Cuộc tranh luận về đồng tính luyến ái trở nên gay gắt khi càng ngày càng có nhiều quốc gia hợp pháp hóa “hôn nhân” đồng tính. Thoạt đầu, những người ủng hộ việc này phần lớn thuộc các hệ phái khác của Kitô Giáo. Sau đó, lây lan qua các chính trị gia Công Giáo tự coi mình là cấp tiến. Và từ ngày có tuyên bố “tôi là ai mà dám phê phán” người đồng tính, nhiều giáo sĩ và cả giáo phẩm Công Giáo không “e ngại” lên tiếng ủng hộ công khai hay mập mờ hình thức “hôn nhân” mà thực ra không hề là hôn nhân chút nào này.

Người nổi tiếng nhất của nhóm trên hiện nay là Linh Mục James Martin, Dòng Tên, biên tập viên tổng quát (editor-at-large) của tạp chí America, Hoa Kỳ, tác giả cuốn Building a Bridge: How the Catholic Church and the LGBT Community Can Enter into a Relationship of Respect, Compassion, and Sensitivity (Harper One, 2017).

Giáo Sư Robert P. George của phân khoa luật ở hai Đại Học Princeton và Harvard cho rằng Cha Martin thực sự bác bỏ giáo huấn của Giáo Hội về tính dục và hôn nhân, nhưng tại sao cha lại không chịu nhận như thế?

Thực chất bác bỏ giáo huấn Thánh Kinh

Ông đi tìm hiểu nguyên do. Ai cũng biết giáo huấn của Giáo Hội về các vấn đề trên không thể rõ ràng hơn, một giáo huấn hoàn toàn theo Thánh Kinh: hôn nhân là cuộc kết hợp nên một thân xác của chồng và vợ, còn các hành vi tính dục phi phu thê, bất luận dị tính hay đồng tính, là vô luân từ trong nội tại.

Giáo Sư George cho rằng tuy Cha Martin chưa bao giờ công khai bác bỏ giáo huấn trên, nhưng những việc Cha làm và các câu Cha nói chứng minh rằng Cha bác bỏ giáo huấn này. “Cha gán cho các người chống lại việc tái định nghĩa hôn nhân là cuồng tín, so sánh những ai không tham dự các đám cưới đồng tính với các người kỳ thị chủng tộc, thậm chí tuyên bố rằng phần lớn những người chỉ trích phương thức của Cha là bị thúc đẩy bởi lòng giận dữ do ẩn ức sinh lý bị kìm hãm nuôi dưỡng… Cha còn kết án những người ủng hộ hôn nhân phu thê là các chi thể ‘đồi bại’ và ‘điên loạn’ của thứ Công Giáo cực hữu”.

Chính Giáo Sư George yêu cầu Cha xác nhận Giáo Hội dạy gì về hôn nhân và tính dục, nhưng Cha làm ngơ. Không những thế, những người ủng hộ Cha còn kết tội Giáo Sư là “tấn công” ngài là “xử án” ngài theo lối Tòa Án Dị Giáo!

Cha chỉ nhấn mạnh duy nhất một điều “tôi không bác bỏ giáo huấn ấy”. Thiển nghĩ đây cũng là tác phong của tất cả những khuôn mặt “đáng kính” trong Giáo Hội hiện nay đang minh nhiên hoặc mặc nhiên (đánh lộn con đen) lên tiếng ủng hộ đồng tính nói chung và hôn nhân đồng tính nói riêng.

Tại sao thế? Theo Giáo Sư George, một số người cho rằng Cha Martin nói dối, khi nói rằng ngài không bác bỏ giáo huấn của Giáo Hội, chỉ “tôn trọng” những cuộc kết hợp đồng tính, hy vọng một ngày kia người đồng tính nam được tự do hôn “người chồng sắp cưới của mình” trong Thánh Lễ, và cho rằng Giáo Hội nên bỏ cái chủ trương coi thèm muốn đồng tính là “vô trật tự một cách khách quan” bằng chủ trương coi nó “hợp trật tự một cách khác mà thôi”.

Chủ trương như thế rõ ràng là bác bỏ giáo huấn của Giáo Hội, không thể nói gì thêm. Tuy nhiên, Giáo Sư George cho rằng Cha Martin không nói dối, mà theo Greg Brown, một sinh viên tiến sĩ môn triết tại Đại Học Chicago và cựu phụ tá chủ bút của tờ Public Discourse, thì Cha Martin thành thực tin rằng Giáo Hội thực sự không giảng dạy tính vô luân của tác phong đồng tính. Nói rõ hơn: Giáo Hội không giảng dậy điều này một cách có thẩm quyền.

