MỒNG MỘT TẾT
cầu bình an
Rõ ràng ngày đầu năm mới GH Việt-Nam muốn chúng ta dâng thánh lễ Tân niên cầu bình an cho cả năm. Ngôn ngữ dân gian gọi đơn giản bằng 2 từ: cầu an. Trước đây dưới thời quân chủ, vua chúa thường làm lễ cầu an cho dân cho nước. Ngôn ngữ nhà đạo gọi là xin lễ bình an.
Muốn có bình an, không phải cứ xin lễ là liền có, mà phải có Chúa ở cùng. Emmanuel là Thiên Chúa ở cùng, cũng có nghĩa là bình an dưới thế.
Muốn có bình an, phải có tâm hồn thanh sạch, thì lòng mới an. Tội lỗi đầy tràn, không thể bình an.
Còn nhiều phương cách khác nữa để có bình an.
Hôm nay, dựa vào Lời Chúa vừa được tuyên đọc cho ngày đầu năm, ta thử xem, muốn có bình an, thì phải làm gì.
Phải làm 2 việc: 1 không, 1 có, hoặc, 1 đừng 1 hãy.
1. Đừng lo lắng
Đoạn Tin Mừng ngắn ngủn thôi mà Chúa nhắc đi nhắc lại tới 7 chữ lo, trong chiều hướng “đừng.” Mt 6:25-34 đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo.
Tại sao Chúa lại bảo đừng lo. Bởi vì
- Lo chẳng ích lợi gì mà thường lại hại: Chúa cho một ví dụ, “hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?” Gang tay mà Chúa nói đây là gang tay thời gian, tức thêm được dăm ba phút sống. Có ai lo lắng mà sống dài hơn được một giờ không, hay là ngược lại: sống càng lo, thời gian càng co lại.
Có ai lo lắng mà tóc trắng trở thành đen không, hay ngược lại. Hình ảnh rõ nét nhất là ông Clinton, ông nhận chức Tổng Thống năm 1992, lúc hơn 40 tuổi, mái tóc còn xanh. Sau một năm ở trong Nhà Trắng, lắm lo nhiều lắng, mái tóc đã bạc trắng rõ ràng. Ông không nhuộm, có lẽ muốn tăng thêm dáng đạo mạo cho tuổi còn thanh xuân, nên ai ai cũng đều nhận ra ngay cái thay đổi trên mái tóc.
Ngũ Tử Tư bỏ Sở trốn sang Ngô, dọc đường quân Sở truy nã đón ngăn, phải chạy vào núp trong nhà Đông Cao Công tìm cách qua cửa ải. Sau một đêm sầu hận lo toan, sáng dậy soi gương thấy đầu bạc phếu. (Chuyện Đông I/219)
Lái xe mà cứ lo bị tai nạn, cầm tay lái sẽ không vững. Tai nạn thế là dễ xảy ra hơn là lái xe bình an không lo lắng. Lo thì không lợi mà thường lại hại.
Nhưng là người, không thể không lo được. Nhất là những người có trách nhiệm. Làm sao thực thi được lời Chúa hôm nay: đừng lo. Tôi xin đề nghị :
- Không phải không lo, mà đừng đếm cái lo. Không phải mình vô lo, mà lo sẽ không vô nhà mình. Không phải mình không lo, mà lo không đến. Nó cứ đến thôi. Nhưng ta đừng đếm nó. Tôi học được điều này trong một phiếu cầu nguyện: COUNT YOUR BLESSINGS, NOT YOUR WORRIES: hãy đếm ân phúc đừng đếm lắng lo. Lo lắng đến, hãy phớt lờ nó, đừng đếm xem có mấy nỗi lo trong ngày, mà tập chú đếm ân huệ: có không khí thở, có bạn bè vui, có ngày nắng đẹp, và nhất là có phúc được làm con Chúa. Hãy tập nhìn ly nước còn một nửa, chứ không phải ly nước đã hết một nửa rồi. Còn nửa trái me nữa, chứ không phải đã hết nửa trái me rồi.
