Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon đã được Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập vào ngày 15 tháng 10 năm 2017. Mục tiêu chính là tìm kiếm những cách thức mới để truyền giáo cho vùng này, đặc biệt là cho những người bản địa, thường bị lãng quên và không có một viễn cảnh của một tương lai tốt đẹp. Bên cạnh đó còn có một nguyên nhân khác là cuộc khủng hoảng rừng Amazon, lá phổi có tầm quan trọng cơ bản đối với hành tinh của chúng ta.
Thượng Hội Đồng lần này có chủ đề là: “Những con đường mới cho Giáo hội và cho một hệ sinh thái tích hợp”
Trong khi đoàn đồng tế đang tiến lên bàn thờ, ca đoàn Sistina của Tòa Thánh hát bài ca nhập lễ Laudes Regiæ – Toàn dân ơi hãy hát lên ngợi khen Chúa – với những lời như sau:
Chúa chiến thắng khải hoàn, Chúa thống trị địa cầu, hát lên người ơi.
Giờ đây cộng đoàn cùng hát kinh cầu các Thánh, xin Chúa thương gìn giữ Giáo Hội trong những diễn biến quan trọng sắp xảy ra trong đời sống Giáo Hội.
Chúa Giêsu Kitô
Xin che chở cho Hội Thánh Chúa trên khắp cùng mặt đất. Xin quy tụ tất cả các linh hồn.
Xin Chúa thương xót chúng con.
Xin Chúa thương xót chúng con
Xin Chúa Kitô thương xót chúng con
Xin Chúa thương xót chúng con
Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời.
Đáp: Cầu cho chúng con
Các Thánh Thiên Thần cùng các Thánh Tổng lãnh Thiên Thần.
Thánh Gioan Baotixita.
Thánh Thánh Giuse.
Thánh Phêrô.
Thánh Phaolô.
Thánh Anrê.
Thánh Giacôbê.
Thánh Gioan.
Thánh Tôma.
Thánh Giacôbê.
Thánh Philípphê.
Thánh Batôlômêô.
Thánh Matthêô.
Thánh Ximong.
Thánh Tađêô.
Thánh Mátthia.
Thánh Banabê.
Các Thánh Tông đồ cùng các Thánh Sử.
Thánh Nữ Maria Mađalêna.
Thánh Stêphanô
Thánh Ignatiô thành Antiôkia
Thánh Laurensô
Thánh Perpetua và Thánh Felicity
Thánh Anê
Thánh Grêgôriô
Thánh Augustionô
Thánh Athanasiô
Thánh Basilô
Thánh Martinô.
Thánh Biển Đức
Thánh Phanxicô và Thánh Đôminicô
Thánh Phanxicô Xaviê
Thánh Gioan Maria Vianney
Thánh Nữ Catherine thành Siena.
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu
Các thánh nam cùng các thánh nữ
Giờ đây cộng đoàn đang hát ca nhập lễ.
Lạy Chúa, Chúa đã tác tạo mọi sự theo thánh ý Chúa, và không ai có thể chống lại thánh ý Chúa. Vì Chúa đã tạo thành mọi sự trên trời dưới đất, và cả những gì trong bầu trời; Chúa là Chúa tể mọi loài.
Đức Thánh Cha làm dấu thánh giá.
Ngài dâng Lời nguyện nhập lễ sau:
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người, xin rộng tình tha thứ những lỗi lầm cắt rứt lương tâm chúng con, và thương ban những ơn trọng đại, lòng chúng con chẳng dám mơ tưởng bao giờ. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng con.
Amen
Bài Ðọc I: Kb 1, 2-3; 2, 2-4
“Người công chính sẽ sống được nhờ trung tín”.
Trích sách Tiên tri Khabacúc.
Lạy Chúa, con kêu cầu Chúa cho đến bao giờ mà Chúa không nghe? Con phải ức ép kêu lên cùng Chúa, mà Chúa không cứu con sao? Cớ sao Chúa tỏ cho con thấy sự gian ác và lao khổ, cướp bóc và bất lương trước mặt con? Dù có công lý, nhưng kẻ đối nghịch vẫn thắng.