Không được tiếp nhận

Thực vậy, trong cuộc phỏng vấn ngày 29 tháng Tám năm nay ở Đại Học Villanova của Brandon Ambrosino, Cha Martin nói rằng: “Một trong những điều tôi vẫn suy nghĩ khá nhiều là ý niệm, và như ông thấy đó, chúng ta đang ở một phân khoa thần học, đó là ý niệm ‘tiếp nhận’ giáo huấn. Đây là một truyền thống mà tôi nghĩ phần lớn người ta không biết đến, vì quả nó không được đề cập tới trong khoảng 30, 40 năm nay và cũng không ý thức rõ, thực như thế, nhưng ông biết đó, để một, nói cho vắn tắt, vả tôi không phải là một nhà thần học, nhưng ông biết đó, để một giáo huấn thực sự có tính thẩm quyền, người ta mong nó được tiếp nhận bởi dân Chúa, bởi các tín hữu.

“Thành thử, ông hãy xem một việc như việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời chẳng hạn. Việc này được công bố và người ta chấp nhận. Người ta đi tham dự Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, họ tin Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, việc này được tiếp nhận. Từ đó, tôi có thể nói, trong cộng đồng đồng tính và đổi tính (LGBT), giáo huấn dạy rằng người đồng tính và đổi tính phải sống độc thân suốt đời, chứ không phải, ông thấy đấy, chứ không phải chỉ trước khi kết hôn, như đối với phần lớn người ta, nhưng là suốt đời, giáo huấn này chưa được tiếp nhận.

“Tôi chỉ nói thế, vậy mà người ta nổi điên. Và điều này tôi chỉ nói đến dựa vào người đồng tính và đổi tính. Bây giờ có một số người tin, tôi muốn nói chỉ là một số người rất nhỏ, nhưng đây là một sự kiện rất đơn giản. Ông có thể nói họ không đồng ý như thế; tôi muốn nói giáo huấn chưa được tiếp nhận bởi cộng đồng mà giáo huấn này chủ yếu muốn nói với.

“Và vì thế câu hỏi, ông thấy đó, là ta sẽ làm gì với nó? Bây giờ… suy tư đó, ông thấy đó, ta phải làm gì với một giáo huấn xem ra chưa được tiếp nhận bởi cộng đồng nó muốn ngỏ với, là một vấn đề thần học mà các giám mục và người đồng tính và đổi tính cần phải suy nghĩ tới”.

Câu sau cùng vừa trích dường như muốn nói: tác giả của nó chỉ nêu vấn đề thôi, chứ không có giải đáp hay chủ trương chi. Nhưng theo Giáo Sư George: quả tình Cha Martin không nói dối khi ngài nói rằng ngài không chống lại giáo huấn của Giáo Hội mà chỉ cho rằng giáo huấn của Giáo Hội về người người đồng tính là giáo huấn chưa thực sự có tính thẩm quyền, nói cách khác, chưa là giáo huấn chân chính của Giáo Hội, vì những người mà giáo huấn muốn nói với chưa tiếp nhận nó.

Greg Browm viết thêm rằng: trong cuộc phỏng vấn của tờ The Jesuit Post ngày 27 tháng Sáu, 2017, học lý “tiếp nhận” được Cha Martin lồng vào học lý nền tảng hơn đó là học lý cảm thức đức tin. Lễ dĩ nhiên, Cha Martin dựa vào tài liệu “Sensus Fidei” của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, trực thuộc Bộ Giáo Lý Đức Tin thời Đức Phanxicô, mà chúng tôi đã chuyển sang tiếng Việt và đăng trên Vietcatholic trong các ngày 8 tới ngày 22 tháng 7 năm 2014.

Cha nói: “Truyền thống cho rằng các tín hữu sở hữu một cảm thức nội tâm về thẩm quyền của một giáo huấn. Đó chính là sensus fidei hay sensus fidelium (cảm thức đức tin hay cảm thức của các tín hữu). Thầy có thể tìm hiểu nhiều hơn về điều này trong tài liệu Sensus Fidei của Tòa Thánh”.

Cha giải thích “Cảm thức đức tin tín hữu, sensus fidei fidelis, là một loại bản năng thiêng liêng giúp tín hữu phán đoán một cách bộc phát liệu một giáo huấn hay một thực hành đặc thù nào đó có phù hợp với Tin Mừng và đức tin tông truyền hay không”.