Dân chúng ở một thành phố nọ có quá nhiều điều phải lo lắng. Vì thế họ họp nhau bàn cách giải quyết vấn đề này. Một người đề nghị phải lập một công viên để người ta đến đó giải khuây. Người thứ hai đề nghị làm một nhà hát mướn Hoài Linh về tấu hài giải sầu. Người thứ ba đề nghị xây một rạp xiếc xem giải trí. Người thứ tư có một đề nghị độc đáo:
- Chúng ta hãy hùn tiền mướn một người gánh hết mọi nỗi lo của chúng ta.
- Nhưng người đó là ai?
- Là anh hốt rác tên Tư đó. Anh sẽ hốt mọi ưu tư của ta.
- Mướn bao nhiêu?
-Mỗi tuần 300 ngàn đồng.
Tất cả mọi người đồng ý. Họ hỏi anh Tư:
-Anh có đồng ý với việc làm mới này không?
Anh Tư trả lời cách vô tư :
-Tại sao không! Why not ?
Tưởng là mọi việc đã thu xếp ổn thỏa. Nhưng bỗng một người đặt vấn đề: Chúng ta mướn anh Tư gánh các ưu tư lo lắng của ta. Nhưng mỗi tuần hắn có 300 ngàn hắn còn gì phải lo nữa? Hắn không lo gì nữa thì làm sao gánh hết nỗi lo của chúng ta?
Đặt vấn đề như vậy là lại tiếp tục còn lo. Vì thế cách hay nhất là đừng đếm cái lo, đừng gom cái lắng, mà cứ quẳng nó đi, như Dale Carnegie đã viết cuốn sách nổi tiếng: Quẳng gánh lo đi và vui sống. Tôi đã có thời say mê cuốn sách này xem nó như kim chỉ nam cho cuộc sống.
Có người chơi chữ khá hay: đừng lo, nhưng hãy lắng. Cứ để cái lo lắng xuống như cặn lắng xuống đáy và rồi quẳng đi cho anh Tư hốt bỏ vào thùng rác.
Để có bình an, chúng ta vừa nói đến một cái đừng. Đừng lo lắng, theo lời Chúa dạy. Giờ hãy qua một cái hãy. Để có bình an: hãy tin tưởng.
2. Hãy tin tưởng
Tin tưởng ở đây là tin tưởng sự quan phòng an bài của Thiên Chúa là Cha, là Mẹ. Chúa Giêsu đã nói rõ trong đoạn Tin Mừng hôm nay: Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?
Về điểm này, ta, những người Kinh, những dân thành phố, phố càng lớn càng thua xa các anh chị em dân tộc miền núi, miền quê.
Anh chị Ma Tiên vừa làm lại căn nhà ở nơi hẻo lánh. Cửa ngõ chưa xong. Một hôm đứa con thứ đi chăn trâu với bạn trên núi, lượm được quả đạn gì đó rủ nhau đập chơi lấy thuốc. Không ngờ đạn nổ, 2 em chết liền tại chỗ. Anh chị Ma-tiên nghe tin con chết, muốn đem xác con về bên ngoại (mẫu hệ) cho có họ hàng chăm sóc. Nhà ngoại thì xa, nhà mình thì dang dở chưa xong, nhưng anh chị Ma-Tiên cứ bỏ đó mà đi. Có người hỏi: “Sao bỏ cửa nhà mà không khoá lại.” Họ trả lời: “Có Chúa biết mà, mình đi đám tang chớ có đi chơi đâu!” (GNA 50). Tin tưởng Chúa sẽ giữ nhà cho mình. Trước hết hãy lo việc Chúa, mọi sự khác Người sẽ thêm cho sau. Chúa Giêsu đã nói như thế trong đoạn Tin Mừng hôm nay.
