THÁNH LỄ VỌNG PHỤC SINH: CÂU CHUYỆN VỀ “NGÔI MỘ TRỐNG”

Dẫn nhập : Kính thưa ông bà anh chị em,

Lời đầu tiên của tôi trong giây phút trang trọng và đầy hân hoan nầy là xin được gởi đến tất cả anh chị em, có mặt cũng như vắng mặt, lời chúc mừng Phục Sinh tràn trào niềm vui và ân sủng Thánh Thần; và tôi cũng muốn tất cả anh chị em hãy cùng chúc cho nhau một lễ Phục Sinh đầy tràn tình yêu và bình an của Thiên Chúa qua một tràng pháo tay thật nồng nhiệt ….

Kính thưa ông bà anh chị em,

Câu chuyện của chúng ta và của mọi thế hệ Kitô hữu dành để chia sẻ cho nhau trong Đêm Hồng nầy vẫn chỉ là câu chuyện về “một Ngôi Mộ Trống”, ngôi mộ táng xác một người mang tên Giêsu Na-da-rét, bị kết án chết trên thập giá, được chôn táng đàng hoàng ở đó chiều Thứ Sáu, nhưng sáng sớm Ngày Thứ Nhất trong tuần sau đó hai hôm, được các người phụ nữ thân quen đi thăm phát hiện nhiều chuyện hi hữu lạ lùng : nào là “Ngôi mộ không còn xác”, nào họ đã gặp các thiên sứ báo tin Thầy Giêsu đã sống lại, và nhất là liền sau đó, chính Đức Kitô Phục Sinh đích thân gặp họ và truyền cho họ loan báo “Tin Mừng Phục Sinh” cho các môn sinh của Ngài. Cái câu chuyện về “Ngôi Mộ Trống” cử tưởng chỉ là một chuyện nhỏ, như một cơn sóng xô bờ rồi tan đi với thời gian, như những cơn sóng tan trên bãi biển xứ Ga-li-lê nghèo nàn phẳng lặng…Thế nhưng, mọi sự quan trọng và phức tạp lại được bắt đầu từ “Ngôi Mộ Trống” đó, từ cái buổi sáng tinh mơ ”Ngày Thứ Nhất trong tuần”, từ cuộc hội ngộ bất ngờ của những người đang sống và “một người từ cõi chết trở về”, Đức Giêsu, người Na-da-rét, kẻ đã bị quan Philatô, Tổng trấn La-mã kết án khổ hình thập giá, kẻ đã bị những người đồng hương, đám đông dân chúng và hàng tư tế Do Thái giáo khước từ và phỉ nhỗ. Và đã gần 2000 năm qua rồi, câu chuyện về “Ngôi Mộ Trống” cứ sao cứ được nhắc mãi, được kể hoài, được tái hiện, mới mãi, sống động mãi, như câu chuyện của chính ngày hôm nay, của chính giây phút nầy. Và nếu ai có hỏi “tại sao như thế”, thì chúng ta có thể trả lời đơn giản :

1. Ngôi Mộ Trống – Chúa Phục Sinh : câu chuyện của niềm tin :

Vâng đây là niềm tin của chúng ta, của những người kitô hữu. Chúng ta có mặt ở đây đêm nay, cùng với hàng tỷ anh chị em Kitô hữu khác trên khắp địa cầu, là để cử hành một mầu nhiệm căn cốt của đức tin Kitô giáo, mầu nhiệm Chúa Kitô phục sinh, một biến cố trọng tâm mà nếu sự thật chỉ là một cuộc lừa đảo, một sự bịa đặt, thì đừng nói là cuộc tập họp đêm nay hay các ngày Chúa Nhật, mà cả cái tên Kitô hữu vĩnh viễn sẽ không xuất hiện trong thế giới nầy. Mặc cho ai nói rằng : chết là hết; mặc cho ai tin rằng, không có quyền lực nào làm cho một người sống lại…thì chúng ta, những người Kitô hữu, vẫn cứ xác tín và tuyên xưng rằng : Đức Kitô, Chúa chúng ta, đã sống lại, đã chiến thắng tử thần, đã đập tan âm phủ và khải hoàn tiến vào vương quốc phục sinh.