Áp dụng vào học lý “tiếp nhận”, theo Greg Brown, Cha Martin cho rằng một giáo huấn “phải” được tiếp nhận, nghĩa là “được đánh giá, được chấp nhận và hiểu rõ”, nếu không nó chưa “hoàn tất”.

Không phải chỉ là giáo huấn của Giáo Hội, bất cứ lời giảng dậy nào cũng cần phải được tiếp nhận thì mới hoàn tất; chưa được tiếp nhận, thì việc tiếp nhận vẫn còn cần phải làm, chứ không nhất thiết phải bỏ lời giảng dậy.

Chính vì thế, Tài liệu Sensus Fidei của Tòa Thánh dự liệu trường hợp một giáo huấn của huấn quyền chưa được tín hữu tiếp nhận. Lúc ấy cần cả hai phía: “các tín hữu phải suy nghĩ về giáo huấn đã được đưa ra, cố gắng hết sức để hiểu nó và chấp nhận nó. Theo nguyên tắc, chống lại giáo huấn của huấn quyền là điều bất tương hợp với cảm thức đức tin chân chính”. Về phần mình, huấn quyền phải tìm cách minh giải hay lên công thức lại cho giáo huấn để làm dễ dàng việc tiếp nhận nó. Chứ có đâu vì chưa tiếp nhận, mà mọi người phải ngưng không nói tới giáo huấn ấy nữa.

Công đồng Vatican II và ý niệm cảm thức đức tin

Tác giả Jimmy Akin truy tìm học lý tiếp nhận hay cảm thức đức tin nơi Công Đồng Vatican II: Công Đồng này dạy rằng Chúa Thánh Thần gìn giữ đoàn chiên của Chúa Kitô trong sự hợp nhất đức tin. Và do đó, khi Huấn Quyến ấn định một cách vô ngộ một giáo huấn nào đó, thì Chúa Thánh Thần soi sáng tín hữu để họ chấp nhận, hay tiếp nhận, giáo huấn này.

Diễn trình tiếp nhận trên phản ảnh điều các nhà thần học vốn gọi là “cảm thức của các tín hữu” (sensus fidelium) hay “cảm thức đức tin” (sensus fidei).

Ta biết ngay sau tuyên bố trên của Vatican II, diễn ra cuộc khủng hoảng lớn quanh thông điệp Sự Sống Con Người của Đức Phaolô VI. Những người bất đồng lúc ấy cho rằng vì có quá nhiều người Công Giáo bác bỏ giáo huấn của nó, nên diễn trình tiếp nhận chưa diễn ra, và bởi thế, giáo huấn này không chính xác hay có thẩm quyền. Và lẽ dĩ nhiên, họ trích dẫn lời của Vatican II để bênh vực lập trường của mình.

Chính vì thế, các người bênh vực giáo huấn của Giáo Hội đã cố gắng minh giải vai trò thực sự của cảm thức tín hữu hay cảm thức đức tin. Một trong các luận điểm của họ là: tiếp nhận là một diễn trình, không thể nhìn vào phản ứng tức khắc như một hướng dẫn dứt khoát. Phải để Chúa Thánh Thần đủ thì giờ để hướng dẫn các tín hữu.

Quả tình, với thời gian, nhiều văn kiện đã xuất hiện bàn đến chủ đề tiếp nhận và cảm thức đức tin. Một trong các văn kiện thấu đáo nhất chính là văn kiện Cảm Thức Đức Tin trong Đời Sống Giáo Hội năm 2014 của Ủy Ban Thần Học Quốc tế, như đã nhắc đến trên đây.

Và cũng như trên đã nói, đứng trước việc chưa tiếp nhận, cả giáo hội giảng dậy lẫn giáo hội được giảng dậy đều phải cố gắng hết sức để có được sự tiếp nhận (số 80).

Văn kiện nói đến sự kiện: không phải bất cứ người Công Giáo nào cũng biểu lộ chân chính một cảm thức đức tin chân thực. Cho nên nguyên sự kiện người Công Giáo bất đồng một số điểm không bảo đảm là họ hoàn toàn đúng và điều hiển nhiên là một số người Công Giáo nhiều tin tưởng hơn các người khác.

Qua việc làm của Người trong đời ta, Thiên Chúa hướng dẫn mọi người đã chịu phép rửa để họ biện phân được chân giả, nhưng ta vẫn còn ý chí tự do và do đó, ta phải hợp tác vào việc hướng dẫn của Người mới mong có kết quả.