Con người ở đời có lắm nỗi lo, có nhiều cái sợ. Triết gia Hegel đã tìm giúp chúng ta cái tận cùng của lo, của sợ là cái gì. Là cái chết. Thất nghiệp sợ đói. Đói, sợ chết. Rét sợ chết. Bệnh sợ chết. Chung qui của ngàn nỗi lo của muôn cái sợ, là sợ chết mà thôi. Vậy nếu chết là về với mẹ cha, về với Chúa, thì nào có chi phải lo phải sợ.
Ta hãy ôn lại chuyện con ngựa của Tái Ông. Sách Hoài Nam Tử ghi:
Một ông lão ở gần cửa ải có con ngựa quí tự nhiên đi sang nước Hồ mất. Làng xóm đến chia buồn. Ông lão nói: Biết đâu mất ngựa lại là phúc. Quả thế, mấy tháng sau ngựa cũ trở về lại kéo theo một con ngựa khác hay hơn. Chòm xóm đến mừng. Ông lão nói: Được ngựa biết đâu lại là hoạ. Quả thế, con trai ông thấy ngựa hay thì hay thích cỡi. Chẳng may té gãy chân. Làng xóm đến an ủi. Lão nói: Con tôi què biết đâu lại là phúc. Một năm sau, có giặc Hồ tràn vô. Vua bắt trai tráng đi lính dẹp giặc. Lính đi mười chết chín hoặc một chục. Con của Tái Ông vì què được miễn. Thế là cha con vẫn ở với nhau. (Cổ Học Tinh Hoa I-117).
Tin tưởng vào Chúa an bài, quan phòng thì chẳng còn gì lo sợ, và như thế đạt được bình an.
Một không. Không lo lắng. Một có. Có tin tưởng. Một đừng. Đừng lắng lo. Một hãy. Hãy tín thác. Thực thi hai việc trên ta sẽ có được bình an, không chỉ trong ngày đầu năm mới, mà trong suốt năm Kỷ Hợi, mà cả cuộc đời của chúng ta. Chúc anh chị em được bình an như thế. Amen.
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
cầu bình an
Rõ ràng ngày đầu năm mới GH Việt-Nam muốn chúng ta dâng thánh lễ Tân niên cầu bình an cho cả năm. Ngôn ngữ dân gian gọi đơn giản bằng 2 từ: cầu an. Trước đây dưới thời quân chủ, vua chúa thường làm lễ cầu an cho dân cho nước. Ngôn ngữ nhà đạo gọi là xin lễ bình an.
Muốn có bình an, không phải cứ xin lễ là liền có, mà phải có Chúa ở cùng. Emmanuel là Thiên Chúa ở cùng, cũng có nghĩa là bình an dưới thế.
Muốn có bình an, phải có tâm hồn thanh sạch, thì lòng mới an. Tội lỗi đầy tràn, không thể bình an.
Còn nhiều phương cách khác nữa để có bình an.
Hôm nay, dựa vào Lời Chúa vừa được tuyên đọc cho ngày đầu năm, ta thử xem, muốn có bình an, thì phải làm gì.
Phải làm 2 việc: 1 không, 1 có, hoặc, 1 đừng 1 hãy.
1. Đừng lo lắng
Đoạn Tin Mừng ngắn ngủn thôi mà Chúa nhắc đi nhắc lại tới 7 chữ lo, trong chiều hướng “đừng.” Mt 6:25-34 đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo.
Tại sao Chúa lại bảo đừng lo. Bởi vì
- Lo chẳng ích lợi gì mà thường lại hại: Chúa cho một ví dụ, “hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?” Gang tay mà Chúa nói đây là gang tay thời gian, tức thêm được dăm ba phút sống. Có ai lo lắng mà sống dài hơn được một giờ không, hay là ngược lại: sống càng lo, thời gian càng co lại.
