Đó là nhận định của Elise Harris trên tạp chí Crux số ngày 3 tháng 5, 2019. Nữ ký giả này cho rằng chuyến đi “có thể là trường hợp điển hình những chuyện lớn phát xuất từ những điều nhỏ mọn. Vì dù hai quốc gia này thuộc loại ngoại vi và nhỏ bé, nhưng chuyến viếng thăm của ngài mang nhiều ý nghĩa thuộc nhiều bình diện khác nhau cả về phương diện tôn giáo lẫn phương diện chính trị.



Một đàng, sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng tại hai quốc gia trước đây do Cộng Sản thống trị nơi người Công Giáo là thiểu số nhỏ nhoi sẽ là một khích lệ lớn lao cho số dân Công Giáo địa phương, ngày càng trẻ trung hơn, đang cố gắng sống đức tin của họ trong một bối cảnh xã hội chính trị trong đó, tự do tôn giáo thời hậu cộng sản, xét về nhiều mặt, vẫn còn là một ý niệm mới mẻ, đang trên đà khai triển.

Chuyến viếng thăm của ngài cũng đáng kể về mặt đại kết, vì các Kitô hữu Chính Thống chiếm đa số dân trong cả hai nước. Đại kết vốn là hòn đá góc của triều giáo hoàng Phanxicô và chuyến ngài viếng thăm các vị lãnh đạo các giáo hội Chính Thống Bảo Gia Lợi và Macedonia sẽ giúp củng cố các mối liên hệ của Vatican với cộng đồng Chính Thống tại Đông Âu.

Về bình diện chính trị, nghị trình xã hội của Đức Phanxicô cũng sẽ được làm nổi bật khi xử lý các vấn đề như nghèo đói và di dân. Bảo Gia Lợi vốn là quốc gia nghèo nhất Châu Âu, còn Macedonia, vốn nghèo nhất trong các cộng hòa Yugoslav thời tiền cộng sản, vẫn đang trong diễn trình phục hồi.

Vươn tay ra với người nghèo và những người bị đẩy qua bên lề chắc chắn sẽ mang một ý nghĩa đặc biệt khi Đức Giáo Hoàng đến viếng thăm Skopje, Macedonia, nơi sinh của Thánh Teresa Calcutta, được Đức Thánh Cha Phanxicô phong hiển thánh năm 2017 và vốn nổi tiếng đã hiến đời mình phục vụ “những người nghèo nhất trong số những người nghèo” trong các khu bùn lầy nước đọng ở Ấn Độ.

Giáo hội và nhà nước

Mặc dù chủ nghĩa cộng sản ở Macedonia và Bảo Gia Lợi đã có những hình thức khác nhau từ giữa những năm 1940 đến đầu những năm 1990, nhưng tác động của nó vẫn được cảm nhận cho đến ngày nay, nhất là trong nền kinh tế và giữa các cộng đồng tôn giáo từng bị đàn áp dữ dội.



Hầu hết chế độ cộng sản ở Macedonia là dưới thời Joseph Braz Tito, người nổi tiếng là nhà lãnh đạo cộng sản duy nhất thời ấy đã phá vỡ mối liên hệ với Liên Xô và thi hành hệ thống riêng, khiến ông được nổi tiếng.

Cuộc đàn áp tôn giáo dưới thời Tito khá nhỏ so với hầu hết các quốc gia cộng sản khác vào thời điểm đó. Mặc dù chế độ chính thức khó chịu đối với tôn giáo, Giáo hội Chính thống giáo Macedonia, vốn được độc lập vào năm 1967, được phép hiện hữu và hoạt động tự do, trong khi các cộng đồng khác, trong đó có Hồi giáo, Công Giáo và Kitô giáo Thệ phản, được phép thực hành dưới những hạn chế nhất định.

Tại Bảo Gia Lợi, Chính thống giáo được đối xử ưu ái để đổi lấy sự phục tùng nhà nước, trong khi người Công Giáo và các cộng đồng tôn giáo khác phải đương đầu với một cuộc bách hại công khai. Tài sản bị tịch thu, giáo sĩ và tín hữu bị cầm tù, quấy rối hoặc thậm chí bị giết, và các tín hữu có ít quyền hợp pháp.

