Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con đã nhận thấy rằng Kinh Tiền Tụng Phục Sinh là hơi khác so với các Kinh Tiền Tụng khác. Kinh Tiền Tụng Phục Sinh mở đầu như thế này: “Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa mọi lúc, nhất là trong đêm (ngày, mùa) cực thánh này, chúng con càng hãnh diện tung hô Chúa, khi Đức Ki-tô đã được hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con”. Tuy nhiên, Kinh Tiền Tụng khác mở đầu như sau: “Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con” (cả hai đều là bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Phụng tự thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam). Tại sao lời thưa với Chúa (trong Kinh Tiền Tụng Phục Sinh là “Lạy Chúa”, và trong Kinh Tiền Tụng khác là “Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu”) là khác nhau? Một số phiên bản của các sách Nghi thức Trung Quốc là không khác biệt, các lời thưa với Chúa là như nhau. Liệu điều này là sai chăng? Trong khi đó, con đã tự hỏi tại sao không có rảy nước thánh trong phụng vụ Vọng Phục Sinh do Đức Giáo Hoàng Phanxicô chủ sự. Xin cha bình luận về việc này cho con hiểu? - D. Z., Bắc Kinh, Trung Quốc.

Đáp: Về việc rảy nước thánh trong lễ Vọng Phục sinh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô: Trong khi tôi không có tư cách làm chưởng nghi, tôi chỉ có thể cho rằng việc rảy nước thánh được bỏ qua, do các lý do thực tế. Bất cứ ai biết kích thước của nhà thờ vĩ đại này đều biết phải mất bao lâu để đi lên và đi xuống lối đi chính. Ngay cả khi Đức Thánh Cha rảy nước thánh từ bàn thờ chính, nước thánh thậm chí sẽ không đến được các vị đồng tế đứng gần nhất, nhưng sẽ rơi xuống nền nhà. Vì vậy, đây sẽ không chính xác là lời nhắc nhở tốt nhất đến nước rửa tội. Cuối cùng, tôi nghĩ rằng nghi thức rảy nước thánh có thể được tránh, nhằm tôn trọng tuổi cao và sự khó khăn của Đức Thánh Cha khi lên xuống các bậc thang cấp.

Về các Kinh Tiền Tụng Phục Sinh: Đối với phần lớn lịch sử Hội Thánh, chỉ có một Kinh Tiền Tụng Phục Sinh, vốn với một số điều chỉnh nhỏ, là Kinh Tiền Tụng tương ứng với Kinh Tiền Tụng Phục Sinh I hiện nay.

Trong Kinh Tiền Tụng này, bản gốc Latinh có một biến thể nhỏ trong phần mở đầu so với hầu hết các Kinh Tiền Tụng khác.

Trong bản dịch đầu tiên bằng Anh ngữ, sự khác biệt nhỏ này không được diễn tả nhưng luôn được dịch là: “Lạy Cha toàn năng và Thiên Chúa hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo...”. Do ảnh hưởng của phiên bản tiếng Anh trên các bản dịch khác, có thể đây là lý do tại sao không có sự phân biệt trong văn bản tiếng Hoa. Tôi nghĩ rằng độc giả của chúng ta sẽ tha thứ cho tôi, nếu tôi không bình luận thêm về công lao của một bản dịch phụng vụ bằng tiếng Hoa.

Bản dịch Anh ngữ mới nhất và chính xác hơn sẽ nắm bắt được sự khác biệt. Do đó, đa số các Kinh Tiền Tụng bắt đầu với: “Thật là chính đáng và phải đạo, bổn phận của chúng con và vì sự cứu rỗi của chúng con, chúng con tạ ơn cha mọi lúc mọi nơi, Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng và hằng hữu”.

Mặt khác, Kinh Tiền Tụng Phục sinh mở đầu: “Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa mọi lúc,

nhất là trong đêm (ngày, mùa) cực thánh này, chúng con càng hãnh diện tung hô Chúa khi Đức Ki-tô đã được hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu

độ cho chúng con” (xem I Cr 5: 7) (Bản dịch Việt ngữ, như trên).

Nguyên nhân của sự khác biệt này, tôi xin đề nghị, là sự mong ước nhấn mạnh tầm quan trọng của mùa Phục Sinh, như là một thời điểm đặc biệt và duy nhất trong năm.

Sự mong ước này có lẽ đã dẫn tác giả vô danh của Kinh Tiền Tụng thực hiện một vài thay đổi trong phần mở đầu thông thường của nó. Đến lượt nó, điều này đòi hỏi một số điều chỉnh văn phong để giữ sự cân bằng cần thiết trong các âm tiết, theo các quy tắc của thuật hùng biện và bố cục Latinh. Các thay đổi này cũng cho phép Kinh được hát theo giai điệu truyền thống nữa.