Mừng Chúa Phục Sinh đêm nay, một lần nữa chúng ta tin rằng : đằng sau câu chuyện “Ngôi Mộ Trống” là sự hiện diện đích thực của một “Đấng Phục Sinh”, của một quyền năng có sức mạnh biến cải những trái tim đang đau buồn thất vọng trước nổi khổ đau thập giá thành bừng sáng tin yêu choáng ngợp hân hoan, biến những con người yếu đuối nhát sợ chạy tán loạn trước cái chết của Thầy, đã mạnh mẽ đứng lên lấy cái chết mà “làm chứng” Thầy mình đã sống lại và đang sống. Sự thuyết phục lạ lùng nầy của đức tin vào Đấng Phục sinh nào có phải được đổi chác mua chuộc với bạc tiền, hay bị ép buộc phải tin trước lưởi lê hay đầu súng !…Chúng ta đừng quên rằng, ngay từ thuở ban đầu khi Tin Mừng Phục Sinh mới vừa được công bố, các quan chức Do Thái giáo đã dùng tiền bạc đút lót để hòng dập tắt sự kiện nầy; và họ cứ ngỡ rằng : bằng viên đá to lấp cửa mộ, bằng vài tên lính canh đứng gác bên ngoài, bằng dấu triện niêm phong của quan tổng trấn…vĩnh viễn cái xác của Giêsu Na-da-rét sẽ chết thúi trong mồ và tên của Giêsu Na-da-rét sẽ sớm chìm vào sọt rác của thời gian !

Đêm nay, một lần nữa, chúng ta xác tín và tuyên xưng niềm tin “Chúa đã sống lại”, niềm tin của những con người đã từng gặp gỡ, đã sống, đã cận kề, đã sẵn sàng chịu ngục tù, đòn vọt và cả cái chết để “làm chứng” và truyền lại cho chúng ta như Tông Đồ Gioan đã phát biểu : “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống….chúng tôi loan báo cho cả anh em để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi” (1 Ga 1, 1.3); và nếu phải nại đến một luận chứng nào nữa để biện minh cho niềm tin phục sinh, thì chúng ta không ngần ngại dùng chính lời của Thánh Phaolô Tông Đồ, một con người đã từng ghét cay ghét đắng cái đạo Kitô, đã từng hăng hái tham gia ném đá chết Stê-pha-nô vì ông nầy dám tuyên xưng Đức Kitô đang sống, nhưng cũng chính là kẻ đã bị Đức Giêsu đánh ngã trên đường Đa-mát để quay lại “180 độ” và tuyên xưng rằng : “Nếu Đức Kitô không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng…Nếu Đức Kitô không sống lại, thì lòng tin của anh em thật hão huyền…Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời nầy mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1 Cr 15, 14.17.19).

Vâng câu chuyện “Ngôi Mộ trống”, câu chuyện “”Đức Kitô phục sinh” mãi mãi, muôn đời, khắp nơi, là câu chuyện của niềm tin căn bản của Kitô giáo, của tất cả chúng ta. Bởi vì câu chuyện nầy, biến cố nầy lại không là một sự kiện đột xuất, tình cờ của lịch sử, nhưng là một “công trình vĩ đại trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa”.

2. Đức Kitô Phục sinh : kịch bản chính của chương trình cứu độ :

Chính trong ý nghĩa nầy mà toàn bộ cử hành phụng vụ đêm nay đã diễn ra như một “kịch bản” trình bày cả một “chương trình cứu độ của Thiên Chúa” khởi đi từ buổi đầu hồng hoang sáng tạo, nơi đó bóng tối phủ ngập trần gian khi con người chối từ sa ngã…để rồi từng bước chuẩn bị ước giao, Thiên Chúa từ từ thực hiện công cuộc cứu độ, cho tới khi toàn thể nhân loại bừng lên ánh vinh quang trong cuộc sống lại Con thiên Chúa. Bài ca “Exultet, Mừng Vui lên” truyền thống của phụng vụ Đêm Vọng Phục Sinh” vang lên cùng ánh lung linh của cây nến Phục sinh là một diễn tả đầy gợi cảm và mang ý nghĩa thâm thúy :