Khi nói đến mối liên hệ giữa Giáo hội và nhà nước ngày nay, ít nhất nơi người Công Giáo, tình hình tuy không thù địch nhưng phần lớn thờ ơ vì số lượng nhỏ người Công Giáo ở mỗi quốc gia.

Nói với Crux, Gonzalo Sanz, một người Công Giáo từ Tây Ban Nha đến làm việc cho công ty AD về thị trường năng lượng và sống ở Bảo Gia Lợi trong 1 thập niên qua, cho biết các mối liên hệ với chính phủ “không phải là không hiện hữu”, nhưng chúng “ không được nghĩ tới mấy".

Tuy nhiên, anh cho biết, có sự tôn trọng rất lớn đối với “các vị tử đạo thời cộng sản”, và đối với các giám mục và linh mục đã cương quyết không từ bỏ đức tin của họ trước các đe dọa của chính phủ.

Sanz cho biết, hầu hết các cuộc tranh đấu hiện nay là về các vấn đề như ý thức hệ phái tính, do chính phủ thúc đẩy chỉ để bị phản đối bởi người Chính thống giáo, Công Giáo và Thệ phản, khiến vấn đề này trở thành vấn đề thống nhất hóa đối với mọi cộng đồng Kitô giáo.

Đức Giám Mục Kiro Stojanov của Skopje cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với trang web Công Giáo “katolici.mk”, rằng ở Macedonia, có mối liên hệ chặt chẽ hơn với chính phủ, nơi có một ủy ban về liên hệ giữa các Giáo hội và các cộng đồng và nhóm tôn giáo.

Hiến pháp bảo đảm tự do tôn giáo, chính thức công nhận Giáo hội Chính thống giáo Macedonia với Tòa tổng giám mục Ohrid (MPC-OA), Hồi giáo, Công Giáo, Giáo hội Methodist Thệ phản và các cộng đồng Do Thái giáo, mà các nhà lãnh đạo đuợc tổ chức các cuộc họp thường xuyên.

Đức Cha Stojanov nói “Có thể nói rằng có các mối liên hệ tốt đẹp giữa các nhóm, mặc dù luôn có cơ hội để cải thiện”. Ngài nói thêm rằng ở bình diện chính phủ, “tự do tôn giáo đang trong giai đoạn chuyển tiếp, như trường hợp các nước khác đang trong diễn trình chuyển tiếp. Điều dễ hiểu là mọi sự đang trong diễn trình hướng tới một nền dân chủ hoàn hảo hơn”.

Một cộng đồng nhỏ bé giữa lòng Chính thống giáo

Ở cả hai quốc gia, Đức Phanxicô sẽ được chào đón bởi các cộng đồng Công Giáo nhỏ nhưng đang phát triển. Ở Bảo Gia Lợi, người Công Giáo chiếm khoảng 0,5% dân số 7.1 triệu người, trong khi ở Macedonia, họ chỉ là 1% trong số 2 triệu dân.



Xét về mối liên hệ giữa người Công Giáo và Chính thống giáo, tình hình, dù khác nhau ở mỗi quốc gia, phần lớn là thân ái giữa các tín hữu bình thường nhưng đôi khi căng thẳng giữa các hàng giáo phẩm, đặc biệt là ở Bảo Gia Lợi.

Trong các bình luận ngỏ với Crux, Cha Pavo Sekerija, giám đốc Caritas Macedonia, một tổ chức từ thiện của Đức Giáo Hoàng nhằm phục vụ cả người Công Giáo lẫn người ngoài Công Giáo trong khu vực và hướng dẫn các tình nguyện viên cho chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, về sự đa dạng của các cộng đồng tôn giáo, đã nói rằng “mối liên hệ ấy là sự phong phú lớn nhất và cũng là thách thức lớn nhất của chúng tôi”.