Có ai lo lắng mà tóc trắng trở thành đen không, hay ngược lại. Hình ảnh rõ nét nhất là ông Clinton, ông nhận chức Tổng Thống năm 1992, lúc hơn 40 tuổi, mái tóc còn xanh. Sau một năm ở trong Nhà Trắng, lắm lo nhiều lắng, mái tóc đã bạc trắng rõ ràng. Ông không nhuộm, có lẽ muốn tăng thêm dáng đạo mạo cho tuổi còn thanh xuân, nên ai ai cũng đều nhận ra ngay cái thay đổi trên mái tóc.
Ngũ Tử Tư bỏ Sở trốn sang Ngô, dọc đường quân Sở truy nã đón ngăn, phải chạy vào núp trong nhà Đông Cao Công tìm cách qua cửa ải. Sau một đêm sầu hận lo toan, sáng dậy soi gương thấy đầu bạc phếu. (Chuyện Đông I/219)
Lái xe mà cứ lo bị tai nạn, cầm tay lái sẽ không vững. Tai nạn thế là dễ xảy ra hơn là lái xe bình an không lo lắng. Lo thì không lợi mà thường lại hại.
Nhưng là người, không thể không lo được. Nhất là những người có trách nhiệm. Làm sao thực thi được lời Chúa hôm nay: đừng lo. Tôi xin đề nghị :
- Không phải không lo, mà đừng đếm cái lo. Không phải mình vô lo, mà lo sẽ không vô nhà mình. Không phải mình không lo, mà lo không đến. Nó cứ đến thôi. Nhưng ta đừng đếm nó. Tôi học được điều này trong một phiếu cầu nguyện: COUNT YOUR BLESSINGS, NOT YOUR WORRIES: hãy đếm ân phúc đừng đếm lắng lo. Lo lắng đến, hãy phớt lờ nó, đừng đếm xem có mấy nỗi lo trong ngày, mà tập chú đếm ân huệ: có không khí thở, có bạn bè vui, có ngày nắng đẹp, và nhất là có phúc được làm con Chúa. Hãy tập nhìn ly nước còn một nửa, chứ không phải ly nước đã hết một nửa rồi. Còn nửa trái me nữa, chứ không phải đã hết nửa trái me rồi.
Dân chúng ở một thành phố nọ có quá nhiều điều phải lo lắng. Vì thế họ họp nhau bàn cách giải quyết vấn đề này. Một người đề nghị phải lập một công viên để người ta đến đó giải khuây. Người thứ hai đề nghị làm một nhà hát mướn Hoài Linh về tấu hài giải sầu. Người thứ ba đề nghị xây một rạp xiếc xem giải trí. Người thứ tư có một đề nghị độc đáo:
- Chúng ta hãy hùn tiền mướn một người gánh hết mọi nỗi lo của chúng ta.
- Nhưng người đó là ai?
- Là anh hốt rác tên Tư đó. Anh sẽ hốt mọi ưu tư của ta.
- Mướn bao nhiêu?
-Mỗi tuần 300 ngàn đồng.
Tất cả mọi người đồng ý. Họ hỏi anh Tư:
-Anh có đồng ý với việc làm mới này không?
Anh Tư trả lời cách vô tư :
-Tại sao không! Why not ?
Tưởng là mọi việc đã thu xếp ổn thỏa. Nhưng bỗng một người đặt vấn đề: Chúng ta mướn anh Tư gánh các ưu tư lo lắng của ta. Nhưng mỗi tuần hắn có 300 ngàn hắn còn gì phải lo nữa? Hắn không lo gì nữa thì làm sao gánh hết nỗi lo của chúng ta?
Đặt vấn đề như vậy là lại tiếp tục còn lo. Vì thế cách hay nhất là đừng đếm cái lo, đừng gom cái lắng, mà cứ quẳng nó đi, như Dale Carnegie đã viết cuốn sách nổi tiếng: Quẳng gánh lo đi và vui sống. Tôi đã có thời say mê cuốn sách này xem nó như kim chỉ nam cho cuộc sống.
