I. Bản chất của việc nói tiên tri
Mặc dù chúng ta quan tâm tới các tiên tri của Cựu Ước, nhất là các tiên tri có tên tuổi dính liền với các sách tiên tri, chúng ta cũng nên bắt đầu bằng cách trước nhất xét đến việc nói tiên tri một cách tổng quát. Bản Bẩy Mươi không dịch chữ nābî’ của tiếng Hípri, nhưng đã nhất quán dùng chữ prophētēs để chỉ về nó; đây là một từ tương đương, có liên hệ với lịch sử Hy Lạp đáng kính thời đó. Điều ấy đủ cho thấy: mặc dù các dịch giả Do Thái là những người trước tiên nhấn mạnh đến tính đặc thù trong việc nói tiên tri của dân tộc mình, nhưng họ vẫn phải thừa nhận rằng việc nói tiên tri ấy có liên hệ cách nào đó với nền văn hóa lớn hơn của con người mà Israel chỉ là một thành phần.
(I) Hiện tượng nói tiên tri
Phần lớn, nếu không phải là tất cả, các tôn giáo đều sản sinh ra hiện tượng nói tiên tri hoặc liên tục hoặc trong một giai đoạn phát triển nào đó của mình. Điều nhận xét ấy đúng không những đối với các tôn giáo mà người ta thường gọi là nguyên khai mà còn đúng đối với các tôn giáo đã tiến bộ cao độ. Tiên tri không hẳn đặc thù hay cả chủ yếu có nghiã là tiên đoán tương lai, một quan niệm chỉ có sau này về tiên tri, nhưng đúng hơn chỉ việc làm trung gian và giải thích tâm trí và ý chí của Thiên Chúa. Chính theo nghĩa này, mà từ thế kỷ thứ 5 trước CN, người ta đã dùng chữ prophētēs, một chữ có nghĩa đen là “người nói thay người khác” hay “người giải thích”, để chỉ những người giải nghĩa tâm trí Thiên Chúa từng tỏ lộ cho họ hay cho người khác. Chức năng các prophētēs vốn được coi là một chức năng nổi bật trong tôn giáo công cộng; các từ ngữ khác được dùng để chỉ các thày bói tư. Chức năng này cũng thường được liên tưởng với các phát biểu và giải thích hữu lý: người được linh hứng đúng nghĩa, người nhận được sự mạc khải mà cần phải giải thích thường được gọi là mantis. Dĩ nhiên, prophētēs và mantis có thể cùng là một người; tuy nhiên, chữ sau thường được dùng để đặc biệt nói tới việc tỏ lộ tương lai (Xem H. Krämer, Theological Dictionary of New Testament 6, 781-96).
Xét một cách tổng quát, phương tiện được tiên tri dùng để thông đạt cũng là các phương tiện được các tiên tri trong Cựu Ước sử dụng: các giấc mơ, các thị kiến, các kinh nghiệm xuất thần hay thần bí và nhiều tập quán bói tóan khác. Lòng tôn kính của ta đối với các tiên tri trong Cựu Ước không buộc ta phải bác bỏ sự kiện này là các tiên tri không phải Do Thái cũng có những kinh nghiệm tôn giáo đúng nghĩa. Trong nhiều thế kỷ, các Kitô hữu vốn không thấy khó khăn gì trong việc nhìn nhận các lời tiên tri chân chính trong Các Lời Sấm Si-bi-la (Sybilline Oracles)(mà ngày nay ai cũng nhận là có nguồn gốc Do Thái và Kitô Giáo) đến nỗi đã du nhập chúng vào phụng vụ của Giáo Hội. Vì việc nói tiên tri là một đặc sủng, tự thân, không nói lên điều gì về tính chính thống hay tư cách đạo đức của vị tiên tri, nên ta không có lý do gì để hạn chế tinh thần tiên tri của Thiên Chúa vào những máng chuyển duy nhất của lịch sử cứu độ (heilsgeschichte). Các lời sấm của Bi-lơ-am trong Dân Số 22-24 vốn được coi là những lời tiên tri từ Thiên Chúa mà có, mặc dù các truyền thống Thánh Kinh vẫn xếp Bi-lơ-am vào hàng địch thù của Thiên Chúa và của Dân Người (Ds 31:8,16; Gs 13:22; 2Pr 2:15; Gđ 11; Kh 2:14). Theo lời giải thích của Thánh Tôma Aquinô, vì việc nói tiên tri là một động thái có tính giai đoạn (transient) hơn là một lề thói (habit), nên cũng một con người ấy vừa có thể nói sự thật vừa có thể nói điều sai (Quodl. 12, q.17, a.26).