Tâm tư trên đã được Cha Boris Stoykov lặp lại; ngài là cha xứ tại giáo xứ Đức Mẹ Lên Trời ở Zhitnitsa; Ngài nói với Crux rằng ở đất nước ngài, các liên hệ giữa giáo dân tốt đẹp nhưng có “nhiều khó khăn” khi đụng tới hàng giáo sĩ.

Ngài nói “Có nhiều khoan dung và tôn trọng bởi vì ở đây, ở Bảo Gia Lợi, có nhiều đại diện của một số tín phái tôn giáo. Đây là một quốc gia trong đó có nhiều người Hồi giáo hơn người Công Giáo, vì vậy các mối liên hệ giữa giáo dân tốt hơn, nhưng có khó khăn hơn nơi hàng giáo phẩm”.

Tương tự như thế, Sanz nói rằng anh đã nói chuyện với một số linh mục ở Bảo Gia Lợi; các ngài kể lại việc nhìn vào các cộng đoàn của các ngài trong một số Thánh lễ Chúa Nhật và thấy rằng gần một nửa là người Chính thống giáo, và các ngài hy vọng nhiều người Chính thống giáo sẽ tham dự Thánh lễ ngày 6 tháng 5 của Đức Phanxicô tại Rakovsky; trong thánh lễ này, ngài sẽ cho khoảng 200 trẻ em rước lễ lần đầu.

Sanz cho biết, lý do là vì mặc dù việc tham dự thánh lễ hàng tuần là điều bắt buộc đối với người Công Giáo, nhưng không bắt buộc đối với người Chính thống giáo, nghĩa là tín hữu Chính thống giáo muốn đi lễ Chúa Nhật luôn có thể làm như vậy tại một giáo xứ Công Giáo.

Anh nói rằng ngôn ngữ được sử dụng trong phụng vụ cũng tạo sự khác biệt, vì các buổi phụng vụ của Chính thống giáo được cử hành theo truyền thống bằng các ngôn ngữ cổ trong khi các buổi phụng vụ của Công Giáo được cử hành bằng tiếng Bảo Gia Lợi, làm cho Thánh lễ dễ theo dõi hơn. Anh cho biết mỗi năm có khoảng 40-50 người gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

Sanz cho hay: Tuy nhiên, ở bình diện thể chế, nhiều lần các giám mục Chính thống đối xử với các đối tác Công Giáo của họ, như thể người Công Giáo không hiện hữu; anh lưu ý rằng dù sẽ có một cuộc gặp gỡ đại kết với các nhà lãnh đạo Chính thống giáo ở Macedonia, Giáo hội Chính thống Bảo Gia Lợi, vốn có truyền thống trung thành với Mạc tư khoa, nên đã từ chối giúp đỡ việc tổ chức chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, chỉ đồng ý gặp Đức Phanxicô thôi chứ không có gì khác hơn.

Sanz nhận định: Hầu hết sự căng thẳng này xuất phát từ cảm thức duy quốc gia, nhưng dù vậy, các cộng đồng tôn giáo vẫn có thể hợp tác qua các hoạt động bác ái và chiến đấu để duy trì bản sắc Kitô giáo của Bảo Gia Lợi giữa các áp lực thế tục.

Ở Macedonia, các liên hệ có xu hướng ấm áp hơn. Đức Cha Stojanov cho biết trong cuộc phỏng vấn của ngài rằng một phái đoàn đại diện cho cả Chính thống giáo lẫn Công Giáo đang thực hiện một cuộc hành hương hàng năm đến Rôma để viếng mộ của Thánh Cyril, một vị thánh rất được tôn kính trong cả hai truyền thống.

Ngoài ra, còn có một hội đồng liên tôn, tổ chức các cuộc họp thường xuyên, trong đó các nhà lãnh đạo của mọi cộng đồng tôn giáo tập hợp để thảo luận các vấn đề liên quan đến luật pháp, nhân quyền, luân lý và đạo đức. Họ thường xuyên đến thăm nhau vào các ngày lễ và các cuộc họp cá nhân không phải là điều bất thường.

Đức Cha Stojanov cho biết “Nguyên tắc căn bản không những chỉ là sự khoan dung, mà còn có sự hợp tác, tôn trọng lẫn nhau và đóng góp chung nhằm vào các tín hữu và tất cả những người có thiện chí”.

