Chúa Nhật V B
1. Ngày làm việc của Chúa Giêsu
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu với khởi đầu là cầu nguyện, rao giảng và chữa lành thể xác tâm hồn cho con người. Một ngày thật bận rộn với biết bao công việc: Giảng dạy trong hội đường rồi đến nhà chữa bệnh cho nhạc mẫu Phêrô; Buổi chiều cho đến tối mịt, Chúa chữa lành dân chúng đủ loại bệnh hoạn tật nguyền; Sáng sớm tinh mơ, Chúa dành thời gian đẹp nhất một ngày mới để cầu nguyện cùng Chúa Cha.
Công việc bề bộn mỗi ngày của Chúa Giêsu tạo nên khuôn mẫu cho tất cả các môn sinh trong nhịp sống thường ngày.
a. Cầu nguyện:
“Sáng sớm, Chúa Giêsu tìm nơi thanh vắng cầu nguyện” (1,35). Suốt ngày lo toan với bao nhiêu là công việc, tiếp xúc đủ thứ hạng người, Chúa Giêsu dành buổi sáng tinh mơ để tâm sự trao đổi với Cha. Cầu nguyện là nhu cầu thật sự của Chúa Giêsu. Người cần có thời gian sống riêng tư một mình. Người cần sống bên Cha, tâm sự về gánh nặng công việc, về nỗi đau khổ của loài người, về cuộc chiến chống Satan. Người thấy mình cần được Cha cảm thông và nâng đỡ, cần ánh sáng và nghị lực để làm tròn sứ mạng. Người cầu nguyện vì yêu mến, khao khát được kết hiệp với Cha. Một ngày mới khởi đầu như thế để múc nguồn sức mạnh cho hoạt động truyền giáo.
b. Rao giảng
Việc quan trọng thứ hai là rao giảng Tin mừng “Ngày Sabát, Chúa Giêsu vào hội đường giảng dạy” (1,21). Người đọc Sách Thánh và giải nghĩa: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền” (1,22). Cả phương pháp và bầu khí giảng dạy của Người đều như một sự mạc khải mới mẻ. Chúa giảng với một uy quyền vượt xa các luật sĩ kinh sư thời đó. Chúa giảng như Đấng có thẩm quyền của chính Thiên Chúa tối cao. Chúa hoàn toàn độc lập khi giảng dạy. Người không trích dẫn, không dựa vào thế giá một chuyên viên nào. Vì thế, giáo lý của Chúa mới mẻ, người nghe đón nhận như luồng gió mát dịu từ thiên đàng thổi tới, lòng người cảm mến hân hoan, tâm hồn rộng mở hướng về trời cao với Chúa Cha.
c. Chữa lành thể xác tâm hồn.
Lời giảng dạy thể hiện bằng hành vi yêu thương. Lời nói đi đôi với việc làm. Đó chính là yếu tố làm cho lời nói có sức thuyết phục: “Ra khỏi hội đường, Chúa Giêsu vào nhà ông Simon… Bà nhạc của ông Simon đang bị sốt. Chúa Giêsu đến bên giường, cầm tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài”. Chúa Giêsu làm một cử chỉ thân ái là cầm lấy tay bà và nâng dậy, như có lần Người cầm tay đứa con gái ông trưởng hội đường, một cô bé mười hai tuổi đã chết lại đứng dậy được (Mc 5,41), lần khác Người cầm tay cậu bé bị động kinh nằm trên đất, nâng cậu dậy và cho cậu đứng lên (Mc 9,27).
“Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người”. Căn nhà ông Simon nhỏ hẹp, các bệnh nhân phải đứng thành nhiều vòng bên ngoài chờ đợi đến lượt mình. Tất cả đều được Chúa chữa lành.
Tác giả Thánh vịnh trong bài đáp ca cũng có cùng một cảm nghiệm đó khi nói: “Chính Người chữa những kẻ dập nát tâm can, và băng bó vết thương tâm của họ”. Thánh Phêrô trong sách Công vụ Tông đồ cũng đã làm chứng: “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10,38).