Chúa đáp lại tôi rằng: “Hãy chép điều con thấy, hãy khắc nó vào tấm bảng, để đọc được dễ dàng. Bởi hình lạ còn xa, nó sẽ xuất hiện trong thời sau hết, và sẽ chẳng hư không. Nó kết duyên với ngươi, hãy chờ đợi nó, vì nó sẽ đến không trì hoãn. Chắc chắn nó sẽ đến, không sai. Người không có lòng ngay thì ngã gục, nhưng người công chính sẽ sống nhờ trung tín”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9
Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng!” (c. 8).
Xướng: Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người.
Xướng: Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy; hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.
Xướng: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Ðừng cứng lòng như ở Meriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta; họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta.
Bài Ðọc II: 2 Tm 1, 6-8, 13-14
“Con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Timô-thêu.
Con thân mến, cha khuyên con hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa đã ban cho con do việc đặt tay của cha. Vì chưng, Thiên Chúa không ban cho chúng ta một thần khí nhát sợ, mà là thần khí dũng mạnh, bác ái và tiết độ. Vậy con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, và cho cha nữa, là tù nhân của Người, nhưng con hãy đồng lao cộng tác với cha vì Tin Mừng, nhờ quyền năng của Thiên Chúa.
Con hãy lấy những lời lành lẽ phải, con đã nghe cha nói, làm mẫu mực trong đức tin và lòng mến nơi Ðức Giêsu Kitô. Con hãy cậy nhờ Thánh Thần là Ðấng ngự trong chúng ta mà gìn giữ kho tàng tốt đẹp.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta: Ta biết chúng và chúng theo Ta”. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 17, 5-10
“Nếu các con có lòng tin”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, các Tông đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”. Chúa liền phán rằng: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: 'Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển', nó liền vâng lời các con.
“Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về, liền bảo nó rằng: 'Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa', mà trái lại không bảo nó rằng: 'Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống'. Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng: Không. Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: 'Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm'“.
Ðó là lời Chúa.
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Trong bài giảng thánh lễ Đức Thánh Cha nói:
Thánh Tông Đồ Phaolô, nhà truyền giáo vĩ đại nhất trong lịch sử của Giáo Hội, giúp chúng ta “thực hiện Thượng Hội Đồng”, giúp chúng ta “hành trình cùng nhau” . Những lời ngài nói với Timôthê dường như cũng muốn gửi đến chúng ta, với tư cách là mục tử phục vụ dân Chúa.
Đầu tiên, Thánh Phaolô nói với Timôthê: “Tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh” (2 Tim 1: 6). Chúng ta là các giám mục vì chúng ta đã nhận được một ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta đã không ký một hợp đồng; chúng ta đã không được trao một khế ước lao động. Thay vào đó, những bàn tay đã được đặt trên đầu chúng ta để đến lượt chúng ta có thể là những bàn tay giơ lên để cầu thay trước Chúa Cha, và là những đôi tay giúp đỡ vươn đến anh chị em chúng ta. Chúng ta đã nhận được một món quà để chúng ta có thể trở thành một món quà. Quà tặng không được mua, trao đổi hoặc bán đi; nhưng quà tặng được nhận và cho đi. Nếu chúng ta khư khư giữ lấy chúng, nếu chúng ta biến mình thành trung tâm và không phải là món quà mà chúng ta đã nhận được, thì chúng ta trở thành quan chức, chứ không phải là mục tử. Chúng ta biến ân sủng của chúng ta thành một công việc và tính nhưng không của nó tan biến đi. Chung cuộc là chúng ta phục vụ chính mình và lợi dụng Giáo Hội.
Nhờ ân sủng chúng ta đã nhận được, cuộc sống của chúng ta được hướng đến sự phục vụ. Khi Phúc Âm nói về “đầy tớ vô dụng” (Lc 17:10), Phúc Âm nhắc nhở chúng ta về điều này. Diễn đạt này cũng có thể có nghĩa là “đầy tớ không mang lại lợi nhuận”. Nói cách khác, chúng ta không phục vụ vì lợi nhuận hoặc lợi ích cá nhân, nhưng vì chúng ta nhận được một cách nhưng không, nên đáp lại, chúng ta cũng phải cho đi nhưng không (x. Mt 10: 8). Niềm vui của chúng ta phải hoàn toàn là trong sự phục vụ vì trước hết chúng ta đã được phục vụ bởi Chúa, là Đấng đã trở thành tôi tớ của tất cả chúng ta. Anh em thân mến, chúng ta hãy cảm thấy được mời gọi ở đây để phục vụ; chúng ta hãy đặt ân sủng của Chúa ở trung tâm.