Cha Sekerija thì lưu ý rằng có lần, Đức Phanxicô đã nói rằng, “nơi duy nhất không có xung đột là nghĩa trang”, ý muốn nói các căng thẳng sẽ tồn tại chừng nào con người còn tồn tại. Ngài kêu gọi phải giáo dục người ta hơn nữa “chịu học tập để chấp nhận sự đa dạng và sống như một khả thể chứ không như một rào cản”.

Mẹ Teresa và một “nụ hôn cho người nghèo”

Có lẽ đặc điểm xác định chuyến đi của Đức Giáo Hoàng đến Macedonia và Bảo Gia Lợi sẽ là một tập chú vào cảnh nghèo. Đức Giáo Hoàng, người vốn kêu gọi một Giáo hội nghèo cho người nghèo, sẽ đến thăm nơi sinh của Mẹ Teresa, người đã dành cả cuộc đời của mình để phục vụ những người nghèo nhất trong số những người nghèo.



Macedonia và Bảo Gia Lợi đều là những quốc gia nghèo. Bảo Gia Lợi hiện có mức lương tối thiểu thấp nhất ở châu Âu, khoảng $ 319 một tháng, so với Hy Lạp, nơi mức lương tối thiểu là $ 765 và Bỉ, với $ 1,782 một tháng.

Một viên chức liên đoàn lao động gần đây đã nói rằng, “Bảo Gia Lợi là Bangladesh của châu Âu”, nghĩa là họ làm hàng hóa giá rẻ cho các công ty nước ngoài để xuất khẩu đi nơi khác.

Tại Macedonia, ước tính 39,4% dân số hơn 2 triệu người sống dưới mức nghèo, nghĩa là khoảng 600,000 cá nhân hiện đang sống trong nghèo đói, với nạn thất nghiệp là một trong những nguyên nhân lớn nhất.

Trong khi ở Bảo Gia Lợi ngày 6 tháng 5, Đức Phanxicô sẽ đến thăm một trại tị nạn ở quận Vrazhdebna của Sofia. Đặt tên theo quận, trại được mở hồi tháng 9 năm 2013 khi những người di cư bắt đầu ồ ạt đổ vào châu Âu.

“Trại” thực ra là một ngôi trường bỏ hoang được sửa chữa làm nơi trú ngụ cho di dân và người tị nạn trên đường đến các nước khác khắp châu Âu. Gần 500 người đã được chào đón khi trung tâm lần đầu tiên mở cửa, với 20 người có lúc bị nhồi nhét vào cùng một căn phòng.

Theo Sanz, hiện chứa khoảng 300 người, hầu hết đến từ Syria và Afghanistan, trung tâm vào năm 2014 đã được Quỹ tị nạn châu Âu tài trợ 80% và 20% từ ngân sách quốc gia. Nó cung cấp các lớp học ngôn ngữ và chăm sóc y tế, với hầu hết các vật tư được cung cấp bởi hội Các Bác sĩ Không Biên giới, cũng như các bữa ăn, phòng tắm và chỗ ngủ.

Đức Phanxicô cũng sẽ gặp gỡ những người nghèo trong khi ngài đến Macedonia vào ngày 7 tháng 5, một điểm dừng chân được tổ chức bởi Dòng truyền giáo Bác ái của Mẹ Teresa.

Theo Cha Sekerija, những người nghèo tham dự trải nghiệm được “tình yêu và sự gần gũi” của các nữ tu trên căn bản hàng ngày, tuy nhiên, họ bị hạn chế về không gian. Trong cuộc gặp gỡ, các nữ tu Dòng Truyền giáo Bác ái sẽ phân phát các bữa ăn nóng hổi.

Đức Cha Stojanov nói “Các bạn đã biết trong các chuyến đi của ngài, Đức Giáo Hoàng không bao giờ quên người nghèo. Tôi muốn nói chuyến thăm này cho thấy một cách tượng trưng ‘một nụ hôn cho người nghèo’”.