“Chính đêm nay, lạy Cha nhân từ, Cha đã giải thoát cha ông chúng con là dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập, và đưa họ đi qua biển đỏ ráo chân. Chính đêm nay cột lửa sáng rực cả bầu trời đẩy lùi xa bóng tối tăm tội lỗi. Chính đêm nay, tín hữu Đức Kitô, trên khắp mặt địa cầu, được tách khỏi thói đời sa đọa và thoát vòng tội lỗi bủa vây, được trả về tình trạng ân nghĩa và hiệp thông với nguồn thánh thiện. Chính đêm nay Đức Kitô toàn thắng hiển vinh, diệt tử thần, từ âm phủ chỗi dậy…Đêm cực thánh khử trừ muôn tội vạ, đêm vạn năng thanh tẩy hết lỗi lầm, biến tội nhân thành con người công chính, đem vui mừng cho hồn nặng sầu thương…”

Vâng, nhân loại kể từ sau biến cố “Ngôi Mộ Trống” của buổi sáng tinh mơ “Ngày Thứ Nhất trong tuần” cách đây 2000 năm, đã tiến trên một “lộ trình mới”, đã thoát ra khỏi “con đường hầm của thất vọng buồn tênh” mà cái chết như là một căn phần định mệnh chí tử. Đức Kitô đã sống lại và từ đó một nguồn sống mới đã thổi vào trần gian, một niềm hy vọng về sự sống lại và sự sống vĩnh cửu đã được nhen lên giữa miền âm u tử địa, một con đường dẫn tới hy vọng rạng ngời cho kiếp phận vĩnh hằng của nhân loại đã được mở ra. Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay đã khẳng định với chúng ta về điều đó : “Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao ? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới…”. Chính vì thế, Hội Thánh cử hành Đêm cực thánh nầy luôn luôn với tâm tình tri ân cảm tạ, cảm tạ tình thương cứu độ bao la của Thiên Chúa, cảm tạ cuộc Tử nạn hồng phúc và phục sinh vinh quang của Đức Kitô, vì chính nhờ biến cố lạ lùng nầy mà tất cả chúng ta được lãnh nhân hồng ân cứu rỗi, được thoát vòng nô lệ tội lỗi và sự chết để tiến vào cuộc sống của con cái trong Vương quốc vĩnh hằng. Phụng vụ đêm nay đã tràn ngập lời Ha-lê-lu-ia ca tụng Thiên Chúa và tri ân cảm tạ Ngài : “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”, và chính trong bài ca Exultet Mẹ Hội Thánh đã long trọng thốt lên :

Thật là chính đáng và phải đạo khi chúng ta đem hết tâm hồn và muôn lời hoan hỷ để ca tụng Thiên Chúa vô hình là Cha Toàn Năng, và ca tụng Đức Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa, và là Chúa chúng ta. Người đã thay chúng ta dâng lên Cha hằng hữu giá chuộc tội A-đam”.

Quả thật với biến cố “Ngôi Mộ Trống”, Đức Kitô đã vùi lấp tất cả những gánh nặng tăm tối vây bọc phận người, đã đưa về một nguồn suối nước của hy vọng sự sống tưới chan hòa lên sa mạc cuộc đời hoang vu, đã chiếu rọi ánh vinh quang cho trần gian rực lên niềm tin yêu vĩnh cửu. Chính vì thế, chúng ta đêm nay lại một lần nữa hân hoan vui mừng : “Mừng vui lên, hỡi khắp miền dương thế, bốn bề đang rực ánh hào quang : Vua vĩnh cửu nay rạng ngời chiếu sáng, đẩy lùi xa bóng tối của trần gian…” (Exultet).

3. Từ “Ngôi mộ trống”, chúng ta lên đường

Nếu ngày xưa, các người phụ nữ như Maria Mađalêna, các tông đồ như Phêrô, Gioan… chỉ quanh quẩn bên “Ngôi Mộ Trống” để rồi ai nấy ra về trở lại với con đường cũ của mình mà không có gì biến đổi, không một nhắc nhớ, không một nhiệt tình để lên đường, để loan báo, để làm chứng…thì quả thật chả có cái đêm nay, chả có cái đạo Kitô, chả có Ngày Chúa Nhật, chả có Hội Thánh Công Giáo, và chúng ta sẽ không bao giờ là Kitô hữu…

Chính vì thế, sứ điệp phụng vụ đêm nay lại là một gọi mời chúng ta tiếp bước lên đường, tiếp tục lời chứng nguyên thủy của Hội Thánh “Tôi đã gặp Đấng Phục Sinh”, tiếp tục ra đi sống mầu nhiệm Thánh Tẩy “cùng chết đi với Đức Kitô để cùng sống lại với Ngài trong cuộc sống mới”, cuộc sống yêu thương hơn, chân thật hơn, phục vụ hơn, liêm chính hơn, trong sạch hơn, nhẫn nhục hơn, cuộc sống thật sự là Kitô hữu hơn…

Chúng ta hãy vững tin như một cảm nhận về Đấng Phục Sinh của LM. Võ Tá Khánh được diễn tả qua những tâm tình sống động rằng :

Đức Kitô đã sống lại và Người có mặt ở khắp mọi nơi, mọi đầu đường, mọi đích điểm, đồng hành với ta trên mọi ngỏ ngách. Từ thành phố đến đồng quê. Từ quán trọ đến gia đình. Từ bên trong, từ bên ngoài. Đâu đâu cũng có Ngài; Đức Kitô phục sinh. Trước khi ta ra đi, Ngài đã ở đó. Đang khi ta rảo bước, Ngài có ngay bên. Trước khi ta đến nơi, Ngài đã đứng đợi. Và sau khi ta nghỉ mệt, Ngài lại đến thăm; lúc nào cũng có Ngài, Đức Kitô phục sinh.

Nếu hôm qua tôi đã tin

là vì Ngài đã sống lại.

Nếu hôm nay tôi đang theo Ngài,

là vì Ngài đang ở bên tôi.

Và nếu mai đây tôi ra đi,

là vì Ngài đang đứng đợi.

Ôi Đấng Phục sinh !

Khắp nơi

mọi thời

trẻ mãi.

Thì anh em hãy ra đi trong Đức Kitô phục sinh

Khi anh em khốn cùng,

Thì Ngài đang ở đó.

Khi anh em thất vọng,

Ngài vẫn ở bên.

Khi anh em hân hoan

Ngài vẫn không vắng mặt.

Đức Kitô phục sinh sẽ đến gặp ta

miễn sao ta chưa quên hẳn Ngài.

Còn nói đến Ngài như hai lử khách.

Còn nhớ đến anh em Ngài như Tôma

Miễn sao ta còn vướng vất

một vết tích nào đó về Ngài trong ký ức

Thì Ngài vẫn còn đến gặp ta

Thì Ngài còn đến đồng bàn với ta.

Lúc nầy đây anh em đang được gặp Ngài.

Ta hãy vui lên.

Ta hãy nhốn nháo lên.

Còn chờ gì nữa.

Và hãy chạy lung tung mà nói với mọi người :

Đức Ki-tô đã sống lại
.


Như vậy, sứ điệp mà mỗi người chúng ta sống và chuyển tải cho anh chị em của chúng ta hôm nay đó cũng chính là sứ điệp phục sinh. Làm sao cho sứ điệp này chi phối mọi nẽo đường phục vụ và sống. Làm sao cho sứ điệp đó, niềm vui đó, sức sống đó lan toả, chi phối đời sống cộng đoàn cũng như cuộc sống mỗi người. Làm sao để gương mặt, lời nói, cách ứng xử của chúng ta luôn phản ảnh niềm vui phục sinh. Chúng ta có thể xác tín như ĐHY F.X Nguyễn Văn Thuận rằng : "Trong tự điển của người Kitô hữu, không có từ buồn".

Chúng ta có thể tóm kết những ý tưởng trên bằng những lời cầu nguyện của Mẹ Tê-rê-xa Calcutta :

Lạy Chúa,

Chúa đã chịu chết và sống lại,

xin dạy chúng con biết chiến đấu

trong cuộc chiến mỗi ngày

để được sống dồi dào hơn.

(…)

Ước gì từ nay,

không có gì có thể làm cho chúng con

khổ đau và khóc lóc

chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa phục sinh.

Chúa là mặt trời tỏa sáng tình yêu Cha,

là hy vọng hạnh phúc bất diệt,

là ngọn lửa tình yêu nồng nàn;

Xin lấy niềm vui của Người

mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ

và trở thành mối dây yêu thương,

bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen
.