Để trung thành với ơn gọi của chúng ta, sứ vụ của chúng ta, Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng ân sủng của chúng ta phải được nhen nhóm lại. Động từ được thánh nhân sử dụng trong văn bản gốc thật là quyến rũ: nhen nhóm, nghĩa là khơi lên một ngọn lửa (anazopyrein). Ân sủng chúng ta đã nhận được là một ngọn lửa, một tình yêu nồng cháy dành cho Chúa và cho anh chị em của chúng ta. Một ngọn lửa không tự cháy; nó phải được nuôi dưỡng, nếu không nó sẽ chết; nó sẽ biến thành tro tàn. Nếu mọi thứ vẫn như nó đã từng là, nếu chúng ta dành cả ngày của chúng ta để hài lòng rằng “đây là cách mọi thứ đã luôn luôn được thực hiện”, thì khi đó ân sủng biến mất, ngột ngạt bởi những đống tro tàn của sợ hãi và lo lắng cho việc bảo vệ nguyên trạng. Tuy nhiên, “không thể nào Giáo Hội lại hạn chế công việc mục vụ của mình trong việc ‘bảo trì bình thường’ cho những người đã biết Tin Mừng của Chúa Kitô. Vươn ra truyền giáo là một dấu chỉ rõ ràng về sự trưởng thành của một cộng đồng giáo hội” (Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Verbum Domini - Tông Huấn Lời Chúa, 95) vì Giáo Hội luôn tiến bước, luôn tiến ra và không bao giờ co cụm vào chính mình. Chúa Giêsu đã đến không phải để mang lại một làn gió chiều nhẹ nhàng, nhưng để thắp lên một ngọn lửa trên trái đất này.
Ngọn lửa nhen nhóm ân sủng là Chúa Thánh Thần, Đấng trao ban các đặc sủng. Vì vậy, Thánh Phaolô nói tiếp: “Hãy bảo vệ sự thật đã được Chúa Thánh Thần trao phó cho anh” (2 Tim 1:14). Và một lần nữa: “Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết thận trọng” (câu 7.). Không phải là một tinh thần rụt rè, nhưng thận trọng. Có người có thể nghĩ rằng thận trọng là nhân đức “hải quan”, kiểm soát mọi thứ để bảo đảm rằng không có sai lầm nào. Không, thận trọng là một đức tính Kitô giáo; đó là một đức tính của cuộc sống, và thực sự là đức tính để cai quản. Và Chúa đã ban cho chúng ta tinh thần thận trọng này. Thánh Phaolô đặt sự thận trọng đối lập với sự rụt rè. Sự thận trọng của Thần Khí là gì? Như sách Giáo lý dạy, sự thận trọng “không nên nhầm lẫn với sự rụt rè hay sợ hãi” ; đúng hơn, nó là “nhân đức giúp lý trí sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh phân định được điều thiện đích thực và lựa chọn những phương tiện thích hợp để đạt tới điều thiện đó.” (số 1806).
Thận trọng không phải là thiếu quyết đoán; đó không phải là một thái độ phòng thủ. Đó là đức tính của một mục tử biết phân định, biết tiếp nhận sự mới mẻ của Thánh Linh ngõ hầu có thể phục vụ với sự khôn ngoan. Nhen nhóm lại ân sủng của chúng ta trong ngọn lửa của Chúa Thánh Linh là điều ngược lại với việc để mọi thứ diễn ra mà bất động không làm gì cả. Trung thành với sự mới mẻ của Thánh Linh là một ân sủng mà chúng ta phải cầu xin. Cầu mong sao Thánh Thần Chúa, Đấng làm cho tất cả mọi thứ nên mới mẻ, ban cho chúng ta sự thận trọng táo bạo của chính Ngài; xin Ngài truyền cảm hứng cho Thượng Hội Đồng của chúng ta để đổi mới con đường của Giáo Hội tại Amazon, để ngọn lửa truyền giáo sẽ tiếp tục bùng cháy.