Một Giáo hội trẻ trung

Kitô giáo ở Bảo Gia Lợi và Macedonia có xu hướng trẻ trung, tự hào có nhiều gia đình trẻ đang hoạt động và tham gia vào các cộng đồng giáo xứ. Như ngài quen làm trong gần như mọi chuyến viếng thăm quốc tế, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ những người trẻ tuổi trong biến cố đại kết và liên tôn với giới trẻ Macedonia vào ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm.

Nói về đức tin sâu sắc của người Công Giáo ở Bảo Gia Lợi, Đức Cha Stoykov nói với Crux rằng "sự kiện sau 45 năm cộng sản, những người này, những người Công Giáo ở Bảo Gia Lợi này, vẫn duy trì được đức tin của họ, với tôi, là một phép lạ nhỏ của ơn thánh vì áp lực của chế độ chống lại Giáo hội rất mạnh mẽ".

Đức Cha cho hay: Ở Rakovsky, một trong những thành phố lớn nhất ở Bảo Gia Lợi, nơi sẽ cử hành Thánh lễ và rước lễ lần đầu cho khoảng 200 trẻ em, có 17,000 cư dân và trong số đó, “có nhiều người sẽ tới tham dự Thánh lễ Chúa Nhật, trong đó có cả người trẻ”. Ngài nói thêm rằng thế hệ trẻ đã không từ bỏ đức tin”.

Theo Sanz, sau chuyến viếng thăm của Thánh Gioan Phaolô II tại Bảo Gia Lợi vào năm 2002 “đã có một sự bùng nổ ơn gọi”, hầu hết là làm linh mục hoặc đời sống tu trì. Hầu hết người Công Giáo đều tin tưởng rằng sự phấn khích y như thế sẽ diễn ra sau chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô và Giáo hội địa phương sẽ nhận được “một hồng ân” sau khi chào đón Đức Thánh Cha.

Sanz nhận định “Bảo Gia Lợi là một Giáo hội trẻ trung”; anh giải thích hiện anh đang hợp tác trong một dự án mở trường Công Giáo đầu tiên ở nước này sau thời cộng sản. Trong thời kỳ cộng sản, ba trường Công Giáo ở Sofia đã bị đóng cửa, và cho đến ngày nay, không có trường nào đã mở cửa lại.

Mặc dù các trường tôn giáo ở Bảo Gia Lợi về mặt kỹ thuật vẫn bị cấm, dự án đang diễn tiến và được đăng ký như một trường học thông thường, phi tôn giáo có tên là “Regina Sofia” (Nữ Vương Sofia). Tuy nhiên, Sanz cho biết các viên chức giáo dục của chính phủ biết rõ nguồn gốc Công Giáo của trường, và thậm chí đã xin vé tham dự Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng.

Anh nói, Bảo Gia Lợi “là một Giáo hội đang lớn dần”, nơi các chỗ thờ phượng đang được xây dựng “tại các khu vực ưu đãi, nơi trước đây không có nhà thờ nào”.

Nói về cuộc gặp gỡ sau cùng giữa các người trẻ liên tôn mà Đức Giáo Hoàng sẽ tổ chức ở Macedonia, Đức Cha Stojanov bày tỏ hy vọng cuộc gặp gỡ sẽ “cải thiện hơn nữa sự chung sống và hợp tác với người khác và với những người khác với chúng ta, như một chính nghĩa làm phong phú lẫn nhau, chứ không phải một điều khiến chúng ta xa cách nhau”.

Đức Cha cho rằng “tuổi trẻ như một phạm trù là những người cởi mở nhất đối với việc sống chung trong tương lai”; ngài giải thích rằng họ sẽ có cơ hội đặt các câu hỏi với Đức Giáo Hoàng.

Và theo ngài, thông điệp của Đức Giáo Hoàng gửi giới trẻ sẽ là “Magna Carta” (Đại Hiến Chương) cho nền mục vụ giới trẻ, “cũng như một khích lệ đối với việc chung sống và hợp tác của các thế hệ trẻ trong tương lai, không chia rẽ trên cơ sở đức tin và quốc gia.