ngày càng trở nên phụ thuộc vào việc nhập cảng các linh mục từ thế giới đang phát triển để bù vào những chỗ được xem là khoảng trống. Ở Mỹ, chẳng hạn, khoảng 30 phần trăm tất cả các linh mục ngày nay là người nước ngoài.

Như Philip Jenkins [giáo sư lịch sử tại Đại Học Baylor, Hoa Kỳ - chú thích của người dịch] đã đặt vấn đề gần hai thập niên qua “Khi xem xét ở góc độ toàn cầu, nói cho dễ nghe chính sách ấy thiển cận một cách đau đớn, nói khó nghe hơn đó là chính sách tự vẫn đối với vận mệnh Công Giáo.”

Đức Cha Reyes không phải là vị Giám Mục đầu tiên chú ý đến điều này. Vào năm 2005, trong một Thượng Hội Đồng Giám Mục về Bí tích Thánh Thể, Đức Cha Lucio Andrice Muandula Giám Mục giáo phận Xai-Xai ở Mozambique đã rút ra kết luận xem ra rất hiển nhiên: “Người ta phải nhấn mạnh đến sự tái phân phối một cách bình đẳng các linh mục trên thế giới.”

Thậm chí còn có cả một vị thánh tương lai bảo trợ cho điều này: đó là Hồng Y Jozef Tomko, người Slovakia, 95 tuổi, trước đây là tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.

Năm 2001, các vị đã đưa ra một tài liệu mang tên “Hướng dẫn về việc gởi đi hay đưa ra nước ngoài tạm trú các linh mục triều từ các Miền Truyền Giáo.” Ý chính của chỉ thị này là việc hoán chuyển hàng giáo sĩ như thế gây tổn hại cho Giáo Hội ở miền Nam. Đức Hồng Y Tomko nêu ví dụ rằng Ấn Độ không có đủ linh mục để chăm sóc 17 triệu người Công Giáo, nhưng cùng lúc đó chỉ trong một giáo phận duy nhất của Ý đã có đến 39 linh mục từ Ấn Độ đang làm việc ở đó. Nhìn chung, Đức Hồng Y Tomko tuyên bố, có 1,800 linh mục nước ngoài đang sống ở Ý, với hơn 800 vị làm các công việc chăm sóc mục vụ trực tiếp.

Đức Hồng Y Tomko phàn nàn rằng: “Nhiều giáo phận mới có thể được tạo thành tại các Miền Truyền Giáo với một số đông đảo các linh mục triều như vậy!”

Tất nhiên, thường có các lý do chính đáng để các linh mục từ các nước đang phát triển ra nước ngoài, và Giáo Hội trong thế giới đang phát triển thường cảm thấy tự hào về những gì được gọi là “sứ mệnh ngược” này, khi gửi các linh mục của họ ngày hôm nay sang tái rao giảng Tin Mừng cho chính những nơi đã từng phái các nhà truyền giáo đến với họ.

Tuy nhiên, các Giám Mục ở miền nam bán cầu có thể ngăn chặn xu hướng này bằng cách thắt chặt việc cho phép các linh mục của mình ra đi. Có một lời giải thích đơn giản nhưng quá khủng khiếp về lý do tại sao các Giám Mục ấy đó thường không dám nói Không: Tiền.

Khi một linh mục từ một quốc gia đang phát triển xuất hiện ở Âu châu hoặc Bắc Mỹ, đôi khi giáo phận tiếp nhận sẽ đền bù trực tiếp cho vị Giám Mục bị thiệt hại. Đôi khi vị linh mục xuất ngoại chia sẻ một phần tiền lương của ngài với giáo phận quê nhà, và đôi khi vào mùa hè ngài đi một vòng quyên góp gởi chút quà về cho quê hương.

Bất kể, tình huống được hình thành như thế nào, thông thường vấn đề là nguồn tiền, mà các Giám Mục phải bươn chải với nguồn tài chính eo hẹp trong thế giới đang phát triển phải dựa vào. Hơn thế nữa, các linh mục này thường tìm thấy các cơ hội lớn hơn ở phương Tây và tuyệt nhiên không háo hức quay về cố hương chút nào.

Câu hỏi khó khăn mà Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon có lẽ phải đương đầu là thế này: Có thực sự thiếu linh mục không? Hay, vấn đề ít nhất là vì các linh mục, mà chúng ta hiện có, đã và đang được bố trí không đúng nơi đúng chỗ. Và, có cách nào tốt hơn để tài trợ cho các Giáo Hội ở các nước đang phát triển mà không cần đến một cuộc di cư kinh niên của hàng giáo sĩ?

Dĩ nhiên, tất cả những điều trên không trực tiếp bác bỏ cuộc tranh luận về việc phong chức linh mục cho những người có gia đình, và có thể có những lý lẽ tốt ủng hộ cho việc đi theo chiều hướng đó. Tuy nhiên, nếu vấn đề duy nhất là làm thế nào để đưa các linh mục đến với những người cần đến các ngài, thì lý luận của Đức Cha Reyes đúng một cách không thể phủ nhận được - một giáo sĩ đã kết hôn hầu như không phải là lựa chọn duy nhất mà các Giám Mục muốn thăm dò.


Source:Crux