Như chúng ta thấy từ câu chuyện về bụi gai cháy, lửa của Chúa bùng cháy nhưng không thiêu đốt (xem Xh 3: 2). Đó là ngọn lửa tình yêu chiếu sáng, sưởi ấm và mang lại sự sống, không phải là ngọn lửa bùng lên và nuốt chửng. Khi các dân tộc và các nền văn hóa bị nuốt chửng không chút thương hại và tôn trọng, thì đó không phải là ngọn lửa của Chúa mà là của thế gian. Tuy nhiên, biết bao lần ân sủng Chúa đã được áp đặt chứ không phải trao ban; đã bao lần thực dân hóa hơn là Phúc Âm hóa! Xin Chúa bảo vệ chúng ta khỏi sự tham lam của các hình thái thực dân mới. Ngọn lửa gây nên bởi những lợi nhuận thì hủy diệt, giống như ngọn lửa tàn phá Amazon gần đây, đó không phải là ngọn lửa của Tin Mừng. Ngọn lửa của Thiên Chúa thì sự ấm áp thu hút và tập hợp lại thành sự hiệp nhất. Lửa ấy được nuôi dưỡng bằng cách chia sẻ, chứ không phải bằng lợi nhuận. Trái lại ngọn lửa hủy diệt bùng lên khi mọi người chỉ muốn đề cao ý tưởng riêng mình, chia bè kết cánh, xóa sạch những khác biệt trong nỗ lực làm cho mọi người và mọi thứ đều cùng một kiểu như nhau.
Để làm sống lại ân sủng, để chào đón sự thận trọng táo bạo của Thánh Linh; để trung thành với sự mới mẻ của Ngài, Thánh Phaolô giờ đây hướng đến một lời khuyên cuối cùng: “Đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng” (2 Tim 1: 8). Thánh Phaolô yêu cầu Timôthê làm chứng cho Tin Mừng, chịu đau khổ vì Tin Mừng, nói tắt một lời, là sống cho Tin Mừng. Việc loan báo Tin Mừng là tiêu chí chính yếu trong đời sống Giáo Hội. Sau đó, Thánh Phaolô viết: “Tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế” (4: 6). Rao giảng Tin Mừng là sống như một của lễ hiến dâng, làm chứng cho đến cùng, trở thành tất cả mọi thứ cho mọi người (x. 1Cr 9, 22), yêu thương ngay cả đến độ phải tử đạo. Tôi biết ơn Chúa vì trong Hồng Y Đoàn có những anh em Hồng Y là các vị tử đạo, vì các ngài trải nghiệm thập giá tử đạo trong cuộc đời này. Thánh Tông Đồ nói rõ rằng Tin Mừng không được phục vụ bằng quyền lực trần thế, nhưng chỉ bởi quyền năng của Thiên Chúa mà thôi bằng cách bền đỗ trong tình yêu khiêm nhường, bằng cách tin rằng cách thực sự duy nhất để chiếm hữu sự sống là đánh mất nó qua tình yêu.
Anh chị em thân mến, cùng nhau chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu bị đóng đinh, vào trái tim của Người đã bị đâm thâu qua để cứu rỗi chúng ta. Chúng ta hãy bắt đầu từ đó, đó là nguồn mạch của ân sủng tái sinh chúng ta. Từ trái tim đó, Thần Khí canh tân đã tuôn trào (x. Ga 19:30). Khi đó, mỗi người chúng ta sẽ cảm thấy được kêu gọi để trao ban cuộc sống. Biết bao anh chị em chúng ta trong vùng Amazon đang mang thập giá nặng nề và chờ đợi sự an ủi có năng lực giải phóng của Tin Mừng, và sự âu yếm của Giáo Hội. Biết bao anh chị em của chúng ta ở Amazon đã trao ban cuộc sống của họ. Tôi muốn nhắc lại ở đây những lời của Đức Hồng Y Hummes yêu dấu của chúng ta: khi đến thị trấn nhỏ trong vùng Amazon, ngài đến nghĩa trang để thăm mộ của những nhà truyền giáo. Đó là một cử chỉ thay mặt cho Giáo Hội dành cho những người đã hy sinh ở Amazon. Và rồi, thật tế nhị, ngài nói với Đức Giáo Hoàng: Cầu mong cho họ không bị lãng quên. Họ xứng đáng được phong thánh. Vì họ và cho tất cả những người đã trao ban cuộc sống và những người vẫn đang trao ban cuộc sống, và với họ, chúng ta hãy cùng nhau hành trình.
