Kính mến Chúa – yêu thương người là hai điều răn trọng nhất mà mỗi Kitô hữu đều thuộc nằm lòng từ khi học giáo lý khai tâm. Nhưng hiện nay lối sống thực dụng ngày càng ăn sâu vào đời sống văn hóa của xã hội. Các giá trị sống, giá trị đạo đức tinh thần, lòng bao dung nhân ái, tình thương yêu đồng loại, sự hy sinh... đang dần bị thế chỗ bởi chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa duy lợi và chủ nghĩa cá nhân khiến con người không còn cảm giác trước nỗi đau của đồng loại.
Sự vô cảm, hay nói đúng hơn là một trạng thái tinh thần, mà khi ở trong đó, con người không có một tý cảm xúc hay tình cảm mang tính nhân bản nào đối với những sự vật, sự việc diễn ra xung quanh họ, trước mắt họ, miễn là không đụng chạm trực tiếp đến lợi ích cá nhân của họ là được. Sự thản nhiên của con người trước nỗi đau đồng loại càng nhiều, sự vô cảm càng nảy nở.
Trong Tin Mừng ta thấy Chúa Giêsu cũng nói đến sự vô cảm: "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.
Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác." (Lc 10, 30-35)
Dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành được Thánh Luca thuật lại sau tường thuật về một người thông luật hỏi Chúa Giêsu để thử Người về lề luật. Thầy tư tế và thầy Lê-vi là những người am hiểu về Luật nên họ cũng biết quá rõ "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình".
Nhưng họ đang lên Đền thờ, họ thấy nạn nhân nhưng không biết anh ta sống chết thế nào. Nếu nạn nhân chết rồi mà họ đụng chạm vào thây ma, họ sẽ bị ô uế không lên Đền thờ phục vụ được. Lí do chính đáng quá, công việc tế tụng ở Đền thờ quan trọng hơn; vả lại nên để những công việc tầm thường này cho những người thấp hèn, những người có địa vị kém hơn mình! Không nói ra, nhưng Đức Giêsu không chấp nhận thái độ chấp kinh tới mức vô cảm của hai vị tăng lữ nói trên.
Lạy Chúa, cũng như người thông luật kia, nhiều lần con cũng tự hỏi: “ai là người thân cận, là anh em của con? ” Chắc hẳn những người cùng chung con đường Kitô hữu là người thân cận, là những người anh em của con. Họ đã chia sẻ với con những lời kinh nguyện, cùng đồng hành với con trong việc tông đồ bác ái, trong các công việc phục vụ cộng đồng giáo xứ. Thật dễ dàng để con nhận ra người anh em của mình. Nhưng khi họ bị áp bức, bất công … con yếu hèn không dám lên tiếng bênh vực chia sẻ với những lí do đầy khôn ngoan ngụy biện.
Có phải là anh em của con khi buổi sáng đón xe đến chỗ làm, con đã gặp một bà mẹ rách rưới bồng đứa con thơ với ánh mắt và bàn tay chìa ra van xin giúp đỡ trong dòng người tấp nập, vất vả mưu sinh. Có phải là anh em con khi những người vì hoàn cảnh nào đó đã phải từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn đến đây để cầu mong gầy dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Có phải là anh em con với ánh mắt buồn bã qua khung cửa lưới hẹp của chiếc xe chở phạm nhân mà con đã chợt bắt gặp trong một sáng rong chơi. Có phải là anh em con là những bệnh nhân, những bệnh nhi… đang vật vã với những cơn đau vì không có đủ tiền chữa trị … và còn nhiều nữa những mảnh đời bất hạnh. Họ nhiều quá, họ đến từ muôn hướng. Làm sao để con nhận diện được anh em của con?
Cũng có lúc con lí luận rằng hiện nay thật giả khó lường. Con muốn giúp đỡ những người nghèo khó, hoạn nạn nhưng không biết ai đích thực nghèo khó, hoạn nạn. Thôi thì đành ngó lơ cho lương tâm khỏi cắn rứt.
Chiều tan trường, lẫn trong đám đông phụ huynh đón con em trước cổng là một bà cụ già tay chống gậy, tay ngửa xin bố thí. Con vội phóng xe qua với ý nghĩ nếu mình dừng lại sẽ làm dòng người bị ùn tắc và chợt thấy 1 em học sinh nhỏ tiến lại bỏ vào tay cụ 1 đồng tiền giấy mà con nghĩ chắc cũng không nhiều nhặn gì. Nhìn ánh mắt và vẻ mặt hớn hở của em khi làm được một việc thiện lòng con như chùng lại và những lí lẽ so đo trước sau như chợt tan biến.
Lạy Thánh tâm Chúa Giêsu, xin cho con biết rung động trước những nghĩa cử đẹp, và biết chia sẻ trước những bất hạnh trái ngang. Bao nhiêu lần vì mệt mỏi, hoặc vì vô tình, vì ích kỷ hoặc vì sợ hãi, con đã nhắm mắt, con không muốn nhìn thực tại! Con không muốn can dự, không muốn dấn thân sâu xa và tích cực vào đời sống và những nhu cầu của anh em gần xa của con.