Trong Sách Lễ hiện tại, bốn bản văn bổ sung đã được thêm vào Kinh Tiền Tụng Phục Sinh gốc. Điều này đã được thực hiện cơ bản, bằng cách để nguyên các cụm từ mở đầu và kết thúc của Kinh Tiền Tụng gốc, trong khi mở rộng sứ điệp của phần trung tâm để đưa vào các sắc thái khác liên quan đến mằu nhiệm Phục Sinh.

Trong phần đầu của mỗi Kinh Tiền Tụng, lời diễn tả được trích dẫn ở trên từ I Cr, 5: 7, một cách nào đó là cái trục, mà chung quanh nó cả năm Kinh Tiền suy đi gẫm lại.

Phần cuối của năm Kinh Tiền Tụng có nguyên nhân để chiếu sáng toàn bộ thời gian 50 ngày của mùa Phục Sinh: niềm vui Phục Sinh kéo dài đến mọi nơi trên thế giới và cho tất cả mọi người. Phần kết này, mặc dù nó có nguồn gốc cổ đại, đã biến mất khỏi Kinh Tiền Tụng Phục Sinh của Sách lễ thời thánh Giáo Hoàng Piô V, vốn sử dụng cùng một phần kết như trong phần còn lại của cả năm. Tuy nhiên, nó phần nào được bảo tồn trong Kinh Tiền Tụng của Lễ Hiện Xuống, và bây giờ được phục hồi cho cả mùa Phục sinh.

Kinh Tiền Tụng Phục Sinh I, sau khi nhắc lại thần học của Chúa Kitô như là Đấng Vượt Qua của chúng ta, gọi Ngài là “là Chiên thật đã xoá bỏ tội trần gian”. Mặc dù Chúa Kitô không được gọi là “con Chiên thật” trong bất kỳ phần nào của Kinh Thánh, cụm từ này phản ánh thần học của Thánh Gioan, mà trong đó Chúa Kitô (ánh sáng thật, bánh mì thật, và cây nho thật), qua cái chết và sự sống lại của Ngài, hoàn thành và thay thế hình ảnh ngôn sứ biểu tượng của Chiên Vượt Qua.

Chủ đề chính của Kinh Tiền Tụng II là không phải Chúa Kitô cách trực tiếp, nhưng là những người được tháp nhập vào đời sống mới trong Chúa Kitô. Chúng ta là con cái sự sáng (xem Lc 16: 8 và I Tx 5: 5) và với sự sống lại của Ngài, các cửa Nước Trời mở ra cho chúng ta.

Trong Kinh Tiền Tụng III, có tựa đề “Đức Ki-tô vẫn sống và chuyển cầu cho ta”, chúng ta chiêm ngắm Chúa của chúng ta trong ba khía cạnh của mầu nhiệm, khi Ngài hiến thân, bênh vực chúng ta trước tòa Chúa, không còn chết nữa và vẫn sống luôn mãi. Kinh Tiền Tụng này phản ánh trước tiên mọi yếu tố thần học của Thư gửi tín hữu Hipri và Sách Khải Huyền.

"Việc phục hưng vũ trụ nhờ mầu nhiệm vượt qua”, nhan đề của Kinh Tiền Tụng IV, chứa ba lời tuyên bố: tình trạng xưa cũ bị hủy diệt; toàn thể những gì bị loại bỏ đều được đổi mới; và sự sống nguyên vẹn được phục hồi cho chúng ta trong Chúa Ki-tô. Do đó, công việc của Chúa Kitô không chỉ là sửa chữa tinh trạng xưa cũ, mà còn là điều gì đó dẫn đến sự hoàn thành viên mãn nữa.

Cuối cùng, Kinh Tiền Tụng V, “Đức Ki-tô là linh mục và là của lễ”, tán dương Ngài là linh mục, của lễ và bàn thờ, xem điều này như là sự hoàn thành dứt khoát của tất cả những gì mà các hy lễ Cựu Ước đã được tiên báo. Kinh Tiền Tụng này đặc biệt lấy cảm hứng từ Thư gửi tín hữu Hipri (2:17; 10:12; 13:10).

Vì vậy, thông qua các Kinh Tiền Tụng Phục Sinh, Hội Thánh cung cấp cho chúng ta một thần học phong phú, vốn sẽ dẫn chúng ta đến sống niềm vui Phục Sinh trong suốt cả năm. (Zenit.org 8-5-2018)

Nguyễn Trọng Đa