Thiện căn hệ tại lòng ta - CN 22 Thường Niên B (Ðnl 4,1-2. 6-8; Gc 1,17-18.21b-22.27; Mc 7,1-8a.14-15.21-23)

Hôm nay, Chúa Nhật XXII thường niên B, chúng ta tìm hiểu về Luật Chúa là luật đích thực của tôn giáo. Luật này được kiện toàn trong bí tích tình yêu và chỉ tồn tại trong tâm hồn tinh truyền và thánh thiện. Vì thế, các bài đọc hôm nay hướng dẫn chúng ta suy tư về cách thế tốt nhất để tuân giữ luật Chúa, nhờ đó chúng ta đạt tới ơn cứu độ.

Trong bài đọc I, Môsê nhắc nhở dân người về các huấn lệnh của Thiên Chúa và yêu cầu họ phải kiên tâm bền chí tuân giữ để được sống hạnh phúc. Ông cũng nghiêm túc lưu ý họ không được thêm hoặc bớt điều gì. Tuy nhiên, lời cảnh báo này đã không được thực hiện một cách nghiêm túc, bởi vì sau này những người Pharisêu đã biến 10 điều răn thành 613 khoản quy định tỉ mỉ.
Vì thế, họ đã làm cho cuộc sống trở nên khó khăn và phức tạp một cách thái quá đối với dân Chúa. Đó là lý do tại sao trong thư Galát chương 3, thánh Phaolô đã đối diện với trường hợp như thế nên ngài đã mạnh mẽ chống lại “lề luật.” Ngài không hoàn toàn lên án lề luật, nhưng lên án cách thức mà những người Pharisêu quan niệm, lạm dụng và trình bày lề luật. Ngài cho rằng tinh thần Lề Luật còn quan trọng hơn các chữ viết.

Cũng thế, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chống lại nhóm Biệt Phái vì sự giả hình của họ. Họ không bao giờ giữ luật mà họ đã đề ra cho dân. Đây là cách thức nguy hiểm của đời sống mà chúng ta (những linh mục, tu sĩ và những Pharisêu thời nay) phải cẩn thận xa tránh. Chúng ta không được sống một cuộc sống giả hình, cũng như làm cho cuộc sống trở nên phức tạp hơn cho người khác; hay đôi khi chúng ta chỉ thích bắt bẻ, chỉ trích và lên án người khác, nhưng lại không ý thức về giới hạn của mình.
Đặc biệt, trong khi nhóm Biệt Phái chỉ chú trọng đến hình thức và nệ luật bên ngoài, Chúa Giêsu chỉ cho thấy căn nguyên sâu xa nhất của mọi sự xấu xa và thiện hảo khi Người nói: “Không có gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,15). Người mời gọi chúng ta phải kiểm điểm chính mình. Bởi lẽ, từ bên trong, nơi lòng chúng ta, những ý định xấu xa, ghen ghét, kiêu ngạo, những khuynh hướng đồi bại mà chúng ta lưu giữ trong lòng thực sự là những gì biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta là ai. Chúng là những tật xấu làm cho chúng ta trở nên xấu xa. Chúng ta phải loại trừ chúng trước khi chúng cắm rễ sâu và làm cho toàn bộ con người chúng ta ra hư hỏng. Chúng là những kẻ thù đích thực và ẩn mặt mà chúng ta phải chiến đấu và chiến thắng mỗi ngày.
Phẩm chất của đời sống chúng ta được đo lường nhờ phẩm chất của tâm trí chúng ta. Nếu tâm trí chúng ta bị phá hoại và bệnh hoạn, thân xác chúng ta sẽ bị bệnh hoạn gấp trăm lần, ngay cả khi chúng ta không ý thức điều đó. Như thế, điều quan trọng nhất mà Thiên Chúa cần nơi chúng ta là tâm hồn trong sạch như Chúa Kitô dạy chúng ta: “Phúc thay những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

Cách thức tốt nhất để trung thành với huấn lệnh Thiên Chúa là để cho tâm hồn chúng ta được biến đổi nhờ Lời Chúa. Như thế, thay vì quá chú tâm đến những chữ viết của lề luật và sự trong sạch thể lý, chúng ta nên chú ý tới lời khuyên của Phaolô: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2). Thánh ý Thiên Chúa chính là luật Người. Luật Chúa phải thúc đẩy chúng ta yêu mến người khác và làm lành lánh dữ. Luật Chúa phải kêu gọi sự sám hối đích thực và ước muốn chân thành để tha thứ cho người khác. Luật Chúa giữ chúng ta vững vàng trong đức tin. Tắt một lời, luật Chúa phải thúc đẩy chúng ta chỉ theo đuổi điều tốt lành, phải đạo, cao thượng và thánh thiện.

Hôm nay, thánh Giacôbê Tông Đồ đòi hỏi chúng ta nơi bài đọc II: “Anh em hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã được gieo vào lòng anh em… Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành” (Gc 1,21-22).
Vì thế, cách tốt nhất để thực hiện điều này là chúng ta hãy có gắng sống đức tin của mình vào trong đời sống hằng ngày, hãy diễn tả nó qua cách thức chúng ta sống, yêu và hành xử với người khác. Cuối cùng, Thánh Vịnh Gia nhắc nhở chúng ta rằng người công chính sẽ sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Điều này có nghĩa chúng ta thực hành Lời Chúa và các giới răn với một tâm hồn trong sạch và chân thành. Vì thế, chúng ta hãy khiêm tốm cầu nguyện như vua Đavít: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ” (Tv 51,12). Amen!