Chính vì thế, Ủy Ban đưa ra một số tiêu chuẩn mà các cá nhân cần có để tham dự một cách chân chính vào cảm thức đức tin:

a) Tham dự vào đời sống Giáo Hội

b) Lắng nghe Lời Chúa

c) Cởi mở với lý trí

d) Gắn bó với huấn quyền

e) Thánh thiện — khiêm nhường, tự do, và hân hoan

f) Tìm cách xây dựng Giáo Hội.



Như thế, thì một người Công Giáo, tuy đã chịu phép rửa, nhưng sau đó, không bao giờ lui tới nhà thờ, sống quá xa rời đức tin, thì khó mà biểu lộ được một cảm thức đức tin siêu nhiên. Đức tin vốn chứa đựng trong Lời Chúa, thành thử việc sẵn sàng lắng nghe nó là điều cần thiết. Một người vô lý, cứ khăng khăng giữ ý kiến của mình bất chấp mọi luận điểm khác, chắc chắn khó mà biện phân được chân giả. Đức Kitô ban cho ta Huấn Quyền, ai từ nền tảng từ khước việc lắng nghe Huấn Quyền này thì làm sao là tín hữu chân chính được. Sự thánh thiện vốn là mục tiêu chủ yếu việc làm của Chúa trong đời ta, người không tìm cách sống thánh thiện khó mà hợp tác trong việc làm này. Sau cùng, Thiên Chúa hướng dẫn ta xây dựng các đồng tín hữu Kitô khác, nên nếu ta hướng chiều về việc gây chia rẽ thì đâu có hợp tác với Người!

Thăm dò công luận và cảm thức tín hữu

Ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, nhiều người Công Giáo thậm chí không tham dự Thánh Lễ thường xuyên. Thành thử, họ đâu có mức độ tham dự đức tin cần hiết để thoả mãn ngay cả tiêu chuẩn thứ nhất trên đây.

Khi xem xét tới số người hội đủ các tiêu chuẩn trên đây, ta thấy rõ các cuộc thăm dò công luận khó lòng có thể dựa vào để phán định về cảm thức tín hữu. Chính vì thế, Văn kiện của Tòa Thánh cho rằng ta không thể đồng hóa cảm thức đức tin với công luận.

i) Trước nhất, cảm thức đức tin hiển nhiên có liên hệ với đức tin, mà đức tin là một hồng ân không nhất thiết ai cũng có được, nên cảm thức đức tin chắc chắn không thể bị so sánh với công luận trong xã hội nói chung.

Rồi còn sự kiện này nữa: dù đức tin Kitô Giáo là nhân tố hàng đầu hợp nhất các chi thể của Giáo Hội, nhưng nhiều ảnh hưởng khác nhau cộng lại đã lên khuôn các quan điểm của Kitô hữu sống trong thế giới hiện đại.

Như cuộc thảo luận về thiên hướng (dispositions) đã chứng tỏ, cảm thức đức tin cũng không thể đơn giản bị đồng hóa với công luận hay ý kiến đa số trong Giáo Hội. Đức tin, chứ không phải ý kiến, là tập chú cần thiết phải lưu ý.

Ý kiến đôi khi chỉ là một phát biểu, thường có thể thay đổi và có tính tạm bợ, về một tâm trạng hay ước nguyện của một nhóm hay một nền văn hóa nào đó, còn đức tin là tiếng vang vọng của chính Tin Mừng, có giá trị mọi nơi mọi lúc.

ii) Trong lịch sử dân Chúa, thường không phải khối đa số mà là khối thiểu số đã thực sự sống và làm chứng cho đức tin. Cựu Ước từng biết đến ‘số còn lại thánh thiện’ trong các tín hữu, đôi khi rất ít, nhiều hơn vẫn là các vua chúa, tư tế và phần đông dân Israel…

Ngày nay, trong nhiều quốc gia, các Kitô hữu bị áp lực mạnh từ các tôn giáo và ý thức hệ thế tục phải lãng quên chân lý đức tin và làm mờ nhạt đi các biên giới của cộng đồng giáo hội. Bởi thế, điều cực kỳ quan trọng là biện phân và lắng nghe tiếng nói của “những kẻ bé nhỏ biết tin” (Mc 9:42) (số 118).

Khổ một điều, nhiều vị giáo sĩ và nhiều vị giáo phẩm ngả nghiêng khi thấy nhiều người lên tầu sa đọa quá, sợ mình thuộc phe thiểu số thảm hại, nên cũng muốn mập mờ nhẩy theo toa tầu đa số. Và không ngại dùng ý niệm tiếp nhận và cảm thức tín hữu lầm lẫn để biện minh cho lập trường của mình.