Có người chơi chữ khá hay: đừng lo, nhưng hãy lắng. Cứ để cái lo lắng xuống như cặn lắng xuống đáy và rồi quẳng đi cho anh Tư hốt bỏ vào thùng rác.
Để có bình an, chúng ta vừa nói đến một cái đừng. Đừng lo lắng, theo lời Chúa dạy. Giờ hãy qua một cái hãy. Để có bình an: hãy tin tưởng.
2. Hãy tin tưởng
Tin tưởng ở đây là tin tưởng sự quan phòng an bài của Thiên Chúa là Cha, là Mẹ. Chúa Giêsu đã nói rõ trong đoạn Tin Mừng hôm nay: Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?
Về điểm này, ta, những người Kinh, những dân thành phố, phố càng lớn càng thua xa các anh chị em dân tộc miền núi, miền quê.
Anh chị Ma Tiên vừa làm lại căn nhà ở nơi hẻo lánh. Cửa ngõ chưa xong. Một hôm đứa con thứ đi chăn trâu với bạn trên núi, lượm được quả đạn gì đó rủ nhau đập chơi lấy thuốc. Không ngờ đạn nổ, 2 em chết liền tại chỗ. Anh chị Ma-tiên nghe tin con chết, muốn đem xác con về bên ngoại (mẫu hệ) cho có họ hàng chăm sóc. Nhà ngoại thì xa, nhà mình thì dang dở chưa xong, nhưng anh chị Ma-Tiên cứ bỏ đó mà đi. Có người hỏi: “Sao bỏ cửa nhà mà không khoá lại.” Họ trả lời: “Có Chúa biết mà, mình đi đám tang chớ có đi chơi đâu!” (GNA 50). Tin tưởng Chúa sẽ giữ nhà cho mình. Trước hết hãy lo việc Chúa, mọi sự khác Người sẽ thêm cho sau. Chúa Giêsu đã nói như thế trong đoạn Tin Mừng hôm nay.
Con người ở đời có lắm nỗi lo, có nhiều cái sợ. Triết gia Hegel đã tìm giúp chúng ta cái tận cùng của lo, của sợ là cái gì. Là cái chết. Thất nghiệp sợ đói. Đói, sợ chết. Rét sợ chết. Bệnh sợ chết. Chung qui của ngàn nỗi lo của muôn cái sợ, là sợ chết mà thôi. Vậy nếu chết là về với mẹ cha, về với Chúa, thì nào có chi phải lo phải sợ.
Ta hãy ôn lại chuyện con ngựa của Tái Ông. Sách Hoài Nam Tử ghi:
Một ông lão ở gần cửa ải có con ngựa quí tự nhiên đi sang nước Hồ mất. Làng xóm đến chia buồn. Ông lão nói: Biết đâu mất ngựa lại là phúc. Quả thế, mấy tháng sau ngựa cũ trở về lại kéo theo một con ngựa khác hay hơn. Chòm xóm đến mừng. Ông lão nói: Được ngựa biết đâu lại là hoạ. Quả thế, con trai ông thấy ngựa hay thì hay thích cỡi. Chẳng may té gãy chân. Làng xóm đến an ủi. Lão nói: Con tôi què biết đâu lại là phúc. Một năm sau, có giặc Hồ tràn vô. Vua bắt trai tráng đi lính dẹp giặc. Lính đi mười chết chín hoặc một chục. Con của Tái Ông vì què được miễn. Thế là cha con vẫn ở với nhau. (Cổ Học Tinh Hoa I-117).
Tin tưởng vào Chúa an bài, quan phòng thì chẳng còn gì lo sợ, và như thế đạt được bình an.
Một không. Không lo lắng. Một có. Có tin tưởng. Một đừng. Đừng lắng lo. Một hãy. Hãy tín thác. Thực thi hai việc trên ta sẽ có được bình an, không chỉ trong ngày đầu năm mới, mà trong suốt năm Kỷ Hợi, mà cả cuộc đời của chúng ta. Chúc anh chị em được bình an như thế. Amen.
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm