Chúa Nhật 20 Thường Niên C


Chúa Giêsu nói với các môn đệ về sứ mạng của Ngài là: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy cháy bùng lên!”.

Lửa ấy là gì?

Trong Kinh Thánh, từ “lửa” được đề cập 480 lần. Lửa mang nghĩa biểu tượng thánh thiêng chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Thiên Chúa tỏ mình ra cho ông Môsê giữa bụi gai cháy rực cháy (x. Xh 3,2). Thiên Chúa lập giao ước dưới chân núi Sinai (x. Đnl 1,33; 4,11-12.36; 5,4.22). Lửa là hình ảnh Thiên Chúa hướng dẫn dân Do thái trong sa mạc (x. Xh 13,21).

Trong Tân Ước, lửa là hình ảnh của Chúa Thánh Thần khi Người ngự xuống trên các Tông đồ dưới dạng hình lưỡi lửa vào ngày Lễ Ngũ Tuần (x. Cv 3,2). Lửa là sức mạnh của Thánh Linh, khi các Tông đồ nhận được Chúa Thánh Thần, các ông đã trở nên con người hoàn toàn mới: Can đảm ra đi rao giảng Tin Mừng (x. Cv 1,8), làm chứng, hy sinh vì Tin Mừng và vì tình yêu của Đức Kitô Phục Sinh. Lửa chính là tình yêu nồng cháy của Đức Giêsu (x. Lc 12,49).

Lửa còn tượng trưng cho sự thanh luyện, thiêu huỷ và phán xét. Đó là ngọn lửa từ trời xuống thiêu huỷ thành Sôđôma và Gômôra (x. St 19,24), mưa lửa từ trời xuống như một phần của sự phán xét trong ngày tận cùng của thế giới (x. Lc 17,29); hay là lửa soi sáng trong Ngày của Thiên Chúa (x. 1 Cr 3,13; Mt 3,11-12).

Theo các nhà chú giải Kinh thánh, lửa ấy chính là: Chân lý, là Tin Mừng, là Thần Khí và là Tình yêu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn cho “lửa” đó được bùng lên, nghĩa là muốn cho mọi người trên khắp thế giới được nhận biết Chân lý và Tình yêu của Thiên Chúa.

Dùng hình ảnh lửa, Chúa Giêsu có ý nói đến nội dung và đặc điểm sứ mạng của mình. Lửa bừng cháy và tỏa sức nóng, lửa đem lại ánh sáng xua tan bóng tối, thiêu đốt thành tro, nung nấu tan chảy và làm cho biến đổi.

Bằng ẩn dụ lửa, Chúa Giêsu gợi lên nội dung sứ mạng của mình là mang ánh sáng chân lý từ trời cao ném vào mặt đất, để soi sáng con đường cứu nhân loại thoát khỏi bóng tối nô lệ tội lỗi, đồng thời thiêu hủy sự dữ và thanh luyện con người nên tinh tuyền.

Khởi đầu sứ vụ, trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã tuyên bố rõ ràng về lửa được Ngài ném vào thế gian. Đó là lửa của những mối phúc (x.Mt 5,3-12; Lc 6,20-26), đặc biệt lửa của những phép lạ, lòng khoan dung tha thứ tội lỗi và của trái tim nhân từ cảm hóa kẻ lầm lạc.

Người môn đệ cũng phải tiếp tục mang lửa của Chúa Giêsu vào trần gian bằng cách loan báo và làm chứng từ chính cuộc sống bừng lửa của mình. Lửa của những mối phúc thật. Lửa của sự sống phục sinh. Lửa đã tỏa sáng và thanh luyện những người bước theo Chúa Giêsu.

“Thầy ước mong ngọn lửa ấy bùng lên!”. Đó là tâm nguyện của Chúa Giêsu và cũng là trách nhiệm của mỗi người tín hữu chúng ta.

Tại một khu phố cổ Ấn Độ, trên đường cũng như trong nhà thường không có đèn. Giữa những khu phố như thế, thỉnh thoảng người ta thấy mọc lên một ngôi đền An giáo. Dĩ nhiên, trong những ngôi đền như thế, ánh sáng cũng không được đốt lên thường xuyên. Từ trên nóc đền thờ cũng như dọc theo bốn bức tường, họ treo những chiếc lồng đèn. Khoảng trống trong những chiếc lồng đèn ấy vừa vặn để cho vào một chiếc đèn dầu.

Bình thường ngôi đền thờ vắng lạnh vì tăm tối. Nhưng cứ mỗi sáng sớm, khi các tín hữu dùng đèn dầu soi đường để đi qua các khu phố đến đền thờ cầu nguyện, họ cũng mang chính những ngọn đèn ấy và đặt vào trong những chiếc lồng đèn trong nhà thờ. Thành ra, khi mỗi tín hữu đặt ngọn đèn của mình vào trong các lồng đèn, ngôi đền thờ bỗng sáng rực lên một cách lạ kỳ.

Thế giới này được ví như một ngôi đền thờ rộng lớn, mỗi tín hữu phải đặt vào đó ngọn lửa tình yêu, để thế giới này bừng sáng lên tình anh em một nhà.

Chúa Giêsu đã đem ngọn lửa tình yêu thắp sáng trong tâm hồn chúng ta.Trách nhiệm mỗi người là thắp sáng ngọn lửa ấy bằng đời sống chứng nhân.