Lời nguyện giáo dân
Giờ đây, Đức Thánh Cha mọi người cùng cầu nguyện qua những lời nguyện giáo dân:
Anh chị em thân mến, với lòng cậy trông con thảo, chúng ta hãy dâng lên Chúa Cha những lời cầu nguyện của chúng ta, và như những tôi tớ hiền lành và khiêm hạ, chúng ta hãy đặt mình trong sự vâng phục hoàn toàn theo thánh ý của Người.
Lạy Chúa, xin đổ đầy sức mạnh của Thánh Linh Chúa, lên trái tim và khối óc của Đức Giáo Hoàng, các Hồng Y và Giám mục: để các ngài có thể gìn giữ những điều tốt đẹp mà Chúa đã giao phó cho các ngài.
Lạy Chúa, xin canh tân nơi tất cả những người nghèo trên trái đất niềm hy vọng và khát khao công lý: để có thể họ luôn tin tưởng vào sự chung thủy trong tình yêu Chúa.
Lạy Chúa, qua các bởi ân sủng Chúa xin nâng đỡ tất cả các nhà truyền giáo và các giáo lý viên để họ không bao giờ xấu hổ về Tin Mừng và Chúa Phục sinh.
Lạy Chúa, xin ban cho Giáo hội Chúa nhiều ơn gọi linh mục linh thiêng: xin ban cho chúng con nhiều thừa tác viên bàn thánh. Xin cho Giáo Hội Chúa không bao giờ thiếu các thừa tác viên lòng thương xót Chúa.
Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện
Lạy Chúa, Đấng tạo dựng vũ trụ và Cha giàu lòng thương xót, xin hãy nghe tiếng kêu cầu của con cái Chúa đây và canh tân trong chúng con sự kinh ngạc trước tình yêu Chúa.
Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon
Nhân đây chúng tôi xin được giải thích thêm vài nét về Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon.
Trước hết, Thượng Hội Đồng Giám Mục là gì?
Ngay từ hồi Giáo hội sơ khai đã có các Thượng Hội Đồng Giám Mục rồi, nhưng với nhiều hình thức khác nhau. Hình thức Thượng Hội Đồng hiện nay đã được Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục thiết định bằng Tự Sắc Apostolica Sollicitudo.
Đức Thánh Cha là người triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng như sẽ ấn định đề tài cho Thượng Hội Đồng do Ngài triệu tập. Hiện tại, cứ khoảng ba năm thì Thượng Hội Đồng Giám Mục thường kỳ sẽ diễn ra một lần. Cũng có những Thượng Hội Đồng ngoại thường, và lẽ dĩ nhiên, những thượng Hội Đồng này cũng phải do Đức Thánh Cha triệu tập. Sau khi kết thúc mỗi Thượng Hội Đồng Giám Mục, Đức Thánh Cha sẽ công bố một Tông Huấn, gọi là Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục. Tông Huấn này được biên soạn dựa trên những ý kiến của các Nghị Phụ tham dự Thượng Hội Đồng vừa mới kết thúc.
Công Đồng Vatican II quyết định rằng, không phải tất cả mọi Giám mục Công Giáo đều tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục, nhưng chỉ có một số đại diện mà thôi. Trong số khoảng 250 tham dự viên Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon, có 35 phụ nữ, 184 nghị phụ có quyền bỏ phiếu, 17 đại diện thổ dân.
Các buổi thảo luận tại Phòng Họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ được điều hành bởi một vị Hồng Y thừa ủy do Đức Thánh Cha bổ nhiệm. Ba vị Hồng Y thừa ủy trong Thượng Hội Đồng này là
Đức Hồng Y Baltazar Enrique Porras Cardozo, Giám Quản Tông Tòa của Caracas, và đồng thời là Tổng Giám mục Mérida (Venezuela)
Đức Hồng Y Pedro Ricardo Barreto Jimeno, Tổng giám mục Huancayo (Peru).
Đức Hồng Y João Braz de Aviz, tổng trưởng Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ.
Đức Hồng Y Cláudio Hummes, Tổng giám mục của São Paulo (Brazil) là Tổng tường trình viên.