Xin cho con nhớ rằng có Chúa đang ở trong mỗi con người trong tình cảnh đau khổ. Mỗi người, đẹp hay xấu, tài giỏi hay không, ngay từ lúc đầu tiên trong lòng mẹ hay là ở tuổi già, đều là hình ảnh của Chúa. Xin cho con biết sống cho đi và hi sinh cho những người anh em của con bằng những công việc bác ái và kinh nguyện để xứng đáng là một chứng nhân loan truyền lòng yêu thương của Thánh tâm Chúa Giêsu. Amen.
Sự vô cảm, hay nói đúng hơn là một trạng thái tinh thần, mà khi ở trong đó, con người không có một tý cảm xúc hay tình cảm mang tính nhân bản nào đối với những sự vật, sự việc diễn ra xung quanh họ, trước mắt họ, miễn là không đụng chạm trực tiếp đến lợi ích cá nhân của họ là được. Sự thản nhiên của con người trước nỗi đau đồng loại càng nhiều, sự vô cảm càng nảy nở.
Trong Tin Mừng ta thấy Chúa Giêsu cũng nói đến sự vô cảm: "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.
Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác." (Lc 10, 30-35)
Dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành được Thánh Luca thuật lại sau tường thuật về một người thông luật hỏi Chúa Giêsu để thử Người về lề luật. Thầy tư tế và thầy Lê-vi là những người am hiểu về Luật nên họ cũng biết quá rõ "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình".
Nhưng họ đang lên Đền thờ, họ thấy nạn nhân nhưng không biết anh ta sống chết thế nào. Nếu nạn nhân chết rồi mà họ đụng chạm vào thây ma, họ sẽ bị ô uế không lên Đền thờ phục vụ được. Lí do chính đáng quá, công việc tế tụng ở Đền thờ quan trọng hơn; vả lại nên để những công việc tầm thường này cho những người thấp hèn, những người có địa vị kém hơn mình! Không nói ra, nhưng Đức Giêsu không chấp nhận thái độ chấp kinh tới mức vô cảm của hai vị tăng lữ nói trên.
Lạy Chúa, cũng như người thông luật kia, nhiều lần con cũng tự hỏi: “ai là người thân cận, là anh em của con? ” Chắc hẳn những người cùng chung con đường Kitô hữu là người thân cận, là những người anh em của con. Họ đã chia sẻ với con những lời kinh nguyện, cùng đồng hành với con trong việc tông đồ bác ái, trong các công việc phục vụ cộng đồng giáo xứ. Thật dễ dàng để con nhận ra người anh em của mình. Nhưng khi họ bị áp bức, bất công … con yếu hèn không dám lên tiếng bênh vực chia sẻ với những lí do đầy khôn ngoan ngụy biện.
Có phải là anh em của con khi buổi sáng đón xe đến chỗ làm, con đã gặp một bà mẹ rách rưới bồng đứa con thơ với ánh mắt và bàn tay chìa ra van xin giúp đỡ trong dòng người tấp nập, vất vả mưu sinh. Có phải là anh em con khi những người vì hoàn cảnh nào đó đã phải từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn đến đây để cầu mong gầy dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Có phải là anh em con với ánh mắt buồn bã qua khung cửa lưới hẹp của chiếc xe chở phạm nhân mà con đã chợt bắt gặp trong một sáng rong chơi. Có phải là anh em con là những bệnh nhân, những bệnh nhi… đang vật vã với những cơn đau vì không có đủ tiền chữa trị … và còn nhiều nữa những mảnh đời bất hạnh. Họ nhiều quá, họ đến từ muôn hướng. Làm sao để con nhận diện được anh em của con?
Cũng có lúc con lí luận rằng hiện nay thật giả khó lường. Con muốn giúp đỡ những người nghèo khó, hoạn nạn nhưng không biết ai đích thực nghèo khó, hoạn nạn. Thôi thì đành ngó lơ cho lương tâm khỏi cắn rứt.
Chiều tan trường, lẫn trong đám đông phụ huynh đón con em trước cổng là một bà cụ già tay chống gậy, tay ngửa xin bố thí. Con vội phóng xe qua với ý nghĩ nếu mình dừng lại sẽ làm dòng người bị ùn tắc và chợt thấy 1 em học sinh nhỏ tiến lại bỏ vào tay cụ 1 đồng tiền giấy mà con nghĩ chắc cũng không nhiều nhặn gì. Nhìn ánh mắt và vẻ mặt hớn hở của em khi làm được một việc thiện lòng con như chùng lại và những lí lẽ so đo trước sau như chợt tan biến.
Lạy Thánh tâm Chúa Giêsu, xin cho con biết rung động trước những nghĩa cử đẹp, và biết chia sẻ trước những bất hạnh trái ngang. Bao nhiêu lần vì mệt mỏi, hoặc vì vô tình, vì ích kỷ hoặc vì sợ hãi, con đã nhắm mắt, con không muốn nhìn thực tại! Con không muốn can dự, không muốn dấn thân sâu xa và tích cực vào đời sống và những nhu cầu của anh em gần xa của con.
Xin cho con nhớ rằng có Chúa đang ở trong mỗi con người trong tình cảnh đau khổ. Mỗi người, đẹp hay xấu, tài giỏi hay không, ngay từ lúc đầu tiên trong lòng mẹ hay là ở tuổi già, đều là hình ảnh của Chúa. Xin cho con biết sống cho đi và hi sinh cho những người anh em của con bằng những công việc bác ái và kinh nguyện để xứng đáng là một chứng nhân loan truyền lòng yêu thương của Thánh tâm Chúa Giêsu. Amen.