Các Giám Mục Hoa Kỳ sẽ khởi sự xem xét việc dịch 139 bài thánh ca Latinh sang Anh Ngữ để sử dụng trong các Giờ Kinh Phụng vụ khi các ngài gặp nhau trong phiên họp Mùa Thu từ ngày 12 đến 14 tháng 11 tại Baltimore.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, “đã phê chuẩn phạm vi công việc dịch thuật Kinh Nhật Tụng mới vào tháng 11 năm 2012,” Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory của tổng giáo phận Atlanta, Chủ tịch Ủy ban Phụng tự của USCCB, đã viết như trên trong một lá thư gởi đến Ủy ban Quản Trị của USCCB hồi tháng 9 vừa qua để yêu cầu Ủy ban sắp xếp việc thảo luận này vào chương trình nghị sự của cuộc họp Mùa Thu.

“Kế hoạch được đưa ra vào năm 2012 đã hướng dẫn Ủy ban Quốc tế về Anh ngữ trong Phụng vụ, gọi tắt là ICEL, chuẩn bị bản dịch tiếng Anh của 291 bài thánh ca Latin trong ấn bản tiêu biểu hiện nay, một số trong đó chưa bao giờ được dịch ra tiếng Anh đương đại”, Đức Tổng Giám Mục Gregory nói. Cụ thể, theo Đức Cha Gregory, 139 bản dịch mới của những bài thánh ca đó cần phải được hoàn thành.

Ngài dự đoán rằng: “Nếu cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 tới đây thành công, các bài thánh ca còn lại có thể sẽ được trình bày trong cuộc họp toàn thể vào tháng 11 năm 2019 hoặc tháng 6 năm 2020”. Hơn thế nữa, Đức Tổng Giám Mục của Atlanta nói: “Vì điều này tiêu biểu cho một sự thay đổi đáng kể trong Kinh Nhật Tụng hiện nay, ủy ban muốn sắp xếp để một dàn hợp xướng nhỏ có thể trình bày ngắn gọn trước các Giám Mục cách thức các bản dịch mới có thể được sử dụng với bình ca Grêgôriô và cả với những giai điệu quen thuộc.”

Phần lớn các bản văn thánh ca được dịch là những bài gồm bốn dòng, mỗi dòng có tám âm tiết, được gọi là ô nhịp dài (long metrum) trong kỹ thuật sáng tác thánh ca. Ô nhịp “8.8.8.8.” có nghĩa là bất kỳ giai điệu nào với bốn dòng tám âm tiết có thể được sử dụng để hát lên các bản văn này.

Các giai điệu thánh ca sử dụng ô nhịp này bao gồm “Praise God From Whom All Blessings Flow” (“Lời tán tụng Chúa từ những ai mọi phước lành tuôn đến”), “Creator of the Stars of Night” (“Đấng Tạo Tác những vì sao đêm”), “O Saving Victim” (“O Salutaris Hostia” – Ôi Chiên Cứu Độ), “I Know That My Redeemer Lives” (“Tôi biết Đấng Cứu Độ tôi vẫn sống”), “The Glory of These Forty Days” (“Vinh quang của 40 ngày này”), “When I Survey the Wondrous Cross” “Khi tôi suy tưởng Thánh Giá Nhiệm Mầu”), “On Jordan’s Bank” (“Trên Bờ sông Giócđăng), và “Veni Creator Spiritus” (“Thánh Thần Sáng tạo xin ngự đến”).

Công việc của ICEL được hướng dẫn bởi năm nguyên tắc cơ bản, bao gồm sự trung thành với văn bản tiếng Latin. Một bài giới thiệu các bài thánh ca được sử dụng cho các Giờ Kinh Phụng vụ cho biết: “Theo thời gian, các cá nhân và cộng đồng học cách thưởng thức và đánh giá cao sự trang nghiêm tự nhiên của các bài thánh ca Latinh”.

Bài giới thiệu này cũng nói thêm: “Tiếng Latinh là một ngôn ngữ biến hóa một cách cao độ [cùng một ý nghĩa nhưng chữ viết thay đổi tùy theo giống đực, giống cái, số ít, số nhiều, chủ từ, đối từ.. – a highly inflected language], do đó, nhiều từ chuyển tiếp không thực sự cần đến trong văn bản tiếng Latin của các bài thánh ca, nhưng được phản ảnh qua các biến tố một cách ẩn tàng. Trong khi đó, ngữ pháp tiếng Anh đòi hỏi nhiều từ chuyển tiếp hơn để biểu đạt được rõ ràng”. Vì thế, trong công việc dịch thuật “các quy luật tự nhiên của Anh ngữ phải được tôn trọng, nhưng đồng thời ta phải cố gắng trung thành với nguyên bản Latin.”

Các nguyên tắc khác được đề cập đến là sự cao thượng trong diễn đạt, vần điệu, khả năng thích nghi của các bản văn thánh ca với những mục đích sử dụng khác nhau, và những cân nhắc khi biên tập. Một cân nhắc trong khi biên tập là việc sử dụng việc “rút gọn”, trong đó dấu nháy đơn được dùng để giảm số âm tiết, ví dụ, chữ “victory” (vinh quang) gồm ba âm tiết có nên viết thành “vict’ry” để giảm còn hai âm tiết hay không .


Source: Catholic Herald US bishops to consider new hymn translations for Liturgy of the Hours