Bệnh tật đeo đuổi con người như hình với bóng. Người ta tìm ra phương cách chữa được bệnh này thì bệnh khác lại xuất hiện. Càng ngày nhiều căn bệnh mới càng khó trị và bất trị cho dù y học hiện đại tiến bộ vượt bậc. Chúa Giêsu đụng chạm đến biển khổ của nhân loại. Người không mong múc cạn, chỉ mong làm vơi đi, chỉ mong cùng chia sẻ và ban cho nó một ý nghĩa.
Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu đầy ắp yêu thương trong mọi công việc phục vụ. Người có một trái tim rung động luôn “chạnh lòng thương”, có một tấm lòng bao dung vô bờ bến. Rao giảng Tin Mừng yêu thương, làm phép lạ chữa lành, mở rộng vòng tay đón nhận và tha thứ những kẻ tội lỗi. Chúa chữa lành bệnh tật thể xác và tâm hồn con người. Gặp Chúa, những ai sống ích kỷ đều trở nên quảng đại, những ai ghen ghét hận thù đều trở thành yêu thương tha thứ. Gặp Chúa, con người tìm được mùa xuân cuộc đời.
Ngày làm việc bận rộn của Chúa Giêsu đều đầy ắp niềm vui cầu nguyện và hoạt động. Đó chính là khuôn mẫu cho mọi tín hữu.Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu nói đến đời sống cầu nguyện và hoạt động của mọi tín hữu: Muốn có một đời sống Kitô hữu đích thực, mọi người cần xác tín rằng: việc truyền giáo vừa là một hoạt động có chiêm niệm, vừa là một chiêm niệm có hoạt động (số 23). Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo xác định: “cầu nguyện thế nào thì sống như vậy” (số 2725).
Một ngày sống khởi đầu với kinh nguyện, thánh lễ, chúng ta được gia tăng lòng Tin Cậy Mến, nhờ đó mà nhiệt thành làm mọi việc trong ngày sáng danh Chúa.
2. Chúa Giêsu đi về vùng ngoại biên.
“Ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: Mọi người đang tìm Thầy!”. Chúa Giêsu muốn đi đến nhiều nơi. Vì vậy “Người bảo các ông : Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó. Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ”.
Galilê là vùng ngoại biên xa trung tâm Giêrusalem. Galilê là khởi điểm Kitô giáo. Chính tại đây, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc rao giảng Tin mừng, chọn gọi các Tông đồ, tuyên bố Luật mới.
Chúa Giêsu sinh ra trong một gia đình làm nghề mộc, thuộc dạng nghèo. Như vậy, Người mang thân phận kẻ nghèo để chia sẻ với thế giới những người ngoại biên. Khi đi rao giảng Tin Mừng, Người ưu tiên để ý đến những người nghèo, người người tội lỗi và những người cùng khổ. Người áp dụng vào chính mình những lời tiên tri Isaia xưa đã nói: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, Chúa đã xức dầu tấn phong tôi.Sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,17-20). Người cũng đã xác định: “Thầy đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13). Người muốn dạy cho mọi người thấy: Trước mặt Chúa không có vấn đề ưu đãi cho trung tâm và bỏ quên hoặc loại trừ những ngoại biên. Người nói rõ ràng với người phụ nữ ngoại giáo xứ Samaria: “Này chị, hãy tin tôi: Đã đến giờ, các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem... Nhưng giờ đã đến, và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và trong sự thực. Vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4,21-24). Suốt đời, Chúa Giêsu đã sống gần gũi những người ngoại biên, đến với họ chia sẻ những nỗi đau của họ. Chúa Giêsu cho họ thấy Người rất thương họ, và tình thương đó là vô hạn, vô cùng. Thương đến đổ máu mình ra, chết cho họ, chết thay cho họ, và cho mọi người.Người hiến thân đến tột cùng vì tình yêu. Chính ở điểm hiến thân trên thánh giá, mà Người làm vinh danh Chúa Cha, và chính Người được tôn vinh. Người muốn các môn đệ hãy theo gương Người, đem Tin Mừng đến cho người nghèo khổ như vậy. Hiện nay, Mẹ thánh Têrêxa Calcutta đang được đề cao như một gương mẫu rao giảng Tin Mừng cho người ngoại biên. Mẹ không làm việc gì khác ngoài đi theo đường lối mà Chúa Giêsu đã đi trước. Điều đáng ngợi khen nhất nơi Mẹ là làm chứ không chỉ nói. (x.Tin Mừng cho người ngoại biên, ĐGM Bùi Tuần).