Mahatma Gandhi, vị thánh của Ấn Độ đã nhận định rất sâu sắc về ngọn lửa tình yêu này như sau: “Một vật cứng rắn đến đâu, cũng sẽ tan chảy trong lửa tình yêu. Nếu vật ấy không tan chảy, chính vì ngọn lửa không đủ mạnh”.

Thông điệp mới của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với tựa đề “Ánh sáng đức tin” muốn nói truyền thống của Hội thánh, cho thấy hồng ân lớn lao do Chúa Giêsu mang đến, được trình bày trong Tin mừng thánh Gioan: "Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi thì không ở lại trong bóng tối" (Ga 12, 46). Cả thánh Phaolô cũng diễn tả tương tự như sau: "Xưa Thiên Chúa đã phán: 'Ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm', Ngài cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi" (2Cr 4, 6).

“Ai tin, sẽ thấy” vì ánh sáng đức tin xuất phát từ Thiên Chúa và vì nó có khả năng chiếu rọi mọi khía cạnh trong cuộc hiện sinh của con người, nên nó diễn tiến không những từ quá khứ, từ ký ức về cuộc đời Chúa Giêsu, mà còn từ tương lai khi nó mở ra nhiều chân trời rộng lớn.

Một vài trích dẫn sau đây từ Thông điệp “Ánh sáng đức tin” cho thấy Chúa Giêsu là nguồn ánh sáng, ai tin vào Người sẽ sống trong ánh sáng của Sự Thật và Tình Yêu.

"Ánh sáng đức tin có một đặc tính khác thường, vì có thể soi sáng toàn thể hiện hữu của nhân sinh. Bởi có một năng lực như thế, nguồn cội của ánh sáng đức tin không thể phát xuất từ chính chúng ta, mà phải đến từ một Nguồn nguyên thủy nhất, xét cho cùng, là đến từ chính Thiên Chúa. Đức tin nảy sinh trong cuộc gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống, Đấng kêu gọi chúng ta và mạc khải Tình yêu của Ngài cho chúng ta, một tình yêu đi bước trước chúng ta và làm nền tảng cho ta đứng vững và xây dựng cuộc sống mình".

"Các tác giả Phúc âm đã đặt giờ Chúa chịu treo trên Thánh Giá như là chóp đỉnh của cái nhìn đức tin, vì trong giờ ấy chiếu tỏa rực rỡ chiều cao và chiều rộng của Tình yêu Thiên Chúa. Thánh Gioan đưa ra lời chứng long trọng của ngài khi ngài cùng với Đức Mẹ, Mẹ của Đức Giêsu chiêm ngắm Đấng Bị Đâm Thâu (x. Ga 19, 37): "Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin" (Ga 19, 35). Chính khi chiêm ngắm Đức Giêsu chịu chết mà đức tin của chúng ta được củng cố và có được một ánh sáng chói lọi, chính khi nó mạc khải cho chúng ta như một niềm tin vào Tình yêu không lay chuyển của Người dành cho chúng ta, một tình yêu có thể đi vào cái chết để cứu độ chúng ta. Tình yêu này, vốn không tự miễn chước sự chết để bộc lộ Người yêu thương ta dường nào, là một tình yêu có thể tin được. Tình yêu ấy bộc lộ ra trong toàn thể thắng vượt mọi nghi ngờ và cho phép ta đặt hoàn toàn tin cậy vào Đức Kitô.

"Nếu như tình yêu cần đến sự thật, thì sự thật cũng cần đến tình yêu. Tình yêu và sự thật không thể tách biệt nhau. Không có tình yêu, sự thật trở thành lạnh lùng, phi ngã vị, áp bức trên đời sống cụ thể của con người. Sự thật mà chúng ta tìm kiếm, sự thật đem lại ý nghĩa cho những bước đường ta đi, sự thật ấy sẽ soi chiếu chúng ta khi ta được tình yêu chạm đến. Ai yêu thương sẽ hiểu rằng tình yêu là kinh nghiệm sự thật, rằng chính tình yêu mở mắt chúng ta ra để nhìn thấy toàn thể thực tại một cách mới mẻ, trong khi kết hiệp với người mình yêu".

"Thánh Gioan Phaolô II, trong thông điệp Fides et Ratio, đã cho thấy đức tin và lý trí củng cố cho nhau như thế nào. Khi ta có ánh sáng viên mãn của tình yêu của Đức Giêsu, chúng ta khám phá ra rằng trong mỗi tình yêu của ta đã có mặt một tia của ánh sáng ấy rồi và chúng ta hiểu đâu là cùng đích của nó".

"Ánh sáng của đức tin vào Chúa Giêsu cũng soi sáng hành trình của tất cả những ai tìm kiếm Thiên Chúa, và góp phần mình cho Kitô giáo trong cuộc đối thoại với các tín đồ của các tôn giáo khác".

“Người tin thì hoàn toàn dấn thân sống đức tin mình tuyên xưng. Đức Maria nhờ kết hợp với Chúa Giêsu, sống sát với những gì mà chúng ta tin". Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta nhìn lên Đức Maria, “mẫu mực hoàn hảo” của Đức Tin, Đấng, vì là Mẹ Chúa Giêsu, đã tượng thai “đức tin và niềm vui”.

Lạy Chúa Giêsu, xin đốt lên trong chúng con ngọn lửa từ trái tim yêu thương của Chúa, để chúng con soi sáng những ai còn ngồi trong tăm tối, sưởi ấm những ai đang lạnh lùng, thanh luyện những cõi lòng chai đá, để khắp nơi trên trái đất này tràn đầy ánh lửa tình yêu Chúa. Amen.