Không phải chỉ thời xa xưa, trong Cựu Ước và Tân Ước, bên trong và bên ngoài dân Chúa, mới có các tiên tri thật và các tiên tri giả, nhưng cả các thời sau này, vẫn có các tiên tri như thế. Dù Giáo Hội không chính thức áp dụng hạn từ “tiên tri” cho bất cứ ai không được nêu tên trong Thánh Kinh, nhưng quả Thiên Chúa vẫn nói với dân của Người qua các trung gian như Phanxicô thành Assisi, Vixentê Ferrer, Ca-ta-ri-na thành Xiên-na, Brigitta Thụy Điển, và nhiều người khác, trong các hoàn cảnh giống hệt hoàn cảnh của các tiên tri trong Thánh Kinh.
(II) Việc nói tiên tri tại Cận Đông
Đương nhiên, người ta phải tìm ra các nét tương tự nhất đối với việc nói tiên tri trong Cựu Ước nơi các truyền thống xưa ở Cận Đông, nơi mà Israel chỉ là một phần nhỏ. Trong đó, điều tất yếu là phải xét tới mức độ lệ thuộc, nếu có, của việc nói tiên tri tại Do Thái đối với các định chế tương tự của các dân tộc cao hơn về phương diện văn hóa, chủ yếu là các dân tộc ở Lưỡng Hà và Ai Cập, và cả nền văn minh nguyên khai của Ca-na-an nữa.
Từ những thời xa xăm nhất có ghi chép, người ta đã thấy cả một mẫu mực thầy bói hoặc đoán số mệnh hiện hữu khắp vùng Cận Đông. Họ được sử dụng để đoán chắc về ý muốn bảo bọc của thần minh. “Tôi giơ tay lên với Be‛elshamayn, và Be‛elshamayn nghe lời tôi. Be‛elshamayn (nói) với tôi qua các thầy bói và đoán số. Be‛elshamayn (phán với tôi): đừng sợ, vì ta sẽ làm ngươi thành vua chúa và ta sẽ ở bên ngươi và sẽ giải thoát ngươi…” (Ancient Near Eastern Texts 501). Trong khi A-mốt nói tiên tri ở Israel, thì một ông vua A-ram đã khắc những lời trên vào một phiến đá ở Syria. Việc minh nhiên nhắc tới thầy bói và đoán số đã soi sáng lời tuyên bố của Mesha, vua Mô-áp, vào thế kỷ thứ 9. Viên đá Mô-áp ghi như thế này: “Chemosh phán với tôi, ‘hãy đi, chiếm Nê-bô từ tay Israel’… Chemosh phán với tôi ‘hãy đi đánh lại người Hauronen’…” (Ancient Near Eastern Texts 320-321). Người ta tìm thấy những câu tương tự như thế trong Sách Thánh như câu: “Đa-vít thỉnh ý Gia-vê: ‘Con có nên đi không và có đánh bại được những tên Phi-li-tinh này không?’ Gia-vê phán với Đa-vít: ‘Cứ đi, ngươi sẽ đánh bại người Phi-li-tinh và cứu được Cơ-i-la’” (1Sm 23:2). Đa-vít được tiên tri Gát tháp tùng (1Sm 22:5). Nhiệm vụ của tiên tri này là thỉnh ý như thế với Gia-vê. Mẫu mực này càng minh nhiên hơn ở 1Sm 23:6-12: Ép-gia-tha, vị tư tế từ Nốp tới giúp Đa-vít, có mang theo một dụng cụ gọi là ê-phốt (ephod). Đây là dụng cụ dùng để bói toán. Đa-vít đã nhờ dụng cụ này để được trả lời có hay không cho các câu hỏi như “các thân hào ở Cơ-i-la có nộp con vào tay vua (Sa-un) hay không?” và “Sa-un có xuống đây không?”.
Sự hiện hữu của hình thức tiên tri xuất thần hay chiêu hồn (ecstatic prophecy) tại Phê-ni-xia thế kỷ 11 đã được chứng thực bởi kinh nghiệm của Wen-Amon, một sứ giả Ai Cập tại hải cảng Byblos (Ancient Near Eastern Texts 25-29). Bị quấy rầy, Wen-Amon đã vắn tắt chấp nhận những bất tiện do người thiếu niên bị thần xấu chiếm hữu (possessed) gây ra cho mình: vì đó chỉ là một tai nạn nghề nghiệp thông thường cho việc nói tiên tri kiểu xuất thần hay chiêu hồn. Đó cũng là trường hợp từng gây rắc rối cho Thánh Phaolô cả một nghìn năm sau (Cv 16: 16-18). Câu truyện sinh động trong 1V 18:19-40 đã minh chứng cho đặc tính của lối tiên tri chiêu hồn nơi người Ca-na-an vào thời tiên tri Ê-li-a. Với một ít sửa đổi, nếu có, các biểu hiện bên ngoài của nó hẳn khó có thể phân biệt được với các biểu hiện nơi các tiên tri thuộc dòng Gia-vít được nhắc tới trong 1Sm 10:5-7; 19:18-24 vào thời Vua Sa-un, và chắc chắn không có sửa đổi gì so với các biểu hiện của thời gian sau này trong Da-ca-ri-a 13:4-6 (lần này thì phải xấu hổ).
Ta còn được cung cấp nhiều tín liệu hơn nữa về mẫu nói tiên tri Cận Đông qua các chứng cớ Ba-bi-lon. Việc nói tiên tri cũng không thoát ra ngoài qui luật tổ chức cứng ngắc của xã hội Ba-bi-lon. Trong các đền thờ của xã hội này, các tư tế bārū ban tētu (sứ điệp) cho các khách hàng của mình chủ yếu qua lối bói gan (lối bói được E-dê-ki-en 21:26 coi như đặc trưng của Ba-bi-lon). Chữ tētu có lẽ cùng một gốc với chữ tôrâ của Hípri, một chữ có nghĩa là giáo huấn tiên tri trong Is 1:10 và nhiều nơi khác. Một kiểu tiên tri tư tế khác của Ba-bi-lon là maḫḫū, xuất thần: các sấm ngôn của họ được nói ra trong lúc được thần minh chiếm hữu giống như trường hợp cậu thiếu niên quấy rầy Wen-Amon trên đây. Ta cũng không nên cho rằng các tiên tri Ba-bi-lon kiểu trên chỉ chạy theo quan niệm ma thuật về tôn giáo mà thôi, một điều vốn được coi là đặc tính của lòng đạo hạnh tại Lưỡng Hà. Vì maḫḫū cũng từng đóng vai thẩm phán và y sĩ. Các công thức thần chú của họ, dù có tính ma thuật, đôi khi vẫn cho thấy họ ý thức được mối liên kết giữa tôn giáo và luân lý mà các tiên tri Israel hay nhấn mạnh tới.
Mẫu mực Cận Đông ít có phân biệt giữa giữa tiên tri và tư tế. Tại Israel, mẫu mực ấy xem ra đã bị bẻ gẫy, vì tại đây, sự phân biệt giữa tư tế và tiên tri khá rõ ràng. Chức tư tế tại Israel là cha truyền con nối và có tính phẩm trật, còn chức tiên tri thì có tính đặc sủng; các tiên tri như Ê-dê-ki-en hay Giê-rê-mi-a cũng có thể là tư tế, nhưng không có dấu chỉ gì là những vị như A-mốt cũng là tư tế, trái lại nhiều dấu chỉ nói ngược hẳn lại. Tuy thế, sự ra khác như trên không hẳn tuyệt đối như người ta thoạt nghĩ, ít nhất khi ta xét việc nói tiên tri như một toàn bộ. Bởi thực ra, khó có thể tách biệt các chức năng tư tế và tiên tri của Sa-mu-en trong câu truyện 1Sm 9:11-26. Suốt trong bản văn, ông được gọi là “thầy chiêm” (the seer), và trong 1Sm 19:18-24, ta thấy ông cầm đầu nhóm tiên ri xuất thần; ấy thế nhưng, một số các nhiệm vụ chính của ông là làm phép hy lễ trên các “nơi cao” và chủ tọa các bữa ăn hy tế. Người ta năng gặp các tiên tri trong các đền thánh của Israel, như tại Si-lô (1V 14:1-2), tại Bết-ên (2V 2:3), tại Ghin-gan (2V 4:38), tại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem (Gr 23:11; 35:4) v.v… Các tiên tri và tư tế thường được nhắc tới cùng một lúc và thường là được liên kết với đền thánh (coi Ai Ca 2:20). Các dụng cụ bói toán được các tư tế sử dụng (xem 1Sm 14:3) cũng được các tiên tri sử dụng (xem 1Sm 28:6). Nhiều thánh vịnh nói tới hoàn cảnh sống trong việc phụng tự của người Do Thái cũng giả thiết có sự hiện diện của tiên tri trong việc hành xử một chức năng tư tế nào đó (như Tv 95:7b-11). Nơi người Ả Rập, vị tiên tri được gọi là kāhin, một chữ có cùng gốc với chữ kōhēn (tư tế) của Hípri. Điều ấy cho thấy việc nói tiên tri tại Israel vẫn có những tương đồng với truyền thống của nhiều nước khác tại Cận Đông.
Muốn đánh giá đúng mức các tiên tri của Israel, điều quan trọng là tìm ra những nét tương đồng như trên. Thực thế, tại Cận Đông xưa, nơi mà Israel chỉ là một thành phần rất nhỏ và không quan trọng chi về chính trị, vẫn luôn có một mẫu thức nói tiên ri rất nhất quán, tức những người được linh hứng để nói lời của Thiên Chúa cho các đồng đạo của mình bất kể đó là Ba-bi-lon, Ca-na-an hay Israel. Tuy nhiên, việc nhìn nhận mẫu thức chung ấy không làm ta sao lãng, trái lại càng làm ta chú ý tới các nét độc đáo của ơn gọi tiên tri trong Thánh Kinh.
Viết theo Bruce Vawter, C.M. †, "Introduction to Prophetic Literature" trong The New Jerome Biblical Commentary, Student Edition, các trang 186-200
Kỳ sau: (III) Việc nói tiên tri tại Israel
Mặc dù chúng ta quan tâm tới các tiên tri của Cựu Ước, nhất là các tiên tri có tên tuổi dính liền với các sách tiên tri, chúng ta cũng nên bắt đầu bằng cách trước nhất xét đến việc nói tiên tri một cách tổng quát. Bản Bẩy Mươi không dịch chữ nābî’ của tiếng Hípri, nhưng đã nhất quán dùng chữ prophētēs để chỉ về nó; đây là một từ tương đương, có liên hệ với lịch sử Hy Lạp đáng kính thời đó. Điều ấy đủ cho thấy: mặc dù các dịch giả Do Thái là những người trước tiên nhấn mạnh đến tính đặc thù trong việc nói tiên tri của dân tộc mình, nhưng họ vẫn phải thừa nhận rằng việc nói tiên tri ấy có liên hệ cách nào đó với nền văn hóa lớn hơn của con người mà Israel chỉ là một thành phần.
(I) Hiện tượng nói tiên tri
Phần lớn, nếu không phải là tất cả, các tôn giáo đều sản sinh ra hiện tượng nói tiên tri hoặc liên tục hoặc trong một giai đoạn phát triển nào đó của mình. Điều nhận xét ấy đúng không những đối với các tôn giáo mà người ta thường gọi là nguyên khai mà còn đúng đối với các tôn giáo đã tiến bộ cao độ. Tiên tri không hẳn đặc thù hay cả chủ yếu có nghiã là tiên đoán tương lai, một quan niệm chỉ có sau này về tiên tri, nhưng đúng hơn chỉ việc làm trung gian và giải thích tâm trí và ý chí của Thiên Chúa. Chính theo nghĩa này, mà từ thế kỷ thứ 5 trước CN, người ta đã dùng chữ prophētēs, một chữ có nghĩa đen là “người nói thay người khác” hay “người giải thích”, để chỉ những người giải nghĩa tâm trí Thiên Chúa từng tỏ lộ cho họ hay cho người khác. Chức năng các prophētēs vốn được coi là một chức năng nổi bật trong tôn giáo công cộng; các từ ngữ khác được dùng để chỉ các thày bói tư. Chức năng này cũng thường được liên tưởng với các phát biểu và giải thích hữu lý: người được linh hứng đúng nghĩa, người nhận được sự mạc khải mà cần phải giải thích thường được gọi là mantis. Dĩ nhiên, prophētēs và mantis có thể cùng là một người; tuy nhiên, chữ sau thường được dùng để đặc biệt nói tới việc tỏ lộ tương lai (Xem H. Krämer, Theological Dictionary of New Testament 6, 781-96).
Xét một cách tổng quát, phương tiện được tiên tri dùng để thông đạt cũng là các phương tiện được các tiên tri trong Cựu Ước sử dụng: các giấc mơ, các thị kiến, các kinh nghiệm xuất thần hay thần bí và nhiều tập quán bói tóan khác. Lòng tôn kính của ta đối với các tiên tri trong Cựu Ước không buộc ta phải bác bỏ sự kiện này là các tiên tri không phải Do Thái cũng có những kinh nghiệm tôn giáo đúng nghĩa. Trong nhiều thế kỷ, các Kitô hữu vốn không thấy khó khăn gì trong việc nhìn nhận các lời tiên tri chân chính trong Các Lời Sấm Si-bi-la (Sybilline Oracles)(mà ngày nay ai cũng nhận là có nguồn gốc Do Thái và Kitô Giáo) đến nỗi đã du nhập chúng vào phụng vụ của Giáo Hội. Vì việc nói tiên tri là một đặc sủng, tự thân, không nói lên điều gì về tính chính thống hay tư cách đạo đức của vị tiên tri, nên ta không có lý do gì để hạn chế tinh thần tiên tri của Thiên Chúa vào những máng chuyển duy nhất của lịch sử cứu độ (heilsgeschichte). Các lời sấm của Bi-lơ-am trong Dân Số 22-24 vốn được coi là những lời tiên tri từ Thiên Chúa mà có, mặc dù các truyền thống Thánh Kinh vẫn xếp Bi-lơ-am vào hàng địch thù của Thiên Chúa và của Dân Người (Ds 31:8,16; Gs 13:22; 2Pr 2:15; Gđ 11; Kh 2:14). Theo lời giải thích của Thánh Tôma Aquinô, vì việc nói tiên tri là một động thái có tính giai đoạn (transient) hơn là một lề thói (habit), nên cũng một con người ấy vừa có thể nói sự thật vừa có thể nói điều sai (Quodl. 12, q.17, a.26).
Không phải chỉ thời xa xưa, trong Cựu Ước và Tân Ước, bên trong và bên ngoài dân Chúa, mới có các tiên tri thật và các tiên tri giả, nhưng cả các thời sau này, vẫn có các tiên tri như thế. Dù Giáo Hội không chính thức áp dụng hạn từ “tiên tri” cho bất cứ ai không được nêu tên trong Thánh Kinh, nhưng quả Thiên Chúa vẫn nói với dân của Người qua các trung gian như Phanxicô thành Assisi, Vixentê Ferrer, Ca-ta-ri-na thành Xiên-na, Brigitta Thụy Điển, và nhiều người khác, trong các hoàn cảnh giống hệt hoàn cảnh của các tiên tri trong Thánh Kinh.
(II) Việc nói tiên tri tại Cận Đông
Đương nhiên, người ta phải tìm ra các nét tương tự nhất đối với việc nói tiên tri trong Cựu Ước nơi các truyền thống xưa ở Cận Đông, nơi mà Israel chỉ là một phần nhỏ. Trong đó, điều tất yếu là phải xét tới mức độ lệ thuộc, nếu có, của việc nói tiên tri tại Do Thái đối với các định chế tương tự của các dân tộc cao hơn về phương diện văn hóa, chủ yếu là các dân tộc ở Lưỡng Hà và Ai Cập, và cả nền văn minh nguyên khai của Ca-na-an nữa.
Từ những thời xa xăm nhất có ghi chép, người ta đã thấy cả một mẫu mực thầy bói hoặc đoán số mệnh hiện hữu khắp vùng Cận Đông. Họ được sử dụng để đoán chắc về ý muốn bảo bọc của thần minh. “Tôi giơ tay lên với Be‛elshamayn, và Be‛elshamayn nghe lời tôi. Be‛elshamayn (nói) với tôi qua các thầy bói và đoán số. Be‛elshamayn (phán với tôi): đừng sợ, vì ta sẽ làm ngươi thành vua chúa và ta sẽ ở bên ngươi và sẽ giải thoát ngươi…” (Ancient Near Eastern Texts 501). Trong khi A-mốt nói tiên tri ở Israel, thì một ông vua A-ram đã khắc những lời trên vào một phiến đá ở Syria. Việc minh nhiên nhắc tới thầy bói và đoán số đã soi sáng lời tuyên bố của Mesha, vua Mô-áp, vào thế kỷ thứ 9. Viên đá Mô-áp ghi như thế này: “Chemosh phán với tôi, ‘hãy đi, chiếm Nê-bô từ tay Israel’… Chemosh phán với tôi ‘hãy đi đánh lại người Hauronen’…” (Ancient Near Eastern Texts 320-321). Người ta tìm thấy những câu tương tự như thế trong Sách Thánh như câu: “Đa-vít thỉnh ý Gia-vê: ‘Con có nên đi không và có đánh bại được những tên Phi-li-tinh này không?’ Gia-vê phán với Đa-vít: ‘Cứ đi, ngươi sẽ đánh bại người Phi-li-tinh và cứu được Cơ-i-la’” (1Sm 23:2). Đa-vít được tiên tri Gát tháp tùng (1Sm 22:5). Nhiệm vụ của tiên tri này là thỉnh ý như thế với Gia-vê. Mẫu mực này càng minh nhiên hơn ở 1Sm 23:6-12: Ép-gia-tha, vị tư tế từ Nốp tới giúp Đa-vít, có mang theo một dụng cụ gọi là ê-phốt (ephod). Đây là dụng cụ dùng để bói toán. Đa-vít đã nhờ dụng cụ này để được trả lời có hay không cho các câu hỏi như “các thân hào ở Cơ-i-la có nộp con vào tay vua (Sa-un) hay không?” và “Sa-un có xuống đây không?”.
Sự hiện hữu của hình thức tiên tri xuất thần hay chiêu hồn (ecstatic prophecy) tại Phê-ni-xia thế kỷ 11 đã được chứng thực bởi kinh nghiệm của Wen-Amon, một sứ giả Ai Cập tại hải cảng Byblos (Ancient Near Eastern Texts 25-29). Bị quấy rầy, Wen-Amon đã vắn tắt chấp nhận những bất tiện do người thiếu niên bị thần xấu chiếm hữu (possessed) gây ra cho mình: vì đó chỉ là một tai nạn nghề nghiệp thông thường cho việc nói tiên tri kiểu xuất thần hay chiêu hồn. Đó cũng là trường hợp từng gây rắc rối cho Thánh Phaolô cả một nghìn năm sau (Cv 16: 16-18). Câu truyện sinh động trong 1V 18:19-40 đã minh chứng cho đặc tính của lối tiên tri chiêu hồn nơi người Ca-na-an vào thời tiên tri Ê-li-a. Với một ít sửa đổi, nếu có, các biểu hiện bên ngoài của nó hẳn khó có thể phân biệt được với các biểu hiện nơi các tiên tri thuộc dòng Gia-vít được nhắc tới trong 1Sm 10:5-7; 19:18-24 vào thời Vua Sa-un, và chắc chắn không có sửa đổi gì so với các biểu hiện của thời gian sau này trong Da-ca-ri-a 13:4-6 (lần này thì phải xấu hổ).
Ta còn được cung cấp nhiều tín liệu hơn nữa về mẫu nói tiên tri Cận Đông qua các chứng cớ Ba-bi-lon. Việc nói tiên tri cũng không thoát ra ngoài qui luật tổ chức cứng ngắc của xã hội Ba-bi-lon. Trong các đền thờ của xã hội này, các tư tế bārū ban tētu (sứ điệp) cho các khách hàng của mình chủ yếu qua lối bói gan (lối bói được E-dê-ki-en 21:26 coi như đặc trưng của Ba-bi-lon). Chữ tētu có lẽ cùng một gốc với chữ tôrâ của Hípri, một chữ có nghĩa là giáo huấn tiên tri trong Is 1:10 và nhiều nơi khác. Một kiểu tiên tri tư tế khác của Ba-bi-lon là maḫḫū, xuất thần: các sấm ngôn của họ được nói ra trong lúc được thần minh chiếm hữu giống như trường hợp cậu thiếu niên quấy rầy Wen-Amon trên đây. Ta cũng không nên cho rằng các tiên tri Ba-bi-lon kiểu trên chỉ chạy theo quan niệm ma thuật về tôn giáo mà thôi, một điều vốn được coi là đặc tính của lòng đạo hạnh tại Lưỡng Hà. Vì maḫḫū cũng từng đóng vai thẩm phán và y sĩ. Các công thức thần chú của họ, dù có tính ma thuật, đôi khi vẫn cho thấy họ ý thức được mối liên kết giữa tôn giáo và luân lý mà các tiên tri Israel hay nhấn mạnh tới.
Mẫu mực Cận Đông ít có phân biệt giữa giữa tiên tri và tư tế. Tại Israel, mẫu mực ấy xem ra đã bị bẻ gẫy, vì tại đây, sự phân biệt giữa tư tế và tiên tri khá rõ ràng. Chức tư tế tại Israel là cha truyền con nối và có tính phẩm trật, còn chức tiên tri thì có tính đặc sủng; các tiên tri như Ê-dê-ki-en hay Giê-rê-mi-a cũng có thể là tư tế, nhưng không có dấu chỉ gì là những vị như A-mốt cũng là tư tế, trái lại nhiều dấu chỉ nói ngược hẳn lại. Tuy thế, sự ra khác như trên không hẳn tuyệt đối như người ta thoạt nghĩ, ít nhất khi ta xét việc nói tiên tri như một toàn bộ. Bởi thực ra, khó có thể tách biệt các chức năng tư tế và tiên tri của Sa-mu-en trong câu truyện 1Sm 9:11-26. Suốt trong bản văn, ông được gọi là “thầy chiêm” (the seer), và trong 1Sm 19:18-24, ta thấy ông cầm đầu nhóm tiên ri xuất thần; ấy thế nhưng, một số các nhiệm vụ chính của ông là làm phép hy lễ trên các “nơi cao” và chủ tọa các bữa ăn hy tế. Người ta năng gặp các tiên tri trong các đền thánh của Israel, như tại Si-lô (1V 14:1-2), tại Bết-ên (2V 2:3), tại Ghin-gan (2V 4:38), tại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem (Gr 23:11; 35:4) v.v… Các tiên tri và tư tế thường được nhắc tới cùng một lúc và thường là được liên kết với đền thánh (coi Ai Ca 2:20). Các dụng cụ bói toán được các tư tế sử dụng (xem 1Sm 14:3) cũng được các tiên tri sử dụng (xem 1Sm 28:6). Nhiều thánh vịnh nói tới hoàn cảnh sống trong việc phụng tự của người Do Thái cũng giả thiết có sự hiện diện của tiên tri trong việc hành xử một chức năng tư tế nào đó (như Tv 95:7b-11). Nơi người Ả Rập, vị tiên tri được gọi là kāhin, một chữ có cùng gốc với chữ kōhēn (tư tế) của Hípri. Điều ấy cho thấy việc nói tiên tri tại Israel vẫn có những tương đồng với truyền thống của nhiều nước khác tại Cận Đông.
Muốn đánh giá đúng mức các tiên tri của Israel, điều quan trọng là tìm ra những nét tương đồng như trên. Thực thế, tại Cận Đông xưa, nơi mà Israel chỉ là một thành phần rất nhỏ và không quan trọng chi về chính trị, vẫn luôn có một mẫu thức nói tiên ri rất nhất quán, tức những người được linh hứng để nói lời của Thiên Chúa cho các đồng đạo của mình bất kể đó là Ba-bi-lon, Ca-na-an hay Israel. Tuy nhiên, việc nhìn nhận mẫu thức chung ấy không làm ta sao lãng, trái lại càng làm ta chú ý tới các nét độc đáo của ơn gọi tiên tri trong Thánh Kinh.
Viết theo Bruce Vawter, C.M. †, "Introduction to Prophetic Literature" trong The New Jerome Biblical Commentary, Student Edition, các trang 186-200
Kỳ sau: (III) Việc nói tiên tri tại Israel