3. Giáo Hội Đi Ra Vùng Ngoại Biên
Thời nay, nói theo ngôn ngữ của Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, những biên cương mới mà Giáo Hội đang quan tâm không chỉ trên phương diện địa lý nhưng còn là những con người. Chúng không chỉ có nghĩa là mới, nhưng còn có nghĩa là bị lãng quên, bị bỏ rơi, chưa đụng chạm đến. Các biên cương cần quan tâm chính là sự cộng tác của mọi thành phần trong giáo xứ, là mục vụ hôn nhân gia đình, mục vụ sau khi kết hôn, chăm sóc và bảo vệ thai nhi, mục vụ bác ái truyền giáo, mục vụ truyền thông và mục vụ di dân.
Chúa đến với những biên cương mới dẫu cho khó khăn hay thập giá.Truyền giáo ngày nay trong thế giới nói chung và trong xã hội Việt Nam nói riêng không nhắm trước tiên hay chủ yếu vào việc "chinh phục các linh hồn" cho Chúa càng nhiều càng tốt, (chúng ta không chạy theo số lượng) nhưng đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần vào con người và vào mọi thực tại nhân sinh. Vì thế, để thi hành sứ mạng cao cả đó, chúng ta không nhất thiết phải đi tới một vùng địa lý nào khác, mà lấy chính môi trường sống của mình làm "vùng đất ngoại bang", và noi gương của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chúng ta hãy coi các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội là những vùng giáp ranh, những vùng biên giới mà Chúa sai chúng ta đến.
Cảm nghiệm sâu xa bước chân Chúa Giêsu đi về vùng ngoại biên, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Tôi thích một Giáo Hội bị bầm dập, bị thương tích và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, hơn là một Giáo Hội yếu nhược vì tự giam mình và bám víu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Giáo Hội quan tâm đến việc được ở vị thế trung tâm và rồi rốt cuộc bị vướng mắc vào một mạng lưới của những nỗi ám ảnh và thủ tục” (EG 49).
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các mục tử: Nếu một linh mục học nhiều về thần học và có nhiều bằng cấp, mà chưa học vác Thập giá Chúa Kitô, thì chưa phải là phục vụ. Người đó có thể là một học giả tốt, có thể là một giáo sư tốt, nhưng người ấy không phải là một linh mục. Các con thân mến, các con làm ơn đừng trở thành những “quý ông”, cũng đừng trở thành những “giáo sĩ kiểu công chức”; nhưng các con hãy trở thành người mục tử, những mục tử của dân Chúa. (x. bài giảng phong chức linh mục cho 10 thầy Phó tế tại Đền Thờ Thánh Phêrô, ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, 07 tháng 05 năm 2017).
“Đi Ra Vùng Ngoại Biên” đã trở thành câu nói quen thuộc của nhiều tín hữu kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”. Ngài khuyến khích mọi người bước ra khỏi sự quen thuộc hằng ngày của mình để đi đến những nơi, với những người xa lạ ở vùng ven, vùng ngoại biên ...Đây không chỉ là một lối sống thích ứng tích cực trong khuynh hướng toàn cầu hóa hiện nay, nhưng còn là một phương thế, một giải pháp để Tin Mừng Chúa Kitô được rao giảng rộng rãi hữu hiệu hơn. Chính những chuyến “đi ra vùng ngoại biên” đã neo lại nơi tâm hồn người khác nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ngày nay, nhiều người đã đi ra ngoài khu vực an toàn của mình để “đến vùng ngoại biên” và đã chạm đến những bất công, bất minh, bất chính của trần thế. Từ nơi đó, họ thắp lên ánh sáng của Tin Mừng, của lẽ phải và công lý cho những người “còn ngồi trong bóng tối sự chết” (Lc 1,70).
Chúa Giêsu đến thế gian với thân phận con người, làm con người, yêu thương con người và cứu độ con người. Người tận tụy phục vụ mọi người. Hãy cùng với Chúa “đi ra vùng ngoại biên”, ra khỏi những khung cảnh quen thuộc hằng ngày loan báo Niềm Vui Tin Mừng.
1. Ngày làm việc của Chúa Giêsu
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu với khởi đầu là cầu nguyện, rao giảng và chữa lành thể xác tâm hồn cho con người. Một ngày thật bận rộn với biết bao công việc: Giảng dạy trong hội đường rồi đến nhà chữa bệnh cho nhạc mẫu Phêrô; Buổi chiều cho đến tối mịt, Chúa chữa lành dân chúng đủ loại bệnh hoạn tật nguyền; Sáng sớm tinh mơ, Chúa dành thời gian đẹp nhất một ngày mới để cầu nguyện cùng Chúa Cha.
Công việc bề bộn mỗi ngày của Chúa Giêsu tạo nên khuôn mẫu cho tất cả các môn sinh trong nhịp sống thường ngày.
a. Cầu nguyện:
“Sáng sớm, Chúa Giêsu tìm nơi thanh vắng cầu nguyện” (1,35). Suốt ngày lo toan với bao nhiêu là công việc, tiếp xúc đủ thứ hạng người, Chúa Giêsu dành buổi sáng tinh mơ để tâm sự trao đổi với Cha. Cầu nguyện là nhu cầu thật sự của Chúa Giêsu. Người cần có thời gian sống riêng tư một mình. Người cần sống bên Cha, tâm sự về gánh nặng công việc, về nỗi đau khổ của loài người, về cuộc chiến chống Satan. Người thấy mình cần được Cha cảm thông và nâng đỡ, cần ánh sáng và nghị lực để làm tròn sứ mạng. Người cầu nguyện vì yêu mến, khao khát được kết hiệp với Cha. Một ngày mới khởi đầu như thế để múc nguồn sức mạnh cho hoạt động truyền giáo.
b. Rao giảng
Việc quan trọng thứ hai là rao giảng Tin mừng “Ngày Sabát, Chúa Giêsu vào hội đường giảng dạy” (1,21). Người đọc Sách Thánh và giải nghĩa: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền” (1,22). Cả phương pháp và bầu khí giảng dạy của Người đều như một sự mạc khải mới mẻ. Chúa giảng với một uy quyền vượt xa các luật sĩ kinh sư thời đó. Chúa giảng như Đấng có thẩm quyền của chính Thiên Chúa tối cao. Chúa hoàn toàn độc lập khi giảng dạy. Người không trích dẫn, không dựa vào thế giá một chuyên viên nào. Vì thế, giáo lý của Chúa mới mẻ, người nghe đón nhận như luồng gió mát dịu từ thiên đàng thổi tới, lòng người cảm mến hân hoan, tâm hồn rộng mở hướng về trời cao với Chúa Cha.
c. Chữa lành thể xác tâm hồn.
Lời giảng dạy thể hiện bằng hành vi yêu thương. Lời nói đi đôi với việc làm. Đó chính là yếu tố làm cho lời nói có sức thuyết phục: “Ra khỏi hội đường, Chúa Giêsu vào nhà ông Simon… Bà nhạc của ông Simon đang bị sốt. Chúa Giêsu đến bên giường, cầm tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài”. Chúa Giêsu làm một cử chỉ thân ái là cầm lấy tay bà và nâng dậy, như có lần Người cầm tay đứa con gái ông trưởng hội đường, một cô bé mười hai tuổi đã chết lại đứng dậy được (Mc 5,41), lần khác Người cầm tay cậu bé bị động kinh nằm trên đất, nâng cậu dậy và cho cậu đứng lên (Mc 9,27).
“Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người”. Căn nhà ông Simon nhỏ hẹp, các bệnh nhân phải đứng thành nhiều vòng bên ngoài chờ đợi đến lượt mình. Tất cả đều được Chúa chữa lành.
Tác giả Thánh vịnh trong bài đáp ca cũng có cùng một cảm nghiệm đó khi nói: “Chính Người chữa những kẻ dập nát tâm can, và băng bó vết thương tâm của họ”. Thánh Phêrô trong sách Công vụ Tông đồ cũng đã làm chứng: “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10,38).
Bệnh tật đeo đuổi con người như hình với bóng. Người ta tìm ra phương cách chữa được bệnh này thì bệnh khác lại xuất hiện. Càng ngày nhiều căn bệnh mới càng khó trị và bất trị cho dù y học hiện đại tiến bộ vượt bậc. Chúa Giêsu đụng chạm đến biển khổ của nhân loại. Người không mong múc cạn, chỉ mong làm vơi đi, chỉ mong cùng chia sẻ và ban cho nó một ý nghĩa.
Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu đầy ắp yêu thương trong mọi công việc phục vụ. Người có một trái tim rung động luôn “chạnh lòng thương”, có một tấm lòng bao dung vô bờ bến. Rao giảng Tin Mừng yêu thương, làm phép lạ chữa lành, mở rộng vòng tay đón nhận và tha thứ những kẻ tội lỗi. Chúa chữa lành bệnh tật thể xác và tâm hồn con người. Gặp Chúa, những ai sống ích kỷ đều trở nên quảng đại, những ai ghen ghét hận thù đều trở thành yêu thương tha thứ. Gặp Chúa, con người tìm được mùa xuân cuộc đời.
Ngày làm việc bận rộn của Chúa Giêsu đều đầy ắp niềm vui cầu nguyện và hoạt động. Đó chính là khuôn mẫu cho mọi tín hữu.Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu nói đến đời sống cầu nguyện và hoạt động của mọi tín hữu: Muốn có một đời sống Kitô hữu đích thực, mọi người cần xác tín rằng: việc truyền giáo vừa là một hoạt động có chiêm niệm, vừa là một chiêm niệm có hoạt động (số 23). Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo xác định: “cầu nguyện thế nào thì sống như vậy” (số 2725).
Một ngày sống khởi đầu với kinh nguyện, thánh lễ, chúng ta được gia tăng lòng Tin Cậy Mến, nhờ đó mà nhiệt thành làm mọi việc trong ngày sáng danh Chúa.
2. Chúa Giêsu đi về vùng ngoại biên.
“Ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: Mọi người đang tìm Thầy!”. Chúa Giêsu muốn đi đến nhiều nơi. Vì vậy “Người bảo các ông : Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó. Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ”.
Galilê là vùng ngoại biên xa trung tâm Giêrusalem. Galilê là khởi điểm Kitô giáo. Chính tại đây, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc rao giảng Tin mừng, chọn gọi các Tông đồ, tuyên bố Luật mới.
Chúa Giêsu sinh ra trong một gia đình làm nghề mộc, thuộc dạng nghèo. Như vậy, Người mang thân phận kẻ nghèo để chia sẻ với thế giới những người ngoại biên. Khi đi rao giảng Tin Mừng, Người ưu tiên để ý đến những người nghèo, người người tội lỗi và những người cùng khổ. Người áp dụng vào chính mình những lời tiên tri Isaia xưa đã nói: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, Chúa đã xức dầu tấn phong tôi.Sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,17-20). Người cũng đã xác định: “Thầy đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13). Người muốn dạy cho mọi người thấy: Trước mặt Chúa không có vấn đề ưu đãi cho trung tâm và bỏ quên hoặc loại trừ những ngoại biên. Người nói rõ ràng với người phụ nữ ngoại giáo xứ Samaria: “Này chị, hãy tin tôi: Đã đến giờ, các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem... Nhưng giờ đã đến, và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và trong sự thực. Vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4,21-24). Suốt đời, Chúa Giêsu đã sống gần gũi những người ngoại biên, đến với họ chia sẻ những nỗi đau của họ. Chúa Giêsu cho họ thấy Người rất thương họ, và tình thương đó là vô hạn, vô cùng. Thương đến đổ máu mình ra, chết cho họ, chết thay cho họ, và cho mọi người.Người hiến thân đến tột cùng vì tình yêu. Chính ở điểm hiến thân trên thánh giá, mà Người làm vinh danh Chúa Cha, và chính Người được tôn vinh. Người muốn các môn đệ hãy theo gương Người, đem Tin Mừng đến cho người nghèo khổ như vậy. Hiện nay, Mẹ thánh Têrêxa Calcutta đang được đề cao như một gương mẫu rao giảng Tin Mừng cho người ngoại biên. Mẹ không làm việc gì khác ngoài đi theo đường lối mà Chúa Giêsu đã đi trước. Điều đáng ngợi khen nhất nơi Mẹ là làm chứ không chỉ nói. (x.Tin Mừng cho người ngoại biên, ĐGM Bùi Tuần).
3. Giáo Hội Đi Ra Vùng Ngoại Biên
Thời nay, nói theo ngôn ngữ của Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, những biên cương mới mà Giáo Hội đang quan tâm không chỉ trên phương diện địa lý nhưng còn là những con người. Chúng không chỉ có nghĩa là mới, nhưng còn có nghĩa là bị lãng quên, bị bỏ rơi, chưa đụng chạm đến. Các biên cương cần quan tâm chính là sự cộng tác của mọi thành phần trong giáo xứ, là mục vụ hôn nhân gia đình, mục vụ sau khi kết hôn, chăm sóc và bảo vệ thai nhi, mục vụ bác ái truyền giáo, mục vụ truyền thông và mục vụ di dân.
Chúa đến với những biên cương mới dẫu cho khó khăn hay thập giá.Truyền giáo ngày nay trong thế giới nói chung và trong xã hội Việt Nam nói riêng không nhắm trước tiên hay chủ yếu vào việc "chinh phục các linh hồn" cho Chúa càng nhiều càng tốt, (chúng ta không chạy theo số lượng) nhưng đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần vào con người và vào mọi thực tại nhân sinh. Vì thế, để thi hành sứ mạng cao cả đó, chúng ta không nhất thiết phải đi tới một vùng địa lý nào khác, mà lấy chính môi trường sống của mình làm "vùng đất ngoại bang", và noi gương của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chúng ta hãy coi các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội là những vùng giáp ranh, những vùng biên giới mà Chúa sai chúng ta đến.
Cảm nghiệm sâu xa bước chân Chúa Giêsu đi về vùng ngoại biên, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Tôi thích một Giáo Hội bị bầm dập, bị thương tích và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, hơn là một Giáo Hội yếu nhược vì tự giam mình và bám víu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Giáo Hội quan tâm đến việc được ở vị thế trung tâm và rồi rốt cuộc bị vướng mắc vào một mạng lưới của những nỗi ám ảnh và thủ tục” (EG 49).
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các mục tử: Nếu một linh mục học nhiều về thần học và có nhiều bằng cấp, mà chưa học vác Thập giá Chúa Kitô, thì chưa phải là phục vụ. Người đó có thể là một học giả tốt, có thể là một giáo sư tốt, nhưng người ấy không phải là một linh mục. Các con thân mến, các con làm ơn đừng trở thành những “quý ông”, cũng đừng trở thành những “giáo sĩ kiểu công chức”; nhưng các con hãy trở thành người mục tử, những mục tử của dân Chúa. (x. bài giảng phong chức linh mục cho 10 thầy Phó tế tại Đền Thờ Thánh Phêrô, ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, 07 tháng 05 năm 2017).
“Đi Ra Vùng Ngoại Biên” đã trở thành câu nói quen thuộc của nhiều tín hữu kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”. Ngài khuyến khích mọi người bước ra khỏi sự quen thuộc hằng ngày của mình để đi đến những nơi, với những người xa lạ ở vùng ven, vùng ngoại biên ...Đây không chỉ là một lối sống thích ứng tích cực trong khuynh hướng toàn cầu hóa hiện nay, nhưng còn là một phương thế, một giải pháp để Tin Mừng Chúa Kitô được rao giảng rộng rãi hữu hiệu hơn. Chính những chuyến “đi ra vùng ngoại biên” đã neo lại nơi tâm hồn người khác nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ngày nay, nhiều người đã đi ra ngoài khu vực an toàn của mình để “đến vùng ngoại biên” và đã chạm đến những bất công, bất minh, bất chính của trần thế. Từ nơi đó, họ thắp lên ánh sáng của Tin Mừng, của lẽ phải và công lý cho những người “còn ngồi trong bóng tối sự chết” (Lc 1,70).
Chúa Giêsu đến thế gian với thân phận con người, làm con người, yêu thương con người và cứu độ con người. Người tận tụy phục vụ mọi người. Hãy cùng với Chúa “đi ra vùng ngoại biên”, ra khỏi những khung cảnh quen thuộc hằng ngày loan báo Niềm Vui